Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Ủy ban làm Trưởng đoàn hôm qua làm việc với lãnh đạo chủ chốt TP.Hà Nội nhằm kiểm tra, đánh giá tình hình triển khai tổ chức lấy ý kiến góp ý về dự thảo sửa đổi Hiến pháp trong các tầng lớp nhân dân Thủ đô.
Cùng dự buổi làm việc có các đồng chí Đinh Thế Huynh - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Trương Hòa Bình - Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC và một số thành viên của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Theo báo cáo của đại diện các đơn vị tại buổi làm việc, dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình cao của các tầng lớp nhân dân Thủ đô. Các ý kiến đều đánh giá cao Dự thảo đã cụ thể hóa các quan điểm của Đảng trong Cương lĩnh và văn kiện của đại hội Đảng khóa XI về sửa đổi Hiến pháp 1992; giải quyết được những vấn đề bất cập, tồn tại của thực tiễn đặt ra trong quá trình tổng kết thi hành Hiến pháp 1992.
Nhiều ý kiến đóng góp cụ thể vào các Chương, điều khoản, đoạn hoặc thuật ngữ, kết cấu; hoặc các nội dung như: Quyền sở hữu đất đai, thiết chế tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, các điều kiện đảm bảo quyền lực thực sự của HĐND, MTTQ, các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội; nâng cao vị thế của các cơ quan này trong việc thực hiện dân chủ đại diện, phản biện xã hội; vấn đề dân chủ trực tiếp của nhân dân; nguyên tắc phân cấp đảm bảo quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong việc quyết định và tổ chức thực hiện những chính sách trong phạm vi địa phương…
Báo cáo về những kinh nghiệm bước đầu trong việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, đại diện các đơn vị của thành phố cho rằng, cần coi trọng hàng đầu công tác tuyên truyền trước, trong và sau đợt lấy ý kiến. Ngoài các phương tiện thông tin đại chúng; cần chú trọng phát huy vai trò, vị trí của cán bộ cơ sở như: Chi bộ, Chi đoàn, Tổ dân phố, Hội Cựu Chiến binh, Hội phụ nữ…Thực hiện công tác tổng hợp ý kiến một cách khoa học, đầy đủ, chi tiết…
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị khẳng định, các cấp chính quyền và nhân dân Thủ đô luôn coi việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 là đợt sinh hoạt chính trị, pháp lý đặc biệt, sâu rộng để góp phần xây dựng dự thảo chất lượng, hoàn thiện bộ luật gốc của quốc gia từ đòi hỏi thực tiễn của đất nước. Thành phố sẽ tiếp tục đặt quyết tâm cao, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội trong đợt lấy ý kiến đóng góp về dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Việc góp ý là quyền lợi và cũng là nghĩa vụ của mỗi công dân Thủ đô, đồng chí Phạm Quang Nghị nhấn mạnh.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, việc tổ chức lấy ý kiến người dân vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp là công việc trọng đại của quốc gia, được toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ưu tiên thực hiện nhằm tạo sự nhất trí cao về mặt chính trị, pháp lý trong toàn xã hội; đồng thời tạo điều kiện cho nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình đối với công việc của đất nước; bởi Hiến pháp là đạo luật gốc, quy định toàn bộ quyền con người, quyền công dân, nghĩa vụ công dân; chế độ chính trị, tổ chức, bộ máy Nhà nước; là cơ sở để hình thành các luật chuyên ngành.
Việc tổ chức lấy ý kiến này cũng nhằm thể hiện sự trân trọng, lắng nghe tất cả các ý kiến của nhân dân, chắt lọc, tổng hợp tinh hoa trí tuệ và ý chí của người dân. Từ đó, thu thập, tổ chức thảo luận ở Hội đồng nhân dân các cấp, và ở Quốc hội. Quá trình tổ chức lấy ý kiến còn là đợt sinh hoạt, phổ biến pháp lý để mọi người dân hiểu một cách sâu sắc về quyền con người, quyền, nghĩa vụ công dân, quyền lực Nhà nước.
Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, yêu cầu của việc lấy ý kiến người dân phải “vừa sâu, vừa rộng”. Phải tổ chức theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân góp ý, càng nhiều ý kiến đóng góp càng đạt yêu cầu đề ra. Việc tổ chức lấy ý kiến còn phải đảm bảo tìm hiểu được quan điểm, thái độ, ý kiến đồng tình hay không đồng tình của người dân đối với từng điều, khoản trong dự thảo.
Ủy ban Kinh tế Quốc hội lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992
Cùng ngày, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, Uỷ ban đã họp phiên toàn thể lần thứ 7, lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận về vấn đề vai trò quản lý nhà nước trong nền kinh tế; về vấn đề sở hữu; về hình thức thu hồi đất; làm rõ mối quan hệ giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; trách nhiệm đầu tư của Nhà nước đối với từng lĩnh vực về văn hóa, xã hội, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường... Quỳnh Hoa |
Quang Vũ