Thường xuyên, kiên trì học tập và làm theo Tư tưởng Hồ Chí Minh trong Đảng Bộ Bộ Tư pháp

Thường xuyên, kiên trì học tập và làm theo Tư tưởng Hồ Chí Minh trong Đảng Bộ Bộ Tư pháp
(PLO) - Khoản 1 Điều 4 Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định “Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. 

Tư tưởng Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và nhân dân ta. Học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh là một chủ trương lớn, liên tục, lâu dài của Đảng ta. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng khẳng định “…tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, coi đó là công việc thường xuyên của các tổ chức đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội…”.

Tư tưởng Hồ Chí Minh là hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Dựa trên những kết quả nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, Đại hội IX của Đảng (tháng 4-2001) xác định tư tưởng Hồ Chí Minh gồm: Tư tưởng về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân; về quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; về phát triển kinh tế và văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; về chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, cán bộ, đảng viên vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân…Trong giai đoạn hiện nay cần thường xuyên, kiên trì học tập và làm theo những nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh trong sáu nhóm vấn đề sau đây:

Tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường của cách mạng Việt Nam

Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc, giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Độc lập dân tộc là nội dung cốt lõi của vấn đề dân tộc thuộc địa. Quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Với tinh thần đó người khẳng định quyết tâm: “Dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”, “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Người khẳng định: vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp có quan hệ chặt chẽ với nhau. Độc lập dân tộc mà chưa giành được thì vấn đề giai cấp cũng không giải quyết được. Giải phóng dân tộc tạo tiền đề để giải phóng giai cấp. Cách mạng giải phóng dân tộc trong thời đại mới phải do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Lực lượng của cách mạng giải phóng dân tộc là sức mạnh của toàn dân tộc. Trong lực lượng toàn dân tộc, Hồ Chí Minh hết sức nhấn mạnh vai trò động lực cách mạng của công nhân và nông dân, lực lượng nòng cốt trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc và con người được khẳng định trước toàn thế giới qua Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do người khởi thảo. Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền tảng cho một trật tự và pháp lý quốc tế mới về quyền con người, quyền dân tộc và sự bình đẳng giữa các quốc gia – dân tộc.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Theo Hồ Chí Minh, con đường cách mạng Việt Nam có hai giai đoạn: cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Độc lập dân tộc bao giờ cũng gắn liền với đời sống ấm no, hạnh phúc của quần chúng nhân dân, những người đã trực tiếp làm nên thắng lợi của cách mạng dân tộc dân chủ. Để bảo đảm vững chắc độc lập dân tộc, để không rơi vào lệ thuộc, đói nghèo, lạc hậu, chặng đường tiếp theo chỉ có thể là đi lên chủ nghĩa xã hội. Hồ Chí Minh khẳng định: chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng triệt để các dân tộc bị áp bức khỏi ách nô lệ; chỉ có cách mạng xã hội chủ nghĩa mới bảo đảm cho một nền độc lập thật sự, chân chính.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

Tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội: Chủ nghĩa xã hội là một chế độ do nhân dân làm chủ. Nhà  nước phải phát huy quyền làm chủ của nhân dân để huy động được tính tích cực và sáng tạo của nhân dân vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu, nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, trước hết là nhân dân lao động; là một xã hội phát triển cao về văn hóa, đạo đức, trong đó người với người là bạn bè, là đồng chí, là anh em; con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, có cuộc sống vật chất và tinh thần phong phú, được tạo điều kiện để phát triển hết mọi khả năng sẵn có của mình; là một xã hội công bằng và hợp lý, làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm thì không được hưởng; các dân tộc đều bình đẳng, miền núi được giúp đỡ để tiến kịp miền xuôi; là công trình tập thể của nhân dân, do nhân dân xây dựng dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về mục tiêu và động lực xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Về mục tiêu, Hồ Chí Minh khẳng định, xây dựng chủ nghĩa xã hội bao gồm cả chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội và xây dựng con người. Về động lực, Người chỉ rõ, quyết định nhất là con người, là nhân dân lao động, nòng cốt là công – nông – trí thức. Trong thực hiện, phải kết hợp giữa cá nhân với xã hội; coi trọng động lực kinh tế, phát triển kinh tế, sản xuất, kinh doanh, giải phóng mọi năng lực sản xuất. Phải quan tâm tới văn hóa, khoa học, giáo dục, coi đó là động lực tinh thần không thể thiếu của chủ nghĩa xã hội. Cần kết hợp nguồn lực bên trong với nguồn lực bên ngoài, sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; nội lực là quyết định nhất, ngoại lực là rất quan trọng.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Hồ Chí Minh khẳng định: cần căn cứ vào đặc điểm lịch sử cụ thể của mỗi nước để xác định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Người viết: “Tùy hoàn cảnh, mà các dân tộc phát triển theo con đường khác nhau. Có nước thì đi thẳng lên chủ nghĩa xã hội,…Có nước thì phải kinh qua chế độ dân chủ mới, rồi tiến lên chủ nghĩa xã hội…). Người chỉ rõ: “Xây dựng chủ nghĩa xã hội là một cuộc đấu tranh cách mạng phức tạp, gian khổ và lâu dài”. Về những nhân tố bảo đảm thực hiện thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Hồ Chí Minh chỉ rõ: phải giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước; phát huy tính tích cực, chủ động của các tổ chức chính trị - xã hội; xây dựng đội ngũ cán bộ đủ đức và tài, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa. Về phương châm xây dựng chủ nghĩa xã hội, Người chỉ rõ: “ta xây dựng chủ nghĩa xã hội từ hai bàn tay trắng đi lên thì khó khăn còn nhiều và lâu dài”, “phải làm dần dần”, “không thể một sớm một chiều”, “ai nói dễ là chủ quan và sẽ thất bại”. Tư tưởng chủ đạo của Hồ Chí Minh về bước đi của thời kỳ quá độ ở Việt Nam là phải qua nhiều bước, “bước ngắn, bước dài, tùy theo hoàn cảnh”, nhưng “chớ ham làm mau, ham rầm rộ…Đi bước nào vững vàng, chắc chắn bước ấy, cứ tiến tới dần dần”. Theo Hồ Chí Minh, biện pháp cơ bản, quyết định, lâu dài trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta là đem của dân, tài dân, sức dân làm lợi cho dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Phát triển kinh tế là nhiệm vụ quan trọng nhất trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “… nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng ta là phải xây dựng nền tảng vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, …có công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, có văn hóa và khoa học tiên tiến. Trong quá trình cách mạng xã hội chủ nghĩa, chúng ta phải cải tạo nền kinh tế cũ và xây dựng nền kinh tế mới, mà xây dựng là nhiệm vụ chủ chốt và lâu dài”. Phải xây dựng cơ cấu kinh tế công nghiệp và nông nghiệp hợp lý, Người khẳng định: “Nền kinh tế xã hội chủ nghĩa có hai chân là công nghiệp và nông nghiệp…hai chân không đều nhau, không thể bước mạnh được”. Công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa là mục tiêu phấn đấu chung, là con đường no ấm thực sự của nhân dân ta, Người viết: “Đời sống nhân dân chỉ có thể thật dồi dào, khi chúng ta dùng máy móc để sản xuất một cách thật rộng rãi: dùng máy móc cả trong công nghiệp và trong nông nghiệp. Máy sẽ chắp thêm tay cho người, làm cho sức người tăng lên gấp trăm, nghìn lần và giúp người làm những việc phi thường. Muốn có nhiều máy, thì phải mở mang các ngành công nghiệp làm ra máy, ra gang, thép, than, dầu…Đó là con đường phải đi của chúng ta: Con đường công nghiệp hóa nước nhà”. Người chỉ ra rằng, ở thời kỳ quá độ, nền kinh tế đó còn các hình thức sở hữu chính: “Sở hữu của nhà nước tức là của toàn dân. Sở hữu của hợp tác xã tức là sở hữu tập thể của nhân dân lao động. Sở hữu của người lao động riêng lẻ. Tư liệu sản xuất thuộc sở hữu của nhà tư bản”. Tương ứng với chế độ sở hữu là các thành phần kinh tế. Hồ Chí Minh xác định: “Trong chế độ dân chủ mới, có năm loại kinh tế khác nhau…Trong năm loại ấy, loại A [kinh tế quốc doanh] là kinh tế lãnh đạo và phát triển mau hơn cả. Cho nên kinh tế ta sẽ phát triển theo hướng chủ nghĩa xã hội chứ không theo hướng chủ nghĩa tư bản”. Phát triển kinh tế phải đi đôi với thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm là con đường đi đến xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội, xây dựng hạnh phúc cho nhân dân. Tăng gia là tay phải của hạnh phúc, tiết kiệm là tay trái của hạnh phúc”, “Sản xuất mà không tiết kiệm thì khác nào gió vào nhà trống”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, ba căn bệnh tham ô, lãng phí, quan liêu “là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ”. Loại kẻ thù này “khá nguy hiểm, vì nó không mang gươm mang súng, mà nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng công việc của ta”. Dù có cố ý hay không, tham ô, lãng phí, quan liêu “cũng là bạn đồng minh của thực dân và phong kiến”. “Nó làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí khắc khổ của cán bộ ta. Nó phá hoại đạo đức cách mạng của ta là cần, kiệm, liêm, chính”. Nó “phá hoại tinh thần, phí phạm sức lực, tiêu hao của cải của Chính phủ và của nhân dân. Tội lỗi ấy cũng nặng như tội lỗi Việt gian, mật thám”

Tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ Tổ quốc. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, lực lượng chính trị quần chúng và lực lượng vũ trang nhân dân là hai lực lượng chủ yếu tiến hành khởi nghĩa và đấu tranh cách mạng. Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến xây dựng lực lượng chính trị quần chúng. “Sự đồng tâm của đồng bào ta đúc thành một bức tường đồng xung quanh Tổ quốc”. Về lực lượng vũ trang, Người chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân gồm ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân, du kích. Đây cũng là một nội dung lớn và sáng tạo trong tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh. Theo Hồ Chí Minh, việc xây dựng bản chất cách mạng, ý thức và trình độ chính trị cho lực lượng vũ trang được đặc biệt quan tâm và tổ chức thực hiện một cách chặt chẽ, có hệ thống. “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”. Người xác định quân đội ta có ba nhiệm vụ: đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân sản xuất. Quân đội và lực lượng công an nhân dân đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng. Về sức mạnh của lực lượng vũ trang, Hồ Chí Minh nhấn mạnh vai trò của yếu tố con người khi nêu luận điểm “người trước, súng sau”. Trong quân đội, Người chủ trương xây dựng đội ngũ cán bộ quân sự, cả chính trị, quân sự, khoa học – kỹ thuật và hậu cần. Người nêu sáu yêu cầu cơ bản đối với người chỉ huy quân sự: “Trí – Dũng – Nhân – Tín – Liêm – Trung”. Để kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, Hồ Chí Minh luôn chăm lo xây dựng thế trận lòng dân. Về quốc phòng, Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng một nền quốc phòng toàn dân hùng mạnh.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân dân và đại đoàn kết toàn dân tộc

Về phạm trù nhân dân. Đối với Hồ Chí Minh, nhân dân là phạm trù cao quý nhất, một phạm trù chính trị chủ đạo trong học thuyết cách mạng của Người. “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Người khẳng định, dân khí mạnh thì binh lính nào, súng ống nào cũng không địch nổi. Người từng nói với cán bộ: “Nếu lãnh đạo khéo thì việc gì khó khăn mấy và to lớn mấy, nhân dân cũng làm được”. “Nhân dân ta rất cần cù, thông minh và khéo léo. Trong sản xuất và sinh hoạt, họ có rất nhiều kinh nghiệm quý báu”, do vậy cán bộ ta “cần tham gia tổng kết những kinh nghiệm quý báu ấy”. 

Về không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Hồ Chí Minh đã nói: “Chúng ta đã hy sinh phấn đấu để giành độc lập. Chúng ta đã tranh được rồi…Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”. Là công bộc, là đầy tớ của dân, thì Đảng, Chính phủ và mỗi cán bộ phải chăm lo cho đời sống của nhân dân, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Người nêu rõ mục tiêu của Nhà nước là: Làm cho dân có ăn. Làm cho dân có mặc. Làm cho dân có chỗ ở. Làm cho dân có học hành.

Về đại đoàn kết toàn dân tộc. Hồ Chí Minh đã khái quát luận điểm có tính chân lý về vai trò của khối đại đoàn kết, đó là: “Đoàn kết là sức mạnh, đoàn kết là thắng lợi”, “Đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của thành công”. Hồ Chí Minh đã nhiều lần nói: “Đoàn kết của ta không những rộng rãi mà còn đoàn kết lâu dài…Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ”. Người chỉ rõ: “Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân ta là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là nền gốc của đại đoàn kết. Nó cũng như cái nền của nhà, gốc của cây. Nhưng đã có nền vững, gốc tốt, còn phải đoàn kết các tầng lớp nhân dân khác”. Người viết: “Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ. Ta phải nhận rằng đã là con Lạc, cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ. Có như thế mới thành đại đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc sẽ vẻ vang”.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa và con người

Khái niệm văn hóa theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Theo nghĩa rộng, Người viết: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”. Theo nghĩa hẹp, Người viết: “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà, có bốn vấn đề cần chú ý đến, cũng phải coi là quan trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa. Nhưng văn hóa là một kiến trúc thượng tầng”.

Quan điểm của Hồ Chí Minh về xây dựng nền văn hóa mới. Nền văn hóa dân tộc phải được xây dựng trên năm điểm lớn sau đây: 1. Xây dựng tâm lý: tinh thần độc lập tự cường. 2. Xây dựng luân lý: biết hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng. 3. Xây dựng xã hội: mọi sự nghiệp liên quan đến phúc lợi của nhân dân trong xã hội. 4. Xây dựng chính trị: dân quyền. 5. Xây dựng kinh tế.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng con người. Hồ Chí Minh khẳng định, con người là vốn quý nhất, nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp cách mạng. Theo Người: “vô luận việc gì, đều do người làm ra, và từ nhỏ đến to, từ gần đến xa, đều thế cả”. Hồ Chí Minh khẳng định: “Trồng người” là yêu cầu khách quan, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cách mạng. Quan niệm của Hồ Chí Minh về con người mới xã hội chủ nghĩa gồm hai mặt gắn bó chặt chẽ với nhau. Một là, kế thừa những giá trị tốt đẹp của con người truyền thống. Hai là, hình thành những phẩm chất mới như: có tư tưởng xã hội chủ nghĩa; có đạo đức xã hội chủ nghĩa; có trí tuệ và bản lĩnh để làm chủ; có tác phong xã hội chủ nghĩa; có lòng nhân ái, vị tha, độ lượng. “Trồng người” là công việc “trăm năm”, không thể nóng vội “một sớm một chiều”, “việc học không bao giờ cùng, còn sống còn phải học”

Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân

Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy dân chủ. Theo Hồ Chí Minh, dân chủ có nghĩa “dân là chủ”. Người nhấn mạnh: “Nước ta là nước dân chủ, nghĩa là nước nhà do nhân dân làm chủ”, “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là nhân dân ta là người chủ”. “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”. Người viết: “Ở nước ta chính quyền là của nhân dân, do nhân dân làm chủ…Nhân dân là ông chủ nắm chính quyền, nhân dân bầu ra đại biểu thay mặt mình thi hành chính quyền ấy. Thế là dân chủ”. “chính quyền dân chủ có nghĩa là chính quyền do người dân làm chủ”. Nhiệm vụ của chính quyền dân chủ là phục vụ nhân dân”. Hồ Chí Minh quan niệm: dân là chủ và dân làm chủ thì Đảng, Chính phủ, cán bộ, đảng viên là đày tớ và làm đày tớ cho dân. Hồ Chí Minh coi dân chủ thể hiện ở việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Điều 6 Hiến pháp năm 1946 do Người chỉ đạo soạn thảo quy định: “Tất cả các cơ quan nhà nước đều phải dựa vào nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự kiểm soát của nhân dân. Tất cả các nhân viên cơ quan nhà nước đều phải trung thành với chế độ dân chủ nhân dân, tuân theo Hiến pháp và pháp luật, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân”. Trong việc xây dựng nền dân chủ ở Việt Nam, Hồ Chí Minh chú trọng tới việc xây dựng Đảng với tư cách là Đảng cầm quyền, Đảng lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo toàn xã hội. 

Quan điểm của Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân. Nhà nước của dân là tất cả mọi quyền lực trong nhà nước và trong xã hội đều thuộc về nhân dân. Nhà nước do dân là nhà nước do dân tạo ra và nhân dân tham gia quản lý. Hồ Chí Minh khẳng định: Việc nước là việc chung, mỗi người đều phải có trách nhiệm “ghé vai gánh vác một phần”. Nhà nước vì dân là nhà nước lấy lợi ích chính đáng của nhân dân làm mục tiêu. Tất cả đều vì lợi ích của nhân dân; ngoài ra, không có bất cứ một lợi ích nào khác. Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, Nhà nước Việt Nam mới là một Nhà nước mang bản chất giai cấp công nhân. Nhà nước dân chủ Việt Nam không thể thiếu pháp luật. Vì pháp luật là “bà đỡ” cho dân chủ. Dân chủ đích thực bao giờ cũng đi liền với kỷ cương phép nước. Mọi quyền dân chủ của người dân phải được thể chế bằng hiến pháp và pháp luật; ngược lại, hệ thống pháp luật phải bảo đảm cho quyền tự do, dân chủ của người dân được tôn trọng trong thực tế. Người khẳng định vai trò của pháp luật là: “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền” Người luôn chăm lo hoàn thiện hệ thống pháp luật. Ở cương vị Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh đã hai lần đứng đầu Ủy ban soạn thảo Hiến pháp (Hiến pháp năm 1946 và 1959), đã ký công bố 16 đạo luật, 613 sắc lệnh và nhiều văn bản dưới luật khác. Những yêu cầu của Người đối với đội ngũ cán bộ, công chức bao gồm: Tuyệt đối trung thành với cách mạng. Hăng hái, thành thạo công việc, giỏi chuyên môn, nghiệp vụ. Phải có mối liên hệ mật thiết với nhân dân. Cán bộ, công chức phải là những người dám phụ trách, dám quyết đoán, dám chịu trách nhiệm, nhất là trong những tình huống khó khăn. “thắng không kiêu, bại không nản”. Phải thưởng xuyên tự phê bình và phê bình, luôn luôn có ý thức và hành động vì sự lớn mạnh, trong sạch của Nhà nước.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng

Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng. Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, Đảng luôn luôn gắn bó với dân tộc, “là con nòi” của dân tộc, được toàn dân gọi là Đảng ta. Hồ Chí Minh khẳng định: Cách mệnh trước hết “phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”. Hồ Chí Minh chỉ rõ: Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân, đội tiên phong của giai cấp công nhân, mang bản chất giai cấp công nhân. Bản chất giai cấp công nhân của Đảng dựa trên cơ sở Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lênin làm nền tảng tư tưởng, thực hiện vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Xây dựng Đảng là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương trước hết phải xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Người chỉ rõ: Đảng sống trong xã hội, là một bộ phận hợp thành cơ cấu của xã hội. Tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên ở các cấp, giữ các chức vụ đều chịu ảnh hưởng, tác động của môi trường, các quan hệ xã hội, cả cái tốt và cái xấu, cái tích cực, tiến bộ và cái tiêu cực, lạc hậu. Do đó, tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên rèn luyện. Đảng phải thường xuyên chú ý đến việc chỉnh đốn Đảng. Trong điều kiện Đảng đã trở thành Đảng cầm quyền, việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng càng phải tiến hành thường xuyên hơn. Người chỉ rõ: Quyền lực có tính hai mặt. Một mặt, quyền lực có sức mạnh to lớn để cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới nếu biết sử dụng đúng. Mặt khác, quyền lực cũng có sức phá hoại ghê gớm nếu người nắm quyền lực bị thoái hóa, biến chất, biến quyền lực của nhân dân thành quyền lực cá nhân…Hồ Chí Minh lưu ý: Việc học tập, nghiên cứu, tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lênin phải luôn phù hợp với từng đối tượng. Việc vận dụng những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin phải luôn phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể của nước ta trong từng thời kỳ. Theo Hồ Chí Minh, đường lối chính trị là một vấn đề cốt tử trong sự tồn tại và phát triển của Đảng. Người cảnh báo nguy cơ sai lầm về đường lối chính trị gây hậu quả nghiêm trọng đối với vận mệnh của Tổ quốc, sinh mệnh chính trị của hàng triệu đảng viên và nhân dân lao động. Về hệ thống tổ chức của Đảng, Hồ Chí Minh khẳng định sức mạnh của Đảng bắt nguồn từ tổ chức. Hệ thống tổ chức của Đảng từ Trung ương đến cơ sở phải thật chặt chẽ, có tính kỷ luật cao. Trong hệ thống tổ chức đảng, Hồ Chí Minh rất coi trọng vai trò của chi bộ. Chi bộ là tổ chức hạt nhân, quyết định chất lượng lãnh đạo của Đảng; là môi trường tu dưỡng, rèn luyện và cũng là nơi giám sát đảng viên. Chi bộ có vai trò quan trọng trong việc gắn kết giữa Đảng với quần chúng nhân dân. Về công tác cán bộ, Người luôn quan tâm xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên có đức, có tài. Theo Người: “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt ra chính sách cho đúng. Vì vậy, cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”. Theo người, “Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”. Tuy nhiên, Người cũng yêu cầu: “Khi cất nhắc một cán bộ, cần phải xét rõ người đó có gần gũi quần chúng, có được quần chúng tin cậy và mến phục không. Lại phải xem người ấy xứng với việc gì. Nếu người có tài mà dùng không đúng tài của họ, cũng không được việc. Nếu cất nhắc không cẩn thận, không khỏi đem người bô lô ba la, chỉ nói mà không biết làm, vào những địa vị lãnh đạo. Như thế rất có hại”. Đặc biệt, Hồ Chí Minh phê bình mạnh mẽ việc cất nhắc, bổ nhiệm cán bộ theo hướng cục bộ, địa phương, Người viết: “Có những đồng chí còn giữ thói “một người làm quan cả họ được nhờ”, đem bà con, bạn hữu đặt vào chức này việc kia, làm được hay không, mặc kệ. Hỏng việc, đoàn thể chịu, cốt cho bà con, bạn hữu có địa vị là được”. “Tư túng – kéo bè, kéo cánh, bà con bạn hữu mình, không tài năng gì cũng kéo vào chức này chức nọ. Người có tài có đức, nhưng không vừa lòng mình thì đẩy ra ngoài. Quên rằng việc là việc công, chứ không phải việc riêng gì dòng họ của ai”. Người căn dặn: “Cất nhắc cán bộ, phải vì công tác, tài năng, vì cổ động cho đồng chí khác thêm hăng hái. Như thế, công việc nhất định chạy. Nếu vì lòng yêu ghét, vì thân thích, vì nể nang, nhất định không ai phục, mà gây nên mối lôi thôi trong Đảng. Như thế là có tội với Đảng, có tội với đồng bào…”. Về nguyên tắc đoàn kết thống nhất trong Đảng, Người chỉ rõ: Muốn đoàn kết thống nhất phải thực hành dân chủ rộng rãi ở trong Đảng, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình, thường xuyên tu dưỡng đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân và các biểu hiện tiêu cực khác, phải “sống với nhau có tình, có nghĩa”. “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Có đoàn kết tốt thì mới tạo ra cơ sở vững chắc để thống nhất ý chí và hành động, làm cho “Đảng ta tuy nhiều người, nhưng khi tiến đánh thì chỉ như một người”. 

Tin cùng chuyên mục

Hội thảo về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại Đồng Nai và TPHCM

Hội thảo về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại Đồng Nai và TPHCM

(PLVN) -  Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa tại TP.HCM cập nhật kiến thức pháp luật, nâng cao năng lực cạnh tranh, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) phối hợp với Báo pháp luật Việt Nam, Video pháp luật tổ chức hội thảo về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại Đồng Nai và TPHCM, sẽ diễn ra vào ngày 24 và 25/12/2024.

Đọc thêm

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh kết thúc tốt đẹp chuyến thăm và làm việc tại CHDCND Lào

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh kết thúc tốt đẹp chuyến thăm và làm việc tại CHDCND Lào
(PLVN) -Ngày 20/12/2024, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cùng Đoàn công tác Bộ Tư pháp đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm và làm việc tại CHDCND Lào. Cùng đi với Bộ trưởng có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc và một số Thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ.

Thảo luận, đánh giá việc xử lý kết quả rà soát văn bản QPPL thực hiện từ năm 2020 đến nay

Thảo luận, đánh giá việc xử lý kết quả rà soát văn bản QPPL thực hiện từ năm 2020 đến nay

(PLVN) - Ngày 20/12, tại Quảng Nam, thực hiện Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) và nhiệm vụ được Bộ trưởng Bộ Tư pháp giao, Cục Kiểm tra văn bản QPPL tổ chức “Hội thảo lấy ý kiến góp ý, đánh giá đối với việc xử lý kết quả rà soