Tuy nhiên, lãnh đạo TP yêu cầu lấy thêm ý kiến của Sở Tư pháp để rà soát điều chỉnh. Do đó, dự kiến việc cấm xe sẽ được triển khai trước Tết Nguyên đán.
Theo kế hoạch được đề xuất trước đó, từ nay đến 2025, TP cấm ôtô khách giường nằm vào nội đô từ 6h-22h. Sau đó, thêm các ôtô trên 30 chỗ cũng bị cấm (trừ xe buýt, xe tang, ôtô công vụ...). Ngoài ra, Sở GTVT cũng đề cập một phương án khác là từ sau 2025 sẽ cấm xe khách trên 16 chỗ.
Khu vực hạn chế xe được giới hạn bởi các tuyến QL1 ở hướng Bắc và Tây; xa lộ Hà Nội - Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống ở hướng Đông; hướng Nam đường Võ Chí Công - cầu Phú Mỹ - Nguyễn Văn Linh.
Theo lãnh đạo Sở GTVT, tình trạng “xe dù, bến cóc” tồn tại trong thời gian dài chủ yếu do các địa phương chưa xử lý thường xuyên, quyết liệt. Hành vi này gây mất trật tự, không đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng của các đơn vị vận tải hành khách.
Từ đầu 2022, Sở GTVT đã xử lý hơn 1.760 trường hợp vi phạm với số tiền hơn 2,5 tỷ đồng; thu hồi gần 7.200 phù hiệu, biển hiệu và 136 giấy phép kinh doanh vận tải. Thời gian tới, các địa phương sẽ tổng kiểm tra, xử lý tình trạng xe đón, trả khách không đúng nơi quy định.
Hiện TP có 1.127 đơn vị vận chuyển hành khách theo hợp đồng và du lịch (866 DN, 249 HTX và 12 hộ kinh doanh) với hơn 94.100 phương tiện các loại. Sở GTVT thống kê địa bàn có 76 địa điểm xe thường xuyên đón trả khách sai quy định, tập trung nhiều ở khu nội thành. Trong đó, quận 5 nhiều nhất với 25 điểm; quận 1 có 4 điểm, Bình Thạnh 2 điểm... Ngoài khu vực nội đô là dọc QL1, QL13... ở Thủ Đức.
* Liên quan vấn đề GTVT tại TP, trong cuộc họp, ông Nguyễn Quốc Hiển, Phó BQL đường sắt đô thị số 1 cho biết, vừa qua, tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đã hoàn thành chạy thử bước đầu tiên với lộ trình 9km trong 30 phút.
Hoạt động này thuộc bước thứ 6 trong quy trình 8 bước thử nghiệm trước khi dự án khai thác thương mại chính thức. Thời gian tới, các đơn vị lắp đặt các thiết bị tại phần còn lại của tuyến metro số 1 để tiến tới chạy thử nghiệm đoạn còn lại của tuyến metro. Dự kiến, việc chạy thử nghiệm bước 7, bước 8 của dự án metro số 1 được thực hiện vào quý 1 và quý 2 năm 2023.
Một vấn đề được đặt ra cho metro số 1 là tính kết nối và đảm bảo thuận tiện để người dân tiếp cận tới các ga tàu. BQL nhấn mạnh, đây là vấn đề quan trọng và quyết định sự thành công của dự án. Ông Hiển thông tin dự án metro số 1 đã xây 9 cầu bộ hành tại 9 nhà ga, bắc ngang Xa lộ Hà Nội, dự kiến hoàn thành cuối 2023, cùng thời điểm đưa metro số 1 vào khai thác vận hành.
Bên trong mỗi nhà ga thuộc tuyến metro này đều thiết kế khoảng 1.500m2 diện tích để làm bãi đỗ xe máy, dự kiến chứa được 500 chiếc/bãi xe. Riêng với 3 ga ngầm thuộc khu vực nội đô sẽ không có bãi đỗ xe, khách sẽ tiếp cận bằng cầu bộ hành, xe buýt, hạn chế phương tiện cá nhân.
Bên cạnh đó, Sở GTVT đã lập dự án đầu tư xây dựng tăng cường xe buýt cho metro số 1, đã được thông qua chủ trương và đang lập dự án. Dự án xây dựng các nhà chờ xe buýt kết nối buýt vào nhà ga và điều chỉnh lộ trình buýt cũng được triển khai, để khách tiếp cận các nhà ga thuận lợi hơn.