Thời gian gần đây, liên tiếp có những sai phạm trong liên kết đào tạo. Sự kiện ĐHQG Hà Nội, một trong những ĐH hàng đầu cả nước bị kết luận có dấu hiệu vi phạm pháp luật về liên kết đào tạo với “án treo” không công nhận số lượng hơn 2.000 bằng cử nhân, thạc sỹ được cấp cho các học viên ở đơn vị này gây lo ngại thực sự về chất lượng đào tạo của các trường ĐH…
Đào tạo sau đại học. Ảnh minh họa: Uyên Na |
Học phí ngất ngưởng, chất lượng mù mờ
Thanh tra Chính phủ đã phát hiện nhiều sai phạm trong liên doanh, liên kết đào tạo đại học và sau đại học tại ĐHQGHN giai đoạn 2006-2010. Theo đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét quyết định không công nhận hơn 2.000 bằng cử nhân, thạc sĩ do đối tác nước ngoài liên kết với ETC đã cấp... Giám đốc ĐHQGHN có trách nhiệm nộp 21 tỷ 373 triệu đồng do đã yêu cầu các đơn vị trích nộp trái quy định về ngân sách nhà nước.
Cụ thể, trong 20 chương trình liên kết đào tạo, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện có 16 chương trình không có thủ tục xác nhận tư cách pháp nhân của đối tác. Có 12 chương trình nội dung đề án không đầy đủ theo quy định.
Chương trình liên kết đào tạo cử nhân của Trung tâm Công nghệ đào tạo và Hệ thống việc làm (ETC) - ĐHQGHN với Trường ĐH Griggs yêu cầu tuyển sinh đạt điểm sàn của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng tại thời điểm thanh tra, hồ sơ của sinh viên không có giấy báo điểm. Có 11 chương trình MBA liên kết đào tạo của ĐHQGHN với các đối tác của Bỉ, Mỹ, Trung Quốc... khi tốt nghiệp không phải viết luận văn và không bảo vệ tốt nghiệp...
Đồng thời, kết luận của Thanh tra Chính phủ về công tác quản lý nhà nước về liên doanh, liên kết đào tạo đại học và sau đại học cho thấy có tới gần 50% các chương trình liên kết đào tạo trong nước được thanh tra lâu nay vẫn “nằm ngoài vùng phủ sóng” của cơ quan quản lý nhà nước. Điều này cũng có nghĩa chất lượng của những chương trình này chưa được kiểm chứng.
Đáng nói là đơn vị cung cấp chương trình này đều nằm trong số những trường đại học công lập có tiếng. Còn với 118 chương trình của 94 đối tác nước ngoài liên kết với 18 trường ĐH trong nước thì Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra có 5 trường được xếp hạng cao trong khu vực và trên thế giới.
Hầu hết các đối tác còn lại chưa được xếp hạng hoặc có thứ hạng thấp hơn các trường trong nước. Và học phí của chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài có mức phổ biến từ 8.000 đến 10.000USD/khóa học và cao nhất lên tới 13.500USD/khóa. Kết luận của Thanh tra Chính phủ khẳng định mức thu đối với học viên cao nhưng chất lượng đào tạo không tương xứng với mức đóng góp của học viên.
Người học phải chịu?
Có thể nói, trên đây là một trong vô số chương trình liên kết đào tạo với các đơn vị có yếu tố nước ngoài hoạt động trái phép hoặc sai phạm. Khi phát hiện, biện pháp xử lý của Bộ GD&ĐT thường là ngừng tuyển sinh, yêu cầu đơn vị đào tạo hoàn học phí cho người học và đề nghị Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục xem xét không công nhận bằng cấp.
Thực tế, Bộ GD&ĐT đã có Quyết định số 77 ngày 20.12.2007 ban hành quy định về trình tự, thủ tục công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp. Theo đó, văn bằng của các chương trình liên kết đào tạo trái phép sẽ không được công nhận tại Việt Nam.
Như vậy, dù lỗi không phải do mình gây ra nhưng học viên vẫn phải nhận hậu quả: Bằng cấp không được thừa nhận trong nước. Đó là chưa kể, dù Bộ có yêu cầu các đơn vị bồi hoàn học phí cho học viên nhưng thời gian qua, có rất ít đơn vị sai phạm thực hiện điều này.
Về việc đảm bảo quyền lợi cho hơn 2.000 học viên tại Trung tâm ETC mà Thanh tra Chính phủ kiến nghị xem xét không công nhận bằng cử nhân, thạc sỹ do đối tác nước ngoài liên kết đào tạo, GS. Vũ Minh Giang khẳng định: “Kiến nghị của thanh tra là không đúng pháp luật và không hiểu biết. Các học viên hoàn toàn yên tâm về những tấm bằng do các chương trình liên kết đào tạo tại ĐH QGHN đã cấp cho các em”.
Nghị định 18 của Chính phủ quy định Bộ GD&ĐT là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước các cơ sở giáo dục nước ngoài tại Việt Nam. Nhưng thực tế Bộ mới chỉ quản lý được những đơn vị thuộc sự quản lý của mình. Còn lại những chương trình liên kết diễn ra tại các trường thuộc sự quản lý của bộ, ngành khác và các trường được tự chủ trong cấp phép lại ngoài tầm quản lý của Bộ.
Kết luận thanh tra của các cơ quan chức năng đều cho thấy hầu như tất cả các đơn vị này đã quá dễ dãi trong việc quản lý các đơn vị do mình cấp phép. Bộ và các sở LĐ-TB-XH đã cấp phép cho nhiều đơn vị nước ngoài và trong nước liên kết đào tạo nghề nhưng họ đào tạo cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ mà các đơn vị này không biết. Thậm chí ĐHQG Hà Nội còn cấp phép cho cả những đơn vị không có thẩm quyền để đào tạo ĐH, CĐ và sau ĐH.
Điều đáng nói, lâu nay việc xử lý mới chỉ tập trung vào các đơn vị sai phạm mà chưa hề thấy trách nhiệm của cơ quan cấp phép và quản lý. Bởi thế, thời gian qua, việc cấp phép cho các đơn vị liên kết đào tạo diễn ra tràn lan và nhiều sai phạm mà Bộ không thể kiểm soát hết.
Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết: “Để đạt mục tiêu liên kết, phải chọn được đối tác có chất lượng tốt, nhưng chúng ta thường không chọn đuợc những đối tác có chất lượng cao vì những đối tác như thế, giá cả chi phí rất lớn, chưa chắc đã phù hợp hoàn cảnh của nước ta.
Nhưng nếu thấp quá thì lại không đạt yêu cầu để hội nhập với tinh hoa của nền giáo dục thế giới. Tôi nghĩ để chọn được đối tác có chất lượng, thì theo kinh nghiệm, ít nhất mình phải chọn được những trường được các tổ chức kiểm định có uy tín kiểm định chất lượng”.
Mặt khác, việc các trường được tự chủ tài chính là để tạo điều kiện có thêm nguồn thu hỗ trợ ngân sách Nhà nước góp phần tăng thêm vốn đầu tư cơ sở vật chất, cũng như nâng cao thu nhập cán bộ, giảng viên. Tuy nhiên, cũng chính vì quá tập trung vào tăng nguồn thu nên các trường đang để mở cho những vi phạm trong liên kết đào tạo, một trong những hình thức đào tạo đang tạo ra nhiều lợi nhuận nhất. Và câu chuyện liên kết đào tạo vẫn luôn là… đụng đâu, sai phạm đó và người học… ráng chịu.
Uyên Na