"Tôi tin anh Nguyễn Văn Giàu"

"Tất nhiên là tôi tin, tôi cũng đang chuẩn bị thật chu đáo việc bàn giao cho chủ nhiệm mới đây"

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền đang tỉ mỉ chuẩn bị bàn giao công việc cho người kế nhiệm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu.

Tại căn phòng làm việc quen thuộc trên tầng 4 nhà 37 Hùng Vương, ông Hiền đã dành ít phút trao đổi với VnEconomy.

a
Ông Hà Văn Hiền

Họp nhiều, mà lạm phát vẫn cao

Rất xin lỗi vì đã làm phiền Chủ nhiệm vào thời điểm mà chắc ông đang có những bâng khuâng, tiếc nuối…

Đúng là tôi có những điều tiếc nuối.

Bởi khi trúng cử Quốc hội khóa 12, lần đầu tiên làm đại biểu Quốc hội, cũng là lúc tôi nhận ngay nhiệm vụ Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế.

Đây là cơ quan mới được tách ra từ Ủy ban Kinh tế - Ngân sách, hoạt động nhiệm kỳ đầu tiên nên chưa có người tiền nhiệm truyền kinh nghiệm cho mình. Trong khi bản thân tôi trước đó chưa hề có khái niệm về chức năng, nhiệm vụ của ủy ban này.

Thú thực là mất thời gian đầu tôi bị hẫng, chưa bắt nhịp được với công việc. Nhưng sau đó xác định đã nhận vai thì phải vào vai cho tốt chứ tuyệt nhiên không có suy nghĩ là cứ túc tắc, làm được đến đâu hay đến đó và tôi cảm thấy đã vào cuộc khá nhanh.

Từ những bỡ ngỡ ban đầu đến nay mình đã thấm, đã yêu công việc, tìm thấy nhiều điều thú vị thì cũng là lúc phải chia tay…

Quả thật là tôi có tiếc nuối. Vì còn nhiều việc muốn làm mà không có điều kiện để thực hiện.

Xin được chia sẻ với tâm trạng của Chủ nhiệm. Nhìn lại nhiệm kỳ qua, công việc nào với ông là khó nhất?

Nhiệm kỳ 4 năm đầu tiên của Ủy ban Kinh tế diễn ra trong một giai đoạn kinh tế có nhiều biến động. Mà theo quy định thì báo cáo thẩm tra tình hình kinh tế, xã hội do ủy ban chủ trì thẩm tra phải trình bày tại phiên khai mạc các kỳ họp Quốc hội, được truyền hình trực tiếp đến cử tri cả nước.

Vì vậy, các nhận định, đánh giá tại báo cáo không chỉ phải thuyết phục được cả Chính phủ mà còn phải được đại biểu và cử tri đồng tình nữa. Do đó, công việc chuẩn bị, thẩm tra phải hết sức cẩn thận và công phu.

Điều rất mừng là thực tế đã cho thấy các quan điểm và kiến nghị của Ủy ban Kinh tế đều rất đúng đắn, phù hợp.

Vậy đã có đại biểu hay cử tri nào nhận xét là báo cáo thẩm tra kỳ  này nhạt quá hay tỏ  ý “chê” trực tiếp khi ông còn đương nhiệm không?

Tôi còn nhớ tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa 12, tôi trình bày báo cáo thẩm tra dài 14 trang, mà lúc đầu 17 trang, cắt đi cắt lại cuối cùng vẫn dài như thế. Sau đó có ý kiến góp ý là cần gọn hơn và mạnh mẽ hơn. Điều đó rất đúng, nên mình phải tiếp thu và sau này thì đã làm tốt hơn nhiều.

Có  vấn đề nào mà Ủy ban đã dày công theo đuổi suốt cả nhiệm kỳ không, thưa ông?

Có chứ. Đặt ra và theo đuổi từ đầu nhiệm kỳ đến nay chính là mối quan hệ giữa tốc độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế, giữa ổn định vĩ mô và tăng trưởng kinh tế.

Quan điểm xuyên suốt của Ủy ban là phải giải quyết những bất ổn vĩ mô từ gốc, coi ổn định vĩ mô là nền tảng cho tăng trưởng bền vững nên có những thời điểm chúng tôi đã kiến nghị giảm tăng trưởng để tập trung nhiều cho ổn định vĩ mô. Bây giờ thì ưu tiên ổn định vĩ mô đã được đặt lên hàng  đầu, với thông điệp mạnh mẽ hơn rất nhiều.

Nhưng bất ổn vĩ mô vẫn đang được coi là thách thức lớn nhất, và chất lượng tăng trưởng vẫn đang là hạn chế không nhỏ?

Đúng là như vậy. Cũng không thể không nói đến trách nhiệm của Ủy ban Kinh tế trong tình hình khó khăn hiện nay.

Ngay như nơi tôi ở, mấy bác mấy chị nói với tôi là là các anh họp hành nhiều mà lạm phát cứ tăng mãi, chúng tôi đi chợ như là bị mất cắp ấy anh ạ.

Trên thực tế thì có nhiều vấn đề mình cứ  đề cập mãi nhưng giải pháp không mang lại hiệu quả ngay, điển hình như việc chống lạm phát. Nên nếu nói là không có trách nhiệm của Ủy ban thì cũng không đúng.

Tuy nhiên nếu chiểu theo hoạt động của các cơ quan của Quốc hội là giám sát và đưa ra khuyến nghị thì chúng tôi đã làm được nhiều việc.

Hơn nữa, nhiều vấn đề không thể nóng vội mà phải có quá trình. Ưu tiên ổn định vĩ mô cũng là một quá trình, trước đây mình đề cập khác, mức độ khác, còn bây giờ thì quyết liệt hơn nhiều.

Một ví dụ, kỳ họp đầu năm nay khi bàn về bội chi ngân sách thì Chính phủ đề nghị 5,5% GDP, còn Ủy ban thì đề nghị dưới 5% GDP. Lúc đó quan điểm của chúng tôi có vẻ hơi cực đoan nhưng bây giờ thì Nghị quyết 11 của Chính phủ đã nêu rõ là giảm bội chi xuống dưới 5% GDP.

Nhiều vấn đề khác chúng tôi nêu cũng được Quốc hội đồng tình, và đó cũng là kết quả đáng ghi nhận khi bộ máy của Ủy ban chỉ có 8 nhân sự chuyên trách ở Trung ương (sau này chỉ còn có 5) và tất cả chỉ có 36 thành viên.

Điều quan trọng là phải làm theo cái đúng

Ý ông là nguồn nhân lực của Ủy ban quá mỏng?

Đúng vậy. Dù Ủy ban Kinh tế cũng có các chuyên gia giỏi, đóng góp rất tích cực cho công việc chung song nếu chỉ dựa vào nội lực thì chúng tôi khó có thể hoàn thành tốt được nhiệm vụ.

Vì vậy, điều tôi tâm đắc nhất trong nhiệm kỳ qua là chúng tôi đã xây dựng được mô hình hoạt động mở, tập hợp được ý kiến rất đa chiều và tranh thủ được sự đóng góp của đông đảo đội ngũ chuyên gia kinh tế trên cả nước.

Bên cạnh các cộng tác viên là những nhà kinh tế nổi tiếng, Ủy  ban còn phối hợp với Viện khoa học xã hội tổ chức nhiều hội thảo ở quy mô lớn với sự tham gia của các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức quốc tế, các trường đại học, nhiều chuyên gia giỏi kể cả các chuyên gia kinh tế độc lập. Ý kiến của họ là kênh thông tin cực kỳ quý giá, còn nếu chỉ gói gọn ý kiến trong Ủy ban thì có thể đánh giá không đầy đủ, không kết hợp được lý luận và thực tiễn nhất là khi đánh giá các vấn đề mang tầm vĩ mô.

Thưa ông, bên cạnh những thành công, liệu có thể dùng thẳng hai chữ "thất bại" để nói về công việc cụ thể nào đó của Ủy ban không?

Theo tôi thì hạn chế là có, nhưng thất bại thì không hẳn.

Ví dụ khi giám sát về quy hoạch điện thì Ủy ban làm rất tốt, song kiến nghị không thấm nên trên thực tế đã không chuyển biến là bao.

Nhưng có những giám sát khác thì có chuyển biến rất rõ, ngay từ khi bắt đầu thực hiện, như giám sát về sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước chẳng hạn.

Bên cạnh giám sát thì việc thẩm tra các dự  án luật cũng được cho là  rất gian nan. Có khi nào Ủy ban gặp phải những vận  động hành lang hoặc áp lực khi thực hiện việc này, thưa Chủ nhiệm?

Cũng có chứ, nhưng không nhiều. Điều quan trọng là phải làm theo cái đúng, chứ nếu mình nghiêng ngả, thỏa hiệp thì rất dở, cuộc sống sẽ không chấp nhận.

Cái khó ở đây là mình không thuần túy thẩm tra cái cơ quan soạn thảo đưa ra mà phải nêu được cái họ chưa đưa ra được mà cuộc sống thì lại đòi hỏi.

Ví dụ làm luật khoáng sản thì ban đầu dự thảo đâu có đưa ra quy định thu tiền cấp quyền khai thác mỏ đâu. Nhưng thực tế vì không có quy định này mà thất thoát rất lớn, vì có anh chỉ đi xin quyền khai thác rồi chuyển nhượng, người không có năng lực thì lại được nhận và ngược lại. Chúng tôi đã kiên trì vấn đề này và được Quốc hội ủng hộ.

Trên diễn đàn Quốc hội cũng có ý  kiến cho rằng kinh phí để xây dựng luật quá  ít, và chế độ cho đại biểu Quốc hội - kể cả chuyên trách - cũng rất thấp. Vậy khi đương nhiệm, ông có phải lo đến cả việc này không?

Lương của tôi hệ số 10,4 thì có ý kiến bảo còn cao hơn cả bộ trưởng. Với anh em thì tôi cũng phải nghĩ cách để họ có thêm thu nhập hợp pháp. Và tôi nghĩ nhiệm kỳ qua cũng không đến nỗi nào.

Nếu bây giờ có ý kiến nhận xét rằng đa số các chủ nhiệm ủy ban khóa 12, trong đó có cả Chủ nhiệm Hiền đã quá “tròn” trong nhiệm kỳ qua, ông sẽ trả lời thế nào?

Tôi sẽ hỏi lại xem thế nào là “tròn”? Tôi cho đó có thể là do phương pháp thôi. Bạn đã ra biển nhiều chưa, và có hiểu thế nào là sóng lừng không?

Không gay gắt khi không cần thiết nhưng không bao giờ dễ dãi với bất cứ cái gì, đó là Ủy ban Kinh tế, bạn à.

Tôi tin anh Nguyễn Văn Giàu

Dù tiếc nuối bao nhiêu thì cũng chỉ nay mai thôi công việc cũng sẽ được bàn giao cho người kế nhiệm, thưa ông. Ông có tin rằng điểm mạnh “không dễ dãi” sẽ được phát huy ở nhiệm kỳ này?

Tất nhiên là tôi tin, tôi cũng đang chuẩn bị thật chu đáo việc bàn giao cho chủ nhiệm mới đây.

Về nhân sự cụ thể, thì đã biết rõ ràng là Thống đốc Nguyễn Văn Giàu. Anh Giàu rất am hiểu về lĩnh vực tiền tệ, mà hoạt động ngân hàng chi phối nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, lại đã qua công tác địa phương rồi nên cũng có nhiều kinh nghiệm.

Hơn nữa nếu nội dung bàn giao tôi chuyển cho anh Giàu mà anh ấy chấp nhận được thì tôi hy vọng góp phần rút ngắn thời gian làm quen với công việc mới của anh Giàu.

Tôi sẽ cố gắng trao đổi thật tỉ mỉ với anh Giàu, và tin tưởng chắc chắn là người kế nhiệm sẽ làm tốt nhiệm vụ của người đứng đầu ủy ban.

Cá nhân tôi rất mong muốn Ủy ban sẽ tiếp tục mô  hình hoạt động mà chúng tôi đã công phu xây đắp nên trong nhiệm kỳ qua. Đó là huy động sức mạnh của nội tại và mở rộng hợp tác với bên ngoài, tiếp tục để lại dấu ấn qua các công việc cụ thể.

Việc nhiều thành viên Ủy ban tái cử nhiệm kỳ này chắc hẳn cũng là thuận lợi không nhỏ, thưa Chủ nhiệm?

Rất mừng là bên cạnh gần 50% thành viên ủy ban tái cử đều có nguyện vọng tiếp tục làm thành viên thì số đại biểu mới đăng ký vào ủy ban cũng rất đông. Đây cũng là thuận lợi với chủ nhiệm mới.

Tuy nhiên, làm chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế hay bất cứ  ủy ban nào của Quốc hội cũng không thể nói là dễ được. Để vừa được Quốc hội và cử tri thừa nhận, Chính phủ cũng thấy thuyết phục là rất khó.

Điều cần nhất là biết tổ chức, tập hợp và phát huy thế mạnh của từng thành viên Ủy ban cũng như sự hợp tác của các chuyên gia, cơ quan khác, tôi xin được chia sẻ như vậy.

(Theo Nguyên Thảo - VnEconomy)

Đọc thêm

Bảo vệ và giáo dục quyền con người được thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc
(PLVN) - "Tại Việt Nam, việc bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người được thực hiện thường xuyên, xuyên suốt, được khẳng định trong đường lối, chính sách, tổ chức thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 11/12.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn Công tác của Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người

Toàn cảnh Hội nghị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: V.Anh
(PLVN) - Sáng 11/12, Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố diễn ra Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước
(PLVN) -  Sáng 10/12, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh
HĐND tỉnh Quảng Ninh nhất trí bầu bà Trịnh Thị Minh Thanh – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh, làm Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh; ông Phạm Đức Ấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV...