Có một… thương hiệu “Đinh Kinh Hoàng”
Ai đã trải qua tuổi học trò sẽ không bao giờ quên những ký ức về những năm tháng ấy, đặc biệt là những “cú ngã” khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Ở trường THPT Dân lập Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), nơi tiếp nhận những học sinh không mấy “ dễ bảo”, có đầu vào gần như không, có không ít những cô cậu học trò như thế. Chả thế, từ nhiều năm qua, trường thường còn có tên “húy” khác là “Đinh Kinh Hoàng”.
Câu chuyện nổi tiếng nhất về học sinh của trường có lẽ là của một nam sinh đã tự chặt đứt một đốt ngón tay như là một lời hứa sẽ tự đứng dậy sau những chuỗi sai lầm trước kia.
Năm đó, tại Trường Đinh Tiên Hoàng có một học sinh nổi tiếng với những “chiến tích“ cắm xe, cờ bạc không ai bằng. Nhà chỉ có hai mẹ con, bố mất sớm, mẹ phải tần tảo nuôi con bằng những chén nước chè, lại ốm đau bệnh tật, thế mà vẫn dành dụm cho con có xe máy đi học.
Nhưng cậu quý tử ấy lại không chịu học hành mà gán xe để có tiền ăn chơi. Cô giáo chủ nhiệm của cậu đã nhiều lần thuyết phục không được nên làm động tác “trả lại nhà trường”.
Cậu học trò và mẹ đã được mời lên gặp riêng thầy Hiệu trưởng để nói chuyện. Thầy Nguyễn Tùng Lâm (Hiệu trưởng nhà trường), người thầy đã tận tụy với ngôi trường từ thưở “thai nghén” từ 30 năm trước, nhớ lại: “Gặp hai mẹ con, tôi hỏi em: “Con sống dựa vào ai?”. Cậu bé trả lời: “Con sống nhờ mẹ”. Tôi hỏi tiếp: “Thế mẹ con sống được nhờ đâu?”. Cậu không trả lời được. Tôi nói: “Nhà chỉ có hai mẹ con, nên mẹ cũng sống được nhờ có con đấy”.
Tôi quay sang hỏi mẹ cậu: “Tôi nói có đúng không?”. Mẹ cậu gạt nước mắt trả lời: “Thầy nói đúng quá ạ”. Tôi nói tiếp: “Con mà biết tu chí học hành, sau này có công việc thì mẹ mới đỡ khổ, nếu cứ chơi bời lêu lổng, rồi mẹ con cũng héo mòn mà đi theo cha. Con trai mà không làm được chỗ dựa cho mẹ già thì kém quá”.
Thế rồi, cùng với sự động viên, tận tụy của các thầy, cô giáo trong trường, cậu học trò này đã dần thay đổi. Và để chứng minh sự quyết tâm của mình, cậu đã tự chặt một đốt ngón tay út để cam kết với cô chủ nhiệm. Cuối cùng, “đầu gấu” ngày nào không chỉ tốt nghiệp với số điểm cao mà còn đỗ hai trường đại học. Từ nhiều năm qua, cậu ấy đã thành đạt, hiện là một giám đốc và vẫn thường xuyên về thăm trường. Và cậu ấy không quên “khoe” với thầy Hiệu trưởng: “Mẹ em dạo này khỏe thầy ạ”…
Một “cá tính mạnh” khác của Trường “Đinh Kinh Hoàng” là Trần Hoàng Yến (học sinh khóa 2006 - 2009). Yến bước chân vào trường cấp 3 trong tâm thế thất vọng, chán chường vì điểm thi tốt nghiệp cấp 2 quá thấp so với nguyện vọng vào ngôi trường mơ ước.
Suốt năm lớp 10, cô bé bỏ bê học hành, đua đòi quần áo, xe máy, đánh nhau với các anh chị lớp lớn và tụ tập chơi với các bạn hư. Sự cấm đoán của gia đình càng thôi thúc Yến phản kháng, cô bé ngày càng sa vào vũng bùn mà không thể nào thoát ra.
