Trong thông báo hôm 30/9/2016, đại diện Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao và Bộ Công an Trung Quốc đã thể hiện rõ quyết tâm kể trên. Và việc này diễn ra sau khi Campuchia quyết định trục xuất 63 nghi phạm tống tiền qua mạng về Trung Quốc hôm 20/9/2016.
Lừa gạt, tống tiền qua mạng
Tân Hoa xã cho biết, ngày 20/9/2016, công an thành phố Nam Kinh đã cử hơn 140 cảnh sát, đáp chuyến máy bay thuê bao để áp giải 63 nghi phạm (50 người Trung Quốc và 13 người Đài Loan) về nước. Cảnh sát Campuchia ra quyết định trục xuất 63 nghi phạm này sau 3 tuần bắt giữ chúng khi tiến hành cuộc đột kích vào một căn hộ ở thủ đô Phnom Penh.
Khi đó, tờ thời báo Khmer dẫn lời Thiếu tướng Uk Heiseila, Trưởng phòng điều tra của Bộ Nội vụ Campuchia cho biết, trong số 63 công dân Trung Quốc bị bắt và trục xuất có 9 phụ nữ. Những người này đã giả danh cơ quan chức năng, gọi điện thoại qua mạng internet (VoIP) để lừa gạt, tống tiền các nạn nhân người Trung Quốc.
Theo giải thích của Bộ Công an Trung Quốc, số nghi can kể trên được dẫn độ về Trung Quốc để điều tra bởi đại đa số nạn nhân của đường dây lừa gạt này đều sống ở đại lục. Trước đó (tháng 7/2016), cảnh sát Campuchia đã trục xuất 39 người Trung Quốc có hành vi lừa đảo tương tự.
Ước tính tổng số tiền mà các đối tượng lừa đảo lên tới hàng tỉ USD. Ngoài số nghi phạm bị bắt, cảnh sát Campuchia còn thu giữ 56 điện thoại, 57 bộ VoIP, 8 máy tính xách tay và các thiết bị Wi-Fi.
Theo thống kê của cảnh sát Campuchia, kể từ năm 2011, khoảng 8.000 người Trung Quốc đã bị bắt tại các nước Campuchia, Indonesia và Philippines với cáo buộc tham gia vào các vụ tống tiền qua mạng. Và từ tháng 11/2015, Campuchia đã trục xuất về Trung Quốc 200 đối tượng bị tình nghi có dính líu đến các đường dây lừa đảo.
Ngày 9/12/2016, quan chức Campuchia và Trung Quốc đã nhất trí xây dựng cơ chế để tăng cường hợp tác trong tấn công tội phạm mạng. Việc này diễn ra sau khi Ngoại trưởng Campuchia Prak Sokhonn có cuộc tiếp ông Lưu Quang Nguyên, Vụ trưởng Các vấn đề an ninh liên quan đến nước ngoài thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Campuchia bắt, chuyển giao cho Trung Quốc nghi can lừa đảo người Đài Loan |
Chiến thắng đầu tiên
Trước đó, 282 cảnh sát từ Bắc Kinh, Thượng Hải, Hàng Châu và Quảng Châu đã bay tới Indonesia và Campuchia để áp giải 254 nghi phạm về nước. Và đó là chiến thắng đầu tiên của chiến dịch trấn áp tội phạm viễn thông tại Trung Quốc.
Gần 1 năm trước (tháng 2/2016), Bộ Công an Trung Quốc từng cảnh báo người dân về 48 kiểu lừa đảo viễn thông, trong đó có tấn công tin tặc vào tài khoản tin nhắn của nạn nhân để lấy thông tin tài khoản ngân hàng.
Trong khi đó, Đài Bắc cáo buộc cảnh sát Kenya cầm súng ép 45 công dân Đài Loan lên máy bay để trục xuất về Trung Quốc. Trong khi Đài Loan phản đối Kenya không tôn trọng phán quyết của tòa án, Bắc Kinh lại khẳng định, những người Đài Loan bị bắt phải được đưa về Trung Quốc xét xử do lừa đảo người dân đại lục.
Bởi trước đó (thượng tuần tháng 4/2016), 45 công dân Đài Loan tuy bị bắt về tội lừa đảo qua điện thoại, nhưng vẫn được tòa án ở Kenya tuyên trắng án bởi các công tố viên không tìm thấy bằng chứng kết tội. Và mặc dù được tòa cho phép trở về Đài Loan, nhưng những người này vẫn bị trục xuất về Trung Quốc theo yêu cầu của Bắc Kinh.../.