Trong những ngày diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, nhiều ý kiến tâm huyết bày tỏ sự tin tưởng vào đường lối, chính sách mà Đảng đề ra.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu:
Đại hội XI lần này có nhiều chính sách đổi mới về các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, trong đó có y tế.
Ngành Y tế cũng xác định phải tăng cường y tế dự phòng, đẩy mạnh phát triển y tế cơ sở, mở rộng mạng lưới y tế cơ sở, gần dân nhất để đảm bảo công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân; xây dựng hệ thống y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu khám chữa bệnh, để nhân dân không phải vượt tuyến, vừa tốn kém vừa khó khăn đi lại, vừa gây quá tải cho các cơ sở khám chữa bệnh tuyến trên.
Bên cạnh đó, tăng cường cung ứng thuốc và phát triển nền công nghiệp dược, sao cho đất nước có gần 100 triệu dân có đủ cơ số thuốc dùng nhưng phải đảm bảo yếu tố: đạt được nhu cầu chữa bệnh và giá thành hợp lý, giúp cho người dân có cơ hội tiếp cận các dịch vụ khám chữa bệnh thuận lợi, và dễ dàng nhất.
Ông Đặng Ngọc Tùng - Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam:
Những năm qua, mặc dù kinh tế thế giới cũng như Việt Nam còn nhiều khó khăn song nhìn chung, đời sống của người dân trong nước đã được cải thiện đáng kể.
Tuy nhiên, sự phân hóa giàu, nghèo trong xã hội chênh lệch ngày càng lớn, cuộc sống của đại đa số công nhân, người lao động còn khó khăn, vất vả. Tiền lương tăng không kịp với tăng giá.
Rất mừng là trong các Dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng đã thể hiện được những nội dung này, nhưng tôi mong muốn Đại hội cần quan tâm chăm lo hơn nữa cho người lao động.
Bà Tẩn Thị Quế - Chủ tịch Hội Phụ nữ Tam Đường, Lai Châu:
Là tỉnh mới chia tách nhưng thời gian gần đây, đời sống của bà con các dân tộc vùng cao ở Tam Đường nói riêng, Lai Châu nói chung đã được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ đói nghèo giảm rõ rệt. Con em các dân tộc được đến trường nhiều hơn.
Tuy nhiên, ở một số xã vùng xâu, xa, vùng đặc biệt khó khăn, một bộ phận người dân vẫn còn nghèo đói, trình độ văn hóa, hiểu biết pháp luật còn nhiều hạn chế.
Tôi hy vọng Đại hội Đảng lần này sẽ có những chủ trương, chính sách quam tâm, đầu tư hơn nữa đến vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số.
Ông Huỳnh Phong Tranh - Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng:
Đảng ta lấy kinh tế làm trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt. Trên tinh thần đó, hiện nay xây dựng Đảng phải xây dựng cả 3 mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức. Về chính trị, phải quán triệt đường lối quan điểm của Đảng, đồng thời phải nâng cao trí tuệ, bản lĩnh chính trị của từng đảng viên, đặc biệt là các cấp ủy Đảng.
hứ hai, xây dựng Đảng về mặt tư tưởng phải vững vàng trước những khó khăn, thách thức, những vấn đề do yêu cầu đặt ra. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, trong điều kiện hội nhập kinh tế thế giới, vấn đề tư tưởng phải được khẳng định hơn, phải được gắn liền với quan điểm phát triển đất nước.
Thứ ba, về tổ chức phải xây dựng tổ chức ngày càng trong sạch, vững mạnh, cán bộ đảng viên phải ngang tầm với nhiệm vụ chính trị, đảm bảo yêu cầu đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước.
Đại tá Nguyễn Duy Nguyên - Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương:
Thời gian tới, Đảng nâng cao sức mạnh chiến đấu cần giảm bớt tệ quan liêu, tham nhũng trong một bộ phận cán bộ đảng viên hiện nay.
Để nâng cao sức chiến đấu trong chi bộ, phải nâng cao sức chiến đấu của chính chi bộ, đảng viên ở chi bộ đó, và phát huy cao nhất - giám sát của các tổ chức đoàn thể, Mặt trận và đại biểu dân cử, HĐND xã, huyện và Đại biểu Quốc hội.
Nhóm PV