Tại một đất nước vẫn còn nặng nề quan điểm trọng nam khinh nữ, những cô gái trẻ này đang dần dần tìm được tiếng nói và niềm hạnh phúc của riêng mình khi được giúp ích và cống hiến cho cộng đồng.
Các thiếu nữ Sintchan-Fanca đến từng nhà dân để phổ biến kiến thức chống dịch. (Ảnh: UNICEF) |
Bốn thiếu nữ can đảm
Đại dịch COVID-19 đã làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của người dân, đặc biệt là những nước nghèo và những cộng đồng dễ bị tổn thương ở vùng sâu vùng xa. Nói về Cộng hoà Guinea-Bissau, quốc gia Tây Phi này là một trong những nước nhỏ nhất tại châu Phi, cũng là nơi có hệ thống y tế thuộc tốp yếu kém nhất trên toàn thế giới.
Từ khi đại dịch bùng phát toàn cầu, trẻ em nói chung và đặc biệt các trẻ em gái nói riêng tại quốc gia này đã và đang phải đối mặt với rất nhiều sự lạm dụng, biểu hiện là sự gia tăng tình trạng lao động trẻ em, mang thai sớm, tảo hôn, hủ tục cắt âm vật…
Theo một thống kê của chính phủ Guinea-Bissau cho thấy, có tới 52% phụ nữ và trẻ em gái trong độ tuổi từ 15 đến 49 đã từng là đối tượng của hủ tục cắt âm vật; và có 37% trẻ em gái ở nước này đã kết hôn trước 18 tuổi.
Ở một quốc gia mà sự phân biệt đối xử được xem là một “chuẩn mực xã hội” thì tiếng nói của những người phụ nữ trường thành hiếm khi được xem trọng trong cộng đồng, chứ chưa nói tới những trẻ em gái hay thiếu nữ. Trong một khoảng thời gian rất dài, họ đã gần như không có quyền tự quyết cho số phận và tương lai của bản thân mình.
Để cải thiện tình trạng này, Quỹ nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) đã phát động “Dự án Tham gia và Trao quyền cho Giáo dục Trẻ em gái Vị thành niên” từ nhiều năm nay ở vùng Bafatá của Guinea-Bissau – nơi vẫn còn nhiều hủ tục và hạn chế ở mọi mặt. Ramatulaı Seidi và các bạn đồng trang lứa là Djenabu, Assanato và Cadidjato mới chỉ 17 tuổi khi trở thành tình nguyện viên của dự án này vào năm 2020. Các em đã lựa chọn đến một vùng nông thôn hẻo lánh tại Bafatá, nơi cộng đồng Sintchan-Fanca sinh sống, để giúp đỡ họ cách phòng chống dịch COVID-19.
Bởi hệ thống chăm sóc sức khoẻ và giáo dục còn rất thiếu và yếu, vùng quê này có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao nhưng người dân lại hầu như không được tiếp cận với hỗ trợ y tế, cũng không được phổ biến những kiến thức phòng dịch hữu ích để bảo vệ bản thân. Do đó, khi virus lây lan xung quanh vùng Sintchan-Fanca, nền kinh tế tự cung tự cấp vốn đã mong manh của cộng đồng này gần như bị “đóng băng”. Người dân phải “vật lộn” với sinh kế nhưng không có cơ hội được tiếp cận những thông tin giúp họ cải thiện điều kiện sống. Đặc biệt, những thành viên dễ bị tổn thương nhất của cộng đồng như trẻ em và người già sẽ gặp nhiều nguy cơ nguy hiểm hơn.
“Làm thế nào để giảm thiểu sự lây lan của COVID-19 trong cộng đồng Sintchan-Fanca” là một trong những vấn đề chính mà Ramatulai, Djenabu, Assanato và Cadidjato quan tâm. Vào thời điểm dịch bệnh bùng phát rộng khắp ở Guinea-Bissau, bốn cô gái hiểu rằng vì sự an toàn của bản thân và cộng đồng của mình, họ cần phải hành động. Họ cần đến tận nhà từng người để nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng chống COVID-19. Đó là cách nhanh nhất và tất nhiên, cũng là một nhiệm vụ cực kì khó khăn.
Đầu tiên, các cô gái trẻ đã tham gia một khóa đào tạo về quyền trẻ em và các kỹ thuật truyền thông cơ bản trong hơn 4 tháng thông qua Dự án Trao quyền và Tham gia Giáo dục cho Trẻ em gái Vị thành niên của UNICEF. Khóa đào tạo đã cung cấp kiến thức, kỹ năng giao tiếp và năng lực cần thiết để giúp các em phát triển chiến dịch nâng cao nhận thức COVID-19 thành công. “Dự án này đã cho phép tôi nâng cao sự tự tin và hiểu rằng giáo dục là giải pháp mạnh mẽ nhất để mở rộng tương lai của chúng ta”, Ramatulai Seidi cho biết.
Sau đó, bốn cô gái dũng cảm này đã dẫn đầu một đoàn tình nguyện viên đến tận nhà từng người dân Sintchan-Fanca để phổ biến, nâng cao nhận thức về dịch COVID-19 ở cộng đồng vùng sâu vùng xa này. Ramatulai, Djenabu, Assanato và Cadidjato đã sử dụng các kỹ năng của mình và làm việc chăm chỉ để giao tiếp và tương tác với các thành viên cộng đồng, tận tình chỉ dạy họ về các biện pháp phòng ngừa COVID-19 cơ bản.
