Tình trạng nước sạch giá cao tại xã đảo Tam Hải: UBND Quảng Nam chỉ đạo khắc phục

Một số hộ dân ở Tam Hải vẫn dùng nước ngầm nhiễm mặn, phèn; vì cho rằng nước sạch cấp đến xã bị bán với giá chưa hợp lý.
Một số hộ dân ở Tam Hải vẫn dùng nước ngầm nhiễm mặn, phèn; vì cho rằng nước sạch cấp đến xã bị bán với giá chưa hợp lý.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhằm khắc phục tình trạng người dân xã đảo Tam Hải (huyện Núi Thành, Quảng Nam) thiếu nước sạch, Nhà nước đã đầu tư 11 tỷ đồng làm đường ống đưa nước ra đảo; nhưng nhiều người dân không dám sử dụng do Cty Cấp nước áp giá cao.

Xã đảo Tam Hải cách đất liền hơn 1km, bốn bề bao bọc bởi sông Trường Giang và nước nơi cửa biển. Địa phương này có khoảng 250 hộ dân với hơn 8.500 nhân khẩu, đời sống nhiều khó khăn.

Do điều kiện địa lý phức tạp, nằm ngay cửa biển, nguồn nước ngọt hết sức khan hiếm nên từ bao đời nay người dân chủ yếu sử dụng nguồn nước ngầm bị nhiễm phèn và khô hạn vào mùa nắng nóng. Để có nước sạch, người dân tìm đủ cách từ hứng nước mưa, lọc nước nhiễm phèn, hoặc chèo ghe vào đất liền mua nước bình đóng sẵn…

Đầu năm 2022, UBND huyện đầu tư 11 tỷ đồng xây hệ thống đường ống nước sạch kéo từ đất liền đến xã đảo. Dự án dài 8,11km, gồm 3 đoạn tuyến. Điểm đầu tuyến đấu nối đường ống cấp nước HDPE D225 hiện trạng của Cty CP Cấp thoát nước Quảng Nam đến khu vực cảng Tam Hiệp và vượt sông Trường Giang, cấp nước cho xã đảo từ hướng Bắc. Điểm cuối tuyến tại bồn nước nằm trong khuôn viên UBND xã. Đến đầu 2023, dự án hoàn thành, đường ống nước kéo đến từng nhà dân. Thế nhưng, người dân cho rằng Công ty Cấp thoát nước áp giá thành cao, không hợp lý.

Theo tìm hiểu của PV, tại Quảng Nam, nếu Nhà nước đã đầu tư đường ống, DN sẽ cấp nước trực tiếp với giá 8.000/m3. Người dân (trường hợp ở đất liền) dùng bao nhiêu sẽ trả bấy nhiêu tính theo đồng hồ sử dụng. Còn tại Tam Hải, đường ống đã được Nhà nước đầu tư, đấu nối ra tận nơi nhưng Cty Cấp thoát nước vẫn đề nghị địa phương nhận làm đầu mối cung cấp cho dân với giá 12.000 đồng/m3 với lý do khách ở đảo ít, chi phí vận hành lớn, phải tăng giá để bù lỗ.

Bà Đinh Thị Chung (thôn Long Thạnh Tây), nói: “Được Nhà nước quan tâm, xây dựng đường ống dẫn nước sạch về xã, bà con vui mừng lắm; nhưng mà niềm vui ấy chưa trọn vẹn vì giá cao, không hợp lý”.

Chủ tịch UBND xã, ông Nguyễn Tấn Hùng, cho hay, dù Nhà nước bỏ tiền đầu tư đường ống rồi bàn giao Cty Cấp thoát nước quản lý vận hành nhưng Cty không chịu nhận. Thay vào đó, DN yêu cầu UBND xã đứng ra hợp đồng mua nước rồi phân phối về cho người dân.

Nếu theo cách tính thông thường, Cty Cấp nước áp theo đồng hồ, dân chỉ trả mức giá bậc 1 (8.000 đồng/m3). Nhưng DN lại muốn địa phương đứng ra mua, lắp đồng hồ tổng rồi phân phối cho người dân, phải áp dụng giá bậc 4 (gần 12.000 đồng/m3) Ngoài ra, chi phí vận hành, hao hụt cũng do người dân chi trả.

Theo ông Hùng, trước nhu cầu cấp thiết của người dân về nước sạch, nhất là thôn Long Thạnh Tây (còn được gọi ốc đảo Cồn Si - NV), địa phương đành phải đứng ra ký hợp đồng cấp nước. Riêng các thôn khác trên địa bàn, xã chưa đóng nước vì người dân không chấp nhận mua với giá như trên.

Chủ tịch UBND huyện Núi Thành, ông Lê Văn Sinh, cũng không đồng ý về cách tính giá này. Ông Sinh cho rằng, người dân xã đảo đã rất khó khăn, nay còn phải chịu mua nước giá cao, trong khi hạ tầng đường ống huyện đã bỏ tiền ra đầu tư 100%, là vô lý.

Mới đây, tại một buổi họp báo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Hồng Quang chia sẻ, ở “vùng lõm” về điện, nước, DN không chịu đầu tư do chi phí cao, doanh thu thấp, kinh doanh không hiệu quả nên Nhà nước bỏ tiền đầu tư, như trường hợp đường ống dẫn nước xã đảo Tam Hải. Sự việc này UBND tỉnh đã thấy và sẽ chỉ đạo kiểm tra, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa DN và người dân.

Tin cùng chuyên mục

Cần Thơ: Nhiều cơ hội để doanh nghiệp mở rộng kinh doanh tại Hoa Kỳ

Cần Thơ: Nhiều cơ hội để doanh nghiệp mở rộng kinh doanh tại Hoa Kỳ

(PLVN) -  Ngày 21/11, tại TP Cần Thơ, Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP HCM phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ tổ chức hội thảo Mở rộng kinh doanh tại Hoa Kỳ. Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi về các vấn đề liên quan đến việc doanh nghiệp Việt Nam mở rộng kinh doanh tại Hoa Kỳ.

Đọc thêm

Chuyển đổi số tại BQL Dự án Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh Hưng Yên

Chuyển đổi số tại BQL Dự án Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh Hưng Yên
(PLVN) - Chuyển đổi số đang trở thành xu thế không thể đảo ngược, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Nhận thức rõ điều này, Ban Quản lý (BQL) Dự án Đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hưng Yên đã và đang triển khai mạnh mẽ các kế hoạch và hoạt động nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới phát triển kinh tế số và xã hội số.