Tham dự Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) được tổ chức tại thủ đô Dushanbe của Tajikistan, ông Putin nói rằng nên "sử dụng tiềm năng của mình" để "kích thích các chính quyền Afghanistan mới" trong việc thực hiện lời hứa của họ về bình thường hóa cuộc sống và mang lại an ninh ở Afghanistan.
Theo Tổng thống Nga, các đối tác nên làm việc với chính phủ mới của Afghanistan, ngay cả khi đó không phải là đại diện cho quốc gia này.
Qua phát biểu trực tuyến tại Hội nghị, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng cho rằng, cần phải "khuyến khích Afghanistan thiết lập một khuôn khổ chính trị rộng rãi và bao trùm" và "kiên quyết chống lại mọi hình thức khủng bố", chung sống hòa bình với các nước láng giềng.
Matxcơva và Bắc Kinh đã tiến tới khẳng định mình là những nhân tố quan trọng ở Trung Á, sau khi Hoa Kỳ vội vàng rút lui khỏi Afghanistan và Taliban tiếp quản đất nước.
Trung Quốc có đường biên giới dài 76 km với Afghanistan. Nước chủ nhà Hội nghị thượng đỉnh Tajikistan đã đặc biệt lo lắng trước việc Taliban trở lại nắm quyền và sự tập trung của các nhóm chiến binh dọc theo biên giới dài 1.357 km với Afghanistan.
Tổng thống Tajikistan Emomali Rakhmon tại hội nghị thượng đỉnh SCO đã kêu gọi "một vành đai an ninh đáng tin cậy xung quanh Afghanistan (để ngăn chặn) sự mở rộng tiềm tàng của các nhóm khủng bố."
Tuy nhiên, Thủ tướng Pakistan Imran Khan đã ca ngợi "cơ hội hiếm có để chấm dứt 40 năm chiến tranh ở Afghanistan", đồng thời thúc giục Taliban đảm bảo sự đại diện của tất cả các nhóm dân tộc trong Chính phủ của mình.
Moscow đã lạc quan một cách thận trọng về Taliban kể từ khi lực lượng này lên nắm quyền vào tháng trước sau một loạt các cuộc tấn công chớp nhoáng trên khắp Afghanistan. Tuy nhiên, Điện Kremlin cho biết họ không vội công nhận chính quyền mới của Afghanistan và đang theo dõi việc họ thực hiện các cam kết hạn chế buôn bán ma túy và chống khủng bố.
Các thành viên sáng lập khác của SCO là các quốc gia Trung Á thuộc Liên Xô cũ như Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan. Ấn Độ và Pakistan gia nhập khối vào năm 2017.
Hội nghị thượng đỉnh Dushanbe cũng đã công nhân tư cách thành viên đầy đủ của Iran. Bộ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amir Hossein Amir-Abdollahian cho biết việc gia nhập khối sẽ có "tác động quan trọng" đối với sự hợp tác của Tehran với các nước.
Riêng Bộ Ngoại giao Iran cho biết Tehran sẽ tổ chức cuộc họp cấp bộ trưởng bốn bên mới nhất về Afghanistan vào tháng 10 với sự tham gia của Iran, Trung Quốc, Nga và Pakistan.