Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Quang Thái, bài viết của Tổng Bí thư đã làm rõ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với mọi hoạt động của đất nước, đề cập đến đặc thù của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam với tinh thần pháp luật được xây dựng, thực thi trên nền tảng ý chí của Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Trong đó, Tổng Bí thư khẳng định tư tưởng, chủ trương, định hướng của Đảng được thể hiện trong Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam mà ở đó vai trò lãnh đạo, định hướng của Đảng được thể hiện từ xây dựng, hoàn thiện pháp luật, bảo đảm các quy định của pháp luật phải phản ánh lợi ích của Nhân dân, phù hợp với định hướng XHCN; pháp luật được xây dựng, thực thi trên cơ sở Hiến pháp và các nguyên tắc dân chủ, công bằng, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân.
Với vai trò là Đảng cầm quyền, sự lãnh đạo của Đảng là tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện, thông qua cơ chế, chính sách và định hướng phát triển đất nước, nhất là trong qua trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật công bằng, minh bạch và hiệu quả. Tổng Bí thư đề ra yêu cầu phải có quy trình xây dựng pháp luật chặt chẽ, khoa học, dân chủ; xác định rõ thẩm quyền, vai trò, trách nhiệm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong hoàn thiện pháp luật; thẩm quyền, vai trò trách nhiệm của Chính phủ trong tổ chức thực thi pháp luật. Cùng với đó, Tổng Bí thư đặt ra yêu cầu đối với từng Bộ, ngành lĩnh vực đó là “không để một số điều luật trở thành điểm nghẽn cản trở thực hiện quyền con người, quyền công dân và phát triển kinh tế - xã hội”. Đây là yêu cầu đòi hỏi sự phản ứng chính sách phải nhanh, nhạy, kịp thời, đồng bộ; dùng một luật để sửa nhiều luật cần trở thành phương châm hành động.
Bài viết của Tổng Bí thư đặt ra những yêu cầu rất lớn, trong đó tinh thần thượng tôn pháp luật là xuyên suốt ( Ảnh minh họa) |
Tổng Bí thư chỉ ra rằng, để phát huy hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước đối với xã hội bằng pháp luật trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam thì cần phải tăng cường đồng thời 2 yếu tố: Đức trị và pháp trị. Trong đó, yếu tố “đức trị” là sự phát huy các ưu điểm, thế mạnh, vị trí, vai trò của tổ chức cơ sở đảng, tính tiên phong, nêu gương của cán bộ, đảng viên để dẫn dắt yếu tố “pháp trị” là việc thực hiện quản lý xã hội bằng pháp luật. Đây thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố văn hóa truyền thống với xu thế thời đại trong quản trị đất nước.
Bài viết cũng khẳng định phát huy tính Đảng trong việc xây dựng bộ máy nhà nước và hệ thống tư pháp Việt Nam, qua đó đảm bảo bộ máy nhà nước vận hành, hoạt động theo Hiến pháp, pháp luật; hoạt động công vụ phải bảo đảm tuân thủ pháp luật. Các vị trí lãnh đạo trong bộ máy nhà nước được cơ cấu các vị trí lãnh đạo cấp ủy tương ứng chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động bộ máy nhà nước. Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước phải trung thành với lý tưởng của Đảng, có năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức.
Tổng Bí thư đề cao vai trò của vị trí, vai trò của tổ chức cơ sở đảng và sự phát huy tính tiền phong, gương mẫu, đức hi sinh vì sự nghiệp chung của cán bộ đảng viên có ý nghĩa quan trọng trong phát huy quyền làm chủ của Nhân dân tham gia quản lý Nhà nước, quản lý xã hội. Từ đó đặt ra yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ cơ sở đảng, đảm bảo hoạt động sinh hoạt chi bộ thực chất, hiệu quả.
"Có thể nói, bài viết rất ngắn gọn nhưng đặt ra những yêu cầu rất lớn, trong đó tinh thần thượng tôn pháp luật là xuyên suốt; người dân, doanh nghiệp là trung tâm. Việc khẳng định tầm quan trọng của việc phát huy tính Đảng trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là tiền đề, yêu cầu để bảo đảm sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước, đưa Việt Nam tới mục tiêu XHCN" - Tổng cục trưởng Nguyễn Quang Thái nhấn mạnh