Cuộc chiến quật ngã “Đại lão hổ” Quách Bá Hùng

Quách Bá Hùng và con trai
Quách Bá Hùng và con trai
(PLO) - Quách Bá Hùng bị cáo buộc đã “lợi dụng tiện lợi chức vụ, mưu cầu lợi ích cho người khác như việc thăng cấp, trực tiếp hoặc thông qua người nhà nhận hối lộ, vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng, liên quan phạm tội nhận hối lộ, tình tiết nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu xa”. 
Theo Tân Hoa xã, ngày 30/7/2015, Bộ Chính trị trung ương ĐCS Trung Quốc đã họp xem xét và thông qua “Báo cáo của Ủy ban kiểm tra kỷ luật Quân ủy Trung ương về tình hình tổ chức điều tra và xin ý kiến xử lý đối với Quách Bá Hùng”, Thượng tướng - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch thứ nhất Quân ủy Trung ương, Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Quân sự nước CHND Trung Hoa; quyết định khai trừ đảng tịch đối với Quách Bá Hùng và chuyển giao vấn đề cùng các manh mối phạm tội nghiêm trọng nhận hối lộ cho VKSNDTC ủy quyền cơ quan VKS quân sự xử lý theo pháp luật.
Với việc bị khai trừ đảng, chuyển Viện kiểm sát quân sự điều tra xử lý, Quách Bá Hùng đã thế chỗ Từ Tài Hậu trở thành “quân trung Đệ nhất lão Hổ” bị trừng trị trong chiến dịch “đả Hổ” bởi Quách là quân nhân giữ chức Phó chủ tịch Quân ủy thứ nhất, chỉ đứng sau Tổng Bí thư, Từ Tài Hậu là phó thứ hai.
Quách Bá Hùng cũng có thâm niên chính trường vượt xa Từ Tài Hậu: từ Đại hội Đảng 16 (11/2002) liên tục 2 khóa liền là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Quân ủy, nắm quyền quản lý quân đội suốt 10 năm, Từ Tài Hậu tháng 9/2004 mới được bầu làm Phó chủ tịch Quân ủy, 3 năm sau mới được vào Bộ Chính trị tại Đại hội 17. Quách và Từ trên thực tế giống như chỉ huy và chính ủy của quân đội đông quân nhất thế giới - 2,3 triệu người này.
“Vô danh tiểu tốt” thăng tiến nhờ “quý nhân”
Quách sinh năm 1942, là con cả trong số 7 người con của một gia đình nông dân nghèo ở xã Tân Hương, huyện Lễ Tuyền, tỉnh Thiểm Tây. Năm 1958, khi 16 tuổi, học xong cấp 2 xin vào làm công nhân ở binh công xưởng 408. Sau 3 năm học nghề, Quách nhập ngũ vào Trung đoàn 164, Sư đoàn 55, Quân đoàn 19 lục quân. Hai năm sau, vào đảng, rồi được giao làm Tiểu đội trưởng. 
Năm 1964, hết nghĩa vụ, Quách được giữ lại, đề bạt làm Trung đội trưởng…lần lượt lên đến Phó Chủ tịch Quân ủy rồi gục ngã. Quách là điển hình của câu nói được cho là của Napoleon: “Người lính không có ước mơ làm tướng thì không phải là lính tốt”, đồng thời cũng cho thấy “Người lính đã là tướng chưa chắc đã là một người lính tốt”. 
Quách Bá Hùng có tới 24 năm ở Quân đoàn 19. Đến khi nó bị giải thể năm 1985, Quách đang giữ chức Tham mưu trưởng đã được đề bạt làm Phó Tham mưu trưởng Quân khu Lan Châu, rồi Tư lệnh Quân đoàn 47, Phó Tư lệnh QK Bắc Kinh, Tư lệnh QK Lan Châu, Phó Tổng tham mưu trưởng thường vụ. Năm 2002, tại Đại hội 16, Quách được TBT Giang Trạch Dân giới thiệu, được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Quân ủy thứ nhất. Suốt từ 2002 đến 2012, Quách chịu trách nhiệm giúp các Chủ tịch Quân ủy Giang Trạch Dân rồi Hồ Cẩm Đào xử lý công việc hàng ngày của Quân ủy.
Có thể nói, số phận của Quách Bá Hùng gắn liền với ông Giang Trạch Dân. Theo cuốn “Giang Trạch Dân”, năm 1992, một lần Giang Trạch Dân đến Thiểm Tây thị sát, ghé thăm Quân đoàn 47. Ăn cơm trưa xong, ông nghỉ ở nhà khách. Quách Bá Hùng thấy cơ hội liền đuổi cảnh vệ đi, tự mình đứng gác trước phòng Tổng bí thư, Chủ tịch Quân ủy. Giang ngủ liền 2 tiếng, Quách vẫn đứng nghiêm, mót tiểu cũng không dám đi, sợ “quý nhân” dậy thì lỡ mất cơ hội. 
Giang Trạch Dân ngủ dậy, đẩy cửa ra thấy có một vệ binh đứng nghiêm gác trước cửa thì rất hài lòng; nhưng thấy kỳ quái vì lính gác sao có vẻ già thế, nhìn kỹ thì chính là Thiếu tướng, Quân đoàn trưởng Quách Bá Hùng. 
Giang đã đi nhiều nơi nhưng chưa ở đâu lại được người chỉ huy cao nhất đứng canh gác cho mình như thế nên có ấn tượng rất tốt về Quách. Thế là sau đó, Quách Bá Hùng từ Quân đoàn 47 được điều về làm Phó Tư lệnh Quân khu Bắc Kinh; rồi thăng liền 3 cấp làm Phó chủ tịch Quân ủy, trở thành cánh tay đắc lực của ông Giang trong quân đội. 
Việc Quách được Giang tiến cử làm Phó chủ tịch Quân ủy cũng có một chuyện: Khi Giang bắt đầu giữ trọng trách Chủ tịch cũng là lúc Lý Đăng Huy ở Đài Loan đưa ra thuyết “Đài Loan độc lập”. Tại một hội nghị quan trọng, vấn đề đánh hay không đánh được đưa ra thảo luận. Giữa rừng tiếng hô hào “đánh, đánh”, chỉ mỗi Quách Bá Hùng phản đối, đúng tâm ý của Giang Trạch Dân, thế là được trọng dụng.
 “Quách gia quân” lừng lẫy
Sau 41 năm quân ngũ, năm 2002, Quách Bá Hùng ngồi vào ghế Phó Chủ tịch thứ nhất Quân ủy, nhân vật có quyền hành thứ 2 trong quân đội đông nhất thế giới và ở vị trí này suốt 11 năm. Quách về hưu tháng 3/2013, ít lâu sau “cơn bão” chống tham nhũng đã quét đến.
Quách Bá Hùng, con trai và các thuộc hạ
 Quách Bá Hùng, con trai và các thuộc hạ
Ngày 2/3/2015, Quân ủy TQ công bố danh sách 14 cán bộ cấp quân đoàn trở lên bị điều tra, xử lý, trong đó có Quách Chính Cương - Phó Chính ủy Quân khu tỉnh Triết Giang vừa được phong hàm Thiếu tướng 46 ngày trước. Cùng với việc ngã ngựa của Quách Chính Cương, các nhân vật trong “Quách gia quân” - như cách gọi của báo chí Trung Quốc - dần dần lộ diện…
Khi Hà Tú Liên kết hôn với Quách Bá Hùng, bà sống ở Thiểm Tây cùng con gái lớn Quách Phấn Lệ và con trai Quách Vĩnh Cương; khi Quách Bá Hùng làm Phó phòng trong BTL Quân đoàn 19 mới đưa 2 con lên sống cùng chồng ở thị xã Trương Dạ (nơi đóng quân). 
Ban đầu, chỉ là thợ gọt đế ở một xưởng giày nhưng khi Quách Bá Hùng ngồi vào ghế lãnh đạo quân đội, Hà Tú Liên trở thành một đầu mối liên lạc giữa Quách gia với bên ngoài trong bố trí, sắp xếp nhân sự quân đội: Tất cả cán bộ cấp quân đoàn trở lên muốn thăng chức hầu như đều phải qua “cửa” Hà Tú Liên, nhất là những cán bộ không phải quê Thiểm Tây hoặc ngoài Quân khu Lan Châu. Hà Tú Liên sau khi nhận tiền sẽ nói cho chồng biết yêu cầu của người đưa hối lộ; nếu Quách nói “người đó không được” thì trả lại tiền, nếu ông ta đồng ý hoặc không nói gì thì bà giữ lại tiền, tất nhiên sau đó Quách Bá Hùng sẽ ra tay giải quyết.
