Hai trong số những người Mỹ bị Nicagarua trục xuất hôm 14/6 làm việc cho Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ. Họ bị cáo buộc đã cố gắng “thanh tra” hoạt động của Hải quan Nicaragua mà không có sự cho phép của chính quyền nước sở tại.
Họ cũng có những bước đi nhằm thu thập thông tin về các chuyến hàng thiết bị quân sự từ Nga, bao gồm kế hoạch nhập khẩu lô xe tăng T-72. Đại sứ quán Mỹ tại Nicaragua phản đối việc trục xuất, đồng thời giải thích rằng các “thanh tra viên” của họ quan tâm tới những khu vực hạn chế ra vào đơn giản là vì nhiệm vụ chống khủng bố quốc tế.
Trục xuất cả Giáo sư đại học
Một người Mỹ khác cũng bị Nicaragua trục xuất là Evan Ellis - giáo sư trường Đại học Quân sự Mỹ, người đã đến Nicaragua đúng thời điểm các “thanh tra viên” đang lưu trú tại khách sạn Hilton Princess.
Lượng tài liệu mà giáo sư này đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành được đánh giá là cao bất thường. Các bài nghiên cứu của ông – với rất nhiều thuật ngữ về sự đối đầu như thời Chiến tranh Lạnh – thường tập trung vào sự xâm nhập của Trung Quốc và Nga tại các nước Mỹ Latinh và Caribe.
Đối với Nicaragua, Ellis đặc biệt quan tâm với việc xây dựng kênh đào Grand nối Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. Giáo sư này cho biết đã lên kế hoạch tới thăm thủ đô Managua của Nicaragua với tư cách cá nhân và đã thảo luận sơ bộ về lịch trình của ông với Đại sứ quán Nicaragua tại Mỹ, Chủ tịch Cơ quan quản lý kênh đào Grand là Manuel Coronel Kautz và một số quan chức khác của Nicaragua.
Lịch họp với các bộ phận chức năng của chính phủ, doanh nhân, các nhà ngoại giao, nhà báo và các nhà hoạt động xã hội cũng đã được sắp xếp với mục đích tìm hiểu thông tin về kênh đào này.
Tuy nhiên, vị giáo sư này đã không thể ở lại Nicaragua quá 24 giờ. Trước khi bị trục xuất, Evan Ellis chỉ có đủ thời gian thăm một cuộc triển lãm tranh được tài trợ bởi Ủy ban Quốc gia về Bảo vệ Lãnh thổ, Sông hồ và Chủ quyền – một tổ chức phi chính phủ luôn phản đối việc xây dựng kênh đào Grand.
Ngay buổi tối đầu tiên, các nhân viên di trú Nicaragua đã tới phòng khách sạn của Evan Ellis và thông báo rằng, do không có sự cho phép chính thức để tìm hiểu về quá trình xây dựng kênh đào Grand, ông phải quay về nước ngay lập tức. Ellis bị đưa trở về Mỹ ngay trong chuyến bay sớm nhất.
Giáo sư Ivan Ellis, người bị Nicanagua trục xuất sau chưa đầy 24 giờ đặt chân đến quốc gia này. |
Trong những thông tin đưa trên Internet, Ivan Ellis cáo buộc Chính phủ Nicaragua quản lý dự án kênh đào này “sau một lớp áo choàng bí mật, có thể là để che giấu lợi ích cá nhân của những người tham gia dự án bên phía Nicaragua”.
Ellis lập luận rằng việc trục xuất các nhà ngoại giao của Mỹ là một dấu hiệu cho thấy “sự tham gia một cách tôn trọng và mang tính xây dựng với chính quyền Nicaragua sẽ không có tác dụng gì”. Bởi vậy, trước khi diễn ra cuộc bầu cử tại Nicaragua vào tháng 11 tới, chính quyền Mỹ “có quyền và nghĩa vụ đạo đức để làm việc với các tổ chức xã hội nhằm làm rõ việc thực thi dân chủ”.
Ellis còn cho rằng việc Nicaragua từ chối các quan sát viên của chính phủ Mỹ tham gia giám sát cuộc bầu cử là một thực tế “làm xói mòn dân chủ”. Vì vậy, ông kêu gọi Mỹ phải can thiệp, không để Nicaragua trở thành một chính phủ theo mô hình của Venezuela.
Việc xây dựng kênh đào Grand ở Nicaragua đã được hoãn từ tháng 12 năm ngoái tới tháng 8 năm nay. Sự trì hoãn này là do những khó khăn về tài chính của nhà thầu chính - một tập đoàn có trụ sở tại Hong Kong là Tập đoàn Đầu tư Phát triển Kênh đào HK Nicaragua.
Trên thực tế, siêu dự án này không có nhiều tiến triển: Hai cảng nước sâu, hệ thống bến bãi, nhà kho chưa hoàn thành. Hơn nữa, các tổ chức phi chính phủ về môi trường hoạt động ngày càng tích cực, nhiều cuộc biểu tình của người dân đã diễn ra nhằm phản đối việc chặt hạ những cánh rừng gần khu vực Hồ Nicaragua và sông Brito, sông Las Lajas.
Với sự trợ giúp của các chuyên gia như Ellis, các phương tiện truyền thông ủng hộ Mỹ đang cố gắng thuyết phục người dân Nicaragua rằng kênh đào này là “chiến dịch truyền thông của phong trào Sandinista” và việc xây dựng kênh đào này vô cùng phức tạp.
Cùng lúc đó, một số cơ quan truyền thông Mỹ cũng như truyền thông ở Mỹ Latinh đưa tin dày đặc về hoạt động nâng cấp kênh đào Panama. Những tin tức, bài viết được đăng tải thể hiện ý tưởng rõ ràng: Sẽ không cần thêm một con kênh đào nào nữa, vì kênh đào Panama hoàn toàn đủ khả năng “giải quyết mọi vấn đề” trong giao dịch thương mại Á – Mỹ, bao gồm cả những con tàu có trọng tải 14.000 TEU.
Vì sao Mỹ “khó chịu” với Nicaragua?
Có ý kiến cho rằng lý do đằng sau đề xuất giám sát của giáo sư Ivan Ellis: những lãnh đạo của đảng Đảng Mặt trận Giải phóng Dân tộc Nicaragua Sandinista – một đảng dân chủ xã hội ở Nicaragua – là nỗi ám ảnh bất tận đối chính quyền Obama.
Mọi người đều nghĩ rằng các điệp viên của Mỹ đã tiến hành một chiến dịch do thám quy mô lớn nhằm vào Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega. Nhưng Tổng thống Ortega không để tâm tới việc này – giống như Tổng thống Venezuela Hugo Chavez – đơn giản vì … ông không có tài khoản bí mật nào ở nước ngoài.
Một động cơ khác để tấn công “chế độ Ortega” là sự hợp tác chặt chẽ về quân sự và kỹ thuật của Nicaragua với Nga. Đây là một lĩnh vực mà Ellis nhấn mạnh rằng Mỹ cần “hết sức cảnh giác”.
Ví dụ, phía Mỹ luôn thắc mắc mục đích của Trung tâm Huấn luyện Marshal Zhukov của Nga ở Nicaragua là gì? Liệu đây có đơn thuần là trung tâm huấn luyện quân nhân? Hay với chuyến hàng gồm 2 tàu tên lửa và 4 tàu tuần tra, Mỹ cũng đặt câu hỏi liệu có phải Nga kích hoạt một cuộc chạy đua vũ trang chưa từng có ở vùng biển Caribe và Đại Tây Dương?
Và đáng lo ngại nhất là lô xe tăng T-72B1 Nga chuyển sang Nicaragua. Chuyến giao hàng đầu tiên gồm 20 chiếc, và các lữ đoàn xe bọc thép Nicaragua dự kiến nhận khoảng 50 chiếc từ nay đến cuối năm.
Tổng thống Daniel Ortega |
Trước thời điểm Nicaragua diễn ra bầu cử, Mỹ đang làm tất cả những gì có thể để làm xói mòn vị trí của Tổng thống Daniel Ortega, người rất vững vàng ở chiếc ghế Chủ tịch Đảng Mặt trận Giải phóng Dân tộc Nicaragua Sandinista. Điều này lý giải vì sao Mỹ đã cử nhiều “chuyên gia và nhân viên hỗ trợ” đến thế tới quốc gia này.
“Đạo quân thứ năm” –lực lượng có thể gây bất ổn tại Nicaragua đang bị cô lập và rất cần trợ giúp. Và thực tế đã có dấu hiệu cho thấy công dân của một số nước Mỹ Latin tham gia vào hoạt động trợ giúp này. Một trong những đối tượng bị nghi vấn nhất là Viridiana Rios - người Mexico, có nhiều hoạt động cộng tác với Trung tâm Wilson ở Washington Mỹ.
Viridiana Rios đã hoảng sợ và chạy trốn khỏi Nicaragua do cảm thấy bị theo dõi sau vụ các nhân viên Mỹ bị trục xuất. Viridiana Rios từng thu thập thông tin trong lĩnh vực an ninh và bạo lực quần chúng, trong đó một số nghiên cứu của cô đã được CIA, DEA hay FBI sử dụng.
Dù vậy, việc trục xuất các nhân viên nước ngoài là một dấu hiệu cho thấy sự kiên quyết của đảng Sandinista, cho thấy Nicaragua sẽ không cho phép bất cứ âm mưu nào nhằm gây bất ổn đất nước trở thành hiện thực.
Sự phát triển về kinh tế xã hội, đời sống của người dân được nâng cao, an ninh và ổn định quốc gia đang tạo nên tín nhiệm cho Tổng thống Ortega. Ông đã dốc hết sức để bảo vệ lợi ích của người dân Nicaragua trên trường quốc tế và được đa số người dân Nicaragua ủng hộ. Đó là lý do quan trọng nhất khiến những toan tính của Mỹ tại quốc gia Trung Mỹ này chưa thể phát huy tác dụng...
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu