TS Nguyễn Minh Phong từ viện nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội nhận định trong bài viết gửi cho PLVN Online : trong lịch sử ngàn năm sâu lắng và hào hùng của mình, có lẽ chưa bao giờ Rồng Hà Nội dồi dào sinh lực, vươn cao và tỏa sáng đến thế...
Một ngã tư đường phố Hà Nội buổi sớm mai- ảnh MH |
Thành phố lớn thứ 17 trên thế giới
Tính đến đầu năm 2010, Hà Nội là thành phố lớn thứ 17 trên thế giới, với 29 đơn vị hành chính, gồm 9 Quận, 2 Thành phố và 18 Huyện, có tổng diện tích 3344,60 km2, dân số hơn 6.537.900 người. So với cả nước, mặc dầu chỉ chiếm khoảng 1% diện tích và 7,6% dân số, nhưng tính theo giá so sánh 1994, thì Hà Nội chiếm 12,73% GDP, 10% tổng thu NSNN, 13,2% tổng GTSX công nghiệp, 20% tổng vốn đầu tư xã hội, 13% tổng mức bán lẻ hàng hóa và 11,1% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Hà Nội có trên 2000 doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp, giao thương với 187 nước và vùng lãnh thổ ( so với 40 năm 1995 và 60 năm 2000). Hà Nội hiện thu hút 16,7% tổng số dự án và trên 10% tổng vố FDI đăng ký còn hiệu lực của cả nước. Ước tính đến cuối năm 2010, Hà Nội sẽ có cơ cấu kinh tế : Dịch vụ: 52,5% - Công nghiệp & xây dựng : 41,4%- Nông nghiệp: 6,1%., GDP bình quân/người 37 triệu đồng ; Diện tích nhà ở đô thị bình quân đầu người trên 25,7m2; Cung cấp nước đảm bảo vệ sinh cho trên 95% dân số đô thị, 82% dân số nông thôn.
Hà Nội đã có tổng diện tích qui hoạch phát triển các khu, cụm, điểm công nghiệp 8.640ha. Qui mô bình quân 180 ha/khu công nghiệp, 75ha/cụm công nghiệp, 7,5ha/điểm công nghiệp. Với hơn 1.350 làng có nghề, Hà Nội chiếm 59% tổng số làng nghề của cả nước, trong đó có 198 làng nghề truyền thống nổi tiếng thuộc 47/52 nhóm nghề như: gốm sứ, dệt may, da giày, điêu khắc, sơn mài…, ngoài ra có trên 40.000 cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn hàng năm tạo ra 8,4% GTSX công nghiệp toàn Thành phố.
Hà Nội là thủ đô lớn thứ 17 trên thế giới- ảnh MH |
Hàng năm, Thành phố tự đáp ứng 80% rau xanh, 40-50% thịt, 20% trứng, 30% cá, bước đầu cung cấp sữa tươi cho nội thành.
Là một trung tâm kinh tế - tài chính, tiền tệ lớn của cả nước, với 373 tổ chức, chi nhánh và 1.587 điểm giao dịch tín dụng, các ngân hàng tại Hà Nội hiện chiếm 34% tổng nguồn vốn huy động, 21% tổng dư nợ cho vay của toàn hệ thống ngân hàng. Hàng năm, ước tính các giao dịch TC-NH trên địa bàn Hà Nội chiếm khoảng 65- 80% tổng giao dịch TC - NH của khu vực phía Bắc và trên 50% tổng giao dịch TC - NH của cả nước, trong đó giao dịch trái phiếu Chính phủ chiếm trên 40%, giao dịch trái phiếu chính quyền địa phương chiếm 30%, giao dịch cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp chiếm khoảng 50% và giao dịch tín dụng - thanh toán liên ngân hàng chiếm khoảng 60% tổng giao dịch cả nước…
Đặc biệt, Thủ đô đang chiếm hơn 70% cán bộ khoa học đầu ngành và hơn 60% cán bộ khoa học có trình độ sau đại học của cả nước; phổ cập giáo dục PTTH và tương đương 80%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo là 33% - gấp đôi mức trung bình cả nước. Hà Nội có 152 dự án khu đô thị mới có quy mô trên 20 ha, trong đó có 10 khu đã hình thành, 50 khu đang được triển khai; 95% tổng lượng chất thải rắn phát sinh tại khu vực nội thành đã được thu gom và xử lý; tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ viển thông đạt 85%; 100% xã trên địa bàn, kể cả những xã mới sáp nhập vào Hà Nội cũng đã có điện lưới dùng trong sinh hoạt và sản xuất, hệ thống cáp quang TV và internet đang ngày càng mở rộng nhanh chóng, tạo niềm vui và động lực mới phát triển đời sống KT - XH ở địa phương.
Kho vàng văn hóa
Hà Nội có kho tàng di vản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú và vô giá, với khoảng 5.000 di tích, danh thắng lịch sử, trong đó có 2.104 di tích đã được xếp hạng (765 di tích quốc gia và quốc tế) như: Di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng long, Di sản Ký ức văn hóa thế giới Văn Miếu - Quốc Tử Giám, làng Việt cổ Đường Lâm, chùa Hương, chùa Tây Phương...Đa dạng hóa các sản phẩm, từ thăm quan, khám phá những di sản văn hóa, đến các tour du lịch sinh thái -Làng nghề, du lịch sạch, đang và sẽ trở thành chiến lược phát triển bền vững của Thủ Đô trong việc đưa Hà Nội trở thành một điểm đến an toàn trong khu vực và trên thế giới.
Hà Nội đã có hơn 800 cơ sở lưu trú các loại với hơn 20.000 phòng; trong đó 222 khách sạn được xếp hạng với gần 14.000 phòng chất lượng cao, có khả năng phục vụ du khách, từ nguyên thủ quốc gia đi công cán, đến khách nghỉ dưỡng dài hạn như Chùa Một Cột, Quốc Tử Giám, Hoàng Thành chứa đựng một chiều sâu thẳm về tinh thần của văn hoá Thăng Long - Hà Nội, văn hoá Việt Nam.
Chiều Hồ Tây- ảnh MH |
Trên thực tế, Hà Nội cũng đã, đang và sẽ xây dựng được nhiều công trình hạ tầng, công trình kiến trúc hiện đại. Trong dịp này, nhiều công trình lớn như cầu Vĩnh Tuy, Thanh trì, Đại lộ Thăng Long đã được khánh thành, được thông xe... Hà Nội cũng vừa khởi công tuyến đường sắt đô thị đầu tiên. Hiện nay Hà Nội đang chờ Chính phủ thông qua quy hoạch tổng thể chung, do vậy nhiều dự án buộc phải chờ đợi, khi nào quy hoạch này được thông qua chắc sẽ tạo cơ sở cho việc xây dựng Hà Nội hiện đại hơn.
Trong lịch sử ngàn năm sâu lắng và hào hùng của mình, có lẽ chưa bao giờ Rồng Hà Nội dồi dào sinh lực, vươn cao và tỏa sáng đến thế...
Thủ đô trong những năm tới sẽ giành trọng tâm vào nâng cao chất lượng phát triển, chủ động chuyển mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực và sản phẩm có hàm lượng chất xám, hàm lượng công nghệ và hàm lượng chế biến cao, có triển vọng thị trường trong nước, quốc tế và phù hợp lợi thế so sánh của Thủ đô; tập trung trọng tâm vào chuyển dịch cơ cấu nội ngành kinh tế và ứng dụng công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả đầu tư; phát triển các ngành, lĩnh vực tạo nền tảng, có tính liên kết, liên ngành và đáp ứng tính đồng bộ thị trường cao, đồng thời từng bước hình thành và phát triển các bộ phận, lĩnh vực và thành phần cơ bản của kinh tế tri thức; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng và quản lý chất lượng đáp ứng yêu cầu hiện đại và tiêu chuẩn quốc tế, phù hợp với từng lĩnh vực và sản phẩm cụ thể; chủ động giữ vững và mở rộng thị trường ở trong và ngoài nước.
Đặc biệt, Hà Nội sẽ chủ động xây dựng và thực hiện những cơ chế, chính sách mới, có tính đặc thù cao, tạo đột phá trong đổi mới thiết bị, công nghệ sản xuất và quản lý kinh doanh của các doanh nghiệp, đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, khuyến khích hợp tác, liên doanh, liên kết kinh tế giữa các doanh nghiệp, các địa phương trong nước và quốc tế, nâng cao chất lượng phát triển theo hướng bền vững.
Thành phố đang “thay da đổi thịt” từng ngày, chủ động đổi mới, chủ động phát triển; chính khả năng khai thác, kế thừa, lôi cuốn, quy tụ và lan toả được nhiều tiềm lực, điều kiện từ bên ngoài, cũng như năng lực tự tích lũy được về kinh nghiệm và bản lĩnh lãnh đạo, kinh doanh, trình độ phát triển về hạ tầng kỹ thuật, về các nguồn vốn tài chính, nguồn nhân lực, tri thức - công nghệ và các dạng thị trường... sẽ tạo tiền đề và động lực mạnh mẽ nhất cho sự phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô trong tương lai.
Với những thành quả và bài học của quá khứ, với sự đồng tâm, đồng sức và sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trung ương, với các địa phương và với bạn bè khắp năm châu, Hà Nội sẽ ngày càng vững vàng vượt qua những thách thức, phát huy những lợi thế, ngày càng phát triển.
TS Nguyễn Minh Phong