[links()] Đọc các tuyên bố chính thức của Trung Quốc về Biển Đông, người bình thường không thể cắt nghĩa được cái tâm thức "đại quốc, tiểu nhân" trong lời nói và hành động. Tìm mọi cách để biến cái gọi là "thành phố Tam Sa" thành tiền đồn trên Biển Đông, nhưng Trung Quốc lại làm ra vẻ là một đối tác tuân thủ luật pháp quốc tế (!)
Nhắc lại quyết định chính thức do Quân ủy Trung ương Trung Quốc vừa công bố, cho phép một đơn vị quân đội "đồn trú" tại cái gọi là "thành phố Tam Sa" bao trùm Biển Đông, tờ Le Figaro ngày 25/7 khẳng định, thành phố có tên Tam Sa thực chất có trụ sở nằm ngay trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đã chiếm từ tay Việt Nam vào năm 1974.
Biến "Tam Sa" thành thánh địa
Ngày 31/7, tại Bắc Kinh, trong cuộc họp báo kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), người phát ngôn Bộ Quốc phòng Cảnh Nhạn Sinh vẫn nhấn mạnh: "Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo và vùng biển xung quanh trên Nam Hải" (tức Biển Đông); "Trung Quốc thành lập cơ quan tương ứng trên lãnh thổ của mình là công việc nội bộ của Trung Quốc"(?). Về cái gọi là "thành phố Tam Sa" bị Việt Nam và quốc tế phản đối, Cảnh Nhạn Sinh vẫn ngang nhiên: "Thiết lập khu thành phố Tam Sa là sự sắp xếp bình thường được tiến hành theo quy định hữu quan của Trung Quốc..."(?!)
Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain mới đây vừa tuyên bố "Trung Quốc không xứng một cường quốc có trách nhiệm!" |
Nhưng cũng tại buổi họp báo trên, khi bị phóng viên tờ Sky News chất vấn, có phải quân đội Trung Quốc đang chuẩn bị phát động chiến tranh trên biển Đông hay không, người phát ngôn Bộ Quốc phòng lại lấp liếm các thông tin liên quan bằng cách khẳng định: Quân đội Trung Quốc phản đối bất cứ hành vi can thiệp quân sự nào ở khu vực biển Đông(?!) Trong khi đó, theo tuần báo Time, chính truyền thông nhà nước Trung Quốc trước đó đã cho biết, đơn vị đồn trú tại Biển Đông được trang bị như một sư đoàn, tức là có cả bộ binh, phương tiện cơ giới, pháo binh, xe bọc thép, cùng với lực lượng đổ bộ được phi cơ và trực thăng hỗ trợ.
Nội dung báo chí Trung Quốc mấy tuần qua đồng loạt đưa tin "Thành phố Tam Sa là tiền tuyến mới của Bắc Kinh trong trận chiến Nam Hải" (cách Trung Quốc gọi Biển Đông). Liên quan đến việc việc chính quyền thành phố Tam Sa vừa thành lập để quản lý vùng biển đảo Phú Lâm của Việt Nam, theo truyền thông Trung Quốc, thành phố Tam Sa là tiền tuyến đầu của Bắc Kinh trong trận chiến tới đây. Bắc Kinh thành lập Tam Sa là để giành thế chủ động trong nỗ lực nhằm khẳng định chủ quyền Trung Quốc tại khu vực.
Tác giả bài báo Arnaud de la Grange, phóng viên của Le Figaro nói trên ghi nhận: Trong cuộc tranh chấp vùng biển với các nước láng giềng, Trung Quốc không hề buông súng, mà trái lại nữa là khác! Việc công bố cho một đơn vị quân đội đồn trú tại thành phố Tam Sa là bước tiến mới nhằm "biến vùng này thành một thánh địa (sanctuariser)", bất chấp vô số tranh chấp với các nước láng giềng Đông Nam Á. Song song với việc áp đặt chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Trung Quốc còn phái một đoàn tàu đánh cá được trang bị vũ khí nặng đến Trường Sa (của Việt Nam). Bắc Kinh đang bền bỉ dùng chính sách "sự đã rồi" để áp đặt chủ quyền của họ.
Điều đáng nói thêm là Bắc Kinh đang nỗ lực tuyên truyền rộng rãi cho sự kiện này trong dân chúng. Tờ Minh Báo tại Hồng Kông hôm mới đây đã tiết lộ rằng giới lãnh đạo truyền thông Trung Quốc đã ra lệnh cho báo chí dựa theo Tân Hoa xã để đưa tin rộng rãi về việc thành lập thành phố Tam Sa, với hàng loạt phóng sự của các nhà báo đến tận nơi để đưa tin. Điều này sẽ lại càng in đậm trong tâm trí người dân Trung Quốc niềm tin là toàn bộ vùng Biển Đông thuộc về chủ quyền của Trung Quốc, đẩy lùi khả năng Bắc Kinh nhượng bộ trên vấn đề tranh chấp biển đảo với nước khác, đặc biệt là với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Chiêu bài "gác tranh chấp" kiểu Trung Quốc
Tạp chí "Liêu vọng" do Tân Hoa xã chủ quản, trong số ra mới đây đã hăng hái quảng bá cho mô hình "gác tranh chấp". Theo bài thuyết giáo trên "Liêu Vọng", nội dung "chủ quyền về ta, gác lại tranh chấp, cùng khai thác'' do Trung Quốc đề xuất trong thế kỷ trước không những đã phản ánh đầy đủ "trí tuệ Đông phương", mà còn phù hợp với quy định trong "Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển". Theo đó, "trước khi đạt được thỏa thuận, các nước tranh chấp cần căn cứ theo tinh thần thông cảm và hợp tác, đem hết mọi khả năng đưa ra giải pháp tạm thời mang tính thực tế" (!)
Đưa tàu quân sự trá hình hộ tống đội tàu cá đến vùng biển Trường Sa của Việt Nam, song trên lời nói, Trung Quốc đã đánh tráo các khái niệm. Tờ "Liêu Vọng" nói trên tiếp tục biện bạch: "Chủ trương về khu đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nhiều nước ven bờ lại chồng lấn lên nhau, nên giải pháp tạm thời Trung Quốc đề xuất như vậy là có tính khả thi"(?). Và phớt lờ những căng thẳng Trung Quốc đang gây ra hiện nay trên Biển Đông, tờ báo lấp liếm: "Khi thúc đẩy giải pháp tạm thời giữa các nước tranh chấp, phải xây dựng lòng tin, đồng thời thực hiện cam kết chính trị, không làm phức tạp hóa và mở rộng tranh chấp" (?)
Năm 2002 Trung Quốc và các nước ASEAN đã ký kết bản "Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông" (DOC). Với tư cách là văn kiện chính trị ràng buộc hành vi của tất cả các bên tranh chấp, ý nghĩa của việc ký kết và sự tồn tại của văn kiện nói trên là ở chỗ các bên cùng tuân thủ, nhưng Trung Quốc làm như mình là bên vô can khi tuyên bố: "Tuyệt đối không được đơn phương chỉ ràng buộc Trung Quốc"(?). Trung Quốc còn biện bạch: "Nếu không đảm bảo được nguyên tắc về thành ý thì dù có ra được bộ "Quy tắc về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông" (COC) cũng sẽ không có bất cứ ý nghĩa nào"(?)
Để phủi trách nhiệm về các hành động phi pháp hiện nay trên Biển Đông, Trung Quốc lập luận: Căn cứ theo quy tắc điều khoản và thông lệ quốc tế liên quan trong "Công ước Viên về luật quốc tế" thì nguyên tắc cơ bản trong luật quốc tế mà "điều ước phải tuân thủ" là không chỉ tất cả các nước đương sự thuộc một hiệp ước quốc tế riêng biệt nào đó đều có nghĩa vụ pháp luật tuân thủ hiệp ước đó, mà còn bao hàm ý nghĩa là nếu một bên vi phạm hiệp ước trước, bên kia sẽ có quyền từ chối sự ràng buộc của điều ước này đối với nước đó trong quan hệ giữa hai nước (!)
Quả là lưỡi không xương! Nói không nhất quán, nói không đi đôi với làm! Chả trách gì thượng nghị sĩ Mỹ John McCain mới đây vừa tuyên bố: "Trung Quốc không xứng một cường quốc có trách nhiệm!"
Để cho tờ "Liêu vọng" đánh tráo các khái niệm như trên, liệu có nước nào trong ASEAN có thể tin vào tuyên bố: "Trung Quốc sẵn sàng phát triển quan hệ an ninh-quốc phòng với ASEAN - vấn đề Nam Hải (tức là Biển Đông) cần giải quyết thông qua đàm phán" (?!)
Theo Vietnamnet