Lên trung học, Quách Vĩnh Cương trở nên học kém rồi bỏ học, vào bộ đội làm lính; Quách Phấn Lệ thi đỗ vào Đại học Lan Châu, sau khi tốt nghiệp sang Mỹ du học và đổi tên thành Quách Vĩnh Hồng. Quách Vĩnh Cương sau đổi thành Quách Chính Cương, tính tình ngang bướng, luôn là nỗi lo lắng của Quách Bá Hùng. 
Một cán bộ cấp dưới của Quách Bá Hùng kể, có lần về Tây An, đến nhà chơi, Quách Bá Hùng nói về con trai: “Thằng nhỏ này không có chí tiến thủ, tôi chả còn cách nào! Sau này tôi sẽ rắc rối với nó đây!”. 
Trong bức thư của các cán bộ cơ quan Tổng bộ Chính trị tố giác Quách Bá Hùng có nói đến việc sau khi Từ Tài Hậu và một loạt cán bộ quân đội bị xử lý, rộ lên tin đồn Quách Bá Hùng sẽ là người tiếp theo. Trong một bữa tiệc, Quách Chính Cương- đang là Đại tá, khi đã chếnh choáng hơi men- lớn tiếng tuyên bố: “Có kẻ đang tìm cách làm hại Quách gia. Họ đừng có nằm mơ! Một nửa số cán bộ chỉ huy quân đội là do Quách gia đề bạt đấy!”. 
Quách Chính Cương nhập ngũ năm 1989, được bố “gửi” ở tỉnh Triết Giang, 45 tuổi đã là Thiếu tướng, Phó chính ủy tỉnh, 1 trong 2 viên tướng thế hệ 7X cùng Mao Tân Vũ - cháu đích tôn Mao Trạch Đông. Trong “Quách gia quân” còn có mấy cán bộ cấp sư đoàn: Quách Chính Dã - con trai người em trai thứ 2 là Quách Bá Lễ - Sư đoàn phó sư 61, QK Lan Châu; người em thứ 5 Quách Chính Danh là Chính ủy Cục Phục vụ QK tỉnh Thiểm Tây, cán bộ tương đương cấp Sư phó; ngoài ra còn mấy người cháu là cán bộ cấp trung đoàn, tiểu đoàn…
Về phía họ Hà, người có chức vụ cao nhất là em trai thứ hai của Hà Tú Liên tên Hà Gia Kiệt, tháng 1/2015 được đề bạt vượt cấp từ Phó Chủ nhiệm Chính trị lên Phó Chính ủy quân khu tỉnh Thiểm Tây, không qua chức Chủ nhiệm Chính trị để nhận lon Thiếu tướng cùng đợt với cháu. Hà Bị Chiến, con trai người anh cả của bà Hà Tú Liên là Cục trưởng Hậu cần Trung tâm kiểm soát vệ tinh Tây An, cán bộ cấp sư đoàn phó, hai người em trai anh này cũng đều là sĩ quan quân đội, một người theo cô ruột về Bắc Kinh.
 Ngoài thân thích hai họ Quách, Hà; trong quân đội đã có hàng chục người trung thành hoặc chịu ơn của Quách Bá Hùng. Quách Chính Cương từng công khai khoe khoang lẫn hù dọa: “Tư lệnh Từ ở QK Quảng Châu, Chính ủy Chử của Thẩm Dương đều là cán bộ rất tin cậy do cha tôi đề bạt, rất trẻ, tới đây vào Quân ủy không có vấn đề gì. Quân đoàn trưởng Mã ở QĐ31, chính ủy Trương ở QĐ47, Phó tư lệnh QK Bắc Kinh Lưu Chí Cương, Chủ nhiệm Phạm ở QK Lan Châu…đều đã vào ban lãnh đạo quân khu…”. Thậm chí, Quách Chính Cương còn ngạo mạn: “Từ gia quân” đổ rồi, được lợi nhất chính là “Quách gia quân”, nên quân đội chịu sự chỉ huy 20 năm nữa không phải là vấn đề gì lớn…/.
(Mời xem tiếp trên Pháp luật 4 phương số 14, ra ngày 10/8/2015)

