Trận không chiến đẩy quan hệ đẩy căng thẳng Pakistan - Ấn Độ leo thang

Binh lính Pakistan bên cạnh xác máy bay Ấn Độ bị nước này bắn hạ.
Binh lính Pakistan bên cạnh xác máy bay Ấn Độ bị nước này bắn hạ.
(PLVN) - Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Nhật Bản và các cường quốc khác trên thế giới đều đã lên tiếng thúc giục Ấn Độ và Pakistan kiềm chế, tìm kiếm các biện pháp hạ nhiệt căng thẳng. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ đã đứng ra làm trung gian hòa giải và đang tìm cách giúp ngăn căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan leo thang thêm. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết đã nói chuyện riêng với những người đồng cấp Ấn Độ và Pakistan, kêu gọi họ “ưu tiên liên lạc trực tiếp và tránh có thêm những hành động quân sự”.

Bùng nổ căng thẳng

Căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan đã bùng lên sau vụ tấn công nhằm vào đoàn xe của Lực lượng cảnh sát dự bị trung ương Ấn Độ ở khu vực Kashmir hôm 14/2, khiến tổng cộng 45 binh sỹ của Ấn Độ thiệt mạng.

Cả Ấn Độ và Pakistan đều tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ Kashmir nhưng hai bên chỉ kiểm soát một phần của khu vực này. Trong những năm qua, khu vực này luôn trong tình trạng bất ổn do các nhóm phiến quân Hồi giáo thường xuyên gây bạo lực nhằm giành độc lập cho Kashmir hoặc sáp nhập vùng này vào lãnh thổ Pakistan.

Vụ tấn công ngày 14/2 xảy ra ở khu vực Kashimir do Ấn Độ kiểm soát. Nhóm nổi dậy Jaish-e-Mohammed đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ việc. Đây chính là nhóm đứng sau vụ tấn công vào tòa nhà Quốc hội Ấn Độ năm 2001, vụ tập kích căn cứ không quân Pathankot năm 2016 và tấn công vào các doanh trại quân đội ở Jammu và Uri năm 2016.

Song, vụ tấn công hôm 14/2 là vụ tấn công chết chóc nhất nhằm vào lực lượng an ninh Ấn Độ kể từ khi Jaish-e-Mohammed hình thành vào cuối những năm 1980. Ấn Độ ngay sau đó đã lên tiếng cáo buộc Pakistan chỉ đạo vụ tấn công nhưng Pakistan đã bác bỏ.

Căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan tiếp tục tăng cao sau khi hai bên có một loạt hành động quân sự trả đũa lẫn nhau. Vào đêm 26/2, máy bay Ấn Độ không kích vào khu trại lớn nhất của nhóm Jaish-e-Mohammed ở gần thành phố Balakot ở Pakistan. Đáp trả, máy bay của Không quân Pakistan đã được điều để chặn máy bay Ấn Độ.

Đây là lần đầu tiên Ấn Độ huy động lực lượng không quân chống lại Pakistan kể từ khi hai bên xảy ra giao tranh vào năm 1971. Sự leo thang căng thẳng còn thể hiện ở chỗ cuộc không kích này nhằm vào các mục tiêu trên lãnh thổ Pakistan. Cùng ngày, quân đội Ấn Độ được cho là đã sử dụng tên lửa Spyder để bắn hạ một máy bay không người lái Pakistan đang làm nhiệm vụ trinh sát gần biên giới.

Đến ngày 27/2, trận đụng độ trên không lớn nhất trong gần nửa thế kỷ qua giữa Ấn Độ và Pakistan đã nổ ra với sự tham gia của tám máy bay của Không quân Ấn Độ và 24 máy bay chiến đấu của Pakistan ở khu vực Kashmir.

Kênh truyền hình Ấn Độ NDTV cho biết, trong số 24 máy bay của Pakistan có tám máy bay chiến đấu F-16, bốn chiếc Mirage-3 và bốn chiếc JF-17 Thunder cùng các máy bay hộ tống. Về phía Ấn Độ, tám máy bay chiến đấu được nước này triển khai có bốn chiếc Su-30MKI, hai chiếc Mirage 2000 và hai chiếc MiG-21.

Cả hai bên đều tuyên bố đã bắn rơi máy bay của nhau. Thiếu tướng Asif Ghafoor, người phát ngôn của lực lượng vũ trang Pakistan, ngày 27/2 tuyên bố, hai máy bay phản lực của Ấn Độ đã bị bắn hạ sau khi tiến vào không phận Pakistan. Theo ông Ghafoor, một trong các máy bay của Ấn Độ đã bị rơi xuống phía đường ranh giới giả định ở khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, chiếc còn lại bị rơi ở phía Pakistan.

