Theo Reuters, ông Obama đã sử dụng Luật Thềm lục địa Mở rộng (OCSA) ban hành từ năm 1953, luật này cho phép tổng thống có quyền hạn chế các lĩnh vực cho thuê khai thác và khoan thăm dò khoáng sản vô thời hạn. Luật này đã từng được các Tổng thống Dwight Eisenhower và Bill Clinton sử dụng.
Điều này cũng có nghĩa rằng, nếu chính quyền của ông Trump sắp tới nếu như muốn đảo ngược quyết định sẽ phải đối đầu với một cuộc chiến pháp lý. Phản ứng trước tuyên bố trên, nhóm Friends of the Earth cho biết: “Chưa từng có tổng thống nào hủy bỏ một lệnh thu hồi vĩnh viễn hoạt động khai thác dầu khí ngoài khơi của người tiền nhiệm. Nếu Donald Trump cố gắng đảo ngược lệnh cấm của Tổng thống Obama, ông ấy sẽ phải ra hầu tòa”.
Lệnh cấm này sẽ được bao phủ lên đến khoảng hơn 50 triệu ha, trong đó có 115 triệu mẫu Anh (45,6 triệu ha) các vùng biển ở ngoài khơi Alaska thuộc biển Chukchi, hầu hết vùng biển Beaufort và 3,8 triệu mẫu Anh (1,5 triệu ha) ở Đại Tây Dương kéo dài từ New England tới Vịnh Chesapeake. Phía Canada cũng cam kết sẽ có các biện pháp nghiêm cấm khoan thăm dò tại tất cả các khu vực chủ quyền của nước này ở Bắc Băng Dương.
Động thái này cũng làm phong phú thêm di sản của Tổng thống Obama, người đã nhiều lần đơn phương hành động một cách quyết đoán trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Nhà Trắng và Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã cùng nhau khởi động chương trình “Hành động bảo vệ một nền kinh tế và hệ sinh thái Bắc cực mạnh khỏe, bền vững”. Hành động chung của hai nước là để bảo vệ biển khỏi những rủi ro lớn về sự cố tràn dầu và nếu bị xảy ra rất khó có thể khắc phục do điều kiện khắc nghiệt.
Ông Obama cho hay, quyết định này của Nhà Trắng là để bảo vệ văn hóa bản địa, bảo vệ các lộ trình di cư của động vật hoang dã, các vùng đất nuôi dưỡng thiết yếu, tránh nguy cơ tổn thương môi trường sống của sinh vật dưới đáy biển và hệ sinh thái biển của Bắc cực trong trường hợp xảy ra sự cố tràn dầu tại khu vực này.
“Các hành động của Mỹ và Canada ngày hôm nay nhằm bảo vệ các hệ sinh thái nhạy cảm và quý giá mà không nơi nào khác trên thế giới có được”, ông Obama nói. Tuy nhiên, trong khi Canada cân nhắc động thái này trong vòng chỉ 5 năm, Nhà Trắng khẳng định lệnh cấm của ông Obama là vĩnh viễn.
Ông Trump, người sẽ thay thế vị trí của ông Obama vào ngày 20/1 tới đây, trong chiến dịch tranh cử trước đó, ông tuyên bố sẽ tận dụng lợi thế của Mỹ hiện có trữ lượng dầu mỏ để mở rộng khoan thăm dò dầu khí ngoài khơi, cũng như làm hồi sinh ngành công nghiệp khai thác than đá của Mỹ trong đó bao gồm mục tiêu gia tăng sản lượng ở biển Chukchi và Beaufort, cũng như tại Đại Tây Dương. Được biết, các công ty dầu mỏ ước tính 27 tỷ thùng dầu và 3,7 ngàn tỷ mét khối khí đốt bên dưới bề mặt Bắc cực có thể mang lại nguồn lợi khổng lồ cho Mỹ.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Dầu khí Độc lập Mỹ (IPAA) Dan Naatz cũng lên tiếng chỉ trích lệnh cấm của ông Obama, “Thay vì biến Mỹ thành một nhà lãnh đạo năng lượng toàn cầu, hành động của Tổng thống Obama có thể đưa nước Mỹ trở lại con đường phụ thuộc năng lượng trong nhiều thập kỷ tới”.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, việc khai thác dầu khí ở khu vực này là không khả thi bởi vì hoạt động khai thác dầu ở Bắc cực rất tốn kém và gặp hiều trở ngại hơn tại các khu vực khác do điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Không chỉ thế, người dân ở bờ biển Đại Tây Dương cũng lên tiếng phản đối khoan dầu và sẽ chiến đấu nếu như chính quyền của Trump muốn mở rộng hoạt động này.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu