Việt Nam mới chỉ bước đầu tiếp cận thị trường Halal
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Lê Phước Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông cho biết, số lượng người theo Islam giáo là gần 2 tỷ, chiếm khoảng 23% dân số thế giới, trong đó tín đồ ở Châu Á chiếm khoảng 60%, ở Trung Đông và Bắc Phi khoảng 20%, châu Phi và cận Sahara là 15%... Dự kiến dân số Islam giáo sẽ chiếm 30% dân số thế giới vào năm 2025 do dân số Islam giáo đang tăng nhanh gấp đôi so với dân số phi Islam giáo. Theo Báo cáo Kinh tế Islam giáo toàn cầu 2019/2020, năm 2018, kinh tế Halal toàn cầu có tổng trị giá khoảng 2.440 tỉ USD.
Riêng ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống Halal chiếm 56% với giá trị là 1.369 tỉ USD. Hiện nay ở Việt Nam, cộng đồng Islam giáo có khoảng xấp xỉ 100.000 tín đồ, tập trung ở 14 tỉnh, TP: An Giang, TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Đồng Nai, Ninh Thuận… nhưng chỉ có khoảng 20 mặt hàng xuất khẩu ở thị trường Halal, có tới 40% các địa phương Việt Nam chưa có sản phẩm xuất khẩu có chứng nhận Halal hay nói cách khác Việt Nam mới chỉ bước đầu tiếp cận thị trường Halal.
PGS.TS Lê Phước Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông phát biểu khai mạc hội thảo. |
Theo PGS.TS Lê Phước Minh, hội thảo có ý nghĩa cấp thiết cả về mặt lý luận và thực tiễn, không chỉ góp phần hiểu rõ về văn hóa Islam, cũng như nâng cao nhận thức và hiểu biết về ngành Halal cho các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp và người dân Việt Nam mà còn mở ra cơ hội để Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị Halal toàn cầu và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thu hút du khách Islam giáo và vốn đầu tư hàng tỷ USD của cộng đồng Islam. Đồng thời, góp phần thắt chặt quan hệ hợp tác của Việt Nam với cộng đồng Islam giáo trên thế giới nhằm thực hiện Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030” theo Quyết định số 10/QĐ-TTg ngày 14/02/2023 của Chính phủ.
Từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý trong chứng nhận, quản lý, phát triển tiêu chuẩn Halal
Chia sẻ tại hội thảo, ông Bùi Hà Nam, Vụ trưởng Vụ Trung Đông – Châu Phi, Bộ Ngoại giao nêu rõ, tiềm năng của thị trường Halal toàn cầu rất lớn xét về dự báo tăng trưởng quy mô dân số 1 , mức chi tiêu, sự đa dạng về lĩnh vực và triển vọng tăng trưởng trong tương lai với tốc độ khoảng 6 – 8%/năm.
Nhiều báo cáo gần đây của các tổ chức quốc tế ước tính quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu đã đạt trên 7.000 tỷ USD năm 2022 và dự kiến tăng lên mức khoảng 10.000 tỷ USD trong năm 2028. Mức chi tiêu và sử dụng các sản phẩm Halal có xu hướng ngày càng tăng, mở rộng sang cả người không theo đạo Hồi do các sản phẩm Halal đáp ứng nhiều tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng, bảo vệ môi trường...
Vụ trưởng Vụ Trung Đông – Châu Phi Bùi Hà Nam phát biểu tại hội thảo. |
Theo Vụ trưởng Vụ Trung Đông – Châu Phi Bùi Hà Nam, Thời gian qua, Chính phủ rất quan tâm đến việc khai mở và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hiệu quả vào thị trường Halal toàn cầu, giao Bộ Ngoại giao chủ động phối hợp với Bộ Nội vụ (Ban Tôn giáo Chính phủ), Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu và các cơ quan liên quan tích cực trao đổi, đề xuất với các đối tác tiềm năng tại Trung Đông - châu Phi, Đông Nam Á, Nam Á…
Thời gian tới, để đưa các sản phẩm đạt chứng nhận Halal của Việt Nam vào các thị trường Halal thế giới cần tập trung vào các định hướng cụ thể như: Tập trung vào công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về ngành Halal, văn hóa Hồi giáo cho người dân, doanh nghiệp và sở, ban, ngành địa phương; đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, thương hiệu các sản phẩm, dịch vụ Halal Việt Nam với thị trường toàn cầu; xây dựng và hoàn thiện cơ chế quản lý phù hợp, từng bước hướng tới việc hoàn thiện hành lang pháp lý trong chứng nhận, quản lý, phát triển tiêu chuẩn Halal.
Quang cảnh hội thảo. |
Cùng với đó, lồng ghép nội dung hợp tác Halal trong trao đổi, tiếp xúc cấp cao và các cấp với hầu hết các đối tác Hồi giáo như UAE, Qatar, Brunei,…; đưa nội dung về hợp tác Halal vào trong các cơ chế hợp tác song phương (UBLCP, TVCT), hiện Bộ Ngoại giao đang thúc đẩy tổ chức kỳ họp các cơ chế này giữa Việt Nam với các đối tác Hồi giáo như UAE, Ả-rập Xê-út, Iran, Qatar…; thúc đẩy ký kết các văn bản, thỏa thuận, tạo khuôn khổ pháp lý, nền tảng cho hợp tác trong lĩnh vực Halal; thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan để xây dựng 4 tiêu chuẩn quốc gia TCVN về lĩnh vực Halal (Thực phẩm Halal - Yêu cầu chung; Thực hành nông nghiệp tốt đối với cơ sở sản xuất Halal; Thức ăn chăn nuôi về Halal; Thực phẩm Halal - Yêu cầu đối với giết mổ động vật).
Các đại biểu trao đổi tại hội thảo. |
Hội thảo diễn ra với 2 phiên, các chuyên gia, nhà khoa học đã chia sẻ, thảo luận các vấn đề lược sử về Islam giáo trên thế giới và ở Việt Nam; những nội dung cơ bản của Islam giáo; thực trạng phát triển ngành Halal toàn cầu; cơ hội và thách thức phát triển ngành Halal trong bối cảnh mới; triển vọng và một số giải pháp phát triển ngành Halal ở Việt Nam.