Ông Ghafoor cũng nói rằng Pakistan đã hành động theo chủ ý để đảm bảo không có thương vong nào xảy ra. Các nguồn tin cho rằng, một trong hai máy bay của Ấn Độ đã rơi do bị tên lửa đất đối không tầm trung AIM-120 AMRAAM của Pakistan bắn trúng.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar trong một phát biểu ngắn cũng tuyên bố Ấn Độ đã bắn hạ một máy bay F-16 của Pakistan. Theo không quân Ấn Độ, máy bay chiến đấu của nước này đã phóng tên lửa tầm ngắn R-73, bắn rơi máy bay của Pakistan. Hai phi công trên máy bay này đã nhảy dù xuống khu vực do Pakistan kiểm soát.

Phía Ấn Độ thừa nhận đã mất một máy bay trong cuộc chạm trán, viên phi công trên máy bay mất tích. Bộ Ngoại giao Ấn Độ cũng đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc Pakistan công bố hình ảnh sỹ quan của không quân nước này bị Pakistan bắt giữ trong tình trạng bị thương, nhấn mạnh việc này đã vi phạm Công ước Geneva và Luật Nhân đạo quốc tế.

Đến ngày 28/2, binh lính Ấn Độ và Pakistan tiếp tục xảy ra nổ súng trong suốt một giờ đồng hồ ở khu vực quận Poonch ở dọc khu vực biên giới Kashmir. Phía Pakistan cho biết, đạn pháo đã khiến một người ở nước này bị thương. Ấn Độ cũng cho xây dựng hơn 14.000 boongke cho các gia đình ở các bang Jammu và Kashmir gần biên giới để đảm bảo an toàn cho họ.

Cảnh báo nguy cơ “hủy diệt lẫn nhau”

Bạo lực và những phát biểu chỉ trích lẫn nhau giữa Ấn Độ và Pakistan đã dấy lên những lo ngại về nguy cơ bùng phát chiến tranh giữa hai nước sở hữu hạt nhân. Ngoại trưởng Pakistan Shah Mehmud Qureshi ngày 1/3 tuyên bố không tham dự cuộc họp các ngoại trưởng của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo ở Abu Dhabi tổ chức vào dịp cuối tuần qua do người đồng cấp Ấn Độ được mời tham dự sự kiện này.

Tuy nhiên, ông Qureshi lên tiếng bày tỏ hy vọng rằng chiến tranh sẽ không xảy ra vì một cuộc chiến giữa hai nước sẽ dẫn đến việc “hủy diệt lẫn nhau”. “Đó sẽ là sự tự hủy diệt lẫn nhau. Pakistan sẽ không bao giờ tiến tới leo thang, không bao giờ cố gắng đứng ở vị trí thù địch”, ông Qureshi Bộ trưởng nói.

Trước đó, ngày 28/2, Thủ tướng Pakistan Imran Khan cũng đã lên tiếng kêu gọi đàm phán với Ấn Độ để ngăn nguy cơ “tính toán sai lầm” giữa hai nước sở hữu vũ khí hạt nhân. Đến ngày 1/3, Thủ tướng Pakistan tiếp tục tuyên bố thả phi công Ấn Độ Abhinandan Varthaman đang bị nước này giam giữ vào ngày 2/3 nhằm nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng với Ấn Độ. Dù vậy nhưng ông Khan nhấn mạnh Pakistan vẫn buộc phải đáp trả mạnh mẽ đối với bất kỳ hành động nào của Ấn Độ trong tương lai. 

Về phía Ấn Độ, New Delhi phản ứng hết sức cảnh giác. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 28/2 đã kêu gọi người dân nước này “đứng lên như một bức tường thành” để thể hiện sự giận dữ trước việc Pakistan bắt giữ một phi công Ấn Độ. Ông Modi cũng hối thúc toàn thể người dân đoàn kết, sát cánh cùng các binh sĩ để chống lại “kẻ thù”.

Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Nhật Bản và các cường quốc khác trên thế giới đều đã lên tiếng thúc giục Ấn Độ và Pakistan kiềm chế, tìm kiếm các biện pháp hạ nhiệt căng thẳng. Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ đã đứng ra làm trung gian hòa giải và đang tìm cách giúp ngăn căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan leo thang thêm. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết đã nói chuyện riêng với những người đồng cấp Ấn Độ và Pakistan, kêu gọi họ “ưu tiên liên lạc trực tiếp và tránh có thêm những hành động quân sự”.

Cuộc khủng hoảng giữa Ấn Độ và Pakistan cũng đã dẫn đến việc Pakistan đóng cửa không phận của nước này, buộc các hãng hàng không phải thay đổi hành trình. Hãng hàng không Thai Airways International của Thái Lan ngày 28/2 tuyên bố hủy các chuyến bay tới Pakistan và châu Âu, khiến hàng nghìn hành khách bị mắc kẹt ở Bangkok.

Một số hãng hàng không, trong đó có Emirates và Qatar Airlines cũng đã dừng các chuyến bay đến Pakistan từ ngày 27/2 trong khi các hãng khác như Singapore Airlines và British Airways buộc phải sắp xếp lại đường bay của một số chuyến bay.  

