Chính sách mới nhân đạo
Xin bà cho biết điểm tích cực của chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện?
- Tha tù trước thời hạn có điều kiện là một chính sách hình sự mới hết sức nhân đạo được quy định tại BLHS năm 2015 nhằm thực hiện chủ trương “đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội” đã được nêu rõ trong Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
Về bản chất, tha tù trước thời hạn có điều kiện là việc cho phép người đang chấp hành hình phạt tù có đủ điều kiện theo quy định được quay trở về với cộng đồng để cải tạo, sửa chữa lỗi lầm với sự giúp đỡ, giám sát của gia đình, các cơ quan, đoàn thể xã hội và họ phải tuân thủ một số nghĩa vụ nhất định. Nếu vi phạm các nghĩa vụ đến một mức độ nào đó thì Tòa án sẽ hủy bỏ việc tha trước thời hạn và buộc họ phải chấp hành phần hình phạt tù còn lại chưa chấp hành.
Xin bà nói rõ hơn những điểm tích cực của chính sách này?
- Với Việt Nam thì đây là chế định mới nhưng trên phạm vi thế giới thì có rất nhiều nước đã áp dụng từ rất lâu do những mặt tích cực mà nó đem lại:
Thứ nhất, quy định này một mặt tạo điều kiện cho người bị kết án phạt tù có cơ hội được cải tạo trong môi trường bình thường, qua đó hạn chế những tác động tiêu cực do việc giam giữ mang lại, tạo thuận lợi cho việc phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng của họ. Mặt khác, với các điều kiện thử thách chặt chẽ đặt ra cho người được tha trước thời hạn sẽ có tác dụng giáo dục họ sống có trách nhiệm, có kỷ luật, tăng quyết tâm sửa chữa lỗi lầm, khắc phục nguyên nhân, điều kiện phạm tội, qua đó bảo đảm hiệu quả trong việc phòng ngừa tái phạm.
Thứ hai, biện pháp này khuyến khích, nâng cao trách nhiệm của cộng đồng, gia đình, các đoàn thể xã hội trong việc phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc tham gia giám sát, giáo dục, phục hồi người được tha tù trước thời hạn, góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác thi hành án của Nhà nước ta, giảm gánh nặng ngân sách cho Nhà nước liên quan đến công tác quản lý, giám sát, chế độ ăn ở, sinh hoạt, học tập của phạm nhân.
Thứ ba, với việc áp dụng chế định này, hàng năm sẽ có một lượng lớn phạm nhân được trả tự do và do đó giúp giảm bớt tình trạng quá tải trong các cơ sở giam giữ hiện nay, cải thiện các điều kiện sinh hoạt cho người đang chấp hành án phạt tù.
Đã tham khảo luật pháp nước ngoài
Như bà vừa chia sẻ, rất nhiều nước trên thế giới đã áp dụng từ rất lâu, còn ở Việt Nam thì quá trình xây dựng chế định pháp lý này tại BLHS diễn ra như thế nào?
- Mặc dù chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện mới được đưa vào BLHS năm 2015 nhưng đây không phải là vấn đề mới đặt ra trong quá trình xây dựng và hoàn thiện chính sách hình sự.
Trong khi xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 1999 (năm 2009), chế định này cũng đã được đề xuất để đưa vào dự thảo Luật. Tuy nhiên, do phạm vi sửa đổi, bổ sung Bộ luật chỉ dừng lại ở việc sửa đổi, bổ sung một số điều nên chưa được đưa vào Luật Sửa đổi, bổ sung 2009.
Các cơ quan xây dựng Đề án có tham khảo quy định tương tự của nước ngoài?
- Quy định về tha tù trước thời hạn có điều kiện tại BLHS năm 2015 là kết quả của quá trình nghiên cứu lâu dài, kỹ lưỡng về luật pháp, kinh nghiệm thực tiễn và áp dụng của các nước như Nhật Bản, Australia, Thái Lan, Hoa Kỳ... cũng như đánh giá điều kiện thực tế của Việt Nam để bảo đảm tính khả thi, phù hợp, đánh giá với các chế định hiện hành về miễn, giảm hình phạt tù, đặc xá để tránh chồng chéo. Quá trình xây dựng quy định này cũng được sự tham gia đóng góp ý kiến của các chuyên gia quốc tế, chuyên gia trong nước, sự phối hợp tích cực của các bộ, ngành hữu quan, nhất là Bộ Công an.
Ngoài ra, thời điểm xây dựng dự thảo BLHS cũng là thời điểm xây dựng Bộ luật Tố tụng Hình sự nên có thể bổ sung ngay quy định về thẩm quyền, trình tự áp dụng tha tù trước thời hạn có điều kiện. Đặc biệt, Bộ Công an cũng đã chủ động xây dựng Đề án về thực hiện tha tù trước thời hạn có điều kiện và vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án này. Đây là cơ sở để triển khai thực hiện một cách nhanh chóng, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả việc tha tù trước thời hạn cho người đang chấp hành án có đủ điều kiện.
Thưa bà, dư luận cũng muốn biết rõ hơn về vai trò của Bộ Tư pháp trong việc xây dựng Đề án triển khai thực hiện tha tù trước thời hạn có điều kiện?
- Chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện của BLHS năm 2015 chính là tiền đề, cơ sở pháp lý cho việc xây dựng Đề án triển khai thực hiện tha tù trước thời hạn có điều kiện. Thời điểm Bộ Tư pháp tham mưu giúp Chính phủ xây dựng BLHS năm 2015 cũng là thời điểm Bộ Công an xây dựng Đề án này. Do vậy, Bộ Tư pháp đã phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Công an trong quá trình xây dựng Đề án để bảo đảm sự thống nhất, phù hợp của Đề án với quy định của BLHS, đặc biệt là liên quan đến điều kiện tha tù trước thời hạn, thẩm quyền, cơ chế, trình tự, thủ tục áp dụng...
Theo bà, việc áp dụng tha tù trước thời hạn có điều kiện có gặp khó khăn gì không?
- Tha tù trước thời hạn có điều kiện là biện pháp mới nên để áp dụng có hiệu quả trên thực tế sẽ có nhiều vấn đề cần phải giải quyết như xây dựng bộ máy tổ chức thực thi, cơ chế quản lý, giám sát, giáo dục tại cộng đồng đối với người được tha tù trước thời hạn; xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho việc quản lý, giám sát, giáo dục người được tha tù trước thời hạn; xây dựng cơ sở dữ liệu, phần mềm quản lý; tổ chức thực thi trong toàn quốc... Về lâu dài, hiệu quả của việc áp dụng quy định này là rất lớn, nhưng bước đầu để thực hiện những công việc này cũng cần đầu tư nguồn kinh phí đáng kể.
Xin cảm ơn bà!