Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao, biểu dương chủ đầu tư là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hơn 8.000 cán bộ, kỹ sư, công nhân, người lao động đã vượt qua nhiều khó khăn trong suốt gần 5 năm qua. Các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị đã phối hợp, hợp tác, hỗ trợ, giúp đỡ EVN trong quá trình triển khai thực hiện dự án; Đảng bộ, chính quyền tỉnh Lai Châu đã cố gắng, nỗ lực để thực hiện công tác di dân tái định cư vùng dự án, đưa đồng bào ta đến nơi ở mới với số lượng lớn, khoảng 8.500 người dân.
Thủ tướng cũng biểu dương sự nỗ lực, phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu - một tỉnh mới chia tách, đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, giành được những thành tựu to lớn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế -xã hội của địa phương; mong muốn Lai Châu tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, tiếp tục phát triển nhanh và bền vững hơn nữa, không ngừng nâng cao đời sống mọi mặt của người dân, nhất là đời sống của các hộ dân tái định cư dự án thủy điện Lai Châu, đảm bảo cho người dân tái định cư có cuộc sống ngày càng tốt hơn.
Thủ tướng nhấn mạnh, công trình thủy điện Lai Châu “không chỉ là công trình có giá trị, ý nghĩa về phát điện, đảm bảo điện năng, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm an ninh quốc phòng mà còn góp phần trị thủy sông Đà.
Thủy điện Lai Châu cùng với Thủy điện Hòa Bình và Sơn La sẽ góp phần quan trọng trong điều tiết nước sông Đà, hạn chế, kiểm soát lũ cho vùng hạ lưu, trong đó có thủ đô Hà Nội, trong mùa mưa đồng thời cung cấp nước cho hạ du vào mùa khô”.
Thủ tướng yêu cầu trong năm 2016, EVN tiếp tục tập trung chỉ đạo, trước hết là tập trung hoàn thiện những việc cần thiết để Tổ máy số 1 vận hành an toàn, hiệu quả, cung cấp điện vào lưới điện quốc gia; đồng thời tiếp tục khẩn trương chỉ đạo, tiến hành đồng bộ các công việc, cùng với tổ hợp các nhà thầu thi công phấn đấu hoàn thành đúng cam kết là năm 2016 đưa hai tổ máy còn lại của công trình vào vận hành phát điện, đảm bảo an toàn, chất lượng, hiệu quả công trình.
“Nếu dự án hoàn thành được trước 1 năm, và với doanh số của công trình là 7.000 tỷ đồng/năm, đây là một con số rất lớn, rất có ý nghĩa, không chỉ ở giá trị kinh tế là 7.000 tỷ đồng mà còn ở việc đảm bảo không để đất nước thiếu điện”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.
Cùng với đó, Thủ tướng mong muốn EVN với truyền thống tốt đẹp của mình trong 61 năm qua, tiếp tục nỗ lực để phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đóng vai trò nòng cốt, góp phần đảm bảo đủ điện cho nhu cầu phát triển, cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.
Đi liền với đó là không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để người dân, doanh nghiệp tiếp cận điện năng được thuận lợi và dễ dàng hơn, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đồng thời bản thân EVN cũng phải không ngừng cải cách để nâng cao năng suất lao động.
Ngày 14/12/2015, Tổ máy số 1 Công trình thủy điện Lai Châu đã chính thức phát điện hòa vào lưới điện quốc gia, vượt kế hoạch đề ra hơn 3 tháng. Đây cũng là mốc tiến độ quan trọng và là tiền đề tốt để hoàn thành toàn bộ công trình vào năm 2016, sớm trước 01 năm so với quyết định của Chính phủ.
Công trình thủy điện Lai Châu là công trình trọng điểm quốc gia, với tổng mức đầu tư 35.700 tỷ đồng, có quy mô tổng mức đầu tư khá lớn với công suất 1.200 MW và khi đi vào hoạt động sẽ có doanh số 7.000 tỷ đồng/năm và nếu tính giá trị sản xuất, trong 5 năm công trình này sẽ đạt doanh số tương đương với giá trị đầu tư của công trình.
Công trình xây dựng cấp đặc biệt này là công trình thủy điện lớn thứ ba được xây dựng trên sông Đà, cùng với Thủy điện Sơn La, Thủy điện Hòa Bình có nhiệm vụ chính là cung cấp khoảng 1/3 tổng sản lượng thủy điện của cả nước cho Hệ thống điện quốc gia và phục vụ chống lũ về mùa mưa, cấp nước về mùa khô cho Đồng bằng Bắc bộ, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lai Châu, Điện Biên và khu vực Tây Bắc, đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực Tây Bắc.