Gửi văn bản đến các cơ quan chức trách, Tổng cục Đường bộ Việt Nam liên tục “kêu khổ” khi cho rằng tình trạng xe quá tải làm đường, công trình cầu nhanh chóng xuống cấp, hư hỏng, gây tốn kém… Một mặt, cơ quan này đệ trình đề án xây dựng hệ thống trạm cân với ngân sách dự kiến lên đến 6.300 tỷ đồng (hơn 300 triệu USD).
Tổng cục Đường bộ đang xúc tiến đề án trên 6000 tỷ đồng để kiểm soát xe quá tải |
Trong văn bản gửi các hiệp hội (Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam, Hiệp hội vận tải hàng hóa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa… do Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Xuân Cường, ký, cho biết, “hiện tượng xe chở hàng quá khổ, quá tải trọng cho phép đang diễn biến với số lượng lớn ngày càng tăng trên khắp cả nước”.
Việc vi phạm chở hàng quá khổ, quá tải trọng được Tổng cục này cho hay “là nguyên nhân trực tiếp làm cho các tuyến đường, công trình cầu nhanh chóng xuống cấp, hư hỏng, giảm tuổi thọ so với mục tiêu thiết kế đặt ra, làm giảm hiệu quả đầu tư, gây tốn kém chi phí cho ngành đường bộ trong việc sửa chữa, khắc phục hậu quả”, đồng thời “còn là nguy cơ tiềm ẩn TNGT”, “gây thiệt hại cho xã hội nhiều hơn lợi ích kinh tế trực tiếp mà nó đưa lại”.
Với thực trạng và hậu quả như đã dẫn, Tổng cục Đường bộ Việt Nam chính thức có văn bản “đề nghị Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam, Hiệp hội vận tải hàng hóa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa, các doanh nghiệp vận tải, các cảng biển, cảng sông… ủng hộ, đồng thuận với chủ trương đúng đắn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam trong việc tăng cường kiểm tra, xử lý xe ôtô chở hàng hóa quá khổ, quá tải trọng quy định”.
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, thời gian qua, do làm tốt công tác tuyên truyền cũng như sự phối hợp tốt giữa các đơn vị liên quan nên bước đầu đã thu được kết quả khả quan, số lượng xe ôtô vi phạm quy định về chở hàng hóa quá khổ, quá tải lưu thông trên QL 5 đã giảm đáng kể. Tới đây, sẽ xây dựng kế hoạch liên ngành phối hợp kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm chở hàng quá khổ, quá tải trọng của ôtô vận chuyển hàng hóa trên hệ thống đường bộ toàn quốc, đồng thời kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm chở hàng quá khổ, quá tải trọng cho phép trên QL 5 và QL 10 - TP Hải Phòng.
Các tuyến quốc lộ như QL 1 và QL 9 (địa phận Quảng Trị), QL 1 và QL 19 (địa phận Bình Định), QL 1 và QL 91 địa phận TP. Cần Thơ cũng nằm trong diện được lực lượng liên ngành tiếp tục phối hợp kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm chở hàng quá khổ, quá tải trọng cho phép trên: “Trên cơ sở này các địa phương trên cả nước sẽ đồng loạt triển khai thực hiện việc kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm chở hàng quá khổ, quá tải trọng cho phép”, văn bản do ông Cường, ký, cho biết.
Văn bản này được ban hành trong bối cảnh Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa đề xuất lên Bộ GTVT xây dựng 45 trạm cân với tổng mức đầu tư dự kiến 6.300 tỷ đồng nhằm kiểm soát xe quá tải hoạt động. Trong một động thái khác, Sở GTVT một số tỉnh cũng đã có báo cáo “đồng thanh” xin lập trạm cân sau khi thống kê lượng xe quá tải tàn phá hệ thống giao thông mà các đơn vị này được quản lý.
Việt Hưng