Bi kịch mối tình “rổ rá cạp lại”
Ngày 7/6, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.Hồ Chí Minh) đã tiếp nhận và điều trị vợ chồng chị Nguyễn Thị Thùy Dương (38 tuổi, ngụ huyện Tân Uyên, Bình Dương) bị bỏng 80% cơ thể và Nguyễn Hùng Tâm (44 tuổi) bị bỏng 30% cơ thể.
Theo các bác sĩ, chị Dương bị bỏng toàn thân và đang trong tình trạng rất nguy kịch. Hiện tại sức khỏe của chị Dương vẫn còn rất yếu nếu không muốn nói là nguy kịch nên được điều trị trong phòng cách ly đặc biệt.
Bị bỏng nhẹ hơn vợ, Tâm đang được nằm điều trị tại phòng 4, khoa bỏng. Nằm trên giường bệnh, người chồng vẫn chưa thể tiếp xúc và nói chuyện với người khác, nạn nhân bị bỏng phần trên của cơ thể, nặng nhất là vùng đầu. Luôn túc trực bên giường bệnh, người anh trai của nạn nhân chạy đôn chạy đáo lo chăm sóc cho người em dại dột.
Nguyễn Hùng Tâm đang nằm điều trị trong viện. |
Kể về Tâm, người anh cho biết, Tâm đã từng có một đời vợ và có một người con trai. Còn chị Dương cũng đã có một đời chồng và có con riêng năm nay đã 18 tuổi. Tâm không có công việc ổn định, thi thoảng có đi làm thợ hồ, thời gian rảnh ai thuê gì làm lấy, còn chị Dương đi lặt lá hành thuê. Tâm đến gia đình nhà chị Dương ở rể được khoảng 4 năm nay.
Cũng theo lời người thân chia sẻ, Tâm là con út trong gia đình có 12 anh chị em. Từ nhỏ Tâm có biểu hiện thần kinh không bình thường, tính tình hay nóng nảy. Tuy nhiên, ngày đó gia đình đã có lần đưa Tâm đến bệnh viện thăm khám nhưng các bác sĩ bảo anh không có bệnh. Kể từ đó, gia đình cũng chưa đưa Tâm đi khám thêm lần nào.
Anh trai Tâm xót xa khi nói về người em trai. |
Năm 2015, trong một lần bực tức, Tâm còn lấy nước sôi hất vào người anh trai khiến anh này bị bỏng ở vùng bụng. Ngoài ra, Tâm còn có thói quen uống rượu bia nên không khí trong gia đình luôn căng thẳng. Cuộc sống hàng ngày giữa hai vợ chồng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, bất đồng. Rạng sáng 7/6, cả hai xảy ra một cuộc cãi vã nảy lửa. Sau đó, Tâm đã tạt dầu rồi bật lửa thiêu sống chị Dương khiến cả hai bị bỏng nặng.
Anh trai Tâm cung cấp thêm, sau khi xảy ra sự việc đáng tiếc trên, việc chạy chữa cho Tâm và chị Dương đều do hai gia đình tự lo. Hoàn cảnh khó khăn, sau khi xảy ra sự việc, người thân trong gia đình phải cắt cử người chăm sóc cho Tâm.
Anh trai của nạn nhân cũng tiết lộ, nguyên nhân sự việc bắt nguồn từ việc mâu thuẫn về chuyện tiền bạc nên Tâm và chị Dương mới xảy ra cãi vã. “Bây giờ gia đình tôi chỉ biết chạy chữa cho chú ấy, còn mọi chuyện với gia đình cô Dương như thế nào thì sau đó tính tiếp”, anh trai Tâm nói.
Hiện cơ quan chức năng đang túc trực để tiến hành lấy lời khai của Tâm, điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc.
Đừng để đồng tiền giết chết tình thân
Vụ việc trên khiến dư luận địa phương hết sức bàng hoàng. Đáng buồn hơn là nguyên nhân dẫn đến những mâu thuẫn lại xoay quanh vấn đề tiền bạc. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu Tâm bình tĩnh để giải quyết những vướng mắc trong cuộc sống vợ chồng thì tấm bi kịch này đã không xảy ra.
