Tổng thống Hàn Quốc đối mặt nguy cơ phải rời nhiệm sở sớm

Người biểu tình tại Hàn Quốc.
Người biểu tình tại Hàn Quốc.
(PLO) - Các đảng đối lập tại Hàn Quốc đang thúc đẩy một cuộc bỏ phiếu về việc luận tội Tổng thống Park Geun-hye vào ngày 9/12 tới. Nếu kiến nghị luận tội này được thông qua, bà Park có thể sẽ trở thành tổng thống do dân bầu đầu tiên của Hàn Quốc phải rời nhiệm sở sớm hơn so với nhiệm kỳ.

Áp lực gia tăng

Theo hãng tin Yonhap của Hàn Quốc, hôm 3/12, trong tuần thứ 6 liên tiếp, Quảng trường Gwanghwamun ở trung tâm Seoul và các khu vực lân cận đã bị người dân Hàn Quốc vây quanh, trong đó có những nhóm người tiến đến cách Nhà Xanh chỉ khoảng 100m. 

Những người biểu tình đòi Tổng thống Park phải chịu trách nhiệm về những cáo buộc cho rằng bạn thân của bà Choi Soon-sil đã can thiệp vào các công việc của nhà nước và rằng bà đã thông đồng với bạn để gây áp lực buộc các tập đoàn lớn ở nước này phải quyên tặng những khoản tiền lớn vào các tổ chức phi lợi nhuận do bà Choi lập ra. 

Theo đơn vị tổ chức cuộc biểu tình, một lượng người kỷ lục lên đến 1,7 triệu người đã tham gia cuộc biểu tình ở Seoul, nhiều hơn 200.000 so với cuộc biểu tình được tổ chức cách đó tròn 1 tuần. Trong khi đó, cảnh sát Hàn Quốc ước tính có khoảng 320.000 người tham gia. 

Cảnh sát Hàn Quốc cũng xác nhận đây là cuộc biểu tình có đông người tham gia nhất. Sự chênh lệch này, theo lý giải của những người tổ chức biểu tình là do họ tính cả những người đã về nhà trong khi cảnh sát chỉ ước lượng những người có mặt tại cuộc biểu tình khi họ thống kê.

Tính trên toàn quốc, những người tổ chức biểu tình cho biết đã có 2,32 triệu người xuống đường. “Tôi quyết định xuống đường vì tôi không thể tha thứ thêm được nữa. Tôi muốn bà Park từ chức ngay lập tức để mọi người không phải biểu tình nữa” – một nhân viên văn phòng tên Shin Eun-sook tham gia biểu tình ở Seoul được dẫn lời nói.

Vào lúc 19h00 ngày 3/12, theo Yonhap, những người tham gia biểu tình đã tắt nến trong 1 phút trong khi những người ở nhà hay văn phòng cũng được tắt điện – hành động được những người tổ chức cuộc biểu tình lý giải là để phản đối việc bà Park có thể đã vắng mặt ở văn phòng khi xảy ra vụ chìm phà Sewol ngày 16/4/2014 dù Nhà Xanh một mực bác bỏ thông tin này. Cũng vào lúc 19h đó, một số người đã tấn công trang web của Phủ Tổng thống Hàn Quốc nhưng không gây thiệt hại nghiêm trọng. 

Thế khó

Cuộc biểu tình mới nhất diễn ra chỉ 1 ngày sau khi 3 đảng đối lập chính của Hàn Quốc đã công bố một bản kiến nghị đề nghị Quốc hội nước này luận tội bà Park. Bản kiến nghị này sẽ chính thức được công bố tại phiên họp thường kỳ của Quốc hội Hàn Quốc diễn ra vào ngày 8/12 tới và cuộc bỏ phiếu đối với văn bản này dự kiến sẽ được tổ chức sau đó một ngày. 

Cho đến nay, bản kiến nghị đã được 171 thành viên trong tổng số 300 nghị sỹ tại Quốc hội Hàn Quốc ký tên ủng hộ. Đề nghị luận tội tổng thống Hàn Quốc được đưa ra dựa trên cáo buộc bà Park đã vi phạm hiến pháp và luật hình sự vì có hành vi lạm quyền trong bê bối chính trị liên quan đến bạn của bà. 

Bà Park.
Bà Park.

