Ghi nhận một số ca phản ứng phản vệ độ 2
Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) đang trong quá trình triển khai đợt 1, trong đợt đầu tiên tiêm vắc xin đối tượng ưu tiên là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ Covid-19 cộng đồng và Ban chỉ đạo phòng chống dịch.
Ngày 21/3/2021, Bộ Y tế thông tin, Dự án TCMR tiếp tục ghi nhận các trường hợp phản ứng sau tiêm, hầu hết là phản ứng thông thường, điều đó cho biết cơ thể người được tiêm đang tạo ra miễn dịch sau khi tiêm vắc xin để phòng bệnh.
Thế nhưng, đã có hơn 12 nước, trong đó có Pháp, Ý, Đức dừng tiêm vắc xin Covid-19 của AstraZeneca vì lo ngại nguy cơ có thể gây đông máu và một số tác dụng phụ khác. Trước những phản ứng phụ khi tiêm phòng Covid-19 nhiều nước châu Âu đã có động thái ngừng tiêm dù chưa đủ chứng cứ khoa học để khẳng định có mối liên hệ giữa việc tiêm vắc xin và biến chứng gây đông máu.
Ngày 14/3, Hà Lan ngừng sử dụng vắc xin Covid-19 của AstraZeneca sau khi có báo cáo về các tác dụng phụ không mong muốn từ việc tiêm. Ngày 11/3, Đan Mạch dừng toàn bộ việc tiêm vắc xin của AstraZeneca trong hai tuần sau khi một phụ nữ 60 tuổi nước này bị đông máu và chết sau khi tiêm, mặc dù trong số hơn 142.000 người Đan Mạch đã tiêm chỉ có một số bị tình trạng này nặng, một người đã chết. Sau Đan Mạch, Na Uy cũng tuyên bố dừng tiêm toàn bộ vắc xin của AstraZeneca.
Sau đó, chính quyền Ý ngày 11/3 cũng ra quyết định tương tự dù không nêu lý do cụ thể.
Theo tìm hiểu, Việt Nam chưa ghi nhận phản ứng đông máu sau tiêm. Theo số liệu của Chương trình TCMR, trong 1.585 người đã tiêm vắc xin tại 9 thành phố từ ngày 8 đến 11/3, chỉ có 8 ca có phản ứng phản vệ độ 2 như khó thở, nôn và buồn nôn, kẹt huyết áp, tiêu chảy..., bên cạnh một số trường hợp gặp phản ứng tại chỗ như sưng đau chỗ tiêm. Như vậy có thể thấy cho đến thời điểm này các phản ứng phụ của loại vắc xin này cũng rất ít xảy ra.
Khuyến cáo của Bộ Y tế
Trước thông tin việc sử dụng vắc xin AstraZeneca có khả năng sản sinh các kháng thể mà sau đó kích thích sự hình thành cục máu đông trong những trường hợp “hiếm gặp”, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định không có mối liên hệ nguyên nhân - kết quả trong các trường hợp gặp biến chứng huyết khối sau khi tiêm vắc xin ngừa Covid-19. “Mối quan hệ nguyên nhân - kết quả giữa những diễn biến vẫn chưa được xác định vào thời điểm này”, WHO nhấn mạnh.
Trước việc nhiều quốc gia có động thái thận trọng dừng tiêm vắc xin, Hãng sản xuất vắc xin ngừa Covid-19 AstraZeneca đã thông báo dữ liệu của 17 triệu người được tiêm vắc xin cho thấy không có bằng chứng về việc gia tăng nguy cơ máu đông.
Để đảm bảo an toàn vắc xin, mới đây Bộ Y tế Việt Nam đã ban hành Quyết định số 1624/QĐ-BYT hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin Covid-19 của AstraZeneca, nhằm phát hiện và phân loại các đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19. Theo đó, các đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng là người từ 18 tuổi trở lên, không quá mẫn với hoạt chất hoặc với bất kỳ tá dược nào liệt kê trong thành phần của vắc xin.
Ngoài ra, có 9 đối tượng trì hoãn tiêm chủng, gồm: Người đang mắc bệnh cấp tính; phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ; những người bị suy giảm khả năng đáp ứng miễn dịch, ung thư giai đoạn cuối, xơ gan mất bù; người trong vòng 14 ngày trước có điều trị corticoid liều cao hoặc điều trị hóa trị, xạ trị; người trong vòng 90 ngày trước có điều trị immunoglobulin hoặc điều trị huyết tương của người bệnh Covid-19; tiêm vắc xin khác trong vòng 14 ngày trước; người đã mắc Covid-19 trong vòng 6 tháng; người trên 65 tuổi; người bị giảm tiểu cầu hoặc rối loạn đông máu.
Tại hướng dẫn này cũng quy định 4 đối tượng cần thận trọng tiêm chủng. Cụ thể các đối tượng (như người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác; người có bệnh nền nặng, bệnh mạn tính chưa được điều trị ổn định; người mất tri giác, mất năng lực hành vi; người có bệnh mạn tính có phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống (mạch dưới 60 lần/phút hoặc trên 100 lần/phút; huyết áp tăng hoặc giảm, nhịp thở trên 25 lần/phút…) phải được khám sàng lọc kỹ và tiêm chủng trong bệnh.
Đặc biệt, chống chỉ định với người có tiền sử phản vệ từ độ 2 trở lên tại lần tiêm trước hoặc với bất cứ thành phần nào của vắc xin.