Đọc thêm

Báo cáo Nhân quyền của Hoa Kỳ nhận định không khách quan về thực tế tại Việt Nam

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng.
(PLVN) - "Báo cáo Nhân quyền thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 22/4/2024 mặc dù đã phản ánh các thành tựu và bước tiến của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền con người nhưng rất tiếc vẫn tiếp tục đưa ra một số nhận định không khách quan dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình thực tế tại Việt Nam".

Dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và Động viên công nghiệp: Bảo đảm xây dựng nền công nghiệp quốc phòng chủ động, lưỡng dụng

Đại tướng Phan Văn Giang tham quan Nhà máy Z131 (Tổng cục CNQP). (Ảnh: Lam Hạnh)
(PLVN) - Mới đây Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng các đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đã có buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và Động viên công nghiệp trên địa bàn Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Tạo sự đồng thuận, thống nhất trong tổ chức thực hiện biên chế

Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế đánh giá kết quả đạt được và hạn chế, đồng thời xác định một số nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2026. (Ảnh: PV)
(PLVN) - Hôm qua (24/4), tại Trụ sở Văn phòng Trung ương Đảng đã diễn ra Hội nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế (Phiên họp thứ 3). Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế Trương Thị Mai chủ trì Hội nghị.

Cần xây dựng lộ trình kiểm soát giá

Phó Thủ tướng - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá Lê Minh Khái chỉ đạo tại Hội nghị. (Ảnh: Thanh Hằng)
(PLVN) - Ngày 24/4, khi chủ trì cuộc họp đánh giá kết quả công tác quản lý, điều hành giá quý I/2024, định hướng công tác điều hành giá những tháng còn lại năm 2024, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá Lê Minh Khái đề nghị các Bộ, ngành cần xây dựng lộ trình tăng giá các mặt hàng dịch vụ một cách hợp lý, nhịp nhàng.

Lễ xuất quân Hành trình 'Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông'

Lễ xuất quân Hành trình 'Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông'
Sáng 24/4, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn tổ chức Lễ xuất quân hành trình "Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông" với chuỗi các hoạt động thăm, tặng quà, tri ân các gia đình cựu chiến sĩ Điện Biên, các thương - bệnh binh, gia đình có công với cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng, dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ.

Báo chí Uruguay và Argentina khẳng định ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ

Báo chí Uruguay và Argentina khẳng định ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ
Trong không khí tưng bừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), trang El Popular của Đảng Cộng sản Uruguay và tờ Resumen Latinoamericano của Argentina đã đăng bài phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Argentina Ngô Minh Nguyệt, trong đó khẳng định chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của lòng yêu nước nồng nàn, ý chí bất khuất, kiên cường của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử; là chiến thắng của đường lối kháng chiến, đường lối quân sự độc lập, đúng đắn, sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Phát triển mạng lưới đường sắt đô thị: tạo đà cho những bước tiến xa. Kỳ 3: Cần khung khổ pháp lý mới để hiện thực hóa mục tiêu đường sắt đô thị

Dự án tuyến ĐSĐT số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội vừa hoàn thành tuần thứ tư của giai đoạn vận hành thử nghiệm. (Ảnh: Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội)
(PLVN) - Các chuyên gia cho rằng, mục tiêu xây dựng hệ thống đường sắt đô thị tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vào năm 2035 là khả thi nếu có tư duy mới, thực sự đột phá cùng một khung khổ pháp lý mới, “may đo” riêng cho 2 TP tiệm cận với cơ chế phổ biến của các nước đã phát triển thành công hệ thống đường sắt đô thị.

84 giải pháp đoạt giải Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc

84 giải pháp đoạt giải Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc
Tối 23/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Ðoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức tổng kết và trao giải thưởng Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ 17 (2022-2023).

Quy định cụ thể về ngưỡng doanh thu không chịu thuế giá trị gia tăng

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp.
(PLVN) - Chiều 23/4, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) (sửa đổi), các đại biểu đề nghị Chính phủ tính toán, cân nhắc các yếu tố liên quan để quy định cụ thể mức ngưỡng doanh thu hàng năm thuộc diện không chịu thuế GTGT trong Luật để xác lập căn cứ pháp lý rõ ràng.