- Những năm qua công tác cải cách hành chính đã được triển khai và thực hiện đồng bộ nhiều nội dung quan trọng. Tuy nhiên, lĩnh vực này còn tồn đọng một số vấn đề cần khắc phục. Với vai trò là Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
Ông Nguyễn Văn Đệ: Như chúng ta đã biết, thời gian gần đây, dư luận chú ý đến những vấn đề liên quan đến công tác giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực Y tế, với nhiều ý kiến xoay quanh các số liệu và đánh giá về tồn tại, khuyết điểm trong việc cung cấp dịch vụ công. Những thông tin này đã làm dấy lên sự quan tâm không chỉ từ phía người dân và doanh nghiệp, mà còn từ các chuyên gia và những người trực tiếp làm việc trong ngành y tế.
Đặt trong bối cảnh một ngành chịu nhiều áp lực cả về pháp lý, nhân lực và khối lượng công việc, trong những năm qua, vấn đề cải cách hành chính tại trong lĩnh vực Y tế lại càng trở thành đề tài cần được nhìn nhận toàn diện hơn, vừa để chỉ ra những điểm cần khắc phục, vừa ghi nhận những nỗ lực đã và đang được thực hiện nhằm mang lại sự minh bạch, hiệu quả cho hệ thống.
Là người trực tiếp theo dõi và đồng hành với hệ thống y tế tư nhân, một phần quan trọng của nền y tế quốc gia, tôi cảm nhận được sự cần thiết phải bổ sung một góc nhìn cân bằng hơn, để làm rõ những kết quả tích cực mà Bộ Y tế đã đạt được trong công tác cải cách hành chính, và tạo niềm tin và thúc đẩy sự đồng thuận từ người dân và doanh nghiệp, cùng hướng tới một hệ thống y tế minh bạch, hiệu quả và phục vụ tốt hơn cho cộng đồng.
- Ông đánh giá như thế nào về những giải pháp trong cải cách thủ tục hành chính mà Bộ Y tế đã triển khai thực hiện trong thời gian qua?
Ông Nguyễn Văn Đệ: Kể từ khi Việt Nam công bố hết dịch COVID-19, Bộ Y tế đã nhanh chóng triển khai các biện pháp cải cách mang tính đột phá, vừa xử lý tồn đọng, vừa xây dựng nền tảng bền vững cho nền y tế, được thể hiện rõ nét qua các chính sách và chương trình cụ thể.
Bộ Y tế đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 80/2023/QH15 nhằm tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 và gia hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành thuốc và nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 đến ngày 31/12/2024. Nghị quyết này đã tháo gỡ hàng loạt khó khăn cho các doanh nghiệp dược, đồng thời đảm bảo không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc – vấn đề từng làm đau đầu các cơ sở y tế. Các bệnh viện không còn cảnh thiếu hụt thuốc nghiêm trọng, đảm bảo quyền lợi điều trị của người bệnh.
Phải nhìn nhận khách quan rằng, một trong những vấn đề lớn ở Bộ Y tế tồn tại nhiều năm là sự chậm đổi mới, thậm chí có lúc, có nơi diễn ra tình trạng trì trệ trong nội bộ. Lãnh đạo Bộ Y tế đã kiên quyết yêu cầu đánh giá, kiểm điểm nghiêm túc các cá nhân, tập thể có liên quan đến các vi phạm trong công tác hành chính, đồng thời xây dựng quy trình chuẩn hóa, tăng cường đào tạo cán bộ và áp dụng công nghệ để nâng cao chất lượng đội ngũ phụ trách các lĩnh vực hành chính, đặc biệt là trong các lĩnh vực nhạy cảm như dược phẩm và trang thiết bị y tế. Nhờ các biện pháp này, công tác cải cách hành chính tại Bộ Y tế đã có sự chuyển biến tích cực, tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp.
Nét chuyển biến rõ ràng nhất mà tất cả chúng ta đều thấy, đó là trong 2 năm 2023–2024, Bộ Y tế đã tập trung hoàn thiện các văn bản pháp luật quan trọng, tạo nền móng cho một hệ thống y tế minh bạch và hiện đại hơn. Điển hình là Luật Khám bệnh, chữa bệnh với mục tiêu đặt người bệnh làm trung tâm, thúc đẩy tự chủ cho bệnh viện. Luật Dược (sửa đổi) giúp đơn giản hóa thủ tục, minh bạch giá thuốc và hỗ trợ doanh nghiệp. Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) cũng được mở rộng phạm vi chi trả, giúp người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ hơn. Những thay đổi này là bước tiến lớn, giúp ngành y tế vận hành hiệu quả hơn. Kèm theo đó là các nghị định và thông tư hướng dẫn các văn bản luật đảm bảo sự đồng bộ, khả thi, tính bền vững cho hệ thống pháp lý trong lĩnh vực y tế, đồng thời giải quyết tồn đọng thủ tục hành chính, tạo sự đổi mới toàn diện cho một hệ thống y tế minh bạch, hiện đại và nhân văn.
Song song với việc xây dựng pháp luật, Bộ Y tế cũng đẩy mạnh công tác kiểm tra các quy định pháp luật trong lĩnh vực y tế. Thông qua các cuộc họp chuyên sâu, những vấn đề như cấp phép hoạt động, quản lý khám chữa bệnh, môi trường và đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế đã được rà soát và điều chỉnh kịp thời.
Bộ Y tế đã thể hiện sự cởi mở và minh bạch trong việc coi trọng vai trò của y tế tư nhân – một thành tố không thể tách rời trong hệ thống y tế quốc gia. Bộ luôn đánh giá cao những đóng góp to lớn của cộng đồng y tế tư nhân, nhất là ở góc độ xây dựng chính sách, cải cách thủ tục hành chính. Trong các buổi tham vấn, ý kiến từ các tổ chức, doanh nghiệp y tế tư nhân được tiếp nhận và cân nhắc một cách nghiêm túc, giúp chính sách pháp luật y tế vừa phản ánh thực tiễn vừa thúc đẩy sự phát triển đồng bộ giữa hệ thống y tế công và tư. Sự phối hợp giữa y tế công - tư đã góp phần cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ, và xây dựng một hệ thống y tế minh bạch, hiện đại, vì lợi ích chung của người dân.
- Có ý kiến cho rằng, minh bạch trong việc thực hiện các thủ tục hành chính là thước đo của sự tiến bộ, nhằm hạn chế các tiêu cực phát sinh, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Đệ: Tôi cho rằng, nhận định nêu trên hoàn toàn đúng. Thực tế đã chứng minh trong 2 năm trở lại đây, Bộ Y tế đã đẩy mạnh và rất quyết liệt áp dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính. Thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến đã giúp giảm thời gian xử lý hồ sơ, tăng tính minh bạch và thuận lợi cho doanh nghiệp. Kết quả đã có 95% TTHC được giải quyết qua nền tảng này, giảm thiểu tối đa các tiêu cực phát sinh.
Riêng trong năm 2023, Bộ Y tế đã ban hành 16 quyết định nhằm sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ các TTHC thuộc phạm vi quản lý của mình. Cụ thể, Bộ đã công bố mới 17 TTHC, sửa đổi và bổ sung 127 TTHC, đồng thời bãi bỏ 45 TTHC; đã cắt giảm, đơn giản hóa 153 quy định TTHC và 14 quy định về điều kiện kinh doanh, giúp các doanh nghiệp dược, trang thiết bị y tế tiết kiệm được hơn 570 tỷ đồng. Đặc biệt, Bộ Y tế đã công khai toàn bộ TTHC thuộc phạm vi quản lý trên Cơ sở dữ liệu Quốc gia, trong đó bao gồm các lĩnh vực quan trọng như: dược, mỹ phẩm, y dược cổ truyền, khám chữa bệnh, trang thiết bị y tế và an toàn thực phẩm, với 100% tổ chức, cá nhân hài lòng khi giải quyết TTHC tại các đơn vị trực thuộc.
Ngoài ra, ngành Y tế cũng đã triển khai hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ, liên kết với các tiêu chí về xã nông thôn mới nâng cao, đặc biệt là việc ứng dụng CNTT trong các hoạt động y tế: Đăng ký khám, chữa bệnh BHYT bằng Căn cước công dân đạt tỷ lệ gần 96%; Thanh toán viện phí không dùng tiền mặt đạt hơn 55% cơ sở y tế đã thực hiện; Liên thông giấy chứng sinh, giấy chứng tử đạt tỷ lệ 100%, giúp giảm đáng kể thời gian và thủ tục cho người dân…
Những động thái này thể hiện nỗ lực của Bộ Y tế trong việc cải cách hành chính, nhằm đơn giản hóa quy trình, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy phát triển kinh tế.
Chúng ta không phủ nhận rằng ngành Y tế vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức. Tuy nhiên, trong một lĩnh vực phức tạp như y tế – nơi mỗi thủ tục, mỗi chính sách đều có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân – cải cách hành chính không thể là câu chuyện có thể giải quyết trong một sớm một chiều. Đó là một hành trình dài, đòi hỏi sự kiên trì, quyết tâm và sự phối hợp đồng lòng từ tất cả các bên liên quan: lãnh đạo, nhân viên y tế, người dân và doanh nghiệp.
Theo quan điểm của tôi, chúng ta nên nhìn nhận rằng câu chuyện cải cách hành chính y tế không chỉ dừng lại ở các con số hay báo cáo, mà còn nằm ở niềm tin của xã hội vào một hệ thống đang từng ngày thay đổi theo hướng tích cực hơn. Với những kết quả đã đạt được, tôi tin rằng ngành Y tế đang đi đúng hướng. Một hệ thống minh bạch, hiệu quả và gần gũi hơn với người dân – đó là mục tiêu mà ngành đang hướng tới, và cũng là kỳ vọng của tất cả chúng ta vì một cộng đồng khỏe mạnh và phát triển bền vững.
Xin trân trọng cảm ơn ông!