Nói tiếp chuyện cậu con trai, bỗng dưng một ngày hỏi mẹ: Đời mẹ có bao giờ “giá như” không? Ồ có chứ, rất nhiều là khác, nhưng khi còn trẻ thôi. Còn giờ đã có tuổi rồi (chợt nhớ ra mình đã nửa đời người nếu như cách nói người xưa “trăm tuổi” là chuẩn xác về mặt số học) thì không còn “giá như” nữa.
Ngân nga giải thích cho cậu trai mà như đang nói cho chính mình: Còn trẻ, phần lớn ai cũng mắc sai lầm không lớn thì nhỏ, không nọ thì kia. Có làm có sai, có vấp ngã, có đứng lên, có trưởng thành. Hay nói đơn giản lại rằng, sai để mà lớn. Mà đã có sai thì tất có “giá như”. Giá như hôm ấy mình không làm như thế, giá như lần đó mình không thốt ra lời kia, giá như năm xưa mình không làm đau lòng nhau… Đủ muôn nỗi hối tiếc, muôn nẻo “giá như” của đời một con người trẻ.
Nhưng rồi thời gian đâu có dừng lại, cứ trôi xuôi ngoài ý muốn con người. Và tần suất của “giá như” cũng thưa dần đi theo độ trưởng thành, già lão của tuổi số học cũng như tuổi tính cách. Không “giá như” nữa không phải vì không còn hối tiếc, không còn sai. Mà là đã hiểu quá khứ là quá khứ chẳng thể thay đổi được, chỉ có thể chấp nhận và thi thoảng lúc vắng người lôi ra soi chiếu, đối diện với chính mình trong tấm gương hồi tưởng. Để nhắc nhớ mình về một thời đã qua, có sai, có đúng, có đau, có yêu, có rút kinh nghiệm và cũng có những quãng trượt dài không dừng lại…
Thế nếu không “giá như” nữa thì mẹ làm gì – cậu trai tò mò có vẻ như chưa hài lòng với câu trả lời có quá nhiều sự chiêm nghiệm già nua của người đối diện. Thì chuyển sang “nếu như” chứ còn sao nữa. Nếu như trời cho sống đến 70 tuổi thì mình sẽ làm gì để không trở thành gánh nặng cho ai, để sống vui, để tiếp tục cống hiến cho đời, cho người. Rồi 80 cũng vậy, 90, 100 cũng chả khác… Không ai đánh thuế giấc mơ, kể cả giấc mơ về con số tuổi tác nên cứ mạnh dạn mà mơ đi, đừng ngại ngần.
Không thấy có câu hỏi nữa, chắc người hỏi đã hài lòng hoặc tạm hài lòng, vì đằng nào chưa đến tầm có thể hiểu thấu nghĩ suy của một “người có tuổi”. Thôi đừng có hiểu làm gì, cứ sống vui đi rồi thời gian sẽ dạy, nhanh thôi, “bóng câu qua cửa sổ” mà.
***
Nhân nói chuyện thời gian, còn nhớ khi chào tạm biệt 2021 với những từ khóa đầy khốc liệt “dịch bệnh”, “cách ly”, “phong tỏa”…, người ta lạc quan rằng 2022 toàn quả bóng với thiên nga khi phiên từ hình dạng con số 2 và 0 sẽ là một năm “nổi”, một năm vui.
Nhưng rồi, có vui không, cả nhân loại chắc rằng quá nửa lắc đầu với dịch bệnh vẫn chưa chấp dứt, xung đột vũ trang, suy thoái kinh tế… trong bức tranh toàn cảnh. Bạo lực, hận thù, ganh đua, tham sân si, hỉ, nộ, ố, ái… trong bức tranh của mỗi cá nhân, mỗi tập thể, mỗi gia đình.
Khó khăn, đau đớn là thế. Đã có những lúc tưởng như vĩnh viễn phải gục ngã, không thể vượt qua, nhưng rồi mỗi sớm mai mặt trời vẫn mọc. Loài người trong đó có ta vẫn ngẩng mặt chào mặt trời để sống tiếp, cho dù có kéo lê theo mình những hòn đá tảng của “cố gắng”, “nỗ lực”, “vượt qua”…
Và lại một lần nữa thời gian đâu có dừng lại, cứ trôi xuôi ngoài ý muốn con người. Thoắt cái nay đã là cuối năm. Kết thúc một vòng quay của trái đất, một chu kỳ mùa, một đoạn buồn vui của đời người. Năm mới đang đứng chờ ngoài cửa kia rồi.
Chợt nhớ, đọc đâu đó đoạn văn của một nhà văn nữ vốn nổi tiếng với những câu văn buồn. “Ngày xưa, tôi luôn chờ đợi Tết, vì nó rất đáng chờ đợi. Bây giờ thì tôi cũng vẫn còn chờ Tết, không phải vì áo mới, vì dưa hấu, mà muốn kết lại một chặng đời, để sau Tết mình sẽ sống những ngày mới. Để thấy những lỗi lầm, những dại dột đã thuộc về quá khứ, không thể chỉnh sửa. Thôi, không thèm day dứt…”. Thế đấy, thôi đừng day dứt nữa. Hãy dứt khoát buông bỏ, để đi tiếp chặng hành trình của số phận. Nhẹ gánh, nhẹ chân để tiếp tục vượt qua đá tảng cuộc đời.
Tiễn một năm buồn, nhưng dù sao vẫn cảm ơn nhiều lắm. Bởi trong bão giông mới biết rằng hoa hồng vẫn nở!