Tiếp sức cho Tân Kỳ giảm nghèo bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Về huyện miền núi Tân Kỳ, phía Tây Bắc tỉnh Nghệ An vào đúng dịp huyện long trọng tổ chức kỷ niệm 60 năm ngày thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì, chúng tôi chứng kiến bức tranh nông thôn mới đang từng ngày đổi mới, nhà ở khang trang ngày càng nhiều thêm giữa những vườn cây xanh ngút tầm mắt.

Mảnh "đất thiếu mưa thừa đá sỏi" này đang thay da đổi thịt khi người nghèo được tín dụng chính sách xã hội của Chính phủ làm trợ lực, đã và đang dần tìm cho mình hướng đi đúng là thoát nghèo bền vững, ổn định để làm giàu.

Người nghèo ở Tân Kỳ vay vốn chính sách ươm cây giống lâm nghiệp. Ảnh: Việt Hải

Thành công từ ý thức

Nói đến xã Tân Hương, huyện Tân Kỳ, người ta không khỏi nhớ đến sản phẩm mật mía nổi danh mà xã đang hướng tới tiêu chuẩn OCOP.

Lợi thế đất vườn đồi rộng, có đường Hồ Chí Minh chạy qua và chỉ cách trung tâm huyện khoảng 6km không chỉ giúp người dân Tân Hương nâng cao chất lượng sống với cây mía mà còn phù hợp với việc phát triển nghề ươm giống cây lâm nghiệp và mô hình kinh tế trang trại, gia trại. Định hướng phát triển kinh tế của Tân Hưng được hiện thực hóa cùng với việc NHCSXH huyện Tân Kỳ lồng ghép các chính sách tín dụng cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn.

Đơn cử như gia đình ông Trần Văn Luận, ở xóm Vĩnh Tân, xã Tân Hương trước đây thuộc diện hộ nghèo kinh niên, kinh tế gia đình khó khăn. Nhà có 5 người (2 vợ chồng và 3 con đứa con) chen chúc trong căn nhà cũ tạm bợ. Gia đình có đất nhưng nuôi 3 đứa con ăn học còn khó khăn lấy đâu ra tiền tích lũy cải tạo vườn. Vì vậy, năm 2014 được Hội Nông dân vận động, Tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét, đề nghị NHCSXH huyện cho vay vay 30 triệu đồng vốn hộ nghèo để chăn nuôi bò sinh sản, từ đó cánh cửa sinh kế mới của gia đình ông cũng dần mở ra.

Năm 2017 ông Luận đã trả hết nợ. Tuy nhiên vẫn thuộc diện hộ nghèo của xã, đến năm 2019 ông mạnh dạn đăng ký vay 50 triệu đồng cũng từ chương trình hộ nghèo. Nhờ rút được kinh nghiệm trong chăn nuôi, sự chăm chỉ và chịu khó của các thành viên trong gia đình, ông đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi bò sinh sản, chăn nuôi lợn sinh sản và đầu tư vườn ươm cây giống. Sau 2 năm hộ gia đình ông đã thoát nghèo, là hộ có thu nhập cao trong xã. Hiện tại gia đình ông thường xuyên nuôi 3 con bò sinh sản, 14 con lợn nái và vườn ươm cây giống, thu nhập năm 2021 khoảng hơn 200 triệu đồng.

Có thể thấy, tín dụng chính sách xã hội đã và đang là trợ lực giúp những người yếu thế có thêm động lực phát triển kinh tế, cải thiện chất lượng sống và đặc biệt đã giúp họ hòa mình vào dòng chảy kinh tế địa phương. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người đạt 39,7 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 4,05%. Tân Hương đang hoàn thành tiếp 2 tiêu chí giao thông và thể chế văn hóa để cán đích nông thôn mới.

Nguồn vốn chính sách cũng đang nuôi dưỡng truyền thống của vùng đất hiếu học, giúp nhiều học sinh, sinh viên không phải gián đoạn ước mơ học đại học, cao đẳng vì không có học phí. Đây cũng là một con đường giảm nghèo bền vững.

Gia đình bà Phan Thị Mai, ở xóm Nghĩa Hoà, xã Nghĩa Phúc là ví dụ. Năm 2011 thuộc diện hộ nghèo, nhưng các con của bà lại hiếu học. Vì vậy, nguồn vốn cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền 128,6 triệu đồng đã giúp bà nuôi 3 con đi học đại học. Bên cạnh đó, từ 16 triệu đồng nguồn vốn vay chương trình dự án phát triển lâm nghiệp, bà đã mạnh dạn vay thêm 40 triệu chương trình cho vay hộ cận nghèo. Nhờ đó mà bà đã chịu khó sản xuất chăn nuôi, đồng thời dạy con ngoan học giỏi, đến nay các con của bà đã ra trường và có việc làm thu nhập cao và ổn định, cùng với gia đình trả nợ ngân hàng, tích cóp gửi tiền tiết kiệm tại NHCSXH.

Những câu chuyện như thế đang xuất hiện ngày càng nhiều trên mảnh đất Tân Kỳ. Với tâm thế “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, thế hệ các cán bộ NHCSXH huyện Tân Kỳ hơn 20 năm qua luôn đoàn kết, gần dân, sát với dân, tận tụy, tận tâm phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Sự tận tâm này có thể thấy từ việc NHCSXH huyện tập trung huy động các nguồn lực tài chính đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến 31/12/2022, tổng nguồn vốn hoạt động của NHCSXH huyện Tân Kỳ đạt hơn 557 tỷ đồng, tăng 540 tỷ đồng (gấp hơn 31 lần) so với thời điểm đầu hoạt động (năm 2003). Trong đó, ngân sách huyện và xã ủy thác qua NHCSXH huyện là 3 tỷ đồng.

Nguồn vốn cho vay trên địa bàn huyện Tân Kỳ không ngừng tăng trưởng là điểm tựa để đơn vị ngày càng đáp ứng được tốt hơn nhu cầu vay của người nghèo và các đối tượng chính sách khác tại địa phương.

Hơn 20 năm thực hiện tín dụng chính sách theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ, huyện Tân Kỳ đã tập trung nguồn lực tín dụng qua NHCSXH cho vay được 85.700 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với doanh số cho vay đạt 1.674 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 1.166 tỷ đồng.

Nguồn vốn chính sách đã được đầu tư đến 100% xã trên địa bàn huyện, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận nguồn vốn một cách thuận lợi, kịp thời, giúp cho 85.700 lượt hộ nghèo được vay vốn, góp phần giúp cho 5.631 hộ thoát nghèo; thu hút tạo việc làm cho trên 3.300 lao động; giúp cho 19.124 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, không để học sinh, sinh viên nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính; hỗ trợ xây mới, cải tạo 17.572 công trình nước sạch vệ sinh môi trường ở nông thôn; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 1.899 ngôi nhà cho hộ nghèo và các đối tượng thu nhập thấp...

Nguồn vốn chính sách đã góp phần nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người từ 3,5 triệu đồng/người năm 2002 lên 38,5 triệu đồng/người năm 2021 (tăng hơn 11 lần so với năm 2002), giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện từ 33,37% năm 2002 xuống còn 9,74% cuối năm 2021, đời sống của nhân dân đặc biệt là người nghèo ngày càng được cải thiện.

“Những kết quả đạt được 20 năm qua đã khẳng định vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện, là công cụ, giải pháp có tính căn cơ, lâu dài để Huyện ủy, HĐND, UBND huyện thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, phục hồi, phát triển kinh tế, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19”, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ Nguyễn Văn Thực nhận định.

Cùng chung tay giảm nghèo

Tuy nhiên, giảm nghèo ở Tân Kỳ chưa thực sự bền vững. Số hộ đã thoát nghèo nhưng mức thu nhập nằm sát chuẩn nghèo còn lớn; vẫn còn có hộ tái nghèo; đời sống của nhân dân, nhất là dân cư ở vùng nông thôn vùng khu vực III còn nhiều khó khăn, lạc hậu. Kết quả tổng điều tra rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, số hộ nghèo, cận nghèo có mức thu nhập thấp mà còn thiếu hụt nhiều chỉ số về tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như giáo dục, y tế, nhà ở, thông tin... 25% người lao động trong độ tuổi có việc làm không ổn định.

Để giải quyết vấn đề này, UBND huyện Tân Kỳ đã ban hành Đề án giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022 - 2025 với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 1,5 - 2%/năm theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021 - 2025, (riêng các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 20% trở lên, giảm bình quân từ 2 - 2,5%/ năm); giảm tỷ lệ hộ cận nghèo bình quân từ 1 - 1,5%/năm. Đến năm 2025, đảm bảo hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận đầy đủ các chính sách về y tế, giáo dục, việc làm, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường và dịch vụ thông tin.

Là công cụ hữu hiệu trợ lực cho huyện Tân Kỳ về giảm nghèo bền vững, quý I/2023 NHCSXH huyện Tân Kỳ tiếp tục đa dạng hóa nguồn vốn, đặc biệt đã tham mưu cho UBND huyện chuyển 300 triệu đồng từ ngân sách địa phương để ủy thác sang NHCSXH, UBND xã chuyển 320 triệu đồng. Tiền lãi của các hộ vay là 15 triệu đồng cũng được hòa đồng với nguồn được cấp, nâng tổng nguồn vốn ngân sách địa phương uỷ thác là 3.620 triệu đồng, cơ bản hoàn thành cấp trên giao, để tập trung cho vay, giải bài toán thoát nghèo bền vững cho bà con.

Hiện nay, tổng nguồn vốn của NHCSXH huyện Tân Kỳ đạt 621 tỷ đồng, tăng 11,4% so với đầu năm 2023. Đây là cơ sở để đơn vị tiếp tục đáp ứng tối đa nhu cầu vốn của các hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Doanh số cho vay trong quý là 28.087 triệu đồng, cao hơn cùng kỳ năm trước 1.191 triệu đồng; với 651 lượt hộ được vay vốn từ đầu năm, bình quân mỗi hộ được vay 51,8 triệu đồng. Tính đến 31/3/2023 tổng dư nợ đạt 569 tỷ đồng, tăng 12 tỷ đồng so với đầu năm, tốc độ tăng 2,14%, hoàn thành 100% kế hoạch được giao, với 20 chương trình cho vay, 10.970 hộ vay. Nợ quá hạn và nợ khoanh chỉ chiếm tỷ lệ 0,15% tổng dư nợ. Điều đó cho thấy nguồn vốn tiếp tục phát huy hiệu quả trong đời sống.

Giám đốc NHCSXH huyện Tân Kỳ Phan Thanh Tú - Thành viên Ban chỉ đạo các mục tiêu quốc gia huyện Tân Kỳ cho biết, trong thời gian tới thực hiện Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030, NHCSXH huyện sẽ tiếp tục điều hành hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn có hiệu quả, đảm bảo cung cấp dịch vụ tới 100% người nghèo và các đối tượng chính sách đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn huyện trong những năm tiếp theo.

Tin cùng chuyên mục

Khu di tích lịch sử đền Hùng đang là điểm đến của hàng triệu người dân và du khách trong và ngoài nước

Hân hoan trẩy hội Đền Hùng

(PLVN) -  Không khí rộn ràng, vui tươi đang tràn ngập khắp nơi trên quê hương Đất Tổ với muôn sắc cờ hoa được điểm tô rực rỡ. Dưới chân núi Hùng, nô nức dòng người đổ về dâng hương, muôn triệu trái tim của người dân đất Việt cũng đang hướng về nguồn cội. Tất cả cùng hoà chung tạo nên một lễ hội đầy thiêng liêng nhưng cũng vô cùng sống động và rực rỡ sắc màu.

Đọc thêm

Huyện Cao Lộc (Lạng Sơn): Phát huy những tiềm năng, lợi thế để bứt phá đi lên

Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị Quan. (Ảnh: Lê Hanh)
(PLVN) - Là huyện miền núi nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Lạng Sơn, Cao Lộc từng được biết tới như một huyện khó khăn, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng hạn chế. Tuy nhiên, những năm gần đây, huyện đã tập trung mọi nguồn lực khai thác tốt lợi thế vùng biên giới, kinh tế cửa khẩu cùng với chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng Cao Lộc đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH).