Vậy chính sách sắp tới của Chính phủ về vấn đề này là gì? Giải pháp nào sẽ giúp tháo gỡ những vướng mắc trong chính sách trọng dụng người tài? Xung quanh chủ đề này, Báo PLVN đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, để triển khai thực hiện Nghị định số 140/2017/NĐ-CP về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc..., ngày 31/5/2018, Bộ Nội vụ đã có Công văn số 2458 đề nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định tổ chức quán triệt, phổ biến, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền trong việc thực hiện Nghị định này. Kết quả, đã có một số bộ, cơ quan ở Trung ương và địa phương triển khai, như Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Tài chính, UBND các tỉnh: Bạc Liêu, Quảng Trị, Quảng Ngãi...
Thưa Bộ trưởng, thực tế nhiều bộ, ngành, địa phương mới chỉ ban hành các quy định về ưu tiên trong thu hút nhân tài mà chưa coi trọng việc sử dụng và tạo môi trường thuận lợi cho họ phát huy sở trường, thậm chí có nơi còn thực hiện theo kiểu “đối phó”. Ông suy nghĩ thế nào?
- Kết quả bước đầu cho thấy, việc tạo môi trường thuận lợi cho nhân tài phát huy sở trường là rất quan trọng. Nhưng qua kiểm tra, rà soát thực tế thì nhận thức, quyết tâm của một số bộ, ngành, địa phương chưa cao, thiếu quyết liệt, trong đó có việc tạo môi trường thuận lợi cho nhân tài phát huy tài năng, sở trường.
Tuy nhiên, việc thu hút, trọng dụng nhân tài theo kiểu “đối phó” xét về hiện tượng có thể đưa ra nhận định như vậy, nhưng về bản chất thì đến nay chưa có cơ sở chắc chắn để khẳng định nhận định đó là đúng.
Những năm qua, Bộ Nội vụ đã tiến hành thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức cán bộ ở hầu khắp các bộ, ngành, địa phương và chưa phải xử lý trường hợp nào như bạn nói.
Để xây dựng được đội ngũ cán bộ cấp chiến lược theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW của Trung ương thì phải qua rất nhiều khâu nghiêm ngặt, cơ chế kiểm soát rất chặt chẽ để chống “chạy chức, chạy quyền” thì rất khó có dư địa cho việc thu hút nhân tài theo kiểu “đối phó”, dự kiến sẵn nhân sự.
Bộ trưởng có thể cho biết một cách khái quát thế nào là nhân tài? Theo Bộ trưởng, sắp tới cần có những chính sách gì để thu hút nhân tài, trong đó tập trung vào những nội dung cơ bản nào?
- Có một bộ tiêu chí chính thức để đánh giá, xác định ai có tài năng thực sự là điều mọi quốc gia, mọi tổ chức và cả xã hội đều mong muốn. Tuy nhiên, đánh giá mọi sự việc, hiện tượng nói chung đã khó, đánh giá con người càng khó hơn. Cũng vì khó đưa ra tiêu chí đánh giá, nên cũng khó đưa ra định nghĩa thế nào là nhân tài.
Chúng ta có thể kể ra Anbe Anhxtanh hay Isắc Niu tơn là thiên tài; C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh là những lãnh tụ thiên tài bởi những cống hiến, đóng góp của họ đã được lịch sử minh chứng và cả cộng đồng quốc tế công nhận. Song sẽ rất khó để chỉ ra một người cụ thể, đang trong một độ tuổi nhất định có phải là nhân tài hay không, vì những cống hiến, đóng góp của họ cần có thời gian để kiểm chứng trong thực tiễn.
Về chính sách thời gian tới, Chính phủ đã chỉ đạo tập trung vào ba nội dung cơ bản là chính sách phát hiện nhân tài, thu hút nhân tài và trọng dụng nhân tài ở các ngành, lĩnh vực mũi nhọn phục vụ cho phát triển nhanh, bền vững. Những bất cập hiện nay cũng chủ yếu ở trong ba nội dung này, do đó việc ban hành chính sách sẽ là giải pháp khắc phục các bất cập đang tồn tại trên thực tế.
Thưa Bộ trưởng, ông kỳ vọng gì vào Đề án Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài mà Bộ Nội vụ đang xây dựng? Theo ông, có cần thiết phải ban hành một văn bản có giá trị pháp lý cao hơn về vấn đề này để nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả và tạo sự thống nhất trong triển khai thực hiện?
- Như tôi đã nói, chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài ban hành thời gian tới cần chú ý đặc điểm rất quan trọng này để làm sao tạo môi trường tốt nhất có thể để cho nhân tài được phát huy tài năng, sở trường của họ. Môi trường đó bao gồm cả môi trường pháp lý, môi trường học thuật…
Song điều quan trọng là chính sách, pháp luật về thu hút nhân tài không chỉ để phát huy tài năng của họ mà còn phải bảo vệ nhân tài, tạo an toàn về pháp lý cho nhân tài yên tâm làm việc, cống hiến, đóng góp đúng với tài năng, sở trường của họ.
Đề án Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài là sự cụ thể hóa và phát triển quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta đối với người có tài năng; là sự phản ánh, tổng kết thực tiễn thi hành chính sách, pháp luật thu hút, trọng dụng người có tài năng của Đảng và Nhà nước thời gian qua, có tiếp thu chọn lọc những kinh nghiệm hay của quốc tế.
Tôi cho rằng, ở thời điểm hiện tại, chưa cần thiết phải ban hành một văn bản quy phạm pháp luật khác để quy định về chính sách này. Nhưng cũng cần nhấn mạnh rằng, chúng ta đang ở trong bước chuyển của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, cho nên chính sách, pháp luật, tổ chức bộ máy và con người đều là sự phản ánh bước chuyển đó, nên không thể đòi hỏi hoàn thiện ngay, mà phải có quá trình.
Bộ Nội vụ là cơ quan soạn thảo các văn bản liên quan đến thu hút, trọng dụng nhân tài. Vậy Bộ trưởng có thể chia sẻ về công tác thu hút, trọng dụng nhân tài ở Bộ Nội vụ?
- Thực hiện Kế hoạch của Bộ Nội vụ về tổ chức tuyển dụng công chức, năm 2018, Bộ đã có các thông báo về việc tuyển dụng và bổ sung chỉ tiêu tuyển dụng công chức năm 2018 của Bộ Nội vụ. Theo đó, Bộ dự kiến tuyển dụng qua thi tuyển 47 công chức về công tác tại một số đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ. Hết thời gian nhận hồ sơ, Bộ nhận được 711 hồ sơ dự tuyển, trong đó 02 hồ sơ thuộc trường hợp tuyển dụng theo Nghị định số 140/2017/NĐ-CP.
Tuy nhiên, việc tuyển dụng công chức theo quy định tại Nghị định số 24/2010/NĐ-CP và Nghị định số 140/2017/NĐ-CP thực hiện theo 02 quy trình khác nhau. Vì vậy, lãnh đạo Bộ thống nhất tổ chức 02 đợt tuyển dụng. Tại kỳ thi tuyển dụng công chức theo Nghị định số 24 vừa qua, có 28 thí sinh đã được công nhận kết quả thi tuyển công chức. Căn cứ vào chỉ tiêu biên chế và nhu cầu của từng đơn vị, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục xây dựng Kế hoạch tuyển dụng đối với đối tượng theo Nghị định số 140.
Trân trọng cám ơn ông về cuộc phỏng vấn!