Lấy địa vị dụ “con mồi”
Đang thụ án tại trại giam An Điềm (thuộc Tổng cục VIII, Bộ Công an) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Văn Hữu Thiết (SN 1954, ngụ phường Phước Ninh, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng) từng là Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) TP. Đà Nẵng, có chân trong hội đồng quản trị nhiều công ty, thường xuyên xuất hiện trên các diễn đàn, hội thảo…
Tháng 8/2013, Thiết bị Công an Đà Nẵng “để ý” khi nhận được đơn tố cáo của bà Đinh Thị Ngọc, chủ 1 doanh nghiệp đóng trên địa bàn quận Hải Châu. Giữa tháng 9/2013, Cơ quan điều tra chính thức khởi tố, bắt tạm giam ông Thiết về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo hồ sơ vụ án, năm 2010, bà Ngọc có tham gia thiết kế cho một công trình của thành phố. Công ty của ông Thiết đảm nhận thi công và quen bà Ngọc từ đó. Đầu tháng 9/2010, qua quá trình cà phê, nói chuyện với nhau, ông Thiết “bật mí” về một căn nhà mặt tiền của mình nằm trên đường Phan Châu Trinh (quận Hải Châu) đang có giá hàng chục tỷ đồng.
Ngoài ra, ông Thiết còn “lăng-xê” là có vài “cơ ngơi” nhỏ rải rác trong quận. Bà Ngọc nghe và không có cớ gì lại không tin. Tuy nhiên, trong lúc tâm tình, ông Thiết không quên nói khéo: “Tiền tỉ Thiết có đó, nhưng đất đai đang lên, bán tiếc lắm. Trong khi, những dự án Thiết đang làm rất nhiều, cần vốn đầu tư mà không biết xoay ở đâu”.
Thấy ông bạn có tài sản, lại giữ chức Phó Chủ tịch Hiệp hội DNVVN mở lời mượn tiền, bà Ngọc không mảy may nghi ngờ, đồng ý giao 350 triệu đồng cho mượn.
Đầu tháng 10/2010, trong khi tiền cũ chưa trả, ông Thiết lại tiếp tục tìm gặp bà Ngọc và “nổ”, ông vừa làm thủ tục mua 3 lô đất thương mại tại khu vực Đông Nam Đài tưởng niệm liệt sĩ Đà Nẵng. Để bà Ngọc tin, ông trưng ra rất nhiều giấy tờ.
Ngoài ra, ông Thiết còn kể rất nhiều về chuyện “chung chi” cho các cấp, ban, ngành để mua được đất giá rẻ hơn giá thị trường gần một nửa. Thấy bà Ngọc tỏ ý thích, ông Thiết liền rủ góp vốn tham gia chung 1 lô đất. Tin tưởng và cũng hám lợi, bà Ngọc nhiều lần đưa tiền cho ông Thiết “lo đất đai”. Đến cuối tháng 10/2012, thấy thời gian khá lâu nhưng chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bà Ngọc mới chất vấn ông Thiết.
Nhưng ông Thiết “cao tay” hơn. Ông đoán biết điều này nên tự bịa sẵn nhiều công văn, văn bản, quyết định; giả chữ ký, con dấu của Chánh văn phòng UBND TP. Đà Nẵng để cho bà Ngọc tin về 3 lô đất thuộc Dự án Đông Nam tượng đài có thật. Càng tin tưởng hơn, bà Ngọc không ngần ngại giao nốt khoản tiền còn lại cho ông Thiết.
Mỏi mòn chờ không thấy tài sản của mình, ông Thiết thì hết lần này đến lần khác hứa hẹn, đầu năm 2013, bà Ngọc tự đi tìm hiểu ở các ban, ngành mới vỡ lẽ mình đã bị lừa. Bà Ngọc quyết định tố cáo hành vi của ông Thiết với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ (PC 46, Công an TP. Đà Nẵng). Số tiền bà Ngọc bị ông Thiết lừa chiếm đoạt lên đến 3,1 tỷ đồng.
Phòng PC 46 vào cuộc điều tra xác minh thì phát hiện ra, cũng với thủ đoạn tương tự, ông Thiết còn lừa của rất nhiều người, chiếm đoạt nhiều tỉ đồng. Trong quá trình điều tra, Phòng PC 46 làm rõ thủ đoạn của ông Thiết, không chỉ lợi dụng các chức danh từng nắm giữ ở hiệp hội, ông Thiết còn thường xưng hô bà con, người nhà của Chủ tịch UBND TP.
Lý do, ông Thiết có họ, tên lót trùng với ông Văn Hữu Chiến (thời điểm trên là Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, nay đã nghỉ hưu) nên “bắt quàng”. Trên thực tế, ông Thiết không hề có bất cứ quan hệ nào với ông Chiến.
Ngoài lừa bán đất trục lợi nhiều tỷ đồng, từ năm 2008, ông Thiết còn lừa nạn 1 nạn nhân ở Hải Dương giúp đi xuất khẩu lao động tại Canada để chiếm đoạt của người này 8.300USD (vụ việc về sau không khởi tố do ông Thiết đã khắc phục); lừa 6 trường hợp xin việc tại các cơ quan công chức, ngân hàng; lừa mua giúp ô tô…
Ngày 8/7/2014, TAND TP. Đà Nẵng đưa vụ án ra xét xử tuyên 11 năm tù giam đối với Văn Hữu Thiết. Về dân sự, ông Thiết buộc trả lại cho tổng 11 nạn nhân số tiền hơn 6,3 tỉ đồng.
Văn Hữu Thiết trong thời gian trả án tại Trại giam An Điềm |
Tâm sự của một doanh nhân “ngã ngựa”
Trước khi cho phóng viên gặp ông Thiết, đại tá Võ Thanh Nam, Phó Giám thị trại giam An Điềm tâm sự, ngày vào trại, ông Thiết vẫn nghĩ mình đang ở vị trí chức vụ quan trọng. Điều này khiến nhiều phạm nhân khác không ưa. Sau nhiều lần được cán bộ quản giáo tâm tình uốn nắn, thời gian gần đây, ông Thiết mới bắt đầu thay đổi và đang cải tạo rất tốt.
Bước ra khỏi nơi giam giữ, ông Thiết tươi cười cúi chào cán bộ, xin phép được ngồi, xin phép nói chuyện.. Ông, bản thân sinh ra trong gia đình đông anh em ở quận trung tâm Đà Nẵng. Gia đình thuộc diện khó khăn. Sau khi tốt nghiệp 12, Thiết rời mái ấm, tự thân bôn ba đi làm đủ nghề để kiếm sống.
Sau này có điều kiện, Thiết học thêm về Quản trị kinh doanh. Năm 1980, có tấm bằng đại học tại chức, Thiết chính thức bước chân vào thương trường, góp vốn, góp sức để làm ăn với một số bạn bè. Cũng trong năm này, Thiết lập gia đình và được xem như một người đàn ông thành đạt.
Thế nhưng, thời thế thay đổi, 15 năm sau, gia đình đỗ vỡ, ly tán, công việc cũng trải qua nhiều phen lận đận. Tuy nhiên, bằng nghị lực của một người chịu khó, Thiết cũng gây dựng lại sự nghiệp, tích cóp được một ít vốn. Riêng về chuyện tình cảm, hôn nhân, từ khoảng thời gian này cho đến lúc bị bắt giam, Thiết vẫn đơn chiếc một mình.
Ông Thiết nói, đây là một trong những lý do khiến trong khoảng thời gian thụ án, ông chỉ tối ngày gặm nhấm hành vi đã gây ra và bị nỗi buồn tình riêng dày vò. Về sau, thi thoảng bạn bè lên thăm, được nghe cán bộ gọi tên ra ngoài, ông lại mừng rớt nước mắt.
Theo lời kể, năm 2004, nắm bắt thị trường du học và nhu cầu cao về tìm việc làm của nhiều người ở miền Trung, ông Thiết tập trung vốn liếng thành lập Trung tâm tư vấn & Phát triển nguồn nhân lực (viết tắt HUREDC, thuê mặt bằng trên đường Lê Duẩn, quận Hải Châu).
Với “bước đệm” này, ông gõ cửa làm quen các doanh nghiệp lớn, nhỏ trên địa bàn để mở thêm Trung tâm hổ trợ và phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMBDS, cũng tại địa chỉ Trung tâm HUREDC).
Giới doanh nghiệp lúc đó luôn xem ông Thiết như một người thành đạt. 2 năm tiếp theo, ông ta đã có chân trong Hội đồng quản trị Công ty cổ phần thiết kế kiến trúc xây dựng Bình Minh (đóng tại Đà Nẵng). Từ đó, Thiết tiến đến giữ các chức vụ Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Hiệp DNVVN TP. Đà Nẵng; Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội này.
Có địa vị xã hội, Thiết thường xuyên xuất hiện trên các diễn đàn, hội thảo có liên quan đến doanh nghiệp. Thiết nhớ rõ, những năm 2011, 2012, nhiều người tỏ ra ngưỡng mộ trước vẻ tất bật, chỉ biết đến công việc của Thiết. Còn cánh báo chí, Thiết gần như trở thành “điểm đến” để các phóng viên đặt câu hỏi phỏng vấn, hay tiên phong đăng đàn bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình về các vấn đề đang được dư luận quan tâm, thậm chí “né” nói đến…
“Có những người muốn nổi tiếng, làm mọi cách để được biết đến, nhưng cốt yếu cũng chỉ vì cần lấp đi khoảng trống trong lòng, sự thất bại nào đó khó chia sẻ. Tôi nằm trong số này. Ném lao phải theo lao và cuối cùng tôi đã mất cả chì lẫn chài”, Thiết trải lòng.
Người tù đã ở cái tuổi U60 cho rằng, đến nay, dù CQĐT không biết đến, trong bản án không nhắc tới, song thực tế đằng sau hành vi lừa đảo của ông xuất phát từ cái cách “lỡ làm người nổi tiếng”.
Theo ông Thiết, trong quá trình đưa người đi xuất khẩu lao động, Thiết đã bị đối tác ăn chặn mất tiền rất lớn. Không muốn mất uy tín, Thiết nghĩ đủ trò lừa dối, vay bên này đắp bên kia, cứ thế tiền lãi nhân lên và không còn cách trả nợ.
Những ngày ở trại giam, khi nhìn lại cuộc đời chẳng có ai bên cạnh, nhà cửa, tài sản đã mang phát mãi hết để khắc phục hậu quả, Thiết cho biết, lúc này mình mới thực sự tỉnh ngộ. Từ đầu năm đến nay, Thiết cố gắng cải tạo tốt, đồng thời do bị đau thần kinh tọa nên được phân công vào đội làm bếp. Thiết thành thật, thời gian thụ án tiếp theo cũng chỉ mong được như vậy. Ngày về, nếu xã hội rộng cửa đón nhận, Thiết sẽ tập trung viết sách bán kiếm tiền (trước đây Thiết từng tham gia viết sách) để trả nốt những khoản nợ còn lại…