Đề xuất cần có đạo luật về chính sách trọng dụng nhân tài
Theo đánh giá của Đảng ta, sau hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đội ngũ cán bộ các cấp đã phát triển về nhiều mặt. Tuy vậy, tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ xảy ra ở nhiều nơi; đặc biệt chúng ta đang thiếu những nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành trên nhiều lĩnh vực.
“Những hạn chế, bất cập trong công tác cán bộ cũng là một nguyên nhân chủ yếu làm cho đất nước phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và mong muốn của chúng ta, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Ðảng và Nhà nước”- Nghị quyết số 26 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII chỉ rõ.
Nhất quán và kiên trì thực hiện quan điểm “phát huy dân chủ, trọng dụng nhân tài”, Nghị quyết 26 đã yêu cầu phải tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ. Trong đó “quy định khung cơ chế, chính sách ưu đãi để phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài có trọng tâm, trọng điểm, nhất là các ngành, lĩnh vực mũi nhọn phục vụ cho phát triển nhanh, bền vững”.
Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, thời gian qua, nhiều bộ, ngành, địa phương trong cả nước đã chủ động ban hành chính sách về thu hút nhân tài. Tuy nhiên, do thiếu khung tiêu chí để xác định người tài năng nên mỗi địa phương có một chính sách khác nhau, dẫn đến hiện tượng xét tuyển công chức một cách tùy tiện, không bảo đảm người thực sự có tài năng vào trong các cơ quan của nhà nước.
Những bất cập này đã làm “nóng” nghị trường Quốc hội khi các đại biểu thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức (dự thảo Luật) tại Kỳ họp thứ 7, diễn ra vào tháng 6 vừa qua.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Cà Mau) đã đề nghị cần phải ban hành một đạo luật về chính sách trọng dụng nhân tài, vì đây là chính sách lớn, không thể bó hẹp trong một điều của một đạo luật. Đối với doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, các lĩnh vực khoa học, công nghệ, y tế, giáo dục... đều cần trọng dụng nhân tài chứ không riêng gì cán bộ, công chức. Tất cả mọi công dân Việt Nam nếu có tài năng đều được trọng dụng.
Đồng tình với việc cụ thể hóa về chính sách đối với nhân tài trong dự thảo Luật là hết sức cần thiết, nhưng Đại biểu Quốc hội Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) đề xuất cần có khái niệm thế nào là người có tài năng.
Còn Đại biểu Quốc hội Y Khút Niê (Đắk Lắk) mong muốn dự thảo Luật làm rõ tiêu chí về nhân tài, để khi luật ban hành có thể được áp dụng một cách thống nhất, tránh tình trạng luật quy định chung chung mỗi nơi hiểu một kiểu, dẫn đến việc xét tuyển công chức một cách tùy tiện, không bảo đảm người thực sự có tài năng vào trong các cơ quan của Nhà nước.
Không nên trừu tượng hóa nhân tài
Lo ngại sẽ có sự ưu ái không công bằng trong việc tuyển dụng nhân tài, ông Phạm Văn Hòa, ủy viên Ủy ban pháp luật của Quốc hội, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng cần quy định cụ thể những nguyên tắc chung về tuyển dụng người tài.
Bên cạnh đó phải có những quy định để mọi người hiểu rõ như thế nào là “nhà khoa học trẻ”, “người có tài năng”, qua đó có sự phân biệt, phòng ngừa không phải là người tài mà vẫn được ưu đãi như người tài.
Ngoài quy định nguyên tắc chung, các ĐB cũng kiến nghị cần có quy định mang tính chất linh hoạt để thu hút, trọng dụng và đãi ngộ phù hợp với vùng miền, nhất là vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để có cơ chế thu hút người tài phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.
Nếu có những tài năng trẻ chấp nhận làm ở vùng đồng bào dân tộc thì tiêu chuẩn đặt ra không phải là giỏi ngoại ngữ như tiếng Anh, Pháp... mà phải biết tiếng đồng bào dân tộc, nắm được ngôn ngữ văn hóa của họ.
Theo TS. Dương Quang Tung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Tổ chức nhà nước - Bộ Nội vụ, nhân tài phải được gắn với một lĩnh vực hoạt động cụ thể cùng với chuyên môn, nghiệp vụ nhất định. Ngoài ra, cần phân biệt nhân tài với người học giỏi. Người học giỏi có bằng cấp cao chưa phải là người tài nếu thiếu một ý chí cao trong công việc và thiếu thành tích, cống hiến cụ thể.
Trong khi đó, PGS.TS. Lê Minh Thông, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội cho rằng không nên trừu tượng hóa nhân tài để trở thành một khái niệm khó xác định mà quan niệm nhân tài ở nhiều cấp bậc khác nhau, mức độ khác nhau.
Cho rằng “định nghĩa thế nào là người tài cũng đang là cả một câu chuyện”, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu băn khoăn về những trường hợp được thưởng Huân, Huy chương có được coi là người có tài năng hay không? “Trong Huân, Huy chương thì có cả Huy chương dũng cảm.
Chẳng hạn, cứu người cũng được coi là dũng cảm. Dũng cảm thì được khen ngợi là đúng, nhưng đấy có phải tài năng không? Rồi người đó có được tuyển thẳng vào hệ thống chính trị để làm việc hay không? Điều này phải có hướng dẫn, nếu không mọi người sẽ hiểu rằng huy chương nào chả là huy chương, rồi đòi bình đẳng”- ông Hiểu đặt vấn đề.
Như vậy, để thu hút và sử dụng người tài một cách hiệu quả, không chỉ cần một chế độ đãi ngộ tương xứng, môi trường làm việc không gò bó... mà trước hết cần sớm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, trong đó quy định cụ thể về những tiêu chí tuyển dụng người tài phù hợp thực tiễn.
Có được như vậy mới hy vọng chính sách thu hút người tài bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tạo cơ sở pháp lý cho việc phát hiện, đào tạo, trọng dụng nhân tài một cách hiệu quả. Cùng với đó, điều cần lưu tâm là phải có cơ chế kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, tránh lạm dụng chính sách để trục lợi cá nhân.