Thông điệp của các cô gái rất đơn giản: Rửa sạch tay của bạn thường xuyên, sử dụng xà phòng và nước; Đeo khẩu trang khi ở nơi công cộng; Luôn đảm bảo khoảng cách an toàn, đặc biệt khi thấy ai đang ho hoặc hắt hơi; Nên che mũi và miệng bằng khuỷu tay hoặc khăn giấy khi ho.
Một người dân Sintchan-Fanca, Quidi Balde chia sẻ: “Ngay từ khi tham gia vào dự án này, tôi thấy cảm phục các thiếu nữ này đã không chỉ giúp nâng cao ý thức chống dịch và sự gắn kết trong cộng đồng, đây còn là cách họ được tôn trọng hơn tại đây. Chúng tôi rất biết ơn các cô gái nhỏ bé đã giúp chúng tôi giữ an toàn trong thời dịch bệnh này”.
Cộng đồng Sintchan-Fanca là nơi có hệ thống y tế và giáo dục yếu kém nên dễ lây lan bệnh dịch. (Ảnh: UNICEF) |
Hạnh phúc là được tự quyết định
“Dự án Tham gia và Trao quyền cho Giáo dục Trẻ em gái Vị thành niên” của UNICEF là một trong rất nhiều nỗ lực từ các tổ chức khác nhau tại quốc gia này để cải thiện vị thế của phụ nữ và các trẻ em gái. Bên cạnh đó còn có các tổ chức khác như Tổ chức Phát triển Guinean (OGD), Tổ chức Hành động Quốc gia vì Sự phát triển (ANADEC) và Mạng lưới Chống Bạo lực Trên Cơ sở Giới và Trẻ em (RENLUV),… Trong đó, RENLUV đang thực hiện một dự án kéo dài 3 năm hướng tới đối tượng là 2.500 trẻ em gái trong độ tuổi đi học (12-19 tuổi) thuộc 30 cộng đồng người trên khắp các vùng Bafatá và Gabú - nơi có tỷ lệ trẻ em gái không đi học cao nhất Guinea-Bissau.
Chương trình giúp các em hoàn thành chương trình giáo dục cơ bản và có khả năng theo đuổi việc học thêm sau này, kết hợp với các khoá học về thể thao, khả năng lãnh đạo, hoạt động cộng đồng và các kỹ năng sống khác. Khi được tìm hiểu về quyền của phụ nữ trẻ cũng như những bất cập, khó khăn hiện hữu trong cộng đồng, các cô gái trẻ có thể xác định được những gì còn thiếu và góp phần tạo ra sự thay đổi.
“Hiện tại tôi đang học lớp 11 nhưng phải nghỉ học vì cha tôi không thể trả học phí. Khi tham gia dự án này, tôi có thể biết thêm rất nhiều điều mà tôi chưa từng biết trước đây. Và tôi cũng hiểu rằng, bằng cách chia sẻ kiến thức mà tôi có, những người khác cũng sẽ có thể truyền bá kiến thức đó trong cộng đồng của họ với những người khác”, Iama Mané, một thanh niên 19 tuổi thuộc ngôi làng Gã-Tauda thẳng thắn cho biết.
“Nếu tất cả chúng ta cùng nỗ lực thuyết phục và cảm hoá những người khác, giúp tạo ra sự thay đổi trong cộng đồng của chính chúng ta, thì cuối cùng điều đó sẽ lan rộng đến những cộng đồng khác nữa và thậm chí đến được với chính phủ. Họ sẽ biết rằng chúng ta cần được xây dựng các trường học trong làng của chúng ta, cần có nước sạch, bệnh viện và bác sĩ”.
Giống như nhiều nơi khác trên Bafatá và đất nước Guinea-Bissau, các quyết định quan trọng ở các ngôi làng và cá nhân thường được thực hiện bởi những người đàn ông trưởng thành. Tiếng nói của thanh niên và đặc biệt là các thiếu nữ, gần như không có sức ảnh hưởng. Tuy nhiên, tại ngôi làng Gã-Tauda, có lẽ đang có một sự thay đổi. Iama Mané cho biết: “Bây giờ những người lớn tuổi của chúng tôi có thể lắng nghe chúng tôi nhiều hơn. Nhờ vào đó, nhiều hủ tục xấu xí trước nay ở Gã-Tauda, như cưỡng bức hôn nhân và cắt âm vật giờ đã bị xóa bỏ”.
Tại một đất nước xa xôi hẻo lánh ở Tây Phi, hàng nghìn thiếu nữ và trẻ em gái Guinea-Bissau đã nhận thức được những quyền và nghĩa vụ công dân của họ, cũng như vai trò của họ trong sự phát triển chung của cộng đồng. Họ cũng cần được đối xử bình đẳng như nam giới, được tôn trọng và được bảo vệ bản thân khỏi bệnh tật, sự lạm dụng. Có thể nói, đó cũng là cách mà các em có thể tìm được hạnh phúc cho riêng mình, khi được trao quyền, có sự lựa chọn và được công nhận là một phần quan trọng của cộng đồng.