Kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW cho thấy các cấp ủy đảng, chính quyền nghiêm túc triển khai Chỉ thị. Các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp đã được thực hiện với nhiều nội dung, hình thức bám sát với các nguyên tắc, định hướng của Chỉ thị, qua đó góp phần hỗ trợ cả về nguồn lực và kinh nghiệm, kiến thức quốc tế cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp.
Đồng thời, các hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp cũng đóng góp thiết thực và hiệu quả giúp bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về hệ thống pháp luật và những nỗ lực trong cải cách hành chính, cải cách tư pháp của Việt Nam để thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh trình bày Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TƯ |
Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nêu rõ Chỉ thị số 39-CT/TW, được Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành ngày 9/12/2009, có vai trò hết sức quan trọng trong việc xác định cụ thể các định hướng, nguyên tắc và đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cơ bản cho công tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Việc tổng kết Chỉ thị số 39-CT/TW tại thời điểm này có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh Trung ương đang tiến hành tổng kết Nghị quyết số 48-NQ/TW về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
Nhiều nội dung quan trọng được thảo luận tại Hội nghị |
Chỉ ra những kết quả, hạn chế và bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW, trong bối cảnh tình hình mới, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục quán triệt thực hiện Chỉ thị với việc đề cao tính chủ động, trách nhiệm, tích cực hội nhập quốc tế của các cấp ủy đảng; xây dựng bản lĩnh, năng lực hấp thụ cho đội ngũ cán bộ thực hiện hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý đổi mới công tác quản lý nhà nước theo hướng thực chất, giao trách nhiệm và bảo đảm các điều kiện cần thiết cho các cơ quan nhà nước quản lý; chú trọng đến tính hiệu quả, thiết thực của các dự án; bảo đảm công khai, minh bạch trong việc phân bổ các đối tượng thụ hưởng; gắn hoạt động hợp tác với bảo vệ chính trị nội bộ, đồng thời cũng cần tăng cường trao đổi, chia sẻ thông tin cải cách pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp với các đối tác quốc tế…