Trong khi đó, Singapore Airlines ngày 28/2 cho biết tất cả các chuyến bay đi châu Âu của hãng sẽ vẫn được tiếp tục theo kế hoạch, chỉ tránh không phận bị ảnh hưởng nếu cần thiết. Các chuyến bay từ Trung Đông và Ấn Độ cũng bị ảnh hưởng. Hãng Air Canada hôm 27/2 cho biết đã tạm thời ngừng dịch vụ đến Ấn Độ.

Theo CNN, tình hình này đã ảnh hưởng tới hàng nghìn chuyến bay trên khắp thế giới. Ngoài những người bị kẹt ở Bangkok, hàng nghìn người khác cũng bị ảnh hưởng đi lại do các hãng hàng không không chỉ đến và đi tới Pakistan mà còn có các chuyến bay qua không phận nước này. Đến ngày 1/3, Pakistan mới tuyên bố mở lại một phần không phận.

Trong lúc Ấn Độ và Pakistan đang đứng bên bờ vực chiến tranh, trên các trang mạng xã hội đã xuất hiện nhiều đoạn video, những hình ảnh và tin nhắn giả mạo, kích động sự giận dữ và thổi bùng căng thẳng ở cả hai nước.
Trong số đó, một đoạn video ghi lại hình ảnh phi công của Ấn Độ bị thương trong quá trình tập luyện cho triển lãm hàng không Ấn Độ mới đây và những hình ảnh từ trận động đất từ năm 2005 đã được ghép lại với nhau và tung lên các trang mạng xã hội Twitter, Facebook và dịch vụ tin nhắn WhatsApp với ý đồ khiến hàng chục triệu người sử dụng hiểu lầm, được xác định là với ý đồ xấu.

Đọc thêm

Văn hóa đọc đặc trưng tại các quốc gia

Hội chợ sách sách lớn nhất thế giới Frankfurt năm 2022. (Ảnh: DW)
(PLVN) - Đã gần 5.000 năm kể từ khi cuốn sách đầu tiên ra đời, cũng là ngần ấy thời gian hình thành nên văn hoá đọc - cầu nối đến kho tàng tri thức quý báu của nhân loại. Tại mỗi quốc gia, văn hoá đọc có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống xã hội, luôn được quan tâm đặc biệt và thúc đẩy trong dân chúng.

IMF cảnh báo mối nguy toàn cầu nếu tịch thu tài sản của Nga

Ảnh minh họa.
(PLVN) - Ông Alfred Kammer - Giám đốc khu vực châu Âu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng, bất kỳ bước đi nào nhằm tịch thu nguồn tài sản đang bị đóng băng của Nga đều cần được hỗ trợ về mặt pháp lý để tránh nguy cơ làm suy yếu hệ thống tài chính toàn cầu.

Dubai chìm trong nước

Dubai chìm trong nước
(PLVN) - Lượng mưa một ngày tương đương một năm gây ra ngập lụt khủng khiếp ở Dubai vào ngày 16/4.

Tổng thống Nga Putin nhận tấm giấy quan trọng

Chủ tịch Ủy ban bầu cử trung ương Nga Ella Pamfilova và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
(PLVN) - Chủ tịch Ủy ban bầu cử trung ương Nga (CEC) Ella Pamfilova đã trao cho Tổng thống Nga Vladimir Putin giấy chứng nhận chính thức đánh dấu chiến thắng của ông trong cuộc bầu cử Tổng thống tại Nga diễn ra hồi tháng 3 vừa qua.

Tin không vui với Ukraine

Thủ tướng Slovakia Robert Fico.
(PLVN) - Thủ tướng Slovakia Robert Fico tại một cuộc họp báo tuyên bố Slovakia sẽ phản đối việc Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Việt Nam tin tưởng vào việc tái ứng cử Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ tới

Đại sứ Mai Phan Dũng phát biểu chung trong Phiên thảo luận chung tại đề mục về việc theo sát và thực hiện Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna (VDPA) trong khuôn khổ Khóa họp lần thứ 55 của HĐNQ. Ảnh: TTXVN
(PLVN) - Cùng với vai trò, vị thế của đất nước, sự tham gia tích cực, chủ động và có trách nhiệm của Việt Nam trong tư cách thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc (HĐNQ) nhiệm kỳ 2023 - 2025 hiện nay, sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với sự tham gia của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương quốc tế, chúng ta có cơ sở để tin tưởng vào sự ủng hộ của các nước đối với việc Việt Nam tái ứng cử vào HĐNQ nhiệm kỳ 2026 - 2028 sắp tới.

Tiết lộ thu nhập của Tổng thống Mỹ Biden và phu nhân

Tổng thống Mỹ Biden và Đệ nhất phu nhân.
(PLVN) - Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Đệ nhất phu nhân Jill ngày 15/4 công bố tờ khai thuế cho thấy thu nhập của họ đã tăng 7%, lên thành 619.976 USD vào năm 2023 và họ đã đóng thuế liên bang số tiền tương đương 23,7% thu nhập.