Tín ngưỡng thờ Mẫu: Cần chấn chỉnh “đồng đua”, “đồng đú”

Tam tòa Thánh Mẫu - ba vị Thánh tối linh trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. (Ảnh: Ngọc Dưỡng)
Tam tòa Thánh Mẫu - ba vị Thánh tối linh trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. (Ảnh: Ngọc Dưỡng)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tín ngưỡng thờ Mẫu, nghi lễ hầu đồng với những giá trị triết lý, đạo đức và văn hóa sâu sắc được nhân dân tích cực tham gia và cuộc sống ghi nhận. Tuy nhiên tại một số nơi, việc thực hành nghi lễ hầu đồng nảy sinh một số tiêu cực trong đó lo ngại nhất là hành vi biến tướng và lệch chuẩn.

Đừng làm mất tính “thiêng”

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là một di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của Việt Nam đã được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2016. Đồng thời, Tổ chức UNESCO còn đánh giá di sản tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã và đang góp phần quan trọng vào việc tạo ra sợi dây tinh thần liên kết các cộng đồng thực hành di sản, thúc đẩy sự khoan dung giữa các sắc tộc và tôn giáo, tương thích với các quy định về nhân quyền quốc tế và không có giới hạn về thực hành.

Kể từ khi được UNESCO vinh danh, các sinh hoạt thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, cùng nhiều di sản văn hóa khác của Việt Nam được quan tâm nhiều hơn và lan tỏa giá trị trong đời sống cộng đồng. Thực tế đã cho thấy, việc quảng bá loại hình di sản này tới đông đảo công chúng là một trong những hình thức hiệu quả trong việc nỗ lực giữ gìn, làm mới và tuyên truyền những giá trị truyền thống.

Tuy nhiên, việc lạm dụng sân khấu hóa, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ bên ngoài các không gian thiêng, có thể dẫn tới những biến tướng, làm mất đi “tập tục” của di sản. Những trường hợp mang hầu đồng ra biểu diễn trên sân khấu, thậm chí trong nhà hàng, hội chợ, đám tiệc mang tính mua vui đang làm cho tín ngưỡng này bị biến tướng, mất tính “thiêng”.

Tháng 8/2023, tại một sự kiện ở TP. Huế đã diễn ra hoạt động biểu diễn hầu đồng và trình diễn trang phục của các giá đồng trong di sản tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Ngay sau đó đã có nhiều ý kiến đánh giá, màn trình diễn này đã vi phạm tới “tính thiêng”, gây nên những bức xúc cho các nghệ nhân, người thực hành di sản...

Ngày 3/8/2023, Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL) có Văn bản số 807 gửi Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên Huế về việc chấn chỉnh các hoạt động liên quan đến di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. TS. Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế trần tình: “Đây là một hình thức giới thiệu, trình diễn để các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước biết, là cách tiếp cận nhìn về di sản chứ không phải là hầu đồng ở đó. Đối tượng tham dự buổi trình diễn là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, không đưa ra cộng đồng”.

Liên hoan Văn hóa Tín ngưỡng thờ Mẫu. (Ảnh: TTX)

Liên hoan Văn hóa Tín ngưỡng thờ Mẫu. (Ảnh: TTX)

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sau khi được công nhận, các tỉnh, thành phố đã xây dựng chương trình hành động nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Tuy nhiên, một bộ phận nhân dân chưa hiểu đúng về hoạt động tín ngưỡng và các tập tục liên quan đến di sản trong đời sống dân cư; vấn đề thực hành không đúng không gian và lợi dụng danh hiệu di sản vẫn còn diễn ra…

Có thực tế, một số sinh viên các trường ca múa nhạc, nghệ sỹ tại các đoàn nghệ thuật cũng tham gia hát chầu văn, hình thành các nhóm hát tại đền, phủ. Các thanh đồng mặc sức nhún nhảy, các cung văn mặc sức chế lời. Sự dễ dãi về văn hóa đó khiến cho vốn chầu văn cổ bị mai một, biến dạng. Thậm chí, một số thanh đồng mặc trang phục hở hang và múa theo những điệu nhạc rock, rap... rất phản cảm.

Nghệ nhân ưu tú Đặng Ngọc Anh không khỏi bức xúc khi chia sẻ với truyền thông: “Mở trang cá nhân, đập vào mắt là một video quay cảnh hầu đồng với hình ảnh thanh đồng mặc quần áo kiểu như đóng khố, trông rất phản cảm nhưng vẫn bắc ghế hầu Thánh. Nhà tôi bao đời gìn giữ và thực hành nghi lễ hầu đồng, bản thân tôi cũng có 40 bắc ghế hầu Thánh nhưng chưa từng thấy có giá nào ăn mặc như thế này để hầu cả. Vài ngày sau, tôi lại xem được một clip, một thanh đồng đang hầu thì ở dưới xảy ra cãi nhau, người gây rối còn nhảy cả lên sập để phá. Thật sự rất phản cảm và ảnh hưởng tới hình ảnh văn hoá đã được UNESCO vinh danh”.

Trên các trang mạng xã hội hiện đăng tải rất nhiều đoạn video ghi lại tệ nạn biến phủ đồng thành nơi thực hiện trò bịp. Thậm chí, một cô gái hầu đồng, tự xưng Cửu Thiên Huyền Nữ, đã nhảy lên ngồi trên bàn thờ Cô Chín tại đền Sòng (Thanh Hóa) hoặc sự ngông cuồng của một thanh niên trông như bị “ngáo đá”, nhập đồng với tư thế gợi dục...

Cần chấn chỉnh “đồng đua”, “đồng đú”

Thời gian gần đây, nghi thức hầu đồng trong văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu đang bị biến tướng bởi những người cuồng tín và của những người nhân danh “Thánh” để trục lợi. Hiện nay có những “đồng bóng” không phải do “căn số” và phát triển khá đông được gọi là “đồng đua, đồng đú” do những người nhiều tiền lắm của đua đòi thực hiện.

Gìn giữ và thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu không bị biến tưởng. (Ảnh: TTX).

Gìn giữ và thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu không bị biến tưởng. (Ảnh: TTX).

Cố GS.TS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng dân gian Việt Nam từng thốt lên rằng: “Hiện nay, có tới 80% thanh đồng (ông đồng, cô đồng) không hiểu đạo Mẫu là gì. Họ là người thực hành nghi lễ mà không hiểu gì về nguồn gốc của nó thì dễ làm lệch lạc, méo mó văn hóa tín ngưỡng này. Đội ngũ cung văn (hát chầu văn tại các buổi hầu đồng) chủ yếu là dân “nghiệp dư”.

Để đáp ứng nhu cầu “kiếm cơm” tại các buổi hầu đồng, người ta chỉ cần học lỏm một vài làn điệu cơ bản qua băng đĩa, hay ở các buổi hầu đồng khác rồi thả sức “hành nghề”. Một nghệ nhân hát văn từng choáng váng khi được một “cô đồng” đề nghị dạy hát văn với thời gian “siêu tốc”: một tháng!

Nghệ nhân đó giải thích, hát văn gồm một hệ thống làn điệu bài bản, phong phú của dân ca các vùng, miền trong cả nước và những động tác nhảy múa “nhập đồng”. Có người phải dành cả đời mới vững nghề. Vậy mà, một số người học một cách vội vã rồi lợi dụng sự mê tín của người khác đi “buôn Thần, bán Thánh”.

Văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu đang bị thương mại hóa. Việc sút giảm niềm tin vào bản thân, vào cộng đồng khiến không ít người dễ đi tìm chỗ dựa và niềm tin từ các lực lượng siêu nhiên qua hầu đồng. Hiện nay, xuất hiện nhiều “đồng đua”, “đồng đú”- những người không hiểu, không thạo và không có “căn cốt” để hầu đồng nhưng lại chạy theo loại hình diễn xướng tâm linh này như một thứ mốt, một phong trào cuồng tín. Họ sẵn sàng bỏ ra vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng cho một lần hầu đồng.

Các thanh đồng được dịp “buôn thần, bán thánh”, “vòi” người hầu đồng những khoản tiền “khủng” để sắm trang phục, vàng mã, hoa quả, những cọc tiền lộc mệnh giá 100 - 500 nghìn đồng. Một “cô đồng” từng khẳng định “thương hiệu” bản thân bằng cách ra giá: “Hầu đồng dưới 400 triệu đồng, đừng nghĩ mời tôi!”. Do đó, không khí linh thiêng của buổi hầu đồng nhuốm “mùi” tiền bạc.

Chưa kể tới việc nhiều thanh đồng lợi dụng việc nhập thánh phán truyền, lấy tàn nhang hoặc các vật làm lễ để biến thành “nước thánh” chữa bệnh, ban phát tài lộc, trừ ma, yểm bùa. Hầu đồng đang bị lợi dụng như một cách kiếm tiền của “ông đồng, cô đồng”, làm biến dạng nghi lễ, sinh ra nhiều hủ tục, mê tín dị đoan...

Để chấn chỉnh những biến tướng trong hoạt động diễn xướng văn hóa tâm linh này, để di sản trở về với những giá trị truyền thống, phù hợp với thuần phong mỹ tục, Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng dân gian Việt Nam cũng đã, đang tuyên truyền cho những người quản lý đền, phủ để họ có ý thức trong việc Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Khi họ ý thức được thì sẽ hạn chế được những tiêu cực, có sự đấu tranh với những kẻ lợi dụng, làm xấu đi hình ảnh của đạo Mẫu.

Ngày 21/7/2023, Cục Di sản văn hóa đã có văn bản gửi UBND các tỉnh/thành về việc tăng cường quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Trong đó, văn bản nhắc đến hiện tượng vi phạm quy định pháp luật cũng như vi phạm nguyên tắc thực hành di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là di sản được UNESCO ghi danh và trong danh mục quốc gia vẫn diễn ra ở nhiều địa phương. Văn bản cũng nói đến việc tổ chức các hoạt động văn nghệ có diễn xướng hầu đồng không đúng bản chất và không gian thực hành của di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Cục Di sản văn hóa yêu cầu các địa phương tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật, cũng như nâng cao nhận thức cho nghệ nhân, người thực hành di sản, nhắc nhở để nêu gương trong thực hành đúng di sản.

Đọc thêm

Vị sư hơn 30 năm "gieo" chữ cho con em ở phum sóc

Vị sư hơn 30 năm "gieo" chữ cho con em ở phum sóc
(PLVN) - Trong không khí tưng bừng đón mừng Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer, Phóng viên Báo PLVN có dịp đến thăm Hòa thượng Hữu Hinh - Trụ trì chùa Ghositaram (còn gọi là chùa Cù Lao). Một ngôi chùa Khmer cổ đẹp nhất Đồng bằng sông Cửu Long tọa lạc tại ấp Cù Lao, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu.

Một số điểm mới giúp hoàn thiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo

Ảnh minh họa!
(PLVN) - Nghị định số 95/2023 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo ra đời đã có nhiều điểm mới nổi bật hơn so với Nghị định 162/2017, góp phần hoàn thiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cũng như nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo thời gian tới...

Những hình ảnh ấm áp của hành trình thiện nguyện “Sống yêu thương”

Những hình ảnh ấm áp của hành trình thiện nguyện “Sống yêu thương”
(PLVN) -  Chương trình thiện nguyện của Ban Doanh nhân Pháp luật - Báo Pháp luật Việt Nam - đã kết thúc tốt đẹp nhưng những cảm xúc bồi hồi vẫn còn đọng lại trong những người tham gia chương trình. Nhiều hình ảnh rưng rưng vẫn còn được lưu giữ, như nhắc nhở chúng tôi phải luôn tâm niệm “Sống yêu thương”...

Sức khỏe tinh thần, xin đừng bỏ qua!

Tinh thần lạc quan, tích cực có tác dụng lớn với con người. (Ảnh minh họa - Nguồn: leep.app)
(PLVN) - Sức khỏe về tinh thần quan trọng không kém thể chất. Một người muốn sống lành mạnh, hạnh phúc, cần cân bằng giữa việc rèn luyện cả bên trong và bên ngoài.

Khánh thành di tích lịch sử văn hoá Đình làng Tía

Khánh thành di tích lịch sử văn hoá Đình làng Tía
(PLVN) - Sáng ngày 31/3/2024, thôn Tử Dương, xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín đã long trọng tổ chức lễ Khánh thành Đình làng Tía. Đây là ngôi Đình được xây dựng từ lâu đời, nơi thờ thành hoàng làng và những người có công khai phá xây dựng và bảo vệ làng xóm.

“Tháng 3 giỗ mẹ” - tưởng nhớ Thánh Mẫu Liễu Hạnh

Lễ hội Phủ Dầy được tổ chức vào tháng 3 âm lịch hàng năm nhằm tôn vinh Thánh Mẫu Liễu Hạnh. (ảnh: Báo Công luận)
(PLVN) - Từ sâu thẳm trong tâm thức văn hóa dân gian, hàng trăm năm nay, khắp trong Nam, ngoài Bắc, Nhân dân ta luôn có sự ngưỡng vọng, gửi gắm niềm tin ở Mẫu Liễu Hạnh - Mẫu nghi thiên hạ - người mẹ của muôn dân. Vào tháng 3 âm lịch hàng năm, nhiều nơi tâm linh đã tổ chức Lễ giỗ Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh trang trọng nhằm tôn vinh, tưởng nhớ Thánh Mẫu Liễu Hạnh.

Bồ tát Phổ Hiền là ai?

Bồ tát Phổ Hiền được xem là một trong tứ đại Bồ tát của Phật giáo.
(PLVN) - Bồ tát Phổ Hiền được xem là một trong tứ đại Bồ tát của Phật giáo. Ngài và Bồ tát Văn Thù là thị giả của Phật Thích Ca Mâu Ni. Bồ tát Văn Thù cưỡi sư tử đứng thị giả ở bên trái và Bồ tát Phổ Hiền cưỡi voi trắng đứng thị giả ở bên phải.

'Quá tải' chữa lành

Hiện nay có nhiều tổ chức, nhóm lợi dụng nhu cầu chữa lành của mọi người để trục lợi, kiếm tiền. (Ảnh minh họa, nguồn: An Space)
(PLVN) - Hiện nay, chữa lành không những chỉ dùng để hỗ trợ, giúp đỡ tinh thần con người, mà dần trở thành trend (xu hướng). Không khó để thấy hai chữ “chữa lành” hiện hữu ở khắp mọi nơi, từ những chương trình, hoạt động đến sách vở, món ăn,... Một xu thế tưởng chừng rất lành mạnh, nhưng dần trở nên mất giá trị vì những hoạt động “tràng giang, đại hải”.