Kết quả quan trọng và vô cùng ý nghĩa này thuộc về Công ty TNHH MTV Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH), với sự nỗ lực của nhóm nghiên cứu do Tiến sỹ, Bác sỹ Đỗ Tuấn Đạt đứng đầu.
Áp lực 5 năm xuống... 5 tháng
Tốt nghiệp Đại học Y khoa Hà Nội năm 1992, Bác sỹ Đạt học tiếp thạc sỹ về truyền nhiễm rồi về công tác tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Với nhiều kinh nghiệm và sự hiểu biết sâu sắc về chuyên môn cùng những đóng góp cho hoạt động nghiên cứu sản xuất vắc xin, ông được bổ nhiệm làm Chủ tịch VABIOTECH.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ông lại kêu gọi, động viên cán bộ VABIOTECH tiếp cận việc nghiên cứu vắc xin.
“Rất quyết tâm, nhưng áp lực cũng rất nặng trên trong bối cảnh công nghệ mới, nguyên liệu mới, bản thân mình thì chưa tìm hiểu hết các yếu tố, diễn biến của căn nguyên gây bệnh, trong khi dịch lại khó lường”, lời Bác sỹ Đạt.
Áp lực lớn nhất chính là thời gian. Trước kia, để nghiên cứu sản xuất một vắc xin ít nhất mất 5 năm. Nhưng đối với vắc xin phòng Covid-19, nhóm đã rút ngắn thời gian chỉ còn... 5 tháng, với các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, trước khi đưa ra kết quả nghiên cứu ở quy mô sản xuất lớn.
“Trước đây, khi nghiên cứu phải tìm hiểu và trao đổi rất nhiều lần với các hãng cung cấp nguyên vật liệu, phải lặp đi lặp lại thí nghiệm hàng chục, hàng trăm lần. Nhưng lần này, chúng tôi đặt mục tiêu chỉ làm một lần và phải làm thành công. Bởi nếu phải đặt hàng, chờ chuyển trang thiết bị, nguyên liệu sẽ mất rất nhiều thời gian”, Bác sỹ Đạt nói.
Chờ ngày tới “đích”
Tại đây, các cán bộ, nhân viên cố gắng một thì lãnh đạo phải nỗ lực mười. Với trọng trách là lãnh đạo một doanh nghiệp đặc thù liên quan nhiều đến khoa học công nghệ và đồng thời cũng là người phụ trách nhóm nghiên cứu, Bác sỹ Đạt suốt ngày “giam” mình trong phòng thí nghiệm để mày mò nghiên cứu… Không chỉ thế, ông thường xuyên theo dõi các buổi họp, trao đổi, tiếp cận các tài liệu, hỗ trợ cho việc nghiên cứu của cả nhóm.
Trên cơ sở có mối quan hệ với với Đại học Bristol (Anh), đầu tháng 1/2020, nhóm nghiên cứu thuộc VABIOTECH đã cử cán bộ bay sang Anh phối hợp với Đại học
Bristol tiến hành các nghiên cứu với virus SARS CoV2. Tới tháng 5/2020, tiến hành thử nghiệm trên chuột đã có những đáp ứng đầu tiên.
Trao đổi với PLVN, Bác sỹ Đạt chia sẻ, đây chỉ là đánh giá ban đầu, việc đáp ứng trên chuột trong phòng thí nghiệm không giống với việc đưa ra sản xuất. Vì đây không chỉ sản xuất ra một số liều để thử nghiệm mà cần sản xuất một số lượng lớn để cung cấp cho cộng đồng.
Một thách thức nữa là, sau chuột, phải đánh giá trên các nhóm động vật gần người như linh trưởng và khỉ. Nhưng chúng ta vẫn chưa có một khu vực để có thể làm việc đối với những động vật lớn như thế, trong khi các động vật này phải được thử với virus độc lực thì mới đánh giá được hiệu quả bảo vệ. Trên thực tế, nhóm chỉ có thể đánh giá miễn dịch còn việc đánh giá thử thách sẽ phải gửi mẫu sang Mỹ nhờ hỗ trợ.
“Với một vắc xin trước đại dịch thì đòi hỏi càng nhanh càng tốt, để ai cũng được tiêm. Tuy nhiên, chúng tôi bắt đầu đi một cách chậm hơn, chứ không dám nhanh. Vì khi nhanh quá, đến lúc phải làm lại sẽ khó khăn hơn nhiều!”, đại diện VABIOTECH nói.
Vắc xin phải đạt được mục tiêu cuối cùng là ngăn ngừa việc lây truyền virus. Vì thế, nhóm nghiên cứu đang tiếp tục triển khai nghiên cứu để đưa ra những kết quả toàn diện nhất, chuẩn bị các đánh giá bổ sung trên động vật. Khi đã đáp ứng an toàn trên động vật, sẽ hoàn thiện số liệu, thử nghiệm trên người. Để có thế đạt tới “đích” như mong muốn, nhóm nghiên cứu hiện vẫn đang nỗ lực tìm hiểu về hiệu quả miễn dịch kéo dài, cách thức đưa vắc xin vào cơ thể, hiệu quả bảo vệ trên đối tượng nguy cơ, người già…