Để được Quốc hội thông qua, bản kiến nghị luận tội này sẽ cần phải được ít nhất 200 nghị sỹ ủng hộ. Do đó, các đảng đối lập tại Hàn Quốc cần phải có được sự ủng hộ của thêm 28 nhà làm luật ở Đảng Saenuri cầm quyền cùng với tất cả các nghị sỹ đối lập và độc lập mới thành công trong việc thúc đẩy kiến nghị này.

Nếu các nghị sỹ đối lập thành công trong việc thúc đẩy bản kiến nghị được thông qua, bà Park sẽ trở thành tổng thống do dân bầu đầu tiên ở Hàn Quốc phải rời nhiệm sở sớm so với nhiệm kỳ theo quy định bởi, theo luật, bà sẽ bị đình chỉ chức vụ ngay lập tức nếu Quốc hội Hàn Quốc thông qua bản kiến nghị. 

Trong trường hợp này, kiến nghị luận tội sẽ được chuyển tới tòa hiến pháp Hàn Quốc để tòa này xem xét. Các thẩm phán tại tòa hiến pháp sau đó sẽ có 180 ngày để quyết định sẽ phê chuẩn hay bác bỏ kiến nghị luận tội này. Nhưng, ngay khi bị miễn nhiệm, bà Park cũng sẽ mất đi quyền miễn trừ truy tố, dấy lên lo ngại xấu nhất về việc bà có thể bị khởi tố về các cáo buộc hình sự sau khi không còn là tổng thống.

Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng việc luận tội này có thể sẽ khó xảy ra. Bởi, những người ủng hộ bà Park trong đảng Saenuri đã phản đối kiến nghị luận tội và lập luận rằng tổng thống sẽ tự nguyện từ chức vào cuối tháng 4 nên không cần luận tội bà. 

Về phía những người phản đối bà Park trong nội bộ đảng cầm quyền, một số người tuyên bố nếu bà Park không công bố lộ trình để từ chức trước 18h00 ngày 7/12, họ sẽ bỏ phiếu ủng hộ kiến nghị luận tội tại cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra sau đó 2 ngày. Dù vậy nhưng theo nhiều nhà quan sát, kể cả các nghị sỹ không trung thành bà Park trong đảng Saenuri nhiều khả năng cũng sẽ không ủng hộ việc luận tội tổng thống vì đảng cầm quyền đã thông qua nghị quyết về việc bà Park từ chức và chuyển giao quyền lực cho người khác. 

Về phía Phủ tổng thống Hàn Quốc, đại diện Nhà Xanh đã bác bỏ tất cả các cáo buộc về hành vi sai trái liên quan đến tổng thống và cho rằng truyền thông Hàn Quốc đưa tin dựa trên định kiến và những tin đồn vô căn cứ, khiến người dân hiểu lầm vụ việc. Bê bối đã khiến tỉ lệ ủng hộ bà Park xuống dưới 4% - theo Gallup Hàn Quốc, là mức thấp kỷ lục đối với một tổng thống trong khi tỉ lệ người không ủng hộ bà được cho là đã lên đến  91%.

Kêu gọi đối thoại

Phát biểu trước người dân Hàn Quốc hôm 29/11 vừa qua, bà Park đã lần thứ 3 xin lỗi vì vụ bê bối liên quan đến người bạn của bà đồng thời khẳng định sẵn sàng từ chức trước nhiệm kỳ. 

“Tôi sẽ để thời gian và cách thức của việc kết thúc nhiệm kỳ của tôi cho Quốc hội quyết định. Ngay khi các nhà làm luật đưa ra được các biện pháp chuyển giao quyền lực nhằm giảm thiểu tối đa khoảng trống quyền lực và rối ren trong vấn đề quản trị, tôi sẽ từ chức” – bà nhấn mạnh. 

Sau tuyên bố của bà Park, đảng Saenuri đã thông qua một nghị quyết kêu gọi bà từ chức vào cuối tháng 4/2017 thay vì tiếp tục tại nhiệm đến hết nhiệm kỳ vào tháng 2/2018 để mở đường cho chính phủ tổ chức cuộc bầu cử để chọn ra lãnh đạo mới của đất nước vào tháng 6 cùng năm. Cũng trong tuần qua, bà Park đã chỉ định một công tố viên độc lập trong danh sách do các đảng cầm quyền đề xuất để người này tiến hành điều tra về vụ bê bối có liên quan đến bà.

Nhưng, không hài lòng với các tuyên bố trên, phe đối lập tại Hàn Quốc ngày 4/12 tiếp tục yêu cầu bà Park từ chức ngay lập tức. Nghị sỹ Ki Dong-min – người phát ngôn của đảng đối lập chính Dân chủ nói rằng nếu bà Park không từ chức ngay, số người sẽ xuống đường biểu tình có thể lên đến 10 triệu người. 

Đáp lại, Đảng cầm quyền Saenuri trong một tuyên bố được đưa ra ngày 4/12 kêu gọi đối thoại với phe đối lập với lý do vấn đề luận tội cần phải được thảo luận bình tĩnh và cẩn thận để đảm bảo việc ra đi của bà Park được tiến hành suôn sẻ và có trật tự. 

“Những ngày tới là vô cùng quan trọng với tương lai đất nước và đảng cầm quyền và đối lập bắt buộc phải hợp tác với nhau về vấn đề này” – Người phát ngôn đảng Saenuri Yeom Dong-yeol tuyên bố. Ông này cho rằng những yêu cầu từ ý kiến của chỉ một bên chỉ khiến tình hình thêm hỗn loạn và cần phải tránh. 

Về kêu gọi bà Park từ chức, Phủ Tổng thống Hàn Quốc cùng ngày khẳng định quan điểm được đưa ra trước đó rằng bà Park sẽ chấp nhận quyết định về số phận của bà từ đảng cầm quyền và các đảng đối lập. Một số nguồn tin cho biết tổng thống Hàn Quốc đang thu xếp cuộc gặp với các nhà làm luật của Đảng Saenuri để thảo luận về việc từ chức của bà.

Đọc thêm

Bị ném bùn khi đi thăm vùng lũ lụt, vua Tây Ban Nha có hành động đẹp

Bị ném bùn khi đi thăm vùng lũ lụt, vua Tây Ban Nha có hành động đẹp
(PLVN) - Người dân Tây Ban Nha đã phản ứng giận dữ với sự xuất hiện của Vua Felipe và Hoàng hậu Letizia tại vùng Valencia, nơi lũ lụt khủng khiếp đã cướp đi sinh mạng hơn 200 người. Tuy nhiên, vua Felipe bình tĩnh, hạ ô để nghe một người dân trao đổi và ôm chặt hai phụ nữ đang khóc nức nở....

Hòa bình với thiên nhiên

Hội nghị lần thứ 16 của các bên tham gia Công ước về Đa dạng Sinh học bàn luận các giải pháp khẩn cấp ngăn chặn suy thoái ĐDSH toàn cầu. (Ảnh: enb.iisd.org).
(PLVN) - Chủ đề của Hội nghị lần thứ 16 của các bên tham gia Công ước về Đa dạng Sinh học vừa qua là “Hòa bình với thiên nhiên”. Đây là lời kêu gọi toàn cầu để tái tạo mối quan hệ của con người với thiên nhiên, đưa thiên nhiên trở lại trung tâm của sự phát triển bền vững.

Quyền trẻ em trong quá trình lập pháp tại Hoa Kỳ

Thế hệ trẻ như nhà hoạt động môi trường Greta Thunberg (SN 2003) đang có sức ảnh hưởng mạnh hơn đến các chính sách khí hậu toàn cầu: (Ảnh: The Washington Post)
(PLVN) - Dù chưa có quốc hội trẻ em chính thức tại Hoa Kỳ, nhưng những sáng kiến như Hội đồng Thanh niên và các phiên họp mô phỏng quốc hội đang cung cấp cơ hội cho giới trẻ tham gia vào hệ thống quản trị, định hình chính sách tương lai của đất nước.

Thời điểm nào Ukraine có thể gia nhập EU?

Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề mở rộng EU Oliver Varhelyi.
(PLVN) - Theo Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề mở rộng Liên minh châu Âu (EU) Oliver Varhelyi, mọi quốc gia ứng cử viên của EU, bao gồm cả Ukraine, đều có thể gia nhập khối này vào năm 2029 nếu họ đáp ứng mọi tiêu chí thành viên.