Nhiều nơi chỉ có 2 cán bộ tư pháp/phòng
Theo báo cáo của Sở Tư pháp Cao Bằng, hiện nay tổng số công chức tư pháp cấp huyện là 36 người/13 huyện, thành phố (9 huyện có 3 công chức, 3 huyện, thành phố chỉ có 2 công chức). Số công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã là 309 người/199 xã phường, thị trấn. Trong đó có 206 xã có 2 cán bộ tư pháp - hộ tịch, 3 xã có 3 cán bộ. Còn lại chỉ có 1 cán bộ tư pháp/xã.
Theo Giám đốc Sở Tư pháp Cao Bằng Nông Thanh Khoa, biên chế đảm bảo cho việc thực hiện các nhiệm vụ công tác tư pháp còn rất hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Sở Tư pháp hiện có 32 biên chế hành chính, cấp phòng tư pháp chưa đạt con số 3 biên chế/phòng . Đội ngũ luật sư, công chứng viên thiếu về số lượng và hạn chế về năng lực, trình độ. Trong khi đó, kinh phí cho công tác tư pháp cũng rất hạn chế, nhiều Đề án của ngành, liên ngành không có kinh phí triển khai.
Tương tự ở Bắc Kạn, 8 phòng tư pháp trên địa bàn tỉnh chỉ có 20 công chức. Toàn tỉnh có 187 công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã /122 xã phường, thị trấn (có 70 xã đã bố trí được 2 công chức tư pháp - hộ tịch). Về đội ngũ cán bộ làm pháp chế, chỉ có 1 Phòng Pháp chế thuộc Văn phòng UBND tỉnh, còn lại các sở ngành phần lớn đều kiêm nhiệm. Giám đốc Sở Tư pháp Hồ Thị Kim Ngân cho rằng với đội ngũ công chức tư pháp như ở cấp huyện Bắc Kạn hiện nay là quá mỏng để có thể tổ chức triển khai nhiệm vụ. Do đó, cần quan tâm, kiện toàn đội ngũ công chức ở cấp này.
Tại Lạng Sơn, bức tranh về đội ngũ cán bộ tư pháp có sáng hơn. Cả tỉnh hiện có 40 biên chế/ 11 phòng tư pháp huyện thành phố. Toàn tỉnh có 425 công chức tư pháp - hộ tịch tại 226 xã phường, thị trấn. Như vậy toàn tỉnh đã có gần 91% số xã bố trí được 2 cán bộ tư pháp - hộ tịch. Tuy nhiên, nếu so với mặt bằng chung cả nước, thì số cán bộ tư pháp cấp phòng vẫn còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng lớn.
Khó khăn của các tỉnh nói trên cũng là những khó khăn chung của nhiều địa phương trong cả nước. Theo thống kê đến cuối năm 2016, tỷ lệ bình quân chung của cả nước là 4,6 cán bộ tư pháp/phòng thì ở miền núi, nhiều nơi chỉ có 2 cán bộ trong khi phải đảm đương 26 nhóm nhiệm vụ. Tương tự, ở cấp cơ sở cán bộ tư pháp - hộ tịch cũng phải đảm trách nhiều công việc khác nhau, thậm chí còn được cắt cử ngồi tại bộ phận “một cửa” nhưng nhiều nơi vẫn chỉ có một người.
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Với vai trò là bộ quản lý ngành, lĩnh vực, trong thời gian qua Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Nội vụ ban hành nhiều văn bản, đề án hướng dẫn việc kiện toàn tổ chức, biên chế của các cơ quan tư pháp địa phương, đây là các cơ sở pháp lý quan trọng để các địa phương thực hiện kiện toàn tổ chức, biên chế các cơ quan tư pháp địa phương theo quy định của pháp luật.
Đối với việc bổ sung và phân bổ biên chế công chức cho các cơ quan tư pháp địa phương, theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Nghị định số 21/2010/NĐ-CP ngày 8/3/2010 của Chính phủ quy định về quản lý biên chế công chức thì việc xây dựng, thẩm định và phân bổ chỉ tiêu biên chế hành chính của địa phương thuộc trách nhiệm của UBND và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
Do đó, Bộ Tư pháp đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Tư pháp, Sở Nội vụ và các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng số lượng, cơ cấu đội ngũ công chức, viên chức trên địa bàn để xem xét, cân đối từ nguồn biên chế được giao của tỉnh, trên cơ sở đó có kế hoạch, giải pháp cụ thể để bố trí, kiện toàn biên chế của các cơ quan tư pháp địa phương theo quy định của Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV và các văn bản có liên quan.
Riêng đối với đội ngũ cán bộ tư pháp - hộ tịch cấp xã, Bộ Tư pháp cũng rất quan tâm, thực hiện nhiều giải pháp giúp các địa phương có cơ sở bố trí đủ số lượng công chức tư pháp - hộ tịch nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao như đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành có liên quan ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn việc bố trí đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch. Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp cũng đã có nhiều văn bản đề nghị các địa phương quan tâm củng cố, kiện toàn cơ quan tư pháp địa phương, đặc biệt là đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã.
Trong bối cảnh thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, tổ chức bộ máy của Đảng và Nhà nước hiện nay, Bộ Tư pháp đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quan tâm, bố trí kinh phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan tư pháp trên địa bàn, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ các cơ quan tư pháp trên địa bàn tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu, nhiệm vụ được giao.