Triển khai biện pháp mạnh chống dịch COVID-19

Triển khai biện pháp mạnh chống dịch COVID-19
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong ngày 13/5, các địa phương, cơ quan, ban ngành trên cả nước tiếp tục áp dụng cơ chế mạnh, các biện pháp khẩn cấp để đẩy lùi dịch COVID-19.

TP Hồ Chí Minh quyết liệt dập dịch

Ngày 13/5, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức yêu cầu chủ tịch các quận, huyện, TP Thủ Đức tăng cường kiểm tra, giám sát địa bàn; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP nếu để xảy ra tình trạng các loại hình kinh doanh dịch vụ đang bị tạm ngừng vẫn hoạt động lén lút, trá hình và gây phát sinh ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. UBND TP HCM sẽ kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu đơn vị nếu để xảy ra tình huống trên.

Bên cạnh đó, trong ngày 13/5, tại Khu chế xuất Tân Thuận, TP HCM đã tiến hành  lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên Covid-19 trong công nhân. Theo đó, Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp TP phối hợp cùng Trung tâm y tế quận 7 tổ chức lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19 ngẫu nhiên cho 400 công nhân tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Kim may Organ Việt Nam và Công ty trách nhiệm hữu hạn Furukawa Automotive Parts Việt Nam.

Trước đó, công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn Việt Nam Paiho (Khu công nghiệp Tân Tạo), Công ty Cổ phần Shang One (Khu công nghiệp Lê Minh Xuân) cũng đã được lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19 ngẫu nhiên.

Hiện TP HCM có 17 khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao, trong đó có 1.500 doanh nghiệp đang hoạt động với hơn 280.000 công nhân và gần 3.000 chuyên gia nước ngoài. Đến nay đã có 16.800 công nhân được lấy mẫu xét nghiệm. 

Hà Nội: Xử lý nghiêm Giám đốc Hacinco, tạm dừng các hoạt động thể thao

Thực hiện chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, ngày 13/5, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hacinco đã nghiêm khắc yêu cầu Ban Giám đốc Công ty báo cáo kiểm điểm và đề nghị Ban Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng thành viên Tổng Công ty xem xét tạm thời đình chỉ chức vụ Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty Đầu tư Xây dựng số 2 Hà Nội với ông N.V.T.

Ông N.V.T và vợ là 2 ca nhiễm Covid-19 (từng đi du lịch tại Đà Nẵng ngày 30/4 - 2/5) nhưng trong 10 ngày từ lúc đi du lịch về, hai vợ chồng đã đi đến nhiều nơi trên địa bàn TP, tiếp xúc nhiều người, trong đó có 2 ca F1 đã có kết quả dương tính vào sáng 13/5.

Liên quan đến 2 bệnh nhân này, Sở Y tế đã có quyết định đình chỉ hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đối với Phòng khám Đa khoa quốc tế Thu Cúc trực thuộc Công ty Cổ phần Y khoa và Thẩm mỹ Thu Cúc để xác minh và xử lý các thông tin liên quan đến quá trình tiếp nhận, xử lý ca bệnh Covid-19. 

Cũng trong ngày 13/5, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo tạm dừng toàn bộ các hoạt động thể thao tập trung đông người, sân golf, các sân tập golf, từ 12h00 ngày 13/5 đến khi có chỉ đạo mới của Ban Chỉ đạo TP; tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các chỉ đạo của Trung ương và UBND TP, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về công tác phòng chống dịch tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ đang hoạt động trên địa bàn.

“Lỗ hổng” nguy hại từ người nhập cảnh trái phép

Hiện nay ở biên giới lực lượng chức năng liên tục phát hiện hàng loạt người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Mặc dù các lực lượng chức năng ngày đêm nỗ lực làm việc để ngăn chặn nhưng vẫn có nhiều trường hợp trót lọt nhập cảnh vào Việt Nam. 

Theo thống kê của Bộ Công an, mỗi ngày có khoảng 100-150 người tìm cách nhập cảnh trái phép vào Việt Nam bằng các con đường phi pháp. Ðiều này cho thấy, đang hiện hữu “lỗ hổng” trong việc kiểm soát ra vào biên giới. 

Trong tình hình khẩn cấp hiện nay, để đảm bảo tính răn đe, nghiêm minh của pháp luật, các đối tượng vì lợi ích cá nhân mà thông đồng, cấu kết với nhau để tổ chức đưa người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam cần phải được ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý hình sự ở mức hình phạt cao nhất. Theo đó, cần thiết phải áp dụng tình tiết tăng nặng hình phạt theo điểm l khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 là lợi dụng tình trạng dịch bệnh để phạm tội.  

Bên cạnh việc xử phạt, cũng cần có hình thức khen thưởng cho người tố giác nhập cảnh trái phép. Mới đây, để đảm bảo cho việc cách ly diễn ra an toàn, tránh trường hợp bỏ trốn, đặc biệt là những người nước ngoài nhập cảnh trái phép, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Thái Bảo đề xuất sử dụng một phần khu cách ly tại Trường Cao đẳng Y tế Đồng Nai thành khu cách ly dành cho những đối tượng là người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Đồng Nai.

Đặc biệt, ông Thái Bảo nhấn mạnh, cần huy động sức mạnh của dân, kêu gọi, tuyên truyền người dân nâng cao cảnh giác, khi phát hiện người lạ mặt, nghi ngờ là các đối tượng nhập cảnh trái phép thì báo ngay cho chính quyền. UBND tỉnh Đồng Nai sẽ khen thưởng 10 triệu đồng cho người tố giác. 

Chấn chỉnh công tác phòng, chống dịch trên xe khách

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa yêu cầu các Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương; Sở Giao thông Vận tải - Xây dựng Lào Cai chấn chỉnh công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên xe khách.

Cụ thể, Tổng cục yêu cầu các đơn vị tiếp tục phổ biến, tuyên truyền và quán triệt đến các đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe, trạm dừng nghỉ trên địa bàn thực hiện nghiêm các Chỉ thị số 15, Chỉ thị số 16, Chỉ thị số 05 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 02/CT-BGTVT về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Khẩn trương có văn bản chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn: Yêu cầu bắt buộc lái xe, nhân viên phục vụ trên xe và hành khách đi xe thực hiện nghiêm thông điệp 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang và khai báo y tế đúng quy định; có biện pháp giám sát, xử lý nghiêm đối với các lái xe, nhân viên phục vụ trên xe không thực hiện đúng các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định…

Ngoài ra, trước diễn biến phức tạp của dịch, nhiều địa phương đã quyết định tạm dừng hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh đến các địa phương có dịch. Theo đó tại Quảng Ngãi, bắt đầu từ 17h ngày 13/5 tạm dừng hoạt động vận tải hành khách  từ Quảng Ngãi đến các tỉnh hoặc địa bàn tỉnh, TP có dịch Covid-19 theo công bố của Bộ Y tế.

Đối với vận tải hành khách liên tỉnh có lộ trình đi qua tỉnh, hoặc địa bàn tỉnh, TP có dịch, khi đến Quảng Ngãi không được dừng, đỗ để đón, trả khách, trừ trường hợp cấp thiết như cấp cứu, xe công vụ, vận chuyển công nhân đến làm việc tại các khu công nghiệp của tỉnh. 

Tương tự, kể từ 0h ngày 13/5, Quảng Nam tạm dừng hoạt động vận tải hành khách bằng ô tô theo tuyến cố định, xe hợp đồng, xe du lịch, taxi, xe buýt liên tỉnh từ Quảng Nam đi đến các địa phương có dịch… 

Đà Nẵng yêu cầu người dân hạn chế ra ngoài, không tập trung quá 5 người nơi công cộng

Tối 13/5, ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng ký ban hành công văn về các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn.

Theo đó, kể từ tối 13/5, UBND TP Đà Nẵng yêu người dân hạn chế ra khỏi nhà khi không cần thiết, không được tập trung quá 5 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện. Đồng thời, đề nghị người dân hạn chế tổ chức hoạt động tập trung đông người trong sinh hoạt tại gia đình do nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 rất cao.

Được biết, các biện pháp nêu trên dựa vào cơ sở xem xét diễn biến dịch COVID-19 và nhằm hạn chế tối đa sự lây lan, bùng phát của dịch bệnh trong giai đoạn cao điểm hiện nay. Chủ tịch Đà Nẵng yêu cầu UBND các quận, huyện chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan khẩn trương hướng dẫn triển khai và giám sát việc thực hiện trên địa bàn.

Ngoài ra, lãnh đạo TP Đà Nẵng cũng yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm việc tạm dừng các hoạt động, dịch vụ không thiết yếu, việc bán hàng ăn, uống tại chỗ. "Thẻ đi chợ" theo ngày chẵn, lẻ tiếp tục được duy trì trong thời gian tới để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19. Các chủ cơ sở phải triển khai ngay các biện pháp để hạn chế số lượng, đảm bảo khoảng cách người đến mua sắm, giao dịch trong cùng một thời điểm tại các điểm kinh doanh, giao dịch hàng hóa.

Tại công văn này, lãnh đạo TP Đà Nẵng đề nghị các địa phương phối hợp với cơ quan chức năng, khẩn trương thực hiện một số biện pháp phòng chống dịch trong giai đoạn cao điểm hiện tại.

Siết phòng, chống dịch trong bệnh viện và khu cách ly tập trung dân sự

Bộ Y tế nêu rõ, tiếp tục chiến lược chống dịch xuyên suốt theo 5 nguyên tắc chống dịch “Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch "nhanh chóng ổn định tình hình”, thực hiện triệt để phương châm “4 tại chỗ”; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cấp ủy, lãnh đạo đơn vị.

Đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Bộ Y tế yêu cầu, người đứng đầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chịu trách nhiệm toàn diện trong việc chỉ đạo thực hiện nghiêm việc sàng lọc, phân loại, phân luồng, kiểm soát triệt để người bệnh đến khám bệnh, chữa bệnh. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng, chống COVID-19 tại các khoa, phòng, bộ phận trong bệnh viện. Tổ chức an toàn tiêm chủng vắc xin COVID-19 .

Tổ chức thực hiện giãn các trong bệnh viện; hạn chế tối đa người nhà vào thăm, chăm sóc người bệnh; đẩy mạnh công tác chăm sóc toàn diện người bệnh tại các bệnh viện; Đẩy mạnh việc thực hiện đề án khám, chữa bệnh từ xa; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động khai báo y tế, quản lý truy vết người ra vào bệnh viện, đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến;

Tổ chức đào tạo, tập huấn và cập nhật các phác đồ điều trị COVID-19, xử lý cấp cứu sốc phản vệ. Yêu cầu các nhân viên y tế thực hiện nghiêm các biện pháp phòng hộ cá nhân khi điều trị, chăm sóc người bệnh và thực hiện khai báo y tế đầy đủ theo quy định;

Thực hiện xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 đối với nhân viên y tế, người bệnh và người chăm sóc người bệnh; Đảm bảo vật tư, thiết bị y tế, thuốc men (máy thở, ôxy, máy xét nghiệm...) phục vụ điều trị người bệnh theo các tỉnh huống dịch bệnh.

Đối với các cơ sở y tế dự phòng, Bộ Y tế yêu cầu tiếp tục nâng cao năng lực xét nghiệm (lấy mẫu, bảo đảm trang thiết bị, vật tư xét nghiệm, sinh phẩm, hóa chất, nhân lực thực hiện); tăng cường xét nghiệm sàng lọc, tầm soát nguồn bệnh ở những khu vực có nguy cơ.

Khi phát hiện ca bệnh trong cộng đồng khẩn trương tổ chức khoanh vùng nhanh và gọn nhất có thể; thu hẹp phạm vi khoanh vùng một cách phù hợp, truy vết nhanh các đối tượng tiếp xúc gần, thực hiện cách ly theo quy định.

Tăng cường áp dụng triệt để các ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch, nhất là trong công tác bảo cáo tình hình dịch, truy vết người nghi nhiễm và giám sát, đánh giá nguy cơ lây nhiễm.

Bộ Y tế đồng thời chỉ đạo Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố xây dựng phương án phòng, chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ và đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh, thành phố, phát huy tinh thần chủ động, tự chủ, tự lực, tự chịu trách nhiệm; áp dụng biện pháp phòng chống dịch phù hợp với các đơn vị hành chinh; thực hiện giãn cách phù hợp khi có ca bệnh trên địa bàn, bảo đảm phạm vi áp dụng gọn, hẹp phù hợp với thực tiễn, hạn chế tối đa tác động bất lợi đến hoạt động kinh tế và xã hội.

Phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh thực hiện việc cách ly tập trung, nhất là tại các khu cách ly tập trung dân sự, giảm sát, theo dõi việc bàn giao, tiếp nhận, theo dõi sức khỏe sau cách ly tại gia đình, nơi lưu trú; phối hợp kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập cảnh, đặc biệt là ngăn ngừa, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép, người nước ngoài cư trú trái phép.

Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần phân công cán bộ đầu mối theo dõi; chỉ đạo các đơn vị quản lý trên địa bàn thực hiện nghiêm túc việc tự đánh giá, cập nhật hoạt động phòng chống dịch lên bản đổ an toàn COVID-19 (antoancovid.vn).

Chủ động xây dựng và chuẩn bị sẵn sàng các phương án, kịch bản, diễn tập phòng chống dịch theo các tình huống cụ thể, nhất là các tình huống khi dịch bệnh bùng phát trên địa bàn.

Đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống dịch COVID-19; tuyên truyền để người dân phát huy tinh thần tự giác, nâng cao cảnh giác, thực hiện nghiêm các quy định, giải pháp phòng chống dịch, đồng thời cung các cơ quan chức năng tham gia giám sát, phát hiện, bảo cáo các hành vi vi phạm quy định chống dịch.

Chủ động chuẩn bị và triển khai phương án đảm bảo dự trữ đầy đủ vật tư, trang thiết bị y tế phòng, chống COVID-19; đặc biệt trong trường hợp toàn quốc có 30.000 người mắc.

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh phải rà soát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh để cập nhật, bổ sung phù hợp với tinh hình dịch bệnh hiện nay, đặc biệt cập nhật các phương án, kịch bản điều trị khi số ca nhiễm tăng cao.

Cục Y tế dự phòng làm đầu mối phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kịch bản 30.000 người mắc, trên cơ sở đó hướng dẫn các địa phương chuẩn bị tổ chức triển khai thực hiện. Rà soát, cập nhật, bổ sung các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn về phòng, chống dịch COVID-19, nhất là về giám sát, xét nghiệm, cách ly, giám sát cách ly, bàn giao người hoàn thành cách ly về tiếp tục theo dõi, cách ly tại địa phương, nơi cư trú. Xây dựng các tiêu chí, mức độ nguy cơ, giải pháp triển khai và hướng dẫn các địa phương trong việc triển khai đánh giá nhằm áp dụng biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.

Cục Quản lý Môi trường y tế làm đầu mối xây dựng các biện pháp tăng cường giám sát tại các khu cách ly tập trung, cập nhật các hướng dẫn về an toàn phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở sản xuất, nơi làm việc và các khu vực khác phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay.

Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ tối đa các đơn vị nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước về quy trình thực hiện để đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm, sản xuất.

Cục Quản lý Dược cùng với Vụ Hợp tác quốc tế tham mưu Lãnh đạo Bộ Y tế để chỉ đạo công tác nhập khẩu vắc xin, tìm kiếm nguồn nhập khẩu để đảm bảo vắc xin cho người dân...

Đọc thêm

TP HCM có thêm bệnh viện đa khoa hiện đại, chuyên sâu hiếm muộn

TP HCM có thêm bệnh viện đa khoa hiện đại, chuyên sâu hiếm muộn
(PLVN) - Sáng 19/12, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh khai trương thêm một bệnh viện đa khoa tại Quận 8, góp phần tăng cường hệ thống y tế TP HCM, phục vụ nhu cầu thăm khám, điều trị chuyên sâu, công nghệ cao, chi phí hợp lý cho người dân khu vực Tây Nam thành phố và các tỉnh lân cận.

Cứu sống 2 bệnh nhi bị tan máu bẩm sinh bằng kỹ thuật ghép tủy đồng loại

Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức lễ ra viện cho các cháu.
(PLVN) - Bệnh viện Trung ương Huế vừa thực hiện thành công hai ca ghép tủy đồng loại, cứu sống hai bệnh nhi mắc chứng tan máu bẩm sinh hiếm gặp. Đây là bệnh viện đầu tiên thực hiện thành công kỹ thuật ghép tế bào gốc tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên và là đơn vị thứ ba của Việt Nam áp dụng kỹ thuật cao cấp này trên các bệnh nhân tan máu bẩm sinh.

Bệnh gây chết người từ Congo có nguy cơ lây tới TP HCM không?

Đoàn của CDC châu Phi đến Congo hỗ trợ (Ảnh: AFRICACDC)
(PLVN) - Dù WHO đánh giá nguy cơ lây lan bệnh là thấp ở cấp độ khu vực và toàn cầu, song TP HCM vẫn đang theo dõi sát tình hình diễn biến dịch bệnh lạ nguy hiểm gây chết người hàng loạt tại Congo, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng phương án đáp ứng theo từng mức độ nguy cơ của dịch.

Vinmec cứu sống bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn muộn

Bác sĩ đa chuyên khoa phối hợp tìm ra phương án điều trị cho bệnh nhân.
(PLVN) - Bệnh nhân 54 tuổi mắc ung thư thực quản giai đoạn muộn, lại bị huyết áp cao, tiểu đường. Ngỡ không qua được cửa tử khi bị nhiều bệnh viện từ chối phẫu thuật, nhưng may mắn, nhờ đội ngũ bác sĩ Vinmec Times City (Hà Nội), bệnh nhân đã được cứu sống ngoạn mục.