Buổi tọa đàm có sự tham dự của lãnh đạo Bộ thông tin và Truyền thông Việt Nam, đại diện các bộ, ban ngành Trung ương, đại diện lãnh đạo các tỉnh Việt Nam giáp Lào, đại diện các Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh giáp Lào. Về phía Lào có lãnh đạo Bộ thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào, đại diện Đại sứ quán Lào, Tổng Lãnh sự quán Lào tại Đà Nẵng, đại diện Lãnh đạo hai tỉnh Salavan và Sekong của Lào.
Tọa đàm với mong muốn thông qua những góc nhìn của các chuyên gia, các nhà quản lý của hai nước và việc trao đổi với các quý vị đại biểu, khách mời và các diễn giả sẽ phần nào cung cấp thêm thông tin hữu ích, gợi mở những giải pháp thiết thực để tăng cường khả năng tiếp cận thông tin cho bà con vùng biên giới, để thông tin và truyền thông ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong việc đẩy mạnh đầu tư thương mại, phát triển du lịch, kinh tế đường biên giữa các tỉnh biên giới giữa Việt Nam và Lào.
Trình bày về vấn đề “Chuyển đổi số báo chí và một số kinh nghiệm ở Việt Nam”, ông Đặng Khắc Lợi, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, chuyển đổi số báo chí ở Việt Nam nhằm mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước.
Báo chí Việt Nam đã và đang từng bước phát triển để phù hợp với xu thế của công nghệ, thông tin và truyền thông đồng thời kết hợp chặt chẽ nhiều loại hình, phương tiện và tăng độ bao phủ cả trong nước và quốc tế, từng bước đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ thông tin, truyền thông trong tình hình mới.
Quang cảnh buổi tọa đàm. |
Báo chí cách mạng Việt Nam đang đứng trước các khó khăn, thách thức mới. Trước tình hình này, thực hiện chuyển đổi số các cơ quan báo chí truyền thông chính là sự thay đổi về tổng thể và toàn diện kể cả phương thức, cách làm việc, mô hình tổ chức, hoạt động sáng tạo các tác phẩm báo chí, là sự thay đổi quan trọng về nhận thức và thái độ của lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí.
Về kinh nghiệm xử lý tin giả ở Việt Nam, theo bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, hiện nhiều người xem không gian mạng là cuộc sống thứ hai, sáng tạo ra các nội dung có ảnh hưởng đến cộng đồng. Song song, các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới đang ngày càng phát triển ở Việt Nam, cho phép người dùng đăng tải nội dung miễn phí và khai thác quảng cáo. Điều này cũng góp phần gia tăng tình trạng tin giả, sai sự thật. Các nền tảng trực tuyến xuyên biên giới là nơi thông tin sai lệch truyền tải rất nhanh.
Tại Việt Nam, có 4 nền tảng lớn gồm: Zalo với 47 triệu người dùng, YouTube với 63 triệu người dùng, Facebook với 66 triệu người dùng và TikTok với gần 50 triệu người dùng. Ba trong số bốn nền tảng này gồm Facebook, YouTube, TikTok là nơi thông tin sai lệch truyền tải rất nhanh. Thời gian qua, Việt Nam triển khai rất nhiều hành động với 3 trụ cột chính trong công cuộc phòng, chống tin giả, tin sai sự thật. Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử sẽ chia sẻ về cách chống tin giả trên không gian mạng.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm (bìa phải) và ông Keomanyvong Phosy - Thứ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào - đồng chủ trì tọa đàm. |
Về kết quả hợp tác Việt Nam - Lào trong đào tạo báo chí, truyền thông, ông Phongsa Somsava, Vụ Truyền thông đại chúng, Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào cho biết, hiện nay Lào có 113 ấn phẩm; khu vực tư nhân có 13 số, khu vực công có 99 số, trong đó có 11 số là nhật báo; Có tổng cộng 168 đài phát thanh, trong đó có 9 đài ở trung tâm (7 đài FM, 2 đài AM), 75 đài địa phương và 77 đài mạng. Ngoài ra, nó đã được phát sóng qua vệ tinh và Internet, chiếm 100% diện tích cả nước và nhiều nước trên thế giới nghe được, hiện nay đài còn có thể phát sóng qua hệ thống truyền thông trực tuyến. Ngoài ra, Đài Phát thanh Quốc gia còn phát sóng các chương trình bằng tiếng Việt.
Lào có tổng cộng 49 đài truyền hình, ở cấp Trung ương có 4 đài, 3 đài tư nhân, 3 đài quốc tế, 4 đài mạng trung ương và 29 đài địa phương, trong đó 3 đài vẫn phát sóng trên mặt đất, up-link qua vệ tinh, một số tỉnh đang phát sóng qua truyền hình cáp, truyền hình kỹ thuật số và 6 đài kỹ thuật số; Ngoài ra còn có văn phòng đại diện báo chí của Việt Nam tại Lào như VTV, TTXVN, VOV…
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cũng đã được nghe các tham luận như: “Nền tảng quảng bá hình ảnh Việt Nam - Vietnam.vn - điển hình về áp dụng công nghệ trong thông tin đối ngoại” do lãnh đạo Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông trình bày; tham luận “Thách thức của thông tin, truyền thông Lào trong bối cảnh hiện nay” của ông Duangkeo Kongkham, Trưởng phòng Công nghệ thông tin - Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào; tham luận “Triển vọng hợp tác Lào-Việt về thông tin và truyền thông” của tỉnh Sê Kông do ông Khamvo VATSANGA, Giám đốc Sở Ngoại giao tỉnh Sê Kông trình bày.
Các đại biểu tham dự tọa đàm vào chiều 11/11, tại TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. |
Cũng trong khuôn khổ Chương trình “Ngày hội thắm tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Lào năm 2023”, trưa nay (11/11), đã diễn ra cuộc hội đàm giữa Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm và Thứ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào Keomanyvong Phosy nhằm đẩy mạnh hợp tác thông tin truyền thông giữa nước 2 nước Việt Nam-Lào.
Tại cuộc hội đàm, hai thứ trưởng nhận định, thông tin đối ngoại là một yếu tố quan trọng đối với công tác đối ngoại của mỗi nước, là cầu nối để mở rộng giao lưu nhân dân giữa hai nước, tăng cường sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước nói riêng và tăng cường khả năng tiếp cận thông tin của bạn bè quốc tế về mỗi nước nói chung, tăng cường quảng bá hình ảnh Việt Nam và Lào ra thế giới.
Lãnh đạo Cục Thông tin đối thoại - Bộ Thông tin và Truyền thông (nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) và Vụ Truyền thông đại chúng - Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch (nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào) đã triển khai ký kết Biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông đối ngoại giữa hai nước Việt Nam-Lào.
Biên bản ghi nhớ đạt được những thỏa thuận theo nguyên tắc chung là nhằm tăng cường hợp tác giữa các bên trong lĩnh vực thông tin đối ngoại, phù hợp với pháp luật và quy định có liên quan của mỗi quốc gia và trên cơ sở nguyên tắc bình đẳng, có đi có lại và cùng có lợi.
Hai bên đã xác định các lĩnh vực cùng hợp tác gồm: Quản lý xã hội bằng thông tin và truyền thông; Chuyển đổi số trong lĩnh vực thông tin đối ngoại; Tập huấn về nghiệp vụ thông tin đối ngoại, hợp tác truyền thông quốc tế; Tổ chức hoặc tham gia các sự kiện truyền thông quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người của mỗi nước; Các vấn đề khác do hai bên cùng nhất trí.