Khát vọng “đi đầu”…
Điểm lại chặng đường phát triển của công nghệ viễn thông Việt Nam, Bộ trưởng Bộ TT&TT, ông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: “Công nghệ 5G đang tới, đây là cơ hội để Việt Nam thay đổi thứ hạng. Muốn thay đổi thứ hạng thì phải đi đầu. Chưa đi đầu trên phạm vi toàn quốc thì đi đầu ở Hà Nội và TP HCM. Bộ TT&TT chủ trương cấp tần số 5G để thử nghiệm từ năm 2019 và đến năm 2020, khi thế giới triển khai 5G thì Việt Nam sẽ trong những nước đầu tiên triển khai 5G...”.
Lãnh đạo Bộ TT&TT cũng cho biết, thiết bị mạng 2G và 3G là 100% nhập ngoại, khi triển khai 4G, lần đầu tiên chúng ta đã có thiết bị Việt Nam, nhưng cũng là 8 năm sau khi công nghệ 4G xuất hiện. “Với 5G, chúng ta sẽ có thiết bị ngay từ là ngày đầu triển khai, tức là năm 2020” - Bộ trưởng khẳng định.
“Đây sẽ là sự thay đổi lớn nhất, sự thay đổi ý nghĩa nhất, và cũng là sự chuyển đổi về chất lớn nhất trong ngành công nghiệp điện tử viễn thông nước nhà. Bộ TT&TT khích lệ và tạo mọi điều kiện để các DN công nghệ Việt Nam, cả Nhà nước và tư nhân, cả lớn và nhỏ, nghiên cứu, sản xuất được thiết bị viễn thông, kể cả thiết bị mạng và thiết bị đầu cuối, để lần đầu tiên trong lịch sử nước nhà, mạng viễn thông Việt Nam được xây lên bởi thiết bị Việt Nam. Việt Nam cũng phải trở thành nước thứ 5 trên thế giới xuất khẩu được thiết bị viễn thông Made in Vietnam, bao gồm cả thiết bị mạng và đầu cuối…” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại Hội thảo |
Từ cách mạng công nghệ đến cách mạng chính sách
Nếu như công nghệ 2G là điện thoại thuần túy; công nghệ 3G là nửa điện thoại, nửa dữ liệu (data); công nghệ 4G là thuần túy data nhưng là cho người với người, thì công nghệ 5G là công nghệ data nhưng là công nghệ đầu tiên được thiết kế cho kết nối vạn vật. Nếu như 2G, 3G, 4G kết nối 7 tỷ người thì 5G sẽ kết nối hàng nghìn tỷ thiết bị, truyền tải toàn bộ thế giới vật lý vào thế giới ảo và thay đổi cơ bản cuộc sống loài người.
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, công nghệ kết nối vạn vật sẽ yêu cầu một sự đầu tư hoàn toàn khác so với mạng điện thoại kết nối con người với con người. “Mạng 5G là hạ tầng cho kết nối vạn vật, hạ tầng quan trọng nhất của CMCN 4.0. Việt Nam muốn đi đầu trong CMCN 4.0 thì mạng 5G phải đi trước. Mạng lưới phải có trước, hạ tầng kết nối phải có trước. Đầu tư trước, kinh doanh sau, đây phải là triết lý kinh doanh của tất cả các nhà mạng…” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
“Vấn đề xây dựng và hoàn thiện hạ tầng số hiện nay đối với Việt Nam là cuộc chạy đua nước rút, chứ không phải là cuộc chạy đường dài marathon. Bởi lẽ, điều này quyết định đến sự thành công mục tiêu thực thi Chính phủ điện tử, nền kinh tế số hay nói cách khác Việt Nam có bắt kịp con tàu 4.0 hay không thì điều kiện tiên quyết là phải phát triển hạ tầng số. Bởi nếu như công nghệ thông tin được xem là hạ tầng của hạ tầng thì mạng 5G chính là xương sống của kết nối hạ tầng ấy trong cuộc CMCN 4.0…” - Phó trưởng ban Kinh tế TƯ, ông Cao Đức Phát cũng nhấn mạnh.
Để đáp ứng được điều đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, chính sách viễn thông, chính sách ITC, chính sách cho CMCN 4.0 phải đi đầu để thu hút công nghệ, con người, sản phẩm của cả thế giới về với chúng ta.
Phó trưởng ban Kinh tế TƯ Cao Đức phát bày tỏ quan điểm: “Tôi rất tâm đắc với ý kiến của Bộ trưởng Bộ TT&TT rằng CMCN 4.0 là một cuộc cách mạng về chính sách nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ, rằng chúng ta phải chấp nhận cái mới thì sẽ có công nghệ, sẽ có nhân lực, sẽ tạo ra được nền công nghiệp mới và sẽ là cơ sở để phát triển kinh tế Việt Nam nhanh và bền vững. Và rằng đi sau hay đi cùng người khác thì chúng ta không bao giờ có khả năng thay đổi thứ hạng của mình. Chúng ta chấp nhận là người đi sau, nhưng chúng ta có lợi thế của người đi sau và chúng ta phải làm sao để đưa lợi thế này trở thành cơ hội của chúng ta, để chúng ta từng bước có thể tiến lên phía trước…”.