Tinh thần tác phẩm bị bóp méo
Qua đoạn clip mà khán giả được xem, vở cải lương Tô Ánh Nguyệt do Trấn Thành giả gái thủ vai Tô Ánh Nguyệt và nghệ sĩ Ngọc Giàu cải trang nam diễn ra tại nước ngoài. Có lẽ, để chiều nhu cầu của khán giả, vở diễn đã được “làm quá” ở tất cả các mặt: tạo hình nhân vật, lối diễn xuất, ngôn ngữ… Khác với một Tô Ánh Nguyệt hiền hậu, đại diện cho sự tảo tần và đức hy sinh của người phụ nữ Việt, người ta thấy một “bà Nguyệt” hung hăng, chanh chua, thô lậu. Cạnh đó là những ngôn ngữ dung tục, cách gây hài bằng khoe hình thể hay xoáy sâu vào các đề tài tục, nhạy cảm.
Vở diễn đã thực sự khiến những khán giả yêu cải lương phải nổi giận. Nhiều người cho rằng, vở diễn đã đi ngược với tinh thần cải lương, đem cái hài dung tục, xấu xí để bôi bẩn một vở cải lương đầy nhân văn và cao hơn nó bôi xấu cải lương truyền thống, làm nhiều người trẻ, đặc biệt là đồng bào hải ngoại có cái nhìn lệch lạc về nghệ thuật cải lương.
Thực ra, Tô Ánh Nguyệt không phải là vở cải lương duy nhất chịu sự “xâm lấn” của tấu hài. Mà nghệ thuật cải lương có cả một dòng cải lương mang chất hài, châm biếm các thói hư tật xấu một cách thâm thuý, sâu cay, đó là các vở như Nghêu sò ốc hến, Đắc Kỷ ho gà, hoặc bản thân trong các vở kinh điển vẫn có các vai hài, lấy tiếng cười duyên dáng ý nhị làm nhẹ đi cái bi, nước mắt của vở diễn.
Tuy nhiên, có lẽ thấy thế là chưa đủ hoặc đáp ứng nhu cầu xem hài đang nở rộ khắp nơi, người ta đã phục dựng nhiều vở cải lương cổ theo phong cách hài. Tuồng Tô Ánh Nguyệt, trước Trấn Thành đã có một số nghệ sĩ hải ngoại như Hoài Linh, Duy Phương “hài hoá”. Vở Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài cũng từng được rất nhiều nghệ sĩ như Tấn Beo, Kiều Oanh phục dựng theo lối tấu hài. Và, cho dù chưa đến mức “bôi xấu” cải lương như vở mà Trấn Thành thủ vai, những vở diễn phục dựng kiểu hài này cũng chứa đầy rẫy sạn.
Ngay cả Thành Lộc “vua hài duyên” của miền Nam cũng không ít lần bị dư luận chỉ trích khi phục dựng các vở chính kịch thành hài kịch nhưng đi quá đà, làm mất tinh thần nguyên gốc…
Hài lên ngôi, nghệ thuật đi xuống?
Những năm gần đây, với sự ưa chuộng hài, người ta thấy yếu tố hài xuất hiện ở mọi lĩnh vực nghệ thuật. Hàng loạt game show hài ra đời, và cả những game show không thiên về hài, nhà sản xuất cũng tìm mọi cách để đem hài vào, như chen vào những đoạn tấu hài vụn vặt hoặc tìm người dẫn chương trình, giám khảo là các diễn viên hài…Trong ca nhạc, yếu tố hài cũng xuất hiện trong các MV ca nhạc và được đón nhận như một xu thế “thời thượng”. Các show âm nhạc bán vé tại sân khấu, các live show kỉ niệm nghề của nhiều “sao” lớn cũng không thể thiếu vài ba chương trình tấu hài, tiểu phẩm hài để thêm phần sinh động, thu hút khán giả.
Ở điện ảnh, ngoài mảng phim hài vốn đã rất “đắt hàng”, đặc biệt là phim phục vụ dịp Tết Nguyên đán thì nay người ta thấy yếu tố hài có mặt ở đủ mọi thể loại phim trong nước: phim hành động, phim kinh dị, phim tình cảm nhẹ nhàng… Chẳng thế mà Hoài Linh đắt show đóng phim đến mức nhiều nhà sản xuất phải đặt lịch và cát xê diễn của anh, nghe đâu đã lập kỉ lục cho diễn viên trong nước, khi lên đến 3 tỷ đồng cho một bộ phim.
Điện ảnh Việt không chỉ chứng kiến sự xuất hiện đến quen mặt của các diễn viên hài như Thái Hòa, Việt Hương, Xuân Bắc… mà giờ đây, cả những sao hài mới nổi như Trấn Thành, Trường Giang cũng lũ lượt đóng phim. Nghịch lý là, dù khán giả đa phần chê lối diễn chưa nhuần nhuyễn, còn cương và bê nguyên phong cách tấu hài vào điện ảnh thì Trường Giang, Trấn Thành vẫn nhận cát xê cao ngất và liên tục có lời mời đi đóng phim, bởi đơn giản, chỉ cần sự có mặt của họ đã đảm bảo phần nào doanh thu của phim, còn hay dở tính sau(!).
Bản thân tiếng cười là điều đáng quý, nó làm cuộc sống nhẹ nhàng, đáng yêu hơn. Thế nhưng, việc đưa quá nhiều tiếng cười vào tất cả các lĩnh vực nghệ thuật, cộng với tần suất xuất hiện của nghệ sĩ hài quá dày khiến cho họ không có thời gian đầu tư, tái tạo chất sáng tạo, khiến nhiều người trở thành “cái máy gây cười”, tận dụng lối diễn “thọt lét”, hài hình thể, hài tục… rẻ tiền, khiến tiếng cười bị rẻ rúng đi nhiều. Không chỉ thế, những tiếng cười dung tục vang lên khắp mọi nơi đã góp phần hạ thấp văn hoá thưởng thức nghệ thuật của công chúng, khiến họ trở nên dễ dãi, tiếp nhận vô tội vạ.
Người ta có thể nguỵ biện rằng, có cầu ắt có cung. Tuy nhiên, bài học từ sự phẫn nộ của công chúng trước vở cải lương tấu hài Tô Ánh Nguyệt mới đây đã cho thấy, bản thân khán giả vẫn muốn tiếp nhận nghệ thuật với những giá trị đích thực của nó. Họ có thể bị che mắt tức thời bởi những tiếng cười dễ dãi, nhưng bản chất thực sự của một tác phẩm nghệ thuật sẽ được nhìn nhận ở chiều sâu, về lâu về dài.
Mong rằng, những người làm nghệ thuật hãy thôi vì sự chiều chuộng đám đông, vì doanh thu mà đem quá nhiều tiếng cười dung tục vào nghệ thuật, kéo lùi nghệ thuật bằng những màn tấu hài rẻ tiền.