Những vụ việc đau lòng
Tuần qua, lãnh đạo Bệnh viện Nhi đồng TP. Hồ Chí Minh cho biết, vào ngày 4/5, khoa Cấp cứu bệnh viện đã tiếp nhận hai bệnh nhi là chị em ruột, gồm bé gái Quỳnh Như (13 tuổi) và bé trai Tiến Dũng (9 tuổi) sống tại xã Ngãi Hùng, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh. Bé gái có biểu hiện ói mửa, đau họng, mệt. Bé trai ói ít hơn khi nhập viện.
Điều tra ban đầu xác định, cùng ngày, hai chị em Như sang nhà hàng xóm dự đám hỏi và bị gia đình này nghi lấy trộm điện thoại của khách. Mặc dù hai chị em Như đã khẳng định không lấy trộm nhưng mọi người vẫn tình nghi và dọa báo công an, thậm chí có người còn dọa sẽ bỏ tù nếu các em không khai thật. Không biết giải thích thế nào để mọi người tin tưởng, lại lo sợ bị công an bắt nên Như cùng em trai đã nghĩ cách tự tử bằng việc uống thuốc diệt cỏ.
Kể lại sự việc xảy ra, bà nội hai bé vẫn chưa hết bàng hoàng: “Trưa 4/5, tôi sang nhà cháu ở kế bên xem tivi thì thấy hai đứa nằm trên võng và không đi học. Lúc này, cha cháu không có nhà. Tôi hỏi lý do không đi học thì hai cháu trả lời: “Tụi con nghỉ học luôn, không đi học nữa đâu nội”.
Nghi có chuyện chẳng lành, tôi nhìn quanh thì thấy hai ly cà phê sữa đã uống cạn cùng chai thuốc trừ sâu. Đây là chai thuốc trừ sâu do cha của hai đứa xịt còn dư một ít để ở sau nhà.”
Bà vội chạy đi kêu con trai - là cha của Như và Dũng- để đưa hai cháu đi cấp cứu. “Hai đứa hoàn toàn tỉnh táo lúc được đưa đến bệnh viện. Ban đầu tôi chỉ nghĩ là do hai đứa đi học có chuyện gì buồn nên về nhà nghĩ quẩn.
Sau hỏi ra mới biết là sáng đó hai đứa qua đám hỏi nhà hàng xóm chơi, do bị nghi ăn cắp điện thoại và dọa báo công an nên hai cháu lo sợ, mới về nhà uống thuốc trừ sâu. Ai ngờ hai đứa mới uống xong thì bên nhà hàng xóm cũng tìm được điện thoại” - bà chia sẻ.
Khi được chuyển từ bệnh viện tỉnh lên Bệnh viện Nhi đồng TP. Hồ Chí Minh, qua thăm khám và làm các xét nghiệm, bệnh viện chẩn đoán hai bé bị ngộ độc thuốc diệt cỏ Paraquat. Ngay sau đó, bệnh nhân được thay huyết tương, truyền thuốc chống tác hại của thuốc Paraquat và chuyển khoa Hồi sức tích cực chống độc chăm sóc, theo dõi.
Do uống thuốc ít hơn nên tình trạng của bé Dũng đã tạm ổn định, còn bé Như vì uống nhiều nên ngộ độc rất nặng. Hiện bé gái đang được lọc máu, điều trị tích cực và theo dõi liên tục.
Các bác sĩ cho biết, ngộ độc Paraquat sẽ dẫn đến suy hô hấp và tổn thương nghiêm trọng cho các bộ phận như gan, thận, phổi. Những tổn thương này xuất hiện sau ba tuần nên phải theo dõi hết bốn tuần mới yên tâm xem bệnh nhi có vượt qua được không.
Cháu bé bị ngộ độc do uống thuốc diệt cỏ |
Tỉ lệ tử vong do Paraquat rất cao, từ 50%-90%. Đáng chú ý, khi mới uống vào, cơ thể chưa có biểu hiện gì ngoài rát họng, rộp miệng, nhưng nếu để qua thời gian vàng 4-6 tiếng thì e khó qua khỏi. Được biết, hoàn cảnh của hai bé rất đáng thương, do mẹ các bé bỏ đi khi cả hai còn nhỏ nên nhà chỉ có ba cha con nương tựa vào nhau.
Vụ việc trên chỉ là một trong nhiều trường hợp tìm đến cái chết do bị nghi ngờ là kẻ cắp. Chỉ vì suy nghĩ còn non nớt, lại thiếu người đồng cảm để chia sẻ, an ủi nên các em đã có những hành động dại dột mà người lớn khó lường trước.
Một số trường hợp do được gia đình phát hiện kịp thời nên nạn nhân đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần- mặc dù phải mang nhiều di chứng, bệnh tật về sau. Nhưng không ít trường hợp nạn nhân đã ra đi mãi mãi, để lại sự đau đớn, dằn vặt, thậm chí cả việc đối diện với những hình phạt của pháp luật cho những người ở lại.
