Theo đó, đề án được thực hiện nhằm mục tiêu bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số đáp ứng yêu cầu “di sản văn hóa vừa là động lực, vừa là mục tiêu” góp phần cho sự phát triển bền vững văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam; đưa trang phục truyền thống phổ biến hơn trong cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, nâng cao lòng tự hào, ý thức bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các dân tộc.
Đây thực sự là tin vui với công tác khôi phục trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số, vì thực tế cho thấy tại các địa phương nhu cầu khôi phục trang phục truyền thống là nhu cầu có thực vừa để bảo tồn văn hóa, vừa để phát triển kinh tế và làm du lịch. Câu chuyện phát triển nghề dệt vải lanh ở Hà Giang là một ví dụ.
Người Mông có câu hát “Gái đẹp không biết làm lanh cũng xấu/Gái xinh chưa biết cầm kim là hư”, những cô gái Mông đến tuổi trưởng thành đều dệt vải lanh thành thạo; họ tự dệt cho mình những bộ quần áo đẹp nhất để mặc trong ngày hội, đi chơi chợ phiên và đặc biệt mặc trong ngày về nhà chồng.
Nghề dệt vải lanh trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống phụ nữ Mông. Kỹ thuật trồng lanh và dệt vải lanh của phụ nữ Mông trên Cao nguyên đá được Bộ VHTTDL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Hiện nay, khi lượng khách du lịch đến cao nguyên đá ngày càng đông; thổ cẩm của người Mông không chỉ đáp ứng nhu cầu về trang phục mà được trao thêm trọng trách mới - sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch.
Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, sản phẩm thổ cẩm được may thành nhiều loại như: ba lô, túi xách, khăn, ga, gối với nhiều họa tiết, màu sắc đa dạng, phong phú, được thiết kế đẹp mắt. Các sản phẩm được làm từ thổ cẩm có mặt ở tất cả các điểm dừng chân, tham quan di tích, cơ sở lưu trú… trên địa bàn tỉnh.
Từ đây, thổ cẩm của người Mông đã theo chân du khách đến nhiều nơi trong và ngoài nước, góp phần quảng bá, giới thiệu về nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số ở Hà Giang.
Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc gắn với phát triển du lịch đã tạo ra nhiều cơ hội để nghề dệt thổ cẩm phát triển bền vững, tạo việc làm ổn định cho phụ nữ ở Hà Giang. Đơn cử như HTX Dệt lanh Lùng Tám đã đón khoảng 2 nghìn lượt khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm; có hàng nghìn sản phẩm được bán ra thị trường thế giới; doanh thu trên tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng chục phụ nữ Mông với thu nhập ổn định.
Chỉ mới được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 9/2017, nhưng HTX Nông lâm nghiệp và dịch vụ tổng hợp Sà Phìn A ở cao nguyên Đồng Văn hiện có 25 thành viên, thu nhập bình quân khoảng 4 đến 6 triệu đồng/người/tháng.
Mới đây, Đề án “Phát triển các sản phẩm thổ cẩm từ vải lanh tự nhiên được thiết kế mới hoàn toàn, hoa văn đa dạng, giá thành lợp lý” của HTX là một trong 20 ý tưởng khởi nghiệp xuất sắc của phụ nữ cả nước được hỗ trợ vốn để phát triển.
Được biết, Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”sẽ thực hiện trong thời gian từ năm 2019-2030 (chia thành 2 giai đoạn) với những mục tiêu cụ thể: hoàn thành 100% việc kiểm kê và lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể về trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số, khôi phục trang phục truyền thống của 3 dân tộc đã mai một; đến năm 2022, 100% học sinh trường dân tộc nội trú các tỉnh, thành phố triển khai mặc trang phục truyền thống 2 buổi/tuần và các dịp lễ, Tết, hội; lập 10 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể về nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật thêu hoa văn, trang trí hoa văn liên quan đến trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia...
Đề án cũng hướng đến việc vinh danh các Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân về nghề thủ công liên quan đến trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số.