AFP dẫn thông tin từ giới chức Hàn Quốc cho biết tên lửa mới nhất của Triều Tiên được phóng đi từ Sunan ở gần Bình Nhưỡng, đi theo hướng Đông, qua Nhật Bản và rơi xuống Thái Bình Dương. Theo Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc, tên lửa đã bay được khoảng 2.700km và đạt được độ cao tối đa khoảng 550km.
Nhật Bản đã ngay lập tức lên tiếng phản đối động thái từ Triều Tiên. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gọi đây là một “mối đe dọa chưa từng có tiền lệ, nguy hiểm và nghiêm trọng”. Ông Abe cho rằng vụ việc là một hành động thái quá, gây tổn hại lớn tới hòa bình và an ninh của khu vực. Thủ tướng Nhật Bản cũng cho biết ông đã có cuộc điện đàm kéo dài 40 phút với ông Trump. Trong đó, theo ông Abe, 2 bên đã nhất trí tăng cường hơn nữa áp lực với Triều Tiên”. Hội đồng bảo an LHQ cùng ngày đã triệu tập một cuộc họp khẩn để bàn về vụ việc theo đề nghị của Nhật Bản và Mỹ.
Ông Robert Wood – đại diện thường trực của Mỹ tại Hội nghị giải trừ quân bị của LHQ tại Geneva – gọi đây là một hành vi khiêu khích khác của Triều Tiên, một “mối quan ngại lớn”. Nhưng Trung Quốc – đối tác thương mại chính của Triều Tiên – đã kêu gọi các bên kiềm chế. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho rằng tình hình đã đạt đến đỉnh điểm nhưng đồng thời cũng cảnh báo áp lực và các lệnh trừng phạt không thể giải quyết được hoàn toàn vấn đề. Nga cũng khẳng định nước này vô cùng quan ngại về vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên.
Vụ phóng tên lửa mới nhất diễn ra sau khi Triều Tiên hồi tháng trước đã tiến hành 2 vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa lần đầu cho thấy Bình Nhưỡng có thể phát triển tên lửa chạm tới phần lục địa của Mỹ, đồng thời dấy lên căng thẳng trong khu vực. Triều Tiên khi đó cũng dọa sẽ bắn tên lửa tới lãnh thổ Guam của Mỹ, kéo theo cảnh báo đầy mạnh mẽ của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Guam cách Triều Tiên khoảng 3.500km. Bất kỳ vụ phóng tên lửa nào từ Triều Tiên tới Guam nếu xảy ra cũng đều sẽ phải bay qua Nhật Bản. Do đó, các nhà phân tích hiện cho rằng vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên đã đặt ra một thách thức lớn đối với cả Mỹ và Nhật.
Ông Euan Graham ở Viện Lowy của Australia thì lý giải việc Triều Tiên phóng tên lửa tới Guam có thể bị Mỹ xem là ranh giới đỏ. Do vậy, thay vào đó, Bình Nhưỡng đã chọn giải pháp nửa chừng. “Người Triều Tiên đang hành động rất khôn ngoan khi đặt ra một câu hỏi khó cho đồng minh chủ chốt của Mỹ ở tây Thái Bình Dương là Nhật Bản nhưng đồng thời cũng không đến mức đẩy căng thẳng gia tăng đến mức Mỹ xem xét nghiêm túc các biện pháp quân sự”, ông Graham nhận định và cho rằng động thái mới nhất của Triều Tiên cũng cho thấy họ đang kiểm soát vòng leo thang căng thẳng.
Lần cuối cùng Triều Tiên phóng rocket qua vùng trời Nhật Bản là năm 2009, nhưng Bình Nhưỡng khẳng định đó là một vụ phóng vệ tinh. Trước đó, năm 1998, Triều Tiên cũng đã thực hiện một vụ phóng tên lửa qua không phận của Nhật. Trước đây, Nhật Bản từng tuyên bố sẽ bắn hạ tên lửa hay rocket của Triều Tiên đe dọa lãnh thổ nước này. Tuy nhiên, khi tên lửa bay qua lãnh thổ Nhật khoảng 2 phút trong ngày 29/8, phía Nhật đã không có động thái thực hiện đe dọa này. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera lý giải nguyên nhân là do các tướng lĩnh Nhật Bản cho rằng tên lửa không đe dọa nước Nhật.