Thế nhưng, cuộc vui nào rồi cũng có lúc tàn, để đến lúc nhận ra cái gì nhận được và cái gì đã mất đi. Có một lần, Yến bị bạn bỏ rơi ở nhà trọ khi trong người hết sạch tiền cùng với số tiền nợ vài triệu đồng.
Đến nửa đêm, cô nàng đành ngậm ngùi mượn điện thoại và gọi về nhà và mẹ đã lái xe từ đầu thành phố tới cuối thành phố để đón Yến về. Không hề quát mắng, mẹ lặng lẽ vào trả tiền. Và mẹ chỉ hỏi: “Có đói không con? Đi ăn phở nhé?”.
Nhìn gương mặt mẹ đã gầy sạm đi sau mấy ngày lo lắng tìm con ở khắp các con phố, ngõ hẻm. Khoảnh khắc ấy, cô gái nhỏ đã bàng hoàng nhận ra bản thân mắc sai lầm quá lớn. Yến làm mất lòng tin của bố mẹ và cô giáo, mất đi cơ hội để được học hành, mất tiền. mất sức vì những cuộc vui thâu đêm suốt sáng.
Mấy ngày sau, bố con có gọi con ngồi xuống và nói: “Cuộc vui nào cũng có lúc tàn, nếu con muốn tiếp tục theo đuổi cuộc chơi đó, bố sẽ cho con một số tiền và con hãy tự sống nốt cuộc đời con bằng số tiền ấy ở bên ngoài. Nếu không muốn, thì từ bây giờ phải thay đổi, bố sẽ cố gắng làm thêm giờ để kiếm tiền để thưởng cho sự thay đổi của con, là một chuyến đi du học”.
Cứng đầu, thích chứng tỏ bản thân - nhiều “trẻ trâu” dễ va phải cú vấp đầu đời |
Bắt đầu từ đó, vì phần thưởng, vì lòng thương yêu và tin tưởng của gia đình, Yến đã thay đổi. Mỗi ngày, cô học trò chăm chỉ đến lớp nghe giảng, làm bài tập, đọc thêm sách. Cuối cùng, sau cú ngã đầu đời, Yến cũng đã đứng dậy và đi những bước vững chắc trong cuộc đời. Cô học sinh có “cá tính mạnh” ngày nào tốt nghiệp cấp 3 với tấm bằng khá giỏi, đi du học tại một ngôi trường nổi tiếng tại thành phố SanDiego, Hoa Kỳ.
“Vực sâu” hay làm người tử tế?
Những ngày gần đây, dư luận không ít lần rúng động bởi những vụ bạo lực học đường dã man. Nhiều người tự hỏi, liệu sau khi gây nên những tổn thương cho bạn bè, những “thủ phạm” của bạo lực học đường có thể thay đổi và hoàn lương?
Chị L (Hưng Yên) từng là người đi “gieo rắc nỗi đau” cho những bạn bè đồng trang lứa. Gần 10 năm trước, L cùng nhóm bạn đã đánh một học sinh khác. Sự việc trở nên nghiêm trọng hơn khi cảnh L đánh bạn bị camera quay lại và lan truyền nhanh chóng trên mạng. L cũng bị lực lượng chức năng gọi lên nhiều lần để lấy lời khai.
Nhưng thời điểm đó L và các bạn vẫn ở tuổi vị thành niên nên chỉ bị xử phạt hành chính. “Mình cũng không biết là xử phạt bao nhiêu, nhưng thấy bố mẹ buồn”, L kể. Còn đối với gia đình nạn nhân, họ cũng yêu cầu bồi thường, đền bù cho con họ, theo L kể thì số tiền rất lớn, nếu chắt bóp cả hai năm gia đình L mới trả đủ. Họ cũng thuê luật sư để khởi kiện, đòi đưa L và nhóm bạn đi trại giáo dưỡng nhưng rồi mọi chuyện cũng được giải quyết nhẹ nhàng hơn.
Sự việc đã trôi qua gần 10 năm, “dân anh chị” hồi nào cũng đã trưởng thành và có gia đình riêng. Nhìn L hôm nay, không ai nghĩ đây là người đã từng cầm đầu nhóm “côn đồ trẻ trâu” đi đánh bạn thời còn là học sinh. L cho hay, cả chồng và gia đình chồng đều biết về quá khứ bất hảo của chị nhưng cô vẫn nhận được sự cảm thông của mọi người: “Chuyện cũng qua rồi. Mình cũng không ăn chơi như ngày xưa. Ai cũng vậy thôi, khi mà tu chí rồi, khi mà ngoan ngoãn rồi thì người ta chấp nhận. Đánh người chạy đi chứ ai đánh người chạy lại”, L nói.
Với nhiều người khác, họ chọn quên đi những quá khứ xấu xa. Nhưng với người mẹ trẻ, cô luôn tự nhắc nhở bản thân không được quên lần vấp ngã ấy. Cái thời trẻ dại đó, L không nghĩ được nhiều, mọi thứ đều ở mức đơn giản nên khi bạn bè rủ rê, cô không ngại vung nắm đấm ra để xử lý vấn đề. Đối với hiện tại, L trở nên vô cùng “dị ứng” với những clip nữ sinh đánh đấm bạn học trên mạng.
L bảo, nếu bây giờ ai động đến con gái của cô như trong clip ngày xưa thì “chắc chết với em”. Có lẽ cũng bởi vậy, L chiêm nghiệm ra nhiều điều: “Hầu như đám trẻ muốn chứng tỏ một điều gì đó. Ví dụ như muốn cả trường biết rằng tao là chị đại đây. Chúng nó muốn tạo ra một quyền lực. Đứa nào cũng thế. Bởi vì mình đã trải qua rồi thì biết”, L tâm sự.
Có thể nói, ở lứa tuổi “trẻ trâu”, những lần vấp ngã thường do sự non trẻ, bồng bột trong suy nghĩ. Vì thế, “cú ngã” đầu đời luôn đau đớn và khắc nghiệt, bởi đó là cú ngã đầu tiên, cú ngã khiến người ta mãi mãi khắc ghi. Đó cũng là cú ngã khó đứng dậy nhất, vì chúng ta quá non nớt và ít sự từng trải. Với Yến hay chị L, “cú ngã” đầu đời là cơ hội cho họ nhìn lại mình và đứng dậy. Nhưng với nhiều người khác, việc đứng dậy sau vấp ngã vẫn vô cùng khó khăn.
Tuy nhiên, dù cố tỏ ra bất hảo nhưng trong sâu thẳm nội tâm mỗi người vẫn lấp lánh ánh sáng của sự thiện lương. Những con người lầm lạc sẽ sẵn sàng đứng dậy từ vấp ngã, quay đầu làm lại nếu có những bàn tay đưa ra nắm lấy bàn tay non nớt của các em, chỉ cho các em đường đi đúng đắn.
Sau “cú ngã” đầu đời, biết đứng dậy đã là một thành công, nhưng biết cách sống tử tế hơn lại là một thành công nữa. Cũng như cô học sinh Trường Đinh Tiên Hoàng-Trần Hoàng Yến từng nói: Chẳng ai sinh ra là dốt nát, chẳng ai đi học mà không muốn là học sinh ngoan, trò giỏi, hay là được đi chơi cùng bạn bè, cũng như là thành công trong đời; nhưng sự khác biệt của mỗi người là cách nhìn và chấp nhận chữ “thành công” đó.
Và điều quan trọng, là ứng xử của thầy cô, người thân với những “anh chị đại”: một bàn tay đưa ra đúng lúc, một niềm tin làm lại, một sự tử tế - luôn sẽ kéo những ai từng lầm lỡ, non dại trở về phía mặt trời, thay vì đẩy họ xuống vực thẳm, khi sai lầm nối tiếp sai lầm…