Số thi hành án xong tăng mạnh
-Thưa ông, được biết THADS là một lĩnh vực vô cùng khó khăn, phức tạp nhưng ngành THADS đã triển khai rất nhiều giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ. Ông có thể cho biết cụ thể kết quả THADS trong những năm gần đây?
Theo số liệu về công tác THADS được Chính phủ báo cáo trước Quốc hội hàng năm, kết quả thi hành án về việc và tiền đều tăng cả về tỷ lệ % và giá trị thi hành tuyệt đối. Cụ thể: Năm 2016, thi hành xong trên 29 nghìn tỷ đồng (đạt tỷ lệ 33,74%); Năm 2017, thi hành xong trên 35 nghìn tỷ đồng (đạt 38,31%). Năm 2018, thi hành xong trên 34 nghìn tỷ (đạt 38,35%).
Đặc biệt từ năm 2019 đến năm 2020 số thi hành xong tăng mạnh. Nếu như năm 2019, thi hành xong gần 53 nghìn tỷ đồng (đạt 35,46%) thì năm 2020 đã thi hành xong gần 54 nghìn tỷ đồng (đạt 40,10%). Đồng thời, tại các báo cáo thẩm tra về công tác thi hành án của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội hàng năm cũng đã đánh giá đồng tình với Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án.
Như vậy, so với năm 2016, năm 2020, số tiền thi hành xong tăng trên 24 nghìn tỷ đồng (tăng 84,82% về tiền). Tính cả nhiệm kỳ 2016-2020, các cơ quan THADS đã thi hành xong trên 2,8 triệu việc (tăng 20,33% so với nhiệm kỳ trước), thu được số tiền hơn 205 nghìn tỷ đồng (tăng 56% so với nhiệm kỳ trước).
- Với số lượng công việc khổng lồ như vậy, tính trung bình một chấp hành viên phải đảm nhiệm bao nhiêu vụ việc trong một năm, thưa ông?
Số lượng việc và tiền được Hệ thống THADS thụ lý và tổ chức thi hành trong những năm qua liên tục tăng cao. Đặc biệt, phát sinh nhiều vụ việc có giá trị lớn liên quan đến thi hành các khoản thu có liên quan đến các tổ chức tín dụng, các khoản thu trong các vụ án hình sự liên quan đến kinh tế, tham nhũng, tính chất, mức độ khó khăn, phức tạp ngày tăng, đã tạo ra áp lực lớn cho Chấp hành viên và cơ quan THADS trong việc thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ.
Tính trung bình, một Chấp hành viên phải thi hành hơn 200 việc với số tiền giao động từ 35 tỷ đồng (năm 2016) đến 64 tỷ đồng (2020).
Tuy nhiên, với sự nỗ lực, cố gắng hết mình của mỗi Chấp hành viên, công chức thi hành án trong Hệ thống THADS, về cơ bản kết quả thi hành án cả việc và tiền đều đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Bộ Tư pháp giao.
- Mặc dù ngành THADS đã có nhiều nỗ lực nhưng rõ ràng, số lượng các vụ việc chưa có điều thi hành vẫn còn lớn, khiến nhiều người băn khoăn, ông có thể cho biết lý do của điều này?
Theo quy định của Luật THADS và các văn bản pháp luật hiện hành, số chưa có điều kiện thi hành án là loại việc cơ quan THADS không thể tổ chức thi hành. Đó là các trường hợp, sau khi bản án tuyên về nghĩa vụ trả nợ, Chấp hành viên tiến hành xác minh cho thấy người phải thi hành án không còn tài sản (có thể đã tẩu tán, tặng cho trước khi bản án có hiệu lực pháp luật); tài sản vẫn còn nhưng hư hỏng, giảm giá trị hoặc đang có tranh chấp với người thứ ba (được Tòa án thụ lý) nên không thể xử lý; tài sản khi thẩm định cho vay đã được nâng khống giá trị cao gấp nhiều lần thực tế dẫn đến giảm giá nhiều lần vẫn không bán được hoặc nội dung tuyên không đúng thực tế nên không thể thi hành, phải xem xét lại bản án theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm…
Ngoài ra, còn có những nguyên nhân khác dẫn đến việc chưa thể tổ chức thi hành như: tình hình dịch bệnh covid-19, hạn hán, xâm nhập mặn năm 2020; các bên đương sự đồng ý hoãn việc thi hành án; cơ quan có thẩm quyền yêu cầu hoãn, tạm đình chỉ thi hành án; tạm dừng việc thi hành án để giải quyết khiếu nại..
Bên cạnh đó, Luật THADS (sửa đổi, bổ sung năm 2014) cũng đã bỏ chế định trả đơn yêu cầu thi hành án làm cho số việc chưa có điều kiện thi hành án tồn đọng liên tục tăng lũy kế hàng năm khiến cho số có điều kiện ngày càng giảm.
Đây cũng là một vấn đề mà chúng tôi đang quan tâm tìm biện pháp khắc phục.
-Mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020, trong đó, công tác THADS được đánh giá đạt chỉ số 79,1%, tăng 16,3% so với năm đầu tiên của nhiệm kỳ Chính phủ 2016. Với chỉ số này, có thể khẳng định, công tác THADS đã có những chuyển biến rất tích cực, thưa Tổng cục trưởng?
Theo kết quả nghiên cứu của Báo cáo, công tác Thi hành án dân sự được đánh giá tại mục Thiết chế pháp lý. Đây là mục đánh giá về chất lượng giải quyết các vụ việc thông qua tòa án và tình tình an ninh trật tự tại các địa phương. Kết quả này cho thấy sự chuyển động tích cực của công tác thi hành án dân sự trong giai đoạn 5 năm từ 2016 đến nay. Cụ thể, tăng 16,3% so với năm đầu tiên của nhiệm kỳ Chính phủ 2016. Điều này đã phản ánh sự nỗ lực và kết quả đáng ghi nhận của Hệ thống Thi hành án dân sự trong nhiệm kỳ qua dưới góc nhìn và đánh giá của doanh nghiệp.
Góp phần tích cực bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật
-Bên cạnh những ghi nhận của cộng đồng doanh nghiệp, trong những năm qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá thế nào về kết quả của công tác THADS thưa ông?
Kết quả công tác THADS trong những năm qua đều được Lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ đánh giá, ghi nhận và biểu dương.
Tại Hội nghị triển khai công tác THADS năm 2019, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã nhận xét: “Những kết quả đạt được nêu trên đã góp phần tích cực bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân; giải phóng các nguồn lực kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Báo cáo công tác Thi hành án năm 2018 của Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua đã được các Đại biểu Quốc hội ghi nhận...”. Bên cạnh đó, tại các hội nghị triển khai công tác ngành Tư pháp, ngành THADS, các đồng chí Cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có những nhận xét, đánh giá cao về kết quả đã đạt được của Hệ thống THADS trong những năm qua.
Ngoài ra, với riêng công tác thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, đặc biệt là các vụ án do Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng trung ương theo dõi, tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 – 2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chủ trì và có phát biểu kết luận quan trọng tại Hội nghị, trong đó đã có nhận xét: “Bên cạnh việc tập trung chỉ đạo xử lý nghiêm các sai phạm, công tác thu hồi tài sản tham nhũng cũng có nhiều chuyển biến tích cực; việc kê biên, thu giữ tài sản trong nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng đạt khá cao; tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế được nâng lên rõ rệt. Nếu như năm 2013, tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong giai đoạn thi hành án chỉ đạt dưới 10%, thì bình quân giai đoạn 2013 – 2020, đạt tỉ lệ 32,04%”.
-Thưa ông, trong những năm qua toàn ngành Thi hành án đã nỗ lực như thế nào qua để “xoay chuyển” một lĩnh vực cực kỳ khó khăn, phức tạp như THADS để nhận được sự đánh giá tích cực như vậy của người dân, doanh nghiệp?
Nhìn lại kết quả của cả nhiệm kỳ 5 năm (2016-2020), số việc và tiền thi hành xong năm sau luôn cao hơn năm trước; nhiệm kỳ này cũng cao hơn nhiệm kỳ trước.
Đây là những thống kê về mặt con số. Nhưng có thể thấy rằng, để đạt được những kết quả nêu trên, thời gian qua, lực lượng THADS đã có rất nhiều nỗ lực, triển khai rất nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác.
Tổng cục THADS tranh thủ sự quan tâm, chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tư pháp để nhận được sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời, tăng cường hiệu quả công tác phối hợp giữa Bộ Tư pháp với các Bộ, ngành Trung ương trong công tác THADS. Đồng thời, Tổng cục cũng đã chỉ đạo các Cục THADS các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tranh thủ sự quan tâm, ủng hộ của các Tỉnh uỷ, thành uỷ, UBND để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, đặc biệt là hiệu quả của chế định Ban Chỉ đạo THADS các cấp, đưa công tác THADS là nhiệm vụ chung của toàn hệ thống chính trị.
Tinh thần mà toàn ngành THADS luôn quán triệt là các bản án, quyết định của Tòa án được đưa ra thi hành kịp thời, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Tổ chức bộ máy của các cơ quan THADS phải từng bước được củng cố, kiện toàn. Phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn của đội ngũ công chức lãnh đạo quản lý, của đội ngũ Chấp hành viên, công chức thi hành án dân sự phải không ngừng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của ngành và của từng địa phương trong tình hình mới.
-Trân trọng cảm ơn Tổng cục trưởng!