Chia sẻ về trường hợp trên, Thạc sĩ tâm lý Ngô Toàn đưa ra ý kiến đánh giá: Tiền bạc là vấn đề tuy ẩn giấu song luôn làm nặng nề trong hầu hết các mối quan hệ, đặc biệt là trong mối quan hệ gia đình, vợ chồng. Cảm xúc và niềm tin về tiền bạc có thể phá hoại hiểu biết kiến thức cũng như dự tính tốt lành với các cặp vợ chồng.
Cách thức các cặp vợ chồng quản lý tiền bạc để lại nhiều hậu quả khó lường. Khi các cặp vợ chồng duy trì việc giữ tài chính tách biệt hoặc có sự tiếp cận không bình đẳng với số vốn chung, thì sự không bình đẳng trong các gia đình sẽ khó được làm rõ. Nếu vợ chồng khác hẳn nhau trong các ưu tiên chi tiêu, hoặc sự vị tha của họ, một người có thể tiêu phần “của riêng” trong số vốn chung (gồm cả chi phí cho con cái), đẩy tới tiềm năng tiêu pha khác biệt số tiền mà mỗi người chi dùng cho cá nhân.
“Con cái và gia đình trở thành yếu tố tác động đến vấn đề nghề nghiệp và việc chi trả thu nhập của người mẹ lớn hơn là người bố. Các cặp không góp đầy đủ thu nhập sẽ không chia sẻ chi phí này, khiến cho người phụ nữ ít cơ hội chi tiêu cho cá nhân. Cuối cùng, khi các cặp vợ chồng không đưa ra các quyết định tài chính cùng nhau, cả hai cho thấy nhiều bất mãn lớn về cuộc sống gia đình, so với các cặp cùng nhau quyết định”, Thạc sĩ Ngô Toàn bày tỏ quan điểm.
Luật sư Nguyễn Hồng Cơ – Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh nhận định, kẻ tạt dầu để thiêu người khác có thể bị truy tố một trong những tội theo qui định của Bộ luật hình sự như sau: Tội "cố ý gây thương tích" theo Điều 104 qui định: Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm; Gây thương tích từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%... thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm;
Gây thương tích từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%... thì bị phạt tù từ 5 năm đến 15 năm. Trường hợp phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Cùng đó, có thể truy tố tội "giết người" theo Điều 93 BLHS quy định: Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Giết nhiều người; b) Giết phụ nữ mà biết là có thai; c) Giết trẻ em; i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ; q) Vì động cơ đê hèn… Trường hợp phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.
Theo đó, bị truy tố tội "cố ý gây thương tích" khi người phạm tội muốn gây thương tích cho bị hại bằng cách thiêu để dằn mặt, hay muốn đốt cho bị hại sống dở chết dở, hoặc hủy hoại nhan sắc nạn nhân. Bị truy tố tội giết người khi kẻ thực hiện hành vi muốn thiêu chết nạn nhân để trả thù, hoặc giết để cướp tài sản…, do động cơ phạm tội muốn hậu quả chết người xảy ra, nên bị truy tố tội giết người. Trong trường hợp nạn nhân chỉ bị thương tích mà không chết là ngoài ý muốn của tội phạm, do đó, không xử tội "cố ý gây thương tích" mà xử tội "giết người".
“Dưới góc độ nhìn nhận của luật sư về cả lý lẫn tình trong mỗi vụ án, nhất là án mạng do tạt dầu thiêu chết bị hại, tôi muốn gửi lời khuyên đến những ai đang có ý định phạm tội: Hãy bình tĩnh, kìm chế trước những mâu thuẫn trong gia đình và ngoài xã hội. Hành xử theo quy định của pháp luật để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra rồi hối hận thì đã muộn. Hãy đặt hoàn cảnh nếu mình là nạn nhân của hành vi thiêu sống, chịu nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần có xót xa không? Khi đó chúng ta biết dừng tay trước khi hành động”, Luật sư Hồng Cơ cho biết.