Một nửa số trẻ em bị lạm dụng
2.000 báo cáo dày đến 8.000 trang với tiêu đề “Hồ sơ Nauru” được hãng tin tức Guardia đăng tải, đã hé lộ những thông tin về tình trạng phụ nữ và trẻ em bị lạm dụng, bạo lực, tấn công tình dục, tự hại mình, sống trong điều kiện sinh hoạt khủng khiếp, không được chăm sóc y tế... trong suốt 3 năm tại một trung tâm giam giữ người xin tị nạn của Úc tại quốc đảo Nauru.
Theo phân tích của hãng Guardia, những báo cáo ghi nhận những vụ việc diễn ra trong khoảng thời gian từ tháng 5/2013- 10/2015, trẻ em chiếm một nửa số trong số vụ việc liên quan đến lạm dụng, mặc dù số lượng các em chỉ chiếm 18% số người bị giam giữ tại đây. Hay nói một cách cụ thể hơn, hơn 1 nửa trong số 2.116 vụ việc, tức là có tổng cộng 1.086 chiếm 51,3% vụ việc liên quan đến lạm dụng trẻ em.
Tuy nhiên, sự việc chỉ mới vỡ lở vài tuần gần đây sau vụ một thiếu niên bị đối xử dã man tại trung tâm giam giữ trẻ vị thành niên ở Northern Territory bị phơi bày, khiến Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull phải tuyên bố tiến hành một cuộc điều tra quy mô lớn.
Tấn công và lạm dụng tình dục giờ đây được coi là chủ đề chính tại Nauru. Đối tượng tấn công không ai khác chính là trẻ em và phụ nữ, những kẻ gây nên tội ác lại là những nhân viên trong trại- những kẻ mang danh nghĩa trông nom , chăm sóc và bảo vệ người tị nạn nhưng lại có những hành động thú tính.
Theo những báo cáo, có những vụ việc vô cùng đau đớn đã xảy ra với các em nhỏ. Tháng 9/2014, một bé gái đã tự khâu miệng mình lại nhưng những tên lính gác chỉ đứng nhìn và cười nhạo em. Cũng vào năm đó, vào tháng 7, một bé gái dưới 10 tuổi đã tự cởi đồ của mình và bị một nhóm người lớn dùng ngón tay xâm hại vào bên trong của cô bé.... Hay những hành vi bất thường như tự làm hại bản thân là biểu hiện của sự tuyệt vọng.
Một phụ nữ khi biết mình mang thai đã rất kích động, vừa khóc vừa nói rằng, “Tôi không muốn có đứa bé trong cái môi trường dơ bẩn này”. Báo cáo rỏ rỉ cũng đã ghi lại thông tin, một đứa trẻ đã viết trong nhật ký của mình rằng, em mệt mỏi, không thích trại này và muốn chết... “Tôi muốn chết, tôi cần phải chết”.
Trong những tài liệu bị rò rỉ, có 7 báo cáo về tấn công tình dục trẻ em, 59 báo cáo về hành hạ các em nhỏ, 30 vụ trẻ em tự làm hại mình và 159 vụ đe dọa tự làm đau liên quan tới các em nhỏ. Ngoài ra, các báo cáo còn lại đề cập tới nhiều vấn đề liên quan tới trẻ em, từ tai nạn tới những hành vi xấu.
Hiện nay, hàng trăm người tị nạn đang bị tạm giữ ở Nauru hoặc một trung tâm giam giữ khác ở đảo Manus thuộc Papua New Guinea, nơi họ được gửi tới sau khi bị tàu hải quân Úc chặn trên biển. Những người tị nạn này bị cấm tái định cư ở Úc, ngay cả khi họ được chấp thuận quy chế tị nạn.
Những “bê bối” về lạm dụng người tị nạn từ lâu đã trở thành vấn nạn, nhưng không được chú ý nhiều. Bởi, thứ nhất chính quyền địa phương quá chặt chẽ nên nhiều vụ việc đều bị giấu nhẹm. Thứ hai, giới truyền thông thường chú trọng tới những vụ tấn công khủng bố do người tị nạn gây ra hơn là “đào sâu” tìm hiểu nỗi đau của họ trong trại giam giữ.
Tất cả những dẫn chứng kể trên đã vẽ nên một bức tranh về sự tàn ác trong trại tị nạn. Vụ bê bối này khiến cơ quan nhân quyền quốc tế phải lên án và yêu cầu chính phủ Úc thay đổi chính sách giam giữ người nhập cư, hay nói cách khác là chấm dứt chính sách “cứng rắn” về việc giam giữ người tị nạn nước ngoài tới Úc. Và rằng, những người tị nạn phải được hỗ trợ về tâm lý và vật chất, y tế...
Sự thật về trại Nauru được công bố lần này mới chỉ được coi là một sự vén màn sự thật cho những trại tị nạn khác của Úc. Điều này chứng minh rằng, để đến được những “miền đất hứa”, ngoài việc đối mặt với “tử thần”, người tị nạn còn phải đương đầu với những điều có thể trở thành nỗi ám ảnh với họ trong suốt cuộc đời.
Sau khi những tài liệu này bị rò rỉ, tất cả các tổ chức Getup, Trung tâm tư vấn pháp luật, Trung tâm hỗ trợ người tạm trú, Tổ chức bảo vệ trẻ em và Lượng lược đặc nhiệm về người tị nạn Giáo hội Úc đã yêu cầu thành lập một ủy ban hoàng gia nhằm điều tra những vụ việc lạm dụng tại các trung tâm tị nạn. Ngoài ra, các tổ chức này còn muốn chính phủ có biện pháp di dời toàn bộ người tạm trú và người tị nạn ra khỏi Nauru và đảo Manus ở Papua New Guinea.
Nauru cho rằng lạm dụng tị nạn là bịa đặt
Được biết, Nauru là một quốc đảo nhỏ nhất trên thế giới với dân số khoảng 10.000 người. Bởi Úc không còn cho phép những thuyền nhân tị nạn đến định cư tại quốc gia này, nên Úc đã có những thỏa thuận về xây dựng những trại tị nạn với quốc đảo này và đảo Manus của Papua New Guinea. Những người tị nạn này đến từ các nước như Iran, Afghanistan, Iraq, Syria và nhiều nơi khác.
Kể từ đó, chính quyền Nauru điều hành trung tâm tạm giữ này với sự hỗ trợ từ chính phủ Australia và các nhà thầu tư nhân. Theo con số mới nhất từ hồi tháng 6, có 442 người- trong đó có 338 đàn ông, 55 phụ nữ và 49 trẻ em- đang sinh sống trong các trung tâm tị nạn ở Nauru. Ngoài ra, tại trung tâm tị nạn ở đảo Manus, Papua New Guinea với số lượng người tị nạn lên đến 854 người.
Hãng Guarnia cho biết, việc đăng tải những thông tin này là cần thiết bởi chính quyền Úc cần được biết nhiều hơn về các chế độ đối với người tị nạn ở Nauru cũng như đảo Manus, nơi mà khiến cho Úc phải chịu chi phí thuế lên đến 1,2 tỷ USD 1 năm.
Sau khi rò rỉ những báo cáo về lạm dụng người tị nạn. Đại diện quốc đảo Cộng hòa Nauru lên tiếng rằng, 2.000 báo cáo về những vụ người tị nạn bị bạo lực, lạm dụng… khi sống trong các trung tâm giam giữ ở những đảo này là hoàn toàn “bịa đặt”.
Chính quyền Nauru đã cáo buộc các phương tiện truyền thông cánh tả, những nghị sĩ của Đảng Xanh Australia đã sử dụng người tị nạn như “con tốt” cho chương trình nghị sự chính trị của họ. Đồng thời cho rằng, “báo cáo” chỉ dựa vào những lời nói từ một phía không đủ bằng chứng .
Chính quyền Nauru đã lên tiếng trên tweet rằng, “Hầu hết những người xin tị nạn đều hi vọng được di dời đến Úc. Họ và cả những người ủng hộ báo cáo rò rỉ ở Nauru đã bịa đặt mọi thứ nhằm mục đích tìm mọi cách để đến Úc. Chính vì thế, báo cáo này không phải là chứng cứ mà chỉ là yêu sách mà thôi”.
Đóng cửa trại tị nạn ở đảo Manus
Cũng trong tuần vừa qua, Úc và Papua New Guinea đã đồng ý đóng cửa một trung tâm giam giữ người tị nạn trên đảo Manus, ngoài khơi Papua New Guinea. Tuy nhiên, số phận của 800 người tị nạn trong trại vẫn chưa được quyết định.
Theo luật pháp của Úc, bất cứ người nào cố gắng vượt biên bằng thuyền sẽ được gửi đến Nauru hoặc đảo Manuss ngoài khơi Papua New Guinea và họ không bao giờ đủ điều kiện để có thể tị nạn ở Úc. Úc cho rằng hành động cứng rắn của Úc nhằm ngăn chặn người tị nạn bất chấp mạng sống lao vào các chuyến hành trình mạo hiểm trên biển để đến Úc. Hàng trăm người đã thiệt mạng trong nhiều năm qua trước khi chính sách mới được Úc ban hành.
Thủ tướng Papua New Guinea Peter O’Neill cho biết: “Papua New Guinea và Úc đã cùng nhau thống nhất với kế hoạch đóng cửa trung tâm giam giữ người tị nạn. Các điều khoản đang được thảo luận và sẽ sớm thực hiện. Điều quan trọng là quá trình đóng cửa phải được thực hiện một cách cẩn thận”.
Ông O’Neill cũng nói rằng bất cứ người nào đang bị tạm giam được xét là “người tỵ nạn chân chính” sẽ được phép ở lại Papua New Guinea nếu họ muốn “trở thành một thành viên trong xã hội chúng tôi và đóng góp cho cộng đồng”. Tuy nhiên, người dân Papua New Guinea đã phản đối việc hàng trăm người tị nạn có thể tái định cư tại nước này. Chính vì thế, trong thời gian gần đây, một số người dân địa phương đã tấn công những người tị nạn để phản đối việc này.
Về phía Bộ trưởng Di trú Úc Peter Dutton, người đã gặp gỡ ông O’Neil trong tuần vừa qua để thảo luận về các vấn đề liên quan đến trung tâm giam giữ, đã nhắc lại quan điểm của Úc rằng Úc sẽ không tiếp nhận bất kỳ người tị nạn nào đang bị giam giữ tại Papua New Guinea.
Ông nói: “Chính phủ Úc đang làm việc với Papua New Guinea để đóng cửa trung tâm giam giữ trên đảo Manus và hỗ trợ cho những người tị nạn tái định cư tại Papua New Guinea hoặc trở về quê hương. Lập trường của chúng tôi đến nay vẫn không thay đổi, là không có ai từ trại giam giữ trên đảo Manus được đến định cư tại Úc”. Trong bài phát biểu, ông cũng không hề đề cập đến người tị nạn ở Nauru.
Điều kiện sống khó khăn và báo cáo về lạm dụng trẻ em trong các trại giam giữ khiến chính phủ Úc bị chỉ trích cả trong lẫn ngoài nước. LHQ cho biết một số người tị nạn đã bị giam giữ nhiều năm qua và vẫn đang chờ đợi quyết định từ Úc.
Các nhà hoạt động ủng hộ người tị nạn đã hoan nghênh kế hoạch đóng cửa trung tâm giam giữ người tị nạn của Úc. Elaine Pearson, giám đốc Cơ quan Giám sát nhân quyền Úc, ghi nhận: “Gần 1.000 người đã sống tại trại giam giữ trên đảo Manus hơn 3 năm. Họ phải sống trong điều kiện chật hẹp, bẩn thỉu và không được chăm sóc y tế đầy đủ. Quyết định mới từ Úc sẽ cho phép họ xây dựng cuộc sống mới”.