Truy trách nhiệm trong cấp phép làm tổn thất tài nguyên khoáng sản

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, vi phạm môi trường dẫn đến những hậu quả khôn lường. Với những sai phạm, phải xử lý thật nghiêm chứ không phải chỉ “hô khẩu hiệu”.

Chiều qua (15/8), báo cáo giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường tại phiên họp thứ 10 của UBTVQH, Đoàn giám sát chỉ rõ nhiều bất cập: việc cấp phép khai thác khoáng sản (KS) ở một số địa phương tràn lan, có lúc trái quy định của pháp luật, cấp chồng lên cả quy hoạch của Trung ương; nhiều giấy phép cấp không đúng đối tượng…

Khai thác khoáng sản trái phép
Khai thác khoáng sản trái phép

Thất thoát do cấp phép tràn lan

Trong những năm qua, ngành công nghiệp khai khoáng Việt Nam đã đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước, đã đóng góp từ 10-11% GDP (bao gồm cả dầu, khí). Với sự cố gắng của các cấp ngành, việc thực hiện pháp luật về khai thác KS gắn với bảo vệ môi trường đã thu được nhiều kết quả trên các lĩnh vực cả ban hành chính sách và thực thi pháp luật. Song, nhiều hạn chế đã được chỉ ra sau quá trình giám sát, trong đó có việc cấp phép khai thác KS

Theo thống kê, tính đến ngày 1/7/2011, hiện có 4.201 Giấy phép khai thác KS các loại (bao gồm cả Giấy phép khai thác tận thu KS) đang hoạt động trên địa bàn các tỉnh, thành phố trong cả nước (trừ tỉnh Bạc Liêu đến nay vẫn chưa cấp phép khai thác KS), trong đó, khai thác KS làm vật liệu xây dựng chiếm đến trên 82 %.

Một thực tế mà Đoàn Giám sát chỉ ra đó là số lượng cấp giấy phép khai thác KS của các địa phương khá lớn, vượt quá nhu cầu làm tổn hại tới môi trường, thất thoát tài nguyên khoáng sản.

Theo Báo cáo của Chính phủ, chỉ trong 3 năm, từ tháng 10/2005 đến tháng 8/2008, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã cấp 3.495 giấy phép khai thác, gấp hơn 7 lần số lượng Trung ương cấp trong 12 năm (Trung ương cấp là 478 giấy phép khai thác). Theo đó, tổn thất tài nguyên  khoáng sản là rất lớn, nhất là các địa phương có biên giới, có cảng thì xuất khẩu khoáng sản thô là khá nhiều.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, báo cáo của Đoàn giám sát là khá toàn diện, chỉ ra nhiều hạn chế sai phạm tuy nhiên ông chưa hài lòng vì chưa chỉ rõ trách nhiệm thuộc về ai. Kể cả trong lĩnh vực ban hành văn bản (chậm) cũng như việc tổ chức thực hiện.

“Có bao nhiêu tỉnh cấp phép không đúng quy hoạch, là những tỉnh nào?. Mỏ nào khai thác vi phạm, trách nhiệm thuộc về ai. Phải rõ trách nhiệm từng Bộ, ngành, địa phương để họ thấy được trách nhiệm của mình mà khắc phục”, ông Hiển nói.

Thừa nhận tình trạng cấp phép tràn lan nhưng theo ông Hiển thì phải rà lại xem loại nào cần thủ tục chặt chẽ, loại nào chỉ tương đối: “Tôi đi giám sát đoạn đường Hà Nội- Lào Cai, thấy mỗi việc cần đất để đắp đường mà phải làm đến 19 loại thủ tục”.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’ So Phước mong muốn, báo cáo bổ sung xem xử lý được bao nhiêu vụ cấp phép sai, bị tước giấy phép khai thác là bao nhiêu để Thường vụ “có cái nhìn đầy đủ hơn”.

Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị báo cáo làm rõ hơn vai trò quản lý nhà nước từ TW đến địa phương. Trong đó, đặc biệt, nguyên nhân của những vi phạm pháp luật “có chạy theo lợi ích địa phương, DN, cá nhân không?” - bà Mai đặt câu hỏi.

Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu cũng dẫn ra hiện tượng “xin- cho” trong cấp phép khai thác KS và quan ngại “liệu có tiêu cực gì không?”. Phó Chủ tịch chưa hài lòng vì cho rằng “báo cáo chưa phản ánh được đầy đủ bức xúc từ thực tiễn cuộc sống trong lĩnh vực này”.

Quan tâm đến những vấn đề về cấp phép, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu trong hơn 4.000 giấy phép được cấp đó, tình hình thực hiện ra sao, cái nào đúng, cái nào sai. “Cái nào đúng cho làm tiếp, cái nào sai thu hồi, cấp sai thì phải xử lý” - Chủ tịch QH kiên quyết.

90% cơ sở vi phạm về bảo vệ môi trường

Về tình trạng vi phạm phát luật về môi trường, Đoàn giám sát chỉ rõ: môi trường lao động trong hoạt động khai thác KS đang bị ô nhiễm, làm nhiều người bị bệnh nghề nghiệp, đặc biệt là bệnh bụi phổi nghề nghiệp. Môi trường ô nhiễm không chỉ ảnh hưởng trong phạm vi mỏ mà còn đang tác động không nhỏ đến một bộ phận rất lớn người dân sinh sống trong khu vực.

Theo báo cáo của Tổng cục cảnh sát phòng, chống tội phạm thì trên 90% cơ sở sản xuất, kinh doanh khai thác, chế biến khoáng sản vi phạm pháp luật về BVMT. Từ năm 2007 đến tháng 7/2012 lực lượng cảnh sát môi trường đã phát hiện xử lý 4.142 vụ. Riêng năm 2011 và 6 tháng đầu năm 2012 phát hiện và xử lý 2.117 vụ, phạt vi phạm hành chính 21,7 tỷ đồng.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh Nguyễn Kim Khoa dẫn chứng từ chuyến đi giám sát của ông tại Phú Thọ và cho biết, thực tế trên địa bàn này có những DN dù đã được cấp phép nhưng do ảnh hưởng tiêu cực từ môi trường mà người dân kiên quyết không cho khai thác KS. “Phải làm rõ những bức xúc, tìm ra nguyên nhân và giải pháp, để ngăn chặn những vi phạm PL trong lĩnh vực này” - ông Khoa kiến nghị.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng đề nghị, báo cáo cần làm  rõ hơn tác động của những vi phạm về môi trường đối với xã hội, đặc biệt đời sống người dân, vì theo ông Phúc vi phạm môi trường dẫn đến những hậu quả khôn lường. Với những sai phạm, phải xử lý thật nghiêm chứ không phải chỉ “hô khẩu hiệu”.

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, riêng tai nạn lao động và tai nạn lao động chết người trong khai thác khoáng sản trong những năm gần gây luôn chiếm tỷ lệ cao, khoảng trên dưới 20% tổng số vụ tai nạn lao động và có hàng ngàn người bị bệnh nghề nghiệp.

Điển hình là sự cố sạt lở bãi thải cũ của Cty Than Cọc Sáu làm chết 03 người, bị thương 3 người. Gần đây nhất, tháng 4/2012 là sự cố trượt lở bãi thải mỏ than Phấn Mễ (Thái Nguyên) đã làm vùi lấp toàn bộ 10 căn nhà và làm chết 06 người.

Đối với địa phương, Đoàn giám sát đề nghị cần chấn chỉnh việc cấp phép, rà soát và thu hồi những giấy phép đã cấp không đúng quy định; không cấp phép cho các dự án khai thác khoáng sản tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; có biện pháp tháo gỡ khó khăn để đẩy mạnh đầu tư các dự án chế biến sâu khoáng sản; ưu tiên thu hút đầu tư các dự án khai thác khoáng sản có sử dụng công nghệ cao, công nghệ sản xuất sạch, thân thiện với môi trường.

Thu Hằng

Đọc thêm

Bảo vệ và giáo dục quyền con người được thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc
(PLVN) - "Tại Việt Nam, việc bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người được thực hiện thường xuyên, xuyên suốt, được khẳng định trong đường lối, chính sách, tổ chức thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 11/12.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn Công tác của Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người

Toàn cảnh Hội nghị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: V.Anh
(PLVN) - Sáng 11/12, Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố diễn ra Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước
(PLVN) -  Sáng 10/12, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh
HĐND tỉnh Quảng Ninh nhất trí bầu bà Trịnh Thị Minh Thanh – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh, làm Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh; ông Phạm Đức Ấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV...