Millau là một trong những chiếc cầu hiện đại nổi tiếng thế giới mà chính nhà đầu tư tự làm nên lịch sử cho nó để thu hút du khách đến tham quan, kinh doanh sản phẩm ngay từ khi được đưa vào sử dụng. Việt Nam có không ít chiếc cầu đã có sẵn một lịch sử đẹp nhưng đang bị lãng phí một cách đáng tiếc.
Cầu Long Biên, Hà Nội. |
Một đồng nghiệp làm báo ở Pháp cảnh báo, nếu sợ độ cao tốt nhất là không nên đặt chân đến cây cầu đó khi chúng tôi quyết định tham quan chiếc cầu cao nhất thế giới, Milau, nằm trên trục đường bộ huyết mạch từ Paris, thủ đô nước Pháp, đến vùng biển Địa Trung Hải.
Trên cầu Millau của Pháp
Millau đúng là thách thức cho những ai sợ độ cao và gió. Nơi đây, gió bạt ngàn và có thể bị thổi bay cả người nếu đi bộ trên cầu. Thậm chí, ngồi trong xe, có lúc tưởng như mình đang đi xuyên qua mây bởi thảng hoặc có những đám mây bay là đà bên ngoài cửa xe trông thật hữu tình.
Bắc qua thung lũng sông Tarn ở phía Nam nước Pháp và có chiều cao 343m, hơn cả tháp Eiffel đến 23m, Millau là chiếc cầu nắm giữ nhiều kỷ lục nhất so với các cây cầu nổi tiếng thế giới. Cầu có tới 7 cột trụ lớn, trong đó cột trụ cao nhất là 245m. Thông tin tại nhà trưng bày và giới thiệu công trình vĩ đại này cho thấy, cầu được một nhà đầu tư tư nhân làm chỉ trong vòng 3 năm (2001-2004) đã hoàn thành.
Điều đặc biệt là Tập đoàn xây dựng Pháp Eiffage, nhà đầu tư từng xây dựng tháp Eiffel ở Paris trước đây đã bỏ vốn đầu tư cho dự án cầu Millau trị giá khoảng 524 triệu USD để được quyền xây và thu phí qua cầu Millau trong vòng 75 năm. Theo những cư dân thường xuyên đi qua chiếc cầu này, kể từ khi cầu Millau được thông xe chính thức, mỗi tài xế sẽ phải trả khoản phí 5,60USD cho một lần qua cầu. Hằng ngày, có từ 10.000 đến 25.000 xe cộ các loại lưu thông trên chiếc cầu này. Điều đặc biệt do nằm ở tuyến đường huyết mạch nối phía Bắc, các nước châu Âu với miền Nam nước Pháp, vào kỳ nghỉ hè số xe đổ về đây cao hơn khi cư dân đến từ các nước Đức, Anh, Bỉ, miền Bắc nước Pháp đổ về biển Địa Trung Hải tắm biển và nghỉ dưỡng.
Không chỉ thu phí mấy chục ngàn chiếc xe qua lại hằng ngày này, ngay dưới chân cầu, là một bảo tàng nghệ thuật về kiến trúc hiện đại bằng hình ảnh, mô hình, phim… từ lúc nghiên cứu dự án, khởi công đến từng giai đoạn hợp long những nhịp cầu và khánh thành.
Đây là nơi tham quan lý thú, gây nhiều hứng khởi, tò mò cho du khách. Trên đường đến vùng biển Địa Trung Hải để tắm nắng, du thuyền ở cảng Sète, bảo tàng này là điểm dừng chân thú vị cua du khách và nơi đây, hằng ngày tạo ra nguồn thu không nhỏ của nhà đầu tư bằng việc bán quà lưu niệm và một loạt các dịch vụ đính kèm khác.
Cầu Millau đã phá 3 kỷ lục thế giới: Cột tháp trụ cầu cao nhất thế giới: Cột tháp P2 và P3, cao lần lượt 244,96m và 221,05m, phá kỷ lục của Pháp được lập trước đó bởi các cầu cạn Tulle và Verrières (141 m), và kỷ lục thế giới trước đó do cầu cạn Kochertal (Đức) nắm giữ, có chiều cao 181m vào thời điểm nó cao nhất. Cột cao nhất thế giới: đỉnh của cột tháp P2 cao 343m. Cầu Long Biên: là cầu cầy thép bắc qua sông Hồng ở Hà Nội, do Pháp xây (1899-1902) đặt tên Doumer. Cầu dài 2.500m gồm 19 nhịp và đường dẫn bằng đá. Cầu từng bị máy bay Mỹ ném bom 10 lần trong các năm 1665-1968, 4 lần vào năm 1972 và bị hư hỏng nặng. Cầu Hiền Lương: bắc qua sông Bến Hải, Quảng Trị. Là ranh giới chia cắt Việt Nam thành hai trong suốt 21 năm (1954-1975) Cầu Trường Tiền: dài 403m, gồm 6 nhịp dầm thép hình vành lược, bắc qua Sông Hương (Huế). Được xây dựng từ năm 1897 đến 1899 hoàn thành, do Tập đoàn Eiffel thiết kế. Đã từng mang lần lượt các tên: Cầu Thành Thái (tên vị vua nhà Nguyễn), Clémenceau, Cầu Nguyễn Hoàng, và bị hư hỏng nặng vào các năm 1946, 1968 bởi chiến tranh. Từ Festival Huế 2002, cầu được lắp đặt hệ thống chiếu sáng đổi màu hiện đại cho đến nay. Đây cũng là chiếc cầu tham gia các kỳ Festival Huế.. |
Nhớ về những chiếc cầu Việt
Ở Việt Nam, thật khó để nói về một chiếc cầu hiện đại vào tầm quốc tế như vậy. Song, Việt Nam đang có một “kho” cầu “ăm ắp” kỷ niệm mà không phải quốc gia nào cũng có được.
Cầu Long Biên (Hà Nội), cầu Hiền Lương (Quảng Trị) và thậm chí cầu Trường Tiền (Huế) là những chiếc cầu đang lưu giữ kho lịch sử quí báu của Việt Nam, lịch sử của đất nước trải qua nhiều cuộc chiến tranh chống thực dân và đế quốc.
Lịch sử đã qua rồi, những chứng tích lịch sử vẫn còn được gìn giữ nơi ấy. Không ai phủ nhận những chiếc cầu lịch sử ấy vẫn đang được bảo tồn gìn giữ, sừng sững đứng đó như nhân chứng lịch sử. Song chỉ có vậy thôi, không lãng quên cũng không được tôn tạo thường xuyên. Lịch sử thôi chưa đủ nếu ta biết khai thác lịch sử ở khía cách tốt nhất và làm kinh doanh từ lịch sử độc đáo đó. Tôi chợt nghĩ về dự án làm thương mại từ những chiếc cầu lịch sử này.
Với cầu Long Biên, Kiến trúc sư Nguyễn Nga, Việt kiều Pháp, người đã từng đề xuất ý tưởng đến năm lần bảy lượt, nên xây dựng cải tạo cầu thành một bảo tàng nghệ thuật và kiến trúc, đồng thời vẫn bảo đảm công năng giao thông của nó. Theo chia sẻ của bà Nguyễn Nga, bà đã từng tìm đến làm việc với nhà đầu tư cầu Millau để đặt vấn đề tìm phương án cải tạo và phát triển cho chiếc cầu Long Biên này. Cũng cần nói thêm, Long Biên thời Pháp thuộc cũng do nhóm kỹ sư từng làm tháp Eiffel thực hiện.
“Quan điểm của tôi là giữ nguyên vẹn các yếu tố kiến trúc còn lại của cầu (các nhịp, dầm thép, mố cầu) cầu Long Biên nhằm giữ lại một phần ký ức lịch sử xa xưa. Cầu sẽ được tái dựng những nhịp đã mất nhằm khôi phục hình dáng ban đầu”, Kiến trúc sư Nguyễn Nga nói.
Bà Nga cũng cho biết thêm là khôi phục Long Biên để khai thác yếu tố du lịch và cải thiện môi trường dân sinh quanh cầu và phát triển cầu thành bảo tàng lịch sử cận đại. Đó là ý tưởng không tồi. Tuy nhiên, sau hơn 5 năm, ý tưởng của vị Kiến trúc sư Việt kiều này vẫn còn nằm trên giấy.
Theo thông tin chúng tôi tìm hiểu, trong hoàn cảnh Việt Nam và đặc biệt với thành phố Hà Nội luôn xảy ra nạn tắt đường như hiện nay, việc biến ý tưởng của bà thành hiện thực còn gặp nhiều khó khăn. “Nhiều người trong ngành giao thông Việt Nam cho rằng, việc “bảo tàng hóa” cây cầu là chưa thực tế”, bà Nga nói. Như vậy, đến nay, Long Biên hằng ngày vẫn còn gồng gánh vai trò lịch sử của mình mà chưa có lời giải nào mới mẻ, hiện đại và kinh tế hơn.
Tương tự với cầu Hiền Lương ở Quảng Trị cũng vậy. Hiện tại đã có một chiếc cầu mới được xây song song để gách nhiệm vụ giao thông Bắc Nam. Cầu Hiền Lương lịch sử đứng oai nghi bên cạnh, đầu cầu có một bảo tàng nho nhỏ khiêm tốn. Chỉ có vậy thôi. Thu tiền từ du khách đến tham quan và mua quà lưu niệm ư?. Hầu như rất ít hiếm hoi.
Bảo tàng ở đầu cầu Hiền Lương với khối lượng kỷ vật manh mún, nghèo nàn và đôi khi na ná với những bảo tàng chiến tranh khác trên toàn lãnh thổ Việt Nam, dường như, khó thu hút những du khách am hiểu lịch sử và muốn tìm hiểu lịch sử một cách sâu hơn. Và như vậy, Cầu Hiền Lương ngày này, trẻ hơn nhiều so với Long Biên ở miền Bắc, vẫn đang chịu số phận kiểu “của để dành” và “cấm sờ vào hiện vật” vậy.
Nếu Long Biên và Hiền Lương đang nghỉ ngơi và làm vật chứng lịch sử thì cầu Trường Tiền ở Huế lại khác. Trường Tiền ở Huế, nơi từng bị gẫy sập 1 vài trong chiến tranh chống Pháp nắm 1946, rồi bị phá hủy trụ 3 và 4 trong trận Mậu Thân Huế 1968… cũng là nơi đang lưu giữ lịch sử chiến tranh chống xâm lược khó quên của đất nước.
Hòa bình về, Trường Tiền cũng chưa được nghỉ ngơi như anh bạn Hiền Lương ngoài kia, hằng ngày vẫn đóng vai trò giao thông quan trọng, vẫn giữ được nét đẹp mềm mại, kiêu sa khi được đặt vắt ngang dòng sông Hương đẹp như dải lụa. Trường Tiền, không chỉ có giá trị lịch sử mà còn là hồn, cốt cách văn hóa của mảnh đất thần kinh, đến nay, vẫn chưa có một bảo tàng nghệ thuật xứng tầm của nó.
Chỉ riêng với 3 chiếc cầu có lịch sử này, nếu so với chiếc cầu Millau hiện đại đến vĩ đại, hơi khập khiễng. Song với khối lịch sử có ý nghĩa, lãng mạn và đẹp như Long Biên, Hiền Lương và Trường Tiền, đến nay, Việt Nam chưa nghĩ làm kinh doanh từ 3 chứng tính lịch sử này, quả thật là quá phí phạm.
Lạc Sơn