Khảo sát của VCCI cho thấy, có đến 93.9% DN bị tác động tiêu cực bởi dịch bệnh, trong đó 34% DN bị ảnh hưởng hoàn toàn tiêu cực, 59,9% bị ảnh hưởng phần lớn là tiêu cực. Trong khi năm 2020, số DN bị ảnh hưởng tiêu cực chỉ khoảng 87,2% .
Có tới 90,8% DN đã giảm quy mô lao động trong thời kỳ dịch bệnh, trong đó 97% DN ở các ngành dịch vụ như giáo dục đào tạo, dịch vụ lưu trú, ăn uống đã phải cho ít nhất 1 lao động nghỉ việc do dịch. Đông Nam bộ là khu vực xảy ra hiện tượng người lao động mất việc làm nhiều nhất cả nước,
Đáng ngại, COVID- 19 đã làm đứt gãy các chuỗi giá trị khi có đến 96,2% DN gặp ít nhất một trong các vấn đề liên quan đến chuỗi giá trị. Các vấn đề này có thể là khó tiếp cận khách hàng, mất cân đối dòng tiền, khó khăn khi quản lý nhân công hay đứt gãy chuỗi cung ứng.
Về doanh thu, 71% DN dự kiến doanh thu năm 2021 giảm so với năm 2020. Đáng chú ý, khoảng 72% DN siêu nhỏ và nhỏ dự kiến bị giảm doanh thu, cao hơn so với DN quy mô vừa và lớn.
Dẫn số liệu DN giải thể, tạm ngừng kinh doanh trong 9 tháng đầu năm, Tổng thư ký VCCI Nguyễn Quang Vinh lưu ý, với với hơn 10 nghìn DN rút khỏi thị trường - tăng hơn 24% so với năm 2020, đã phần nào cho thấy “bức tranh” chung của cộng đồng DN đang có sự suy giảm mạnh ...
Chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà cộng đồng DN và doanh nhân đang đối mặt, trong thời gian qua, nhiều chính sách hỗ trợ từ miễn, giảm, giãn các khoản thuế, tiền thuê đất; cắt giảm thủ tục hành chính; hỗ trợ lãi suất,… đã được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành ban hành để giúp cho các DN, người dân vượt qua những khó khăn
Mới đây nhất, ngày 19/10/2021, Chủ tịch Quốc hội đã ký ban hành Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH15 về một số giải pháp nhằm hỗ trợ DN, người dân chịu tác động của dịch COVID-19. Trong đó quy định cụ thể về 4 giải pháp miễn, giảm thuế của năm 2021 với 3 lần đầu tiên được áp dụng.
Đó là giảm thuế thu nhập DN; miễn thuế phải nộp phát sinh trong các quý III và IV đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; giảm mức thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ trong một số ngành nghề và miễn tiền chậm nộp.
“Đây là một trong những chính sách quan trọng hỗ trợ DN, để DN có thể sớm vượt qua khủng hoảng của COVID-19. Tuy nhiên, để cộng đồng DN tiếp tục phục hồi, các chính sách hỗ trợ cũng cần đồng bộ và thống nhất để chính những chính sách này cộng hưởng sức mạnh…”- ông Vinh nhấn mạnh.
Theo Tổng thư ký VCCI, trên phương diện kinh tế, hỗ trợ DN, người dân thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh cũng chính là phục vụ trực tiếp cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống xã hội….
Vì vậy, ông Vinh cho rằng sự hỗ trợ phải quyết liệt, mạnh mẽ, liên tục, thông suốt, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, kịp thời, dễ tiếp cận; quy mô hỗ trợ phải tương xứng với ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh; điều kiện, tiêu chuẩn các gói hỗ trợ phải khả thi; các quy trình, thủ tục để hưởng hỗ trợ phải được đơn giản hóa tối đa; đồng thời, có cơ chế giám sát, kiểm tra sát sao việc thực hiện và chế tài xử lý để tránh lợi dụng, trục lợi chính sách.