Khoảng 20% chưa đáp ứng yêu cầu
Theo quy định của Luật Hộ tịch, từ ngày 1/1/2016, việc đăng ký kết hôn, khai sinh, khai tử, nhận cha mẹ cho con, ghi chú kết hôn, ghi chú ly hôn… có yếu tố nước ngoài sẽ do UBND cấp huyện thực hiện thay vì Sở Tư pháp như trước đây.
Như vậy, với việc thay đổi thẩm quyền đăng ký các việc hộ tịch có yếu tố nước ngoài, người dân sẽ không còn phải cất công lên tận tỉnh, đường sá xa xôi, chi phí tốn kém mà chỉ cần đến cấp huyện là được giải quyết.
Sở Tư pháp vì thế cũng tập trung hơn cho công tác quản lý, không còn cảnh “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Hay việc cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cũng được xem là cải tiến lớn khi giao thẩm quyền cho UBND cấp xã nhằm sử dụng trong nước cũng như ở nước ngoài vào mục đích kết hôn cũng như không kết hôn.
Một trong những vấn đề được xem là cốt lõi, trọng tâm trong việc triển khai Luật mới chính là yếu tố con người. Khi chuyển giao thẩm quyền nhiều ý kiến lo ngại cán bộ tư pháp cấp huyện không đủ về số lượng và cả trình độ để triển khai luật mới. Do vậy, ngay sau khi Luật Hộ tịch được thông qua, hầu khắp các địa phương đã tiến hành rà soát, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tư pháp hộ tịch trước yêu cầu của tình hình mới.
Qua số liệu thống kê của 63 tỉnh, thành phố cho thấy: tính đến ngày 30/6/2015 có 1.446 công chức được giao làm công tác hộ tịch tại 704 đơn vị hành chính cấp huyện; 16.734 công chức tư pháp — hộ tịch tại 11.227 đơn vị hành chính cấp xã; trong đó có 5.621 đơn vị cấp xã có từ 02 công chức tư pháp — hộ tịch trở lên. Phần lớn trong số này có trình độ đại học luật. Số người chưaqua đào tạo chỉ chiếm 2,2%.
Sơ bộ kết quả rà soát cho thấy, nhiều địa phương đã có đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch cơ bản đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định của Luật. Nhưng tổng hợp trên cả nước cũng còn trên dưới 20% số lượng công chức (cấp xã, cấp huyện) chưa đáp ứng tiêu chuẩn, cần có kế hoạch đào tạo để có đủ tiêu chuẩn trước ngày 01/01/2020.
Cần thành thạo kỹ năng
Ghi nhận từ khi Luật có hiệu lực đến nay, tại 4 thành phố lớn (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng) thực hiện thí điểm đã có trên 60.000 trẻ em được cấp Số định danh cá nhân khi đăng ký khai sinh. Sau thời gian vận hành hệ thống cho thấy cơ bản ổn định, không có nhiều trường hợp nhập dữ liệu không chuẩn xác.
Còn tại một số địa phương không thí điểm, việc triển khai Luật cũng không phát sinh những vấn đề lớn. Tại Hà Tĩnh, việc triển khai Luật tương đối thuận lợi, một phần cũng do nhu cầu đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài không lớn.
Tại Nghệ An, với 100% cán bộ tư pháp cơ sở đã qua lớp bồi dưỡng nghiệp vụ tư pháp - hộ tịch, cơ bản có bằng đại học luật nên đã đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới. Tuy nhiên, khó khăn ở chỗ hiện vẫn còn trên 10 xã chưa có điện lưới quốc gia nên việc sử dụng máy vi tính, mạng internet cũng như phần mềm hộ tịch còn hạn chế. Trình độ tin học của cán bộ tư pháp vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.
Còn ở Quảng Bình, theo Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Thị Lài, qua rà soát đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch ở cấp huyện, xã đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu về tiêu chuẩn. Tuy nhiên, khó khăn, theo Giám đốc Lài để thực hiện thành thạo các kỹ năng như: kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, việc nắm bắt và giải quyết các sự kiện hộ tịch.
Đặc biệt, các sự kiện hộ tịch mới được chuyển giao thẩm quyền; trở ngại về ngoại ngữ, về cộng tác viên phiên dịch trước mắt các địa phương sẽ gặp khó khăn. Hơn nữa nhiệm vụ giao cho Phòng Tư pháp và công chức tư pháp - hộ tịch rất nhiều, trong lúc biên chế lại hạn chế nên trong cùng một lúc thực hiện nhiều nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác hộ tịch tại các cơ quan đăng ký hộ tịch ở cấp huyện và cấp xã chưa được trang bị đầy đủ, đồng bộ và thống nhất, nhất là điều kiện cơ sở vật chất cho việc đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài.
Mặc dù còn những khó khăn nhất định nhưng với sự nỗ lực của các địa phương trong việc tiếp tục kiện toàn, nâng cao trình độ cho cán bộ cơ sở tin tưởng công tác đăng ký hộ tịch theo Luật mới sẽ đi vào nền nếp, ngày càng phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân.