Trực tuyến về 'Bạo lực học đường - Nhìn từ góc độ pháp luật và Giải pháp'

Ông Bùi Văn Linh (ngồi giữa) và ông Phan Hồng Nguyên (bên trái)  giải đáp nhiều câu hỏi quan tâm của độc giả về bạo lực học đường
Ông Bùi Văn Linh (ngồi giữa) và ông Phan Hồng Nguyên (bên trái) giải đáp nhiều câu hỏi quan tâm của độc giả về bạo lực học đường
(PLVN) - Hai chuyên gia là ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng phụ trách, Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác Học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo và ông Phan Hồng Nguyên, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp đã trực tiếp giải đáp những câu hỏi quan tâm của độc giả. 

Bạo lực học đường không phải là vấn đề mới nhưng tại sao thời gian gần đây lại nổi lên như một vấn đề đáng quan ngại như vậy?. Chúng ta phải hiểu thế nào về bạo lực học đường? Gia đình, Nhà trường, Xã hội phải có trách nhiệm như thế nào đối với con, em của mình và đối với việc tạo dựng một môi trường học tập an toàn?.

Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tư pháp sẽ làm gì để tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật cho thanh, thiếu niên, trong đó có học sinh, sinh viên? 

Thưa ông Bùi Văn Linh, bạo lực học đường không phải là vấn đề mới nhưng một thống kê gần đây cho thấy tình trạng bạo lực học đường hiện nay tăng gấp 10 lần so với 10 năm trước. Ông nhìn nhận thế nào về nguyên nhân của bạo lực học đường và sự gia tăng của tình trạng này?

Ông Bùi Văn Linh: Nghiên cứu các nước phát triển cho thấy tình trạng bạo lực học đường cũng rất nghiêm trọng, xảy ra thường xuyên với nhiều hình thức như bắt nạt, đánh nhau…Chính phủ các nước này cũng phải có nhiều giải pháp mạnh tay để chấn chỉnh công tác này. Ví dụ tại Hàn Quốc, có giai đoạn Chính phủ nước này qui định lực lượng cảnh sát phải túc trực 24/7 ngay tại các trường học để đảm bảo an ninh, an toàn và phòng chống hiện tượng bạo lực học đường

Ở Việt Nam, với quy mô lớn trên 22 triệu học sinh, sinh viên và 1,2 triệu nhà giáo - tổng cộng chiếm gần 1/4 dân số cả nước, việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn không phải là công việc dễ dàng và không chỉ riêng một ngành nào có thể làm được.

Chúng ta cũng viết, hiện tượng học sinh đánh nhau thì ngày trước cũng vẫn xảy ra. Tuy nhiên, có điều kiện kinh tế, công nghệ công tin còn khó khăn nên các vụ việc không được ghi lại và đăng tải lên mạng. Do đó, chúng ta nghĩ là ít xảy ra và cũng không thống kê được…

Theo tôi, nguyên nhân của hiện tượng này gồm:

- Ngày nay, với sự phát triển của kinh tế, các gia đình khá giả hơn, hay trang bị các thiết bị điện tử hiện đại (smartphone, ipad…) có kết nối trực tiếp với mạng xã hội; bên cạnh đó sự bùng nổ của internet, MXH, tỷ lệ giới trẻ nói chung, học sinh nói riêng tham gia MXH rất lớn. Với độ tuổi đang phát triển, sự hiếu kỳ kết hợp với thiếu hiểu biết pháp luật nên hiện tượng ghi hình và phát tán các vụ đánh nhau dễ dàng được học sinh đăng lên mạng… Từ đó cộng đồng xã hội biết đến nhanh hơn.

- Do đặc điểm tâm lý lứa tuổi học sinh đang trong giai đoạn phát triển mạnh về thể chất và tâm sinh lý, hiếu động và muốn tự khẳng định mình. Một số học sinh chưa được trang bị các kỹ năng sống cơ bản để thích nghi với sự biến đổi của đời sống xã hội.

- Những hành vi xấu xuất hiện ngày càng nhiều trong đời sống đã có tác động tiêu cực đến quá trình nhận thức, hoàn thiện nhân cách, đạo đức của học sinh.

- Công tác giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, các tài liệu tham khảo… còn thiếu hướng dẫn ứng xử trong những tình huống cụ thể, thiếu các điều kiện cần thiết để triển khai.

- Sự phối hợp giữa nhà trường với gia đình và xã hội chưa chặt chẽ và chưa thực sự hiệu quả. Các gia đình chưa thể hiện hết bổn phận, trách nhiệm và vai trò của mình trong việc giáo dục, quản lý học sinh; nhiều gia đình có điều kiện kinh tế khá giả thì lại chiều con thái quá, đòi gì được nấy, con em không phải lao động nên không trân trọng thành quả lao động; một số gia đình không chăm lo con thường xuyên, không lắng nghe các tâm tư, nguyện vọng, các khó khăn và vướng mắc của con em mình, có tâm lý “khoán trắng” cho các nhà trường, thầy cô giáo… Hiện tượng bạo hành gia đình, hành vi bạo lực còn xảy ra ở một số gia đình; sự nêu gương của người lớn chưa tốt cùng tác động tiêu cực đến các em…

- Tuy internet có nhiều lợi ích cho người dùng như là nguồn kiến thức tham khảo rất lớn trên mọi lĩnh vực… nhưng thực tế còn tồn tại rất nhiều các nội dung xấu, thông tin độc hại, tin giả, tin xuyên tặc, nội dung bạo lực, kích động bạo lực trong các trò chơi bạo lực và phim ảnh, truyền hình… đã tác động tiêu cực, dần dần tiêm nhiễm vào tư tưởng, nhận thức, hành vi và lối sống của học sinh…

Chúng ta nói nhiều đến trách nhiệm của gia đình - Nhà trường - Xã hội trong việc ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường, ông có thể cho biết Nhà trường, mà rộng hơn là ngành Giáo dục, đã triển khai việc ngăn chặn tình trạng này như thế nào, thưa ông?

Ông Bùi Văn Linh cho biết ngành Giáo dục và Đào tạo đã và đang triển khai nhiều giải pháp kiềm chế bạo lực học đường
Ông Bùi Văn Linh cho biết ngành Giáo dục và Đào tạo đã và đang triển khai nhiều giải pháp kiềm chế bạo lực học đường

Ông Bùi Văn Linh: Trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã rất tích cực tham mưu Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng ban hành và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ban hành theo thẩm quyền để hoàn thiện đầy đủ hệ thống hành lang pháp lý, văn bản quy phạm pháp luật nhằm chỉ đạo thực hiện kịp thời, đầy đủ các chỉ đạo cấp trên và các qui định của Ngành Giáo dục nhằm xây dựng môi trường sư phạm, văn hóa học đường, môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường hiệu quả trong các cơ sở giáo dục, chú trọng công tác giáo dục toàn diện người học; đặc biệt là giáo dục đạo đức, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa ứng xử, ý thức chấp hành pháp luật, tinh thần trách nhiệm công dân cho học sinh tại các nhà trường, như: Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; Chỉ thị số 18/2017/CT-TTg ngày 16/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; Quyết định số 1501/QĐ-TTg 28/8/2015 phê duyệt Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015 - 2020”Quyết định số 1299/QĐ-TTg ngày 03/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025” của Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành: Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT ngày 18/12/2017 của Bộ GDĐT hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông; Chỉ thị số 505/CT-BGDĐT ngày 20/02/2017 của Bộ GDĐT về việc tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn trong các cơ sở giáo dục; Quyết định số 5886/QĐ-BGDĐT ngày 28/12/2017 của Bộ trưởng Bộ GDĐT ban hành Chương trình hành động phòng, chống bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên giai đoạn 2017-2021; Chỉ thị số 1572/CT-BGDĐT ngày 12/05/2016 của Bộ GDĐT về việc tăng cường các giải pháp phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em, học sinh, sinh viên... 

- Thường xuyên tổ chức Tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên dạy môn Đạo đức, Giáo dục Công dân, cán bộ làm công tác giáo dục chính trị, CTHSSV, đội ngũ cán bộ Đoàn-Đội...

- Chủ động phối hợp hiệu quả, thiết thực với Bộ Công an, Bộ LĐTBXH, Bộ VHTTDL, Trung ương Đoàn, Hội SV VN... triển khai đồng bộ các giải pháp, nhiêm vụ nhằm giáo dục toàn diện cho HSSV. Bộ GD&ĐT, Bộ Công an vừa tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm triển khai Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT/BCA-BGDĐT của Bộ Công an và Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật khác trong ngành Giáo dục. Với TƯ Đoàn, Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm triển khai Quyết định số 1501/QĐ-TTg.

- Ban hành các Công văn gửi trực tiếp Chủ tịch UBND các tỉnh/TP để triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn cho học sinh...

- Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã trực tiếp triệu tập 3 hội nghị Giám đốc các Sở GD&ĐT quán triệt về trách nhiệm, yêu cầu xây dựng môi trường văn hóa học đường, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh...

- Đẩy mạnh tổ chức nhiều phong trào thi đua yêu nước, Phong trào đổi mới-sáng tạo trong dạy và học; triển khai Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”...

- Chủ động tổ chức thanh tra , kiểm tra và xử lý kịp thời các vụ việc nóng làm dư luận xã hội bức xúc như vi phạm đạo đức nhà giáo, bạo lực học đường, ứng xử thiếu văn hóa...

Tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo môi trường an toàn cho học sinh; phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương cùng nhau vào cuộc trong việc tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật tại cơ sở, đặc biệt là tại các trường học. Chính quyền địa phương các cấp phải thường xuyên thanh tra, kiểm tra giám sát việc thực hiện và có chức năng trực tiếp trong việc xử lý các vụ việc mất an ninh, an toàn trong trường học.

- Các cơ quan quản lý nhà nước cần rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm phát hiện những điểm bất cập để tiến hành chỉnh sửa, hoàn thiện sao cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Tăng cường tuyên truyền những gương người tốt - việc tốt, tấm gương điển hình chăm ngoan, học giỏi, có trách nhiệm với bạn bè và cộng đồng.

- Quá trình bồi dưỡng, tập huấn thường xuyên nhằm nâng cao năng lực sư phạm, xử lý tình huống sư phạm... cũng cần được tăng cường hơn trong thời gian tới đây cho tất cả cá nhân, tổ chức trong trường học.

- Bộ GD&ĐT chuẩn bị ký ban hành Thông tư quy định quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên; Thông tư khen thưởng – kỷ luật học sinh để thay thế cho quy định đã có.

- Chỉ đạo các trường học xây dựng kế hoạch phòng, chống bạo lực học đường, phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể, ban giám hiệu, giáo viên bộ môn, giáo viên chủ. Xây dựng và thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử trong trường học thể hiện được các giá trị cốt lõi: Nhân ái, tôn trọng, trách nhiệm, hợp tác, trung thực trên cơ sở quy định khung của Bộ GD&ĐT.

- Tăng cường nề nếp, kỷ cương trong trường học; đưa nội dung phòng, chống bạo lực học đường vào trong các chương trình và hoạt động giáo dục, lồng ghép vào sinh hoạt chuyên đề của tổ chuyên môn, sinh hoạt lớp, giờ chào cờ; phát huy vai trò của cán bộ lớp, cán bộ Đoàn trong việc tự quản; học sinh trong việc phát hiện, tố giác hành vi bạo lực xảy ra với người thân và người xung quanh để có biện pháp xử lý kịp thời.

- Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về kiến thức pháp luật, kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, phòng chống xâm hại, phòng, chống bạo lực học đường đến tất các các thành viên trong cơ sở giáo dục.

- Phát huy vai trò của ban đại diện cha mẹ học sinh trong việc phối hợp quản lý, giáo dục học sinh giữa nhà trường và gia đình học sinh. Nhà trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh thông tin thường xuyên, kịp thời về quá trình học tập, rèn luyện của học sinh. Phối hợp ban bảo vệ trẻ em của xã/phường trong công tác giáo dục, bảo vệ trẻ học, học sinh.

- Thành lập các câu lạc bộ sở thích… Tổ chức các hoạt động trải nghiệm, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cho học sinh. Tổ chức triển khai công tác tư vấn tâm lý, công tác xã hội trường học nhằm phát hiện các mâu thuẫn, vướng mắc trong học sinh và giáo dục, hướng dẫn kỹ năng sống, kỹ năng tự giải quyết vấn đề cho học sinh, như vậy để các mâu thuẫn không còn  là nguyên nhân để xảy ra hiện tượng đánh nhau nữa.

- Đề nghị ngành Công an điều tra, xác minh và làm rõ sai phạm của học sinh và tùy theo mức độ sẽ xử lý kỷ thuật thật nghiêm minh để đủ sức răn đe các học sinh  khác; chú trọng biện pháp kỷ luật tịch cực để học sinh nhận ra sai lầm và khắc phục và tiến bộ. 

- Thực tế là có nhiều vụ việc bạo lực học đường đã vượt quá giới hạn là các xô xát thông thường giữa học sinh mà đã trở thành các vụ việc vi phạm pháp luật, xin hỏi ông Phan Hồng Nguyên là các quy định của pháp luật đối với bạo lực học đường hiện nay như thế nào?

Ông Phan Hồng NguyênBạo lực học đường là thực trạng ở nhiều quốc gia, kể cả nước có nền giáo dục tốt hay làm công tác tư vấn tâm lý học đường tốt. Hiện nay, tình trạng bạo lực học đường đang có chiều hướng phức tạp và gia tăng về số lượng.

Theo thống kê của ngành Công an mà tôi được biết chỉ trong quý I/2019 có 310 vụ bạo lực học đường trên toàn quốc, chủ yếu là ở lứa tuổi THCS và THPT. Đúng thực tế là có nhiều vụ việc bạo lực học đường đã vượt quá giới hạn là các xô xát thông thường giữa học sinh với nhau mà trở thành các vụ việc vi phạm pháp luật. Hiện nay, chúng ta đã có khá đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh về môi trường giáo dục an toàn và phòng, chống bạo lực học đường nói chung và các hành vi vi phạm pháp luật nói riêng như:

- Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012;

- Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017): Tội cố ý gây thương tích (Điều 134, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 22 của Luật sửa đổi, bổ sung năm 2017); Tội làm nhục người khác (Điều 155).

- Luật Trẻ em năm 2016 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

- Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.

- Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường….

Trong thời gian tới, các Bộ, ngành sẽ tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế các quy định bất cập trong các văn bản pháp luật nêu trên để bảo đảm khả thi, phù hợp với thực tiễn.

Phó Tổng Biên tập Báo PLVN Vũ Hoàng Diệp phát biểu khai mạc và cảm ơn các chuyên gia đã tham gia Chương trình
Phó Tổng Biên tập Báo PLVN Vũ Hoàng Diệp phát biểu khai mạc  và cảm ơn các chuyên gia đã tham gia Chương trình 

- Bộ Tư pháp cũng đã phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai nhiều chương trình phổ biến giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên, trong các chương trình đó, việc phòng tránh bạo lực học đường có được tuyên truyền không thưa ông?

Ông Phan Hồng Nguyên: Thời gian vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Chương trình, Đề án về PBGDPL nhằm tập trung nguồn lực cho công tác PBGDPL đối với một số đối tượng, địa bàn, góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của đối tượng. Từ năm 2003 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Chương trình PBGDPL theo từng giai đoạn: Chương trình PBGDPL giai đoạn 2003-2007 (ban hành kèm theo Quyết định số 13/2003/QĐ-TTg ngày 17/01/2003), giai đoạn 2008-2012 (ban hành kèm theo Quyết định số 37/2008/QĐ-TTg ngày 12/3/2008), Chương trình Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 04-KL/TW ngày 19/4/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) (ban hành kèm theo Quyết định số 409/QĐ-TTg ngày 09/4/2012), Chương trình PBGDPL giai đoạn 2017-2021 (Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 25/5/2017), trong đó có nhóm đối tượng cần tập trung PBGDPL là thanh, thiếu niên.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số Đề án PBGDPL cho nhóm đối tượng thanh thiếu niên như: Đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường” giai đoạn 2009-2012 và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý 2 lần gia hạn từ năm 2013-2016 và 2017-2021; Đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh, thiếu niên giai đoạn 2011-2015” và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý gia hạn Đề án đến năm 2020. Bộ Tư pháp đã phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư liên tịch số 30/2010/TTLT-BGDĐT-BTP ngày 16/11/2010 hướng dẫn việc phối hợp thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường.

Các Chương trình, Đề án trên đã xác định hình thức PBGDPL đa dạng, nội dung PBGDPL tập trung vào những quy định của pháp luật có liên quan trực tiếp đến thanh, thiếu niên, trong đó có học sinh, sinh viên. Thực hiện các Chương trình, Đề án này, Ngành Tư pháp và ngành Giáo dục đã phối hợp phổ biến, giáo dục nhiều nội dung pháp luật như: Phòng, chống bạo lực học đường; phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội; bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên và ứng phó với biến đổi khí hậu; an toàn thực phẩm; an toàn giao thông; về hỗ trợ khởi nghiệp; pháp luật về Internet và an toàn thông tin mạng; hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế... (Đề án 1928).

Ông Phan Hồng Nguyên,Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp.
Ông Phan Hồng Nguyên,Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp.

Gần đây liên tiếp xảy ra nhiều vụ bạo lực học đường gây bức xúc dư luận, là cán bộ phụ trách Công tác học sinh, sinh viên của Bộ GD&ĐT, ông Bùi Văn Linh nhận định, lý giải thế nào về hiện trạng này?

Ông Bùi Văn Linh: Hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo nhằm bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng chống bạo lực học đường rất đầy đủ.

Tuy vậy, tình trạng bạo lực học đường vẫn còn diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Do đặc điểm tâm lý lứa tuổi học sinh đang trong giai đoạn phát triển mạnh về thể chất và tâm sinh lý, hiếu động và muốn tự khẳng định mình.

Một số học sinh chưa được trang bị các kỹ năng sống cơ bản để thích nghi với sự biến đổi của đời sống xã hội. Những hành vi xấu xuất hiện ngày càng nhiều trong đời sống đã có tác động tiêu cực đến học sinh.

Công tác giáo dục đạo đức, kỹ năng còn thiếu hướng dẫn ứng xử trong những tình huống cụ thể, thiếu các điều kiện cần thiết để triển khai. Ngoài ra, sự phối hợp giữa nhà trường với gia đình và xã hội chưa chặt chẽ và chưa thực sự hiệu quả.

Bộ GD&ĐT đã quy định công tác tư vấn học đường, công tác xã hội trong trường học, nhưng các nhà trường triển khai còn chậm.

Thêm nữa, có việc thiếu quan tâm, chưa sát sao trong giáo dục học sinh của gia đình. Thậm chí nhiều gia đình còn có tâm lý "khoán trắng" cho nhà trường. Nguyên tắc phối hợp giữa nhà trường - gia đình và xã hội mà chỉ thiếu một bên thì quá trình giáo dục toàn diện khó thành công.

Trong đó, nhà trường phải tạo được môi trường giáo dục thân thiện, để học sinh tin tưởng, chia sẻ khó khăn, vướng mắc; phụ huynh phải nắm bắt được các tâm tư, nguyện vọng, thay đổi của con em để chia sẻ, hỗ trợ kịp thời và phối hợp cùng nhà trường, đồng thuận với cách giáo dục của giáo viên để xử lý các vấn đề.

Ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng phụ trách, Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác Học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo
 Ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng phụ trách, Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác Học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo

Thưa ông Bùi Văn Linh, bạo lực học đường không chỉ dừng lại ở việc học sinh mâu thuẫn với nhau mà nhiều khi lại xảy ra từ chính các thầy cô giáo đối với học sinh khiến xã hội bức xúc. Phải chăng do áp lực công việc khiến giáo viên đôi khi không thể kiềm chế hành vi của mình hay còn do một lý do nào khác, thưa ông?

Ông Bùi Văn Linh: Giáo viên ngày nay chịu nhiều áp lực, không chỉ công việc mà còn phải lo toan cho gia đình và áp lực từ dư luận xã hội. Bộ GD&ĐT đã sớm nhận ra thực trạng này nên đã chỉ đạo nhiều giải pháp để  phòng ngừa bạo lực học đường do nguyên nhân này gây ra, cụ thể như:

Chỉ đạo các nhà trường cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về phòng, chống bạo lực học đường để nâng cao nhận thức, trách nhiệm phòng chống bạo lực học đường của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên trong cơ sở giáo dục, gia đình người học và cộng đồng.

Tích hợp nội dung giáo dục phòng, chống bạo lực học đường vào chương trình và các hoạt động giáo dục. Giáo dục, trang bị kiến thức, rèn luyện kỹ năng về phòng, chống bạo lực học đường và phòng, chống bạo hành trẻ em cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên của cơ sở giáo dục và gia đình người học.

Xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện trong cơ sở giáo dục, trong đó tập trung xây dựng và thực hiện có hiệu quả bộ quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục, đẩy mạnh hoạt động tư vấn tâm lý trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Đồng thời, nâng cao năng lực, phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên các cơ sở giáo dục.

Thực hiện tốt công tác tư vấn tâm lý, công tác xã hội trong trường học, mở rộng đến cả đối tượng là cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên

- Về phía Bộ Tư pháp, ông có cho rằng chúng ta cần tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung các quy định pháp luật đủ sức răn re đối với bạo lực học đường không, thưa ông Phan Hồng Nguyên? 

Ông Phan Hồng Nguyên: Qua nghiên cứu một số các quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực học đường nói riêng và bảo vệ trẻ em nói chung gắn với xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện theo Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ cho thấy có một số hành vi chưa có quy định pháp luật điều chỉnh; mức phạt tiền đối với một số hành vi bạo lực học đường còn thấp chưa có sức răn đe, giáo dục...như Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.

Chính vì vậy, các Bộ, ngành chức năng như: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần rà soát để sớm đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung điều chỉnh về phòng, chống bạo lực học đường.

Nhiều độc giả quan tâm đến các giải pháp của các cơ quan chức năng nhằm kiềm chế bạo lực học đường
Nhiều độc giả quan tâm đến các giải pháp của các cơ quan chức năng nhằm kiềm chế bạo lực học đường 

Học sinh đánh bạn đến mức phải đi viện như trường hợp ở Phù Ủng, Hưng Yên vừa qua có phải đi tù không? (Hoàng Hải Yến, Bắc Ninh)

Ông Phan Hồng Nguyên: Vấn đề bạn đề cập là trường hợp đau xót, được dư luận xã hội hết sức quan tâm xảy ra tại tỉnh Hưng Yên cuối tháng 3/2019 vừa qua. Đối với trường hợp này cần xem xét tính pháp lý để xử lý theo quy định của pháp luật, đảm bảo tính răn đe. Chính vì vậy, cần xem xét kỹ lưỡng cấu thành tội phạm để xác định nhóm học sinh lột quần áo và đánh hội đồng có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?

Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017), hành vi mà những học sinh đã thực hiện đối với nữ sinh lớp 9 ở trường THCS Phù Ủng (Ân Thi, Hưng Yên) có dấu hiệu của tội "Cố ý gây thương tích" theo Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) và "Làm nhục người khác" theo Điều 155 Bộ luật này.

Tuy nhiên do những học sinh này đang ở lứa tuổi dưới 16 nên họ sẽ không bị xử lý hình sự về tội 'Làm nhục người khác'. Đây là quy định tại Khoản 2 Điều 12 Bộ luật hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2017), cụ thể là: “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Điều 134”.

Đối với tội 'Cố ý gây thương tích', nhóm học sinh này có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự, nếu như nữ sinh lớp 9 có tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 31% trở lên. Mức hình phạt đối với nhóm học sinh đó được quy định tại khoản 3 Điều 134 Bộ luật hình sự" (sửa đổi, bổ sung năm 2017). 

Rõ ràng là xã hội đang có rất nhiều thay đổi và ngành Giáo dục cũng không thể chạy theo xử lý từng sự vụ, vậy có giải pháp nào căn bản, kiềm chế từ gốc tình trạng bạo lực học đường sẽ được triển khai trong thời gian tới không, thưa ông? 

Ông Bùi Văn Linh đang giải đáp các thắc mắc của độc giả
Ông Bùi Văn Linh đang giải đáp các thắc mắc của độc giả 

Ông Bùi Văn Linh: Thời gian vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017, trong đó đã quy định rõ công tác phòng, chống bạo lực học đường (tại Điều 6); Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình hành động phòng, chống bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên giai đoạn 2017-2021 (Quyết định số 5886/QĐ-BGDĐT ngày 28/12/2017) và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo khác.

Tuy nhiên gần đây, còn xảy ra các vụ bạo lực học đường ở một số địa phương với tính chất và mức độ ngày càng phức tạp, cá biệt có một số vụ việc nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần học sinh, môi trường giáo dục và gây lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội.

Ngày trong tuần này Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ban hành Chỉ thị về việc tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống bạo lực học đường trong cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh công tác truyền thông, thanh kiểm tra và công tác phối hợp liên ngành. Nêu cao vai trò của giáo viên chủ nhiệm, tự quản của học sinh và các tổ chức Đoàn, Đội trong nhà trường.

Bạn đọc Trần Thị Thuỷ ở Thanh Hoá hỏi: Con trai tôi học lớp 6, cháu hơi tăng động nên được cô giáo và nhà trường tạo điều kiện cho ngồi bàn đầu. Kết quả học tập của cháu cũng rất tốt, luôn đạt 9- 10 môn Toán. Điều tôi buồn nhất là mỗi khi ra chơi, cháu thường bị các bạn nam trong lớp đánh, có hôm về sưng hết cả một bên má. Tôi phải làm sao để con đỡ bị các bạn bắt nạt? Tôi có nên cho cháu chuyển trường không?

Ông Bùi Văn Linh: Trước hết có thể khẳng định con trai chị là học sinh ngoan, học tốt. Chị nên gặp sớm cô giáo chủ nhiệm lớp để trao đổi về hiện tượng này và đề nghị cô giáo có biện pháp giáo dục kịp thời, như: Mời nhóm các học sinh bắt nạt con chị để nhắc nhở, yêu cầu không được tiếp tục có hành vi đánh bạn như vậy nữa; Có thể mời phụ huynh của các em học sinh tham gia đánh bạn đến để trao đổi, đề nghị gia đình có trách nhiệm nhắc nhở, giáo dục các em; Có thể giao nhiệm vụ cho cán bộ lớp gặp gỡ, khuyên các các bạn học sinh có hành vi bắt nạt bạn...

Bên cạnh đó, gia đình trao đổi thêm với cháu về ý thức, kỹ năng để ứng xử phù hợp khi bị bắt nạt, ví dụ: Tránh xa các bạn có hành vi bắt nạt mình; tham gia cùng các nhóm bạn khác; tìm kiếm sự hỗ trợ của thầy cô giáo khi bị bạn đánh...

Việc học tập, rèn luyện của con trai chị tại trường này đang tốt, vì vậy, chị không nên chuyển cháu đến trường mới. Vì cháu có thể đối mặt với các thách thức, khó khăn khác...

 

Bạn đọc Nguyễn Đức Quang ở Quảng Bình: tôi không đồng tình với cách làm của nhiều phụ huynh hiện nay, coi con như vàng bạc, động một tí là phản ứng lại thầy cô, nhà trường. Liệu có phải do nhà trường cũng đang lúng túng trong giải quyết bạo lực học đường?

Ông Bùi Văn Linh: Tôi đồng tình với ý kiến của độc giả, hiện nay, nhiều phụ huynh do điều kiện kinh tế khá giả nên có sự quan tâm thái quá con mình. Hơn nữa, việc nắm bắt hoạt động giáo dục, các hoạt động dạy và học của nhà trường còn hạn chế.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm xây dựng trường học an toàn, thân thiện, lành mạnh, phòng chống bạo lực học đường; giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa, kỹ năng mềm... Trên cơ sở đó, các nhà trường đã chủ động triển khai các nội dung trên thiết thực và hiệu quả. Khi có vấn đề phát stinh không như ý trong quan hệ thầy trò thì phụ huynh cần có thái độ bình tĩnh, công tâm, khách quan, gặp gỡ giáo viên để trao đổi, tìm hiểu bản chất sự việc, từ đó thống nhất cách giải quyết để thông tin lại chính thức với học sinh.

Phụ huynh và giáo viên cần có liên hệ thường xuyên, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, các biểu hiện lạ của con em mình để kịp thời hỗ trợ, xử lý. 

Khi gia đình dành thời gian thỏa đáng để gần gũi, lắng nghe, kịp thời nắm bắt mâu thuẫn của con em mình với các bạn khác trong lớp; chia sẻ, đồng thuận với phương pháp giáo dục của nhà trường thì sẽ giúp nhà trường làm tốt hơn nhiệm vụ giáo dục của mình, đồng thời góp phần giải quyết gốc rễ nguyên nhân gây ra bạo lực học đường. 

Hiện nay các trường phổ thông trên toàn quốc đang triển khai mạnh mẽ Thông tư 31/2017/TT-BGDĐT hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông, Thông tư 33/2018/TT-BGDĐT hướng dẫn công tác xã hội trong trường học sẽ góp phần giải quyết triệt để hiện tượng bạo lực học đường. Các mâu thuẫn giữa các học sinh sớm được phát hiện và có sự hỗ trợ hướng dẫn giải quyết của giáo viên tư vấn tâm lý thì sẽ được giải quyết kịp thời. Và như vậy, các mâu thuẫn này không còn biến thành nguy cơ bạo lực...

Bạn đọc Phan Văn Hiếu ở tp Hồ Chí Minh: Học sinh gây ra bạo lực học đường ở mức độ nào thì bị coi là vi phạm pháp luật? Nếu nhà trường, cha mẹ bao che thì các cơ quan chức năng có thể xử lý được không?

Ông Phan Hồng Nguyên: Vi phạm pháp luật được hiểu là hành vi trái pháp luật, có lỗi, do người có năng lực trách nhiệm pháp lý thực hiện, xâm hại các quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ.

 
Ông Phan Hồng Nguyên đang trả lời câu hỏi của bạn đọc
Ông Phan Hồng Nguyên đang trả lời câu hỏi của bạn đọc 

* Theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017; Luật Trẻ em năm 2016 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội …., tôi thấy học sinh chủ yếu các hành vi sau đây sẽ bị coi là có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực học đường:

- Xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác: như đánh nhau, Vi phạm pháp luật hành chính.

- Xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác (làm nhục người khác):  Vi phạm pháp luật hình sự (nếu từ đủ 16 tuổi trở lên);

- Đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau: Vi phạm pháp luật hành chính;

- Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác: Vi phạm pháp luật hình sự khi đáp ứng được một số yêu cầu.

- Có hành vi bạo lực đối với trẻ em theo quy định tại Luật Trẻ em năm 2016...

Tóm lại, nếu trả lời chung thì phải cân cứ vào tính chất, mức độ hành vi để xác định.

* Nếu nhà trường, cha mẹ bao che thì đối với nhà trường tùy vào tính chất và mức độ của hành vi bao che có thể xử lý kỷ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bạn đọc Nguyễn Quang Tuấn, Đà Nẵng: Học sinh phát tán các clip bạo lực hay quay clip cảnh bạo lực tung lên mạng có bị xử lý không?  Có cách nào hạn chế các clip độc hại, bạo lực đối với học sinh không?

Ông Phan Hồng Nguyên: Thời gian vừa qua, có một số trường hợp học sinh phát tán các clip bạo lực hay quay clip cảnh bạo lực tung lên mạng như vụ việc quay, phát tán clip đánh hội đồng một nữ sinh ở Hưng Yên, Quảng Ninh trên mạng, gây bất bình trong dư luận xã hội.

Hành vi học sinh phát tán các clip bạo lực hay quay clip cảnh bạo lực tung lên mạng nếu không vì mục đích tố cáo, tố giác vi phạm pháp luật thì là hành vi vi phạm pháp luật, cụ thể là:

- Hành vi này đã vi phạm quyền của cá nhân đối với hình ảnh quy định tại Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý... Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật”.

Quay clip tun lên mạng mà không được sự đồng ý sẽ bị xử lý.

- Hành vi này có thể bị xử lý vi phạm hành chính nếu từ đủ 14 tuổi trở lên.

- Bên cạnh đó, hành vi này còn có thể cấu thành tội làm nhục người khác nếu học sinh phát tán clip từ đủ 16 tuổi trở lên do đây là tội ít nghiêm trọng.

* Giải pháp hạn chế các clip độc hại, bạo lực đối với học sinh:

- Cần tăng cường thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tác hại của clip bạo lực học đường; PBGDPL về phòng, chống bạo lực học đường cho thanh, thiếu niên, học sinh thông qua giáo dục chính khóa (môn đạo đức, giáo dục công dân) và hoạt động ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp để các em biết, không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật này.

- Cần phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh theo pháp luật hành vi phát tán clip bạo lực học đường lên mạng.

- Nhà trường và gia đình cần nâng cao trách nhiệm, nâng cao hiệu quả trong quản lý, giáo dục các em. Phát huy vai tò của tổ chức đoàn, đội của nhà trường trong vận động, giáo dục học sinh. Chú trọng công tác giáo dục đạo đức, kỹ năng, tập trung hướng dẫn ứng xử trong những tình huống cụ thể. Thực hiện tốt công tác tư vấn học đường, công tác xã hội trong trường học.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về mạng xã hội để phát hiện và đề nghị mạng xã hội, mạng chia sẻ xóa các clip này để tránh phát tán.

Bạn đọc Trần Đức Dũng, Quảng Ngãi hỏi: Được biết trong nhà trường hiện nay có môn Giáo dục công dân, lồng ghép các quy định pháp luật để dạy cho học sinh? Bộ Tư pháp có tham gia thẩm định, hướng dẫn các quy định pháp luật được dạy cho học sinh không thưa ông? Ông đánh giá thế nào về mức độ phù hợp của môn học này?

Ông Phan Hồng Nguyên: Đúng như bạn nói, hiện nay, việc giảng dạy pháp luật trong trường họp được tích hợp trong môn Giáo dục công dân (bao gồm môn Đạo đức ở cấp tiểu học, môn Giáo dục công dân ở cấp trung học cơ sở, môn Giáo dục kinh tế và pháp luật ở cấp trung học phổ thông) trong Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018.

Ngày 16/11/2010, Bộ Tư pháp và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư liên tịch số 30 hướng dẫn việc phối hợp thực hiện cong tac phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường, trong đó có phối hợp biên soạn chương trình, giáo trình, tài liệu, sách giáo khoa về phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL); xây dựng danh mục các thiết bị phục vụ công tác PBGDPL. Bên cạnh đó, 2 ngành còn phối hợp trong công tác PBGDPL ngoài giờ lên lớp.

Trên cơ sở những nhiệm vụ trên, trong thời gian qua, với chức năng là đơn vị tham mưu thực hiện quản lý nhà nước về PBGDPL, Vụ PBGDPL đã tích cực phối hợp với các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức rà soát, đánh giá nội dung, chương trình pháp luật trong các cấp học và trình độ đào tạo; rà soát, biên soạn sách giáo khoa, sách tham khảo, tài liệu phục vụ việc dạy và học pháp luật trong nhà trường gắn với đổi mới chương trình, sách giáo khoa phục vụ việc dạy và học pháp luật trong nhà trường. Hằng năm, Bộ Tư pháp còn hướng dẫn Sở Tư pháp các tỉnh, TP trực thuộc trung ương về công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường; tổ chức tập huấn cho đội ngũ giáo viên giảng dạy môn giáo dục công dân.

 

Đối với môn Giáo dục công dân, chúng tôi nhận thấy các quy định về nội dung, thời lượng môn học này hiện nay cơ bản phù hợp với Chương trình học của học sinh, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, môi trường giáo dục; có sự gắn kết chặt chẽ giữa giáo dục pháp luật với giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, kỹ năng sống; giữa giáo dục gia đình với nhà trường và xã hội. Qua đó góp phần bồi dưỡng cho học sinh những phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi của người công dân; đặc biệt là tình cảm, niềm tin, nhận thức, cách ứng xử phù hợp với chuẩn mực đạo đức và quy định của pháp luật.

Đặc biệt, kể từ năm 2017, môn Giáo dục công dân chính thức được dùng để thi trung học phổ thông quốc gia dưới dạng tổ hợp cùng với hai môn Lịch sử và Địa lý. Đây là một đổi mới tạo ra một bước chuyển không chỉ trong nhận thức dạy và học pháp luật; tiếp tục khẳng định được vai trò, vị trí quan trọng của môn học này đối với sự phát triển toàn diện của học sinh ở các cấp học.

Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, để phát huy hơn nữa hiệu quả của môn học này, cần nghiên cứu biên soạn giáo trình, sách giáo khoa, tài liệu giáo dục pháp luật theo hướng kết hợp một cách hợp lí giữa trang bị kiến thức với hướng dẫn thực hành; nội dung sách giáo khoa phải là nội dung “mở”, có thể kích thích khả năng tư duy, tìm tòi sáng tạo của người học và tạo cơ hội cho người dạy linh hoạt vận dụng trong quá trình giảng dạy; đồng thời tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học pháp luật chú trọng sử dụng linh hoạt, hiệu quả các quan điểm dạy học, phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực; tăng cường thực hành, rèn luyện kỹ năng trong các tình huống cụ thể của đời sống; xây dựng mô hình kết hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong hoạt động giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên; lồng ghép hợp lý nội dung giáo dục pháp luật vào hoạt động của tổ chức đoàn, đội…

Việc đánh giá chất lượng giáo dục pháp luật không chỉ dừng lại ở điểm số các bài kiểm tra mà còn phải chủ yếu dựa vào những nhận định, nhận xét cụ thể, thường xuyên dựa trên các biểu hiện về năng nhận thức, thái độ, các hành vi ứng xử trong toàn bộ quá trình các hoạt động học tập, sinh hoạt của học sinh tại nhà trường, gia đình và cộng đồng; qua đó góp phần hạn chế tình trạng bạo lực học đường hiện nay trong nhà trường…

Bạn đọc Hoàng Thuý Hà, Tp. Hồ Chí Minh: Lâu nay, thanh thiếu niên, trong đó có học sinh, sinh viên được phổ biến các quy định pháp luật gì? Ông cho rằng việc phổ biến pháp luật cho học sinh, sinh viên có giúp hạn chế bạo lực học đường không?

Ông Phan Hồng Nguyên: Thời gian vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Chương trình, Đề án về PBGDPL theo giai đoạn như: Đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường”; Đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên”.

Bên cạnh việc học môn Giáo dục công dân, thực hiện Luật PBGDPL, các Chương trình, Đề án trên, thời gian qua, Ngành Tư pháp và ngành Giáo dục đã phối hợp phổ biến, giáo dục nhiều nội dung pháp luật như: Phòng, chống bạo lực học đường; dân sự, hình sự, hôn nhân và gia đình; phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội; bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên và ứng phó với biến đổi khí hậu; an toàn thực phẩm; an toàn giao thông; về hỗ trợ khởi nghiệp; pháp luật về internet và an toàn thông tin mạng; hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế (Đềán 1928); gắn PBGDPL với giáo dục ý thức, trách nhiệm công dân, đạo đức, văn hóa, lối sống, lý tưởng cho thanh thiếu niên; nêu gương người tốt, việc tốt để qua đó giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức, đạo đức, góp phần xây dựng và thực hiện nếp sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật của thế hệ trẻ. Có thể nói rằng, việc phổ biến pháp luật cho học sinh, sinh viên dưới góc độ nhất định có thể giúp hạn chế được tình trạng “bạo lực học đường” nói riêng và vi phạm pháp luật nói chung, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức công dân của thế hệ trẻ.

Tuy nhiên, việc hạn chế tình trạng “bạo lực học đường” còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác như môi trường giáo dục, gia đình, xã hội, tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường hoặc công nghệ thông tin, mạng Internet; tính nghiêm minh xử lý người vi phạm pháp luật; sự phối hợp, vào cuộc của các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường và xã hội...

Bạn đọc Nguyễn Thuý Nga, Cao Bằng: Với sự phát triển của công nghệ thông tin hiện nay, học sinh được tiếp xúc rất sớm với Internet và các thông tin, trong đó có thông tin độc hại, bạo lực… trên mạng. Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành chức năng có ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác phổ biến, giáo dục pháp luât cho học sinh, sinh viên không? Mức độ hiệu quả của nó đến đâu?

Ông Phan Hồng Nguyên: Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đổi mới công tác PBGDPL gắn với việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thời gian qua, Bộ Tư pháp đã tăng cường, đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và PBGDPL cho học sinh, sinh viên nói riêng.

Cụ thể, trong 2 năm 2016 và 2017, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, công ty Egroup và các cơ quan, tổ chức có liên quan ban hành Kế hoạch và tổ chức cuộc thi trực tuyến tìm hiểu kiến thức pháp luật dành cho học sinh trung học phổ thông thi trên Internet với tên gọi “Luật gia tương lai”. Cuộc thi đã thu hút được 233.650 học sinh tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước tham gia và nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng tích cực từ các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh. Cuộc thi theo đánh giá của các địa phương đã mang đến một sân chơi lành mạnh, bổ ích giúp các em học sinh không chỉ được củng cố các kiến thức pháp luật được học trong chương trình giáo dục phổ thông mà còn có điều kiện được nghiên cứu, mở rộng tìm hiểu kiến thức pháp luật ở nhiều lĩnh vực gắn liền với cuộc sống, sinh hoạt, học tập thường ngày của các em.

Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được của cuộc thi từ những năm trước, năm nay, đồng thời trước những diễn biến phức tạp của tình hình vi phạm pháp luật có chiều hướng gia tăng trong giới trẻ hiện nay, chúng tôi dự kiến sẽ tiếp tục tham mưu cho Bộ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ban hành kế hoạch tổ chức Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu kiến thức pháp luật trong nhà trường và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp năm 2019 và nhiều cuộc thi trực tuyến tìm hiểu kiến thức pháp luật khác trên Trang thông tin về PBGDPL.

Chúng tôi tin rằng, mô hình này sẽ tiếp tục đem lại hiệu quả thiết thực, tạo hiệu ứng và sức lan tỏa sâu rộng trong học đường, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật, giảm thiểu các hành vi lệch chuẩn trong xã hội.

Đồng thời, để đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình Tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật, ngày 13/3/2019, Bộ Tư pháp đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg về xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật trong đó có nội dung xây dựng tủ sách pháp luật điện tử quốc gia. Việc triển khai xây dựng tủ sách pháp luật điện tử sẽ tạo cơ sở thuận lợi, phục vụ tốt hơn nhu cầu tra cứu, học tập, tìm hiểu chính sách, pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật của các thầy cô giáo, các em học sinh trong nhà trường một cách thuận tiện, hiệu quả.

Ngoài ra, để khai thác triệt để các tính năng của công nghệ thông tin trong PBGDPL, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật đang chủ trì tham mưu cho Bộ xây dựng, hoàn thiện hồ sơ Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL giai đoạn 2019-2021” trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. Trong này có nhiều nội dung, giải pháp đột phá về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL. Chúng tôi hi vọng rằng, đề án sẽ sớm được phê duyệt, ban hành để tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai toàn diện, đồng bộ các giải pháp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đáp ứng được yêu cầu công tác PBGDPL trong tình hình mới.

Bạn đọc Trần Thuý Lan, Cần Thơ: Phải hiểu thế nào mới đúng về bạo lực học đường? Chỉ học sinh đánh nhau mới là bạo lực học đường hay cả trường hợp thầy cô giáo bạo hành học sinh, phụ huynh gây áp lực với giáo viên cũng là bạo lực học đường, thưa ông?

Ông  Bùi Văn Linh:  Khái niệm Bạo lực học đường được giải thích tại Khoản 5, Điều 2, Nghị định 80/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ ban hành Nghị định quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường như sau: Bạo lực học đường là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của người học xảy ra trong cơ sở giáo dục hoặc lớp độc lập.

Các trường hợp như độc giả đề cập ở trên xảy ra trong cơ sở giáo dục, lớp độc lập mà nạn nhân là học sinh cũng được gọi là bạo lực học đường.

Tuy nhiên, khi xảy ra hiện tượng học sinh gây rối trật tự công cộng, đánh nhau ở ngoài nhà trường thì các cơ sở giáo dục, cha mẹ học sinh, chính quyền địa phương, đoàn thể... cũng đều có trách nhiệm phối hợp xử lý...

Bạn đọc Trần Như Bình, Đắk Lắk: ở các nước nhà trường có cấm học sinh mang theo điện thoại thông minh đến lớp không? Ở Việt Nam việc kiểm soát học sinh sử dụng điện thoại  như thế nào mà tôi thấy các cháu bị ảnh hưởng bởi mạng internet và các clip độc hại quá?

Ông Bùi Văn Linh:  Qua tìm hiểu nhiều nước, các nước đều có quy định cụ thể về việc sử dụng điện thoại trong trường học. Gần đây nhất, năm 2018, Chính phủ Pháp có đạo luật cấm học sinh dùng smartphone, máy tính bảng trong trường học. Các thiết bị thông minh có tác dụng rất tốt giúp người dùng truy cập kho kiến thức, tương tác với mọi người... Tuy nhiên, nhiều thông tin xấu độc, độc hại trên mạng xã hội cũng song hành xâm nhập, ảnh hưởng tới nhận thức, hành vi, nhân cách của người sử dụng, nhất là thế hệ trẻ.

Ở Việt Nam, ngành giáo dục đã có quy định cụ thể học sinh không được sử dụng điện thoại trong giờ học tại Điều lệ các cấp học. Một số trường học ở Hà Nội bắt đầu quy định học sinh không được mang smartphone đển trường. Điều này được phụ huynh học sinh và dư luận đồng tình rất cao.

Để giảm thiểu tác động tiêu cực từ Internet và mạng xã hội: Thứ nhất, phụ huynh hạn chế cho con em mình sử dụng các thiết bị thông minh, kiểm soát nội dung... nhất là thời gian học tập. Tiếp đến, nhà trường tăng cường tuyên truyền giáo dục, trang bị kỹ năng, khai thác sửa dụng mạng internet, mạng xã hội vào mục đích học tập, giải trí lành mạnh, cũng như trang bị kỹ năng sàng lọc, tránh xa các tin bịa đặt, xấu độc, tin giả và các nội dung xấu khác.

Nhà trường tổ chức nhiều diễn đàn, tọa đàm, câu lạc bộ, sinh hoạt dưới cờ... lồng ghép các nội dung trên để tuyên truyền đến học sinh. Các cơ quan quản lý nhà nước về truyền thông, báo chí, truyền hình nên tăng cường kiểm tra, xử phạt các nội dung xấu, độc trên internet, mạng xã hội, đảm bảo môi trường lành mạnh cho học sinh sử dụng.

Các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường xây dựng các nội dung tốt nhằm hỗ trợ nhà trường trong việc giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh...

Bạn đọc Hoàng Hải Anh, Hải Phòng: Khi một vụ bạo lực học đường xảy ra, người ta nghĩ ngay đến trách nhiệm của Nhà trường, mà rộng hơn là ngành Giáo dục. Phải hiểu điều này như thế nào cho đúng thưa ông? Vai trò của nhà trường đến đâu trong các vụ mâu thuẫn giữa học sinh, sinh viên? Dồn hết trách nhiệm cho ngành Giáo dục liệu có thoả đáng không, thưa ông?

Ông Bùi Văn Linh: Chúng ta không bao giờ muốn có hiện tượng bạo lực học đường. Qua tìm hiểu, nguyên nhân các vụ bạo lực học đường đều xuất phát từ mâu thuẫn giữa học sinh với nhau trong nhà trường và học sinh với thanh niên ngoài nhà trường. Trách nhiệm của quản lý nhà trường, thầy cô giáo, cán bộ Đoàn, Đội, cha mẹ học sinh là phải thường xuyên gần gũi, nắm bắt kịp thời khó khăn, vướng mắc, các mâu thuẫn của các em để từ đó hướng dẫn các em tự xử lý hoặc có biện pháp xử lý thỏa đáng các mâu thuẫn này..., giúp các em vượt qua được khó khăn mắc phải.

Vì vậy khi xảy ra bạo lực học đường mà dồn hết trách nhiệm cho ngành giáo dục thì chưa thỏa đáng.

Các em được học tập, rèn luyện trong các nhà trường; nhận được sự giáo dục, chăm sóc của gia đình... đây là những điều kiện rất quan trọng để hình thành đạo đức, lối sống của các em. Tuy nhiên, các yếu tố của môi trường xã hội có tác động rất mạnh đến hành vi, nhân cách của các em. Do đó, trách nhiệm của chúng ta là phải đảm bảo tốt nhất cả ba môi trường trên mới thực hiện có kết quả giáo dục toàn diện cho học sinh.

***

Kính thưa Quý độc giả, trong khoảng thời gian 2 tiếng, từ 14h đến 16h chiều nay (10/4), nhiều câu hỏi của độc giả quan tâm về vấn đề bạo lực học đường đã được ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh sinh viên, Bộ Giáo dục Đào tạo và ông Phan Hồng Ngiuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp trực tiếp giải đáp. 

Những câu hỏi của bạn đọc đang tiếp tục gửi về sẽ được chúng tôi gửi tới các chuyên gia phản hồi trong thời gian sớm nhất. 

Trân trọng cảm ơn sự quan tâm của Quý độc giả. 

Đọc thêm

Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tổ chức Lễ báo công và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương đọc Lời báo công dâng Bác. Ảnh: An Đăng/TTXVN
Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, sáng 14/12, tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tổ chức Lễ báo công dâng Bác. Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó  Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì buổi lễ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Sắp xếp tổ chức bộ máy phải chống lợi ích cá nhân

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan đề cao trách nhiệm, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết. (Ảnh: VGP)
(PLVN) -  Ngày 12/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (Ban Chỉ đạo) đã chủ trì Phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo.

Gỡ vướng cho các dự án điện năng lượng tái tạo

Thủ tướng Phạm Minh Chính có nhiều chỉ đạo quan trọng nhằm triển khai các giải pháp tháo gỡ cho các dự án năng lượng tái tạo. (Ảnh: VGP)
(PLVN) - Chiều 12/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến công bố và triển khai Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo (gọi tắt là Nghị quyết).

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang
(PLVN) - Chiều ngày 12/12, Tỉnh ủy Hậu Giang tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Bộ Chính trị chuẩn y Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025. Dự hội nghị có ông Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

Bảo vệ và giáo dục quyền con người được thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc
(PLVN) - "Tại Việt Nam, việc bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người được thực hiện thường xuyên, xuyên suốt, được khẳng định trong đường lối, chính sách, tổ chức thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 11/12.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn Công tác của Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.