Điển hình là vụ việc nữ sinh Trần Thị Trâm (học sinh lớp 8, tại một trường THCS ở thị trấn Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ, Bà Rịa – Vũng Tàu). Vào cuối năm 2017, do bị cô giáo chủ nhiệm cùng nhà trường và bạn bè nghi ngờ ăn cắp tiền quỹ lớp nhiều lần, đồng thời được thông báo sẽ bị hạ hạnh kiểm xuống loại yếu nên nữ sinh này đã nghĩ quẩn uống thuốc diệt cỏ.
Điều không may mắn là sau khi uống thuốc vài ngày, em Trâm mới được gia đình phát hiện đưa đi bệnh viện nên đã không qua khỏi. Day dứt hơn cả là trước lúc từ giã cõi đời, Trâm vẫn nắm tay cha mẹ mà nói rằng mình không ăn cắp tiền quỹ lớp.
Chịu hình phạt như thế nào?
Bình luận về vụ việc trên, theo luật sư Lê Văn Trung (Công ty Luật Hợp danh Đông Nam Á), do hai bé Như và Dũng đều ở tuổi vị thành niên nên mọi việc liên quan đến quyền lợi, nhân phẩm…của các bé đều phải thực hiện theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, khi phát hiện bị mất điện thoại và cho rằng hai bé lấy trộm thì người hàng xóm phải làm việc với người đại diện theo pháp luật của các bé, có thể là cha hoặc bà nội của các bé. Nhưng họ đã không làm như vậy mà lại đe dọa các bé sẽ rằng báo công an, thậm chí sẽ bỏ vào tù.
Chính vì những lời hù họa này đã khiến các bé hoảng loạn và tổn thương nghiêm trọng về mặt tinh thần, dẫn đến hậu quả là các bé uống thuốc diệt cỏ tự tử. Đây được coi là hành vi gây sức ép để người khác tìm đến cái chết, bởi vậy hành vi này có thể xử lý về “Tội bức tử”, với tình tiết tăng nặng là “đối với 2 người trở lên”.
Tuy nhiên, một luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội lại cho rằng, hành vi đe dọa của người hàng xóm đã xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự của người khác nên có dấu hiệu của “Tội làm nhục người khác” theo quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự 2015 (BLHS). Trong trường hợp này, vì nạn nhân đã uống thuốc độc tử tự nên đối tượng vi phạm sẽ bị xử lý theo Khoản 3 với khung hình phạt từ 2- 5 năm tù.
Không cùng quan điểm trên, luật gia Bùi Đức Độ, Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Kiên Giang lại đưa ra ý kiến hoàn toàn khác. Theo đó, luật gia Độ đã phân tích vụ việc theo hai giả thiết cụ thể.
Trường hợp thứ nhất, nếu vì uống thuốc diệt cỏ mà nạn nhân bị chết (hậu quả đã xảy ra) thì hành vi của người dọa nạt các bé có khả năng bị truy cứu về “Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính” theo Điều 129 BLHS (trong vụ việc này là tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc hành chính).
Theo phân tích của Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Kiên Giang, “quy tắc hành chính được quy định tại các Nghị định của Chính phủ về bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Theo đó việc bảo vệ và chăm sóc trẻ em được cụ thể bằng những hành vi bị nghiêm cấm như, không được làm tổn thương về tinh thần, không được đe dọa khiến trẻ em hoang mang, sợ hãi (như đe dọa báo công an, bỏ vào tù…), đặc biệt không được tra hỏi, đe nẹt trẻ em khi không có người giám hộ bên cạnh.
Nếu vì những nguyên nhân này khiến trẻ em vì quá sợ hãi, dẫn đến hành vi tự sát thì vụ việc trên có mối quan hệ nhân quả (hậu quả trẻ uống thuốc độc là do hành vi đe dọa của người lớn)”.
Cũng theo luật gia Độ, về mặt chủ quan, người phạm tội đã có hành vi vô ý vì quá tự tin. Họ tin tưởng lời nói của mình sẽ không gây ra hậu quả nghiêm trọng (chết người) hoặc có thể ngăn chặn được nhưng hậu quả vẫn xảy ra. Do đó, hành vi này đã thỏa mãn dấu hiệu của Điều 129 BLHS với khung hình phạt cao nhất là 12 năm tù.
Trường hợp thứ hai, nếu nạn nhân được cứu chữa kịp thời và hậu quả chết người không xảy ra thì người có hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt theo điểm c, khoản 2 Điều 27 Nghị định 144/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Theo đó, với hành vi “Gây tổn thương về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng nhục, chửi mắng, đe dọa, làm nhục, cách ly, sao nhãng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em”, sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng./.
(Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi)