Trại giam Nà Tấu được thành lập năm 2007 theo quyết định số 888 Bộ Công an. Ngay sau khi thành lập, trại giam Nà Tấu tiếp nhận 68 phạm nhân đầu tiên của tỉnh Điện Biên và Lai Châu để giáo dục, cải tạo. Tính đến thời điểm hiện tại, Trại giam Nà Tấu có 1.237 phạm nhân.
Chia sẻ với PV, Đại tá Tô Thế Vũ, Phó Giám thị trại giam cho biết: “Khi đến chấp hành án tại đây, hầu hết các phạm nhân đều có tư tưởng chán nản, bất mãn, chống đối và chưa chịu cải tạo... Vì vậy, yêu cầu đặt ra cho mỗi cán bộ, chiến sỹ là phải làm tốt công tác tham mưu, đề xuất với Lãnh đạo đơn vị trong việc quản lý, giáo dục, giúp họ nhận thức rõ tội lỗi mà mình đã gây ra. Từ đó, mỗi phạm nhân đều thắp lên niềm tin vào cuộc sống, chấp hành tốt các nội qui, qui định của Trại, tích cực lao động sản xuất để sớm trở về với gia đình, thành người có ích cho xã hội”.
Nhờ những nỗ lực trên, năm nay, trại giam Nà Tấu đã xét, đề nghị đặc xá cho 48 phạm nhân trên tổng số 1.237 phạm nhân đang chấp hành án tại trại. Được biết quá trình xét, đề nghị đặc xá cho những phạm nhân trên được đảm bảo công khai, minh bạch, đúng người, đúng pháp luật… Điều này cho thấy kết quả, sự đổi mới khá toàn diện, sâu sắc của công tác Thi hành án hình sự, nhất là công tác giáo dục cải tạo phạm nhân của Trại giam Nà Tấu.
Bên cạnh đó, Ban Giám thị trại giam Nà Tấu còn chỉ đạo các bộ phận nghiệp vụ tổ chức thực hiện tuyên truyền, tổ chức các lớp giáo dục pháp luật, giáo dục hòa nhập cộng đồng cho các phạm nhân. Đặc biệt giáo dục về quyền, nghĩa vụ của người chấp hành xong hình phạt tù, về truyền thống đạo lý của dân tộc, về kỹ năng sống, ý thức tham gia các hoạt động chung của cộng đồng khi tái hòa nhập cộng đồng được chú trọng.
Phạm nhân Đinh Phương Anh thay mặt 48 phạm nhân được đặc xá phát biểu tại buổi lễ công bố. |
Tại Lễ công bố Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước, ông Lò Văn Tiến – Phó Chủ tịch tỉnh Điện Biên đã phát biểu, thăm hỏi, động viên, dặn dò 48 phạm nhân. “Đặc xá chỉ bước đầu của con đường hướng thiện. Phục thiện là con đường thật khó khăn, song không phải không làm được, nếu mỗi người biết quyết tâm phấn đấu, biết chuẩn bị cho mình hành trang để hòa nhập cộng đồng. Do đó những người được đặc xá trở về gia đình và xã hội, cần tiếp tục nỗ lực học tập, rèn luyện hòa nhập cộng đồng, tham gia lao động, sản xuất, trở thành những công dân tốt, có ích cho gia đình và xã hội, đóng góp xây dựng đất nước” – ông Lò Văn Tiến nói.
Đối với những phạm nhân chưa được đặc xá lần này, ông Tiến cũng động viên họ cần nỗ nực rèn luyện, cải tạo hơn nữa, chấp hành nghiêm chỉnh quy chế, nội quy trại giam, để sớm đủ điều kiện được giảm án, được đặc xá trong thời gian tới. Đồng thời vị Phó chủ tịch tỉnh còn kêu gọi các cấp, các ngành, đoàn thể và toàn xã hội cùng chung tay giúp đỡ những người được đặc xá trở về hòa nhập cộng đồng, sớm có việc làm ổn định, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội, không tái phạm tội.
Nghe các vị lãnh đạo căn dặn, thay mặt 48 phạm nhân được đặc xá lần này, phạm nhân Đinh Phương Anh (SN 1991, phạm tội Mua bán người, án phạt 5 năm, chấp hành án phạt tù được 3 năm 8 tháng) phát biểu: Những ngày sống trong trại, tôi và những phạm nhân khác dù vô tình hay cố ý gây ra tội ác, có thời gian kiểm chứng và suy nghĩ lại hành vi mà mình gây ra. Cũng chính trong trại giam này, chúng tôi hiểu thêm về giá trị chân thực của cuộc sống, của thời gian. Nay được đặc xá, trở về với cuộc sống bình thường như bao con người khác, tôi biết mình phải làm lại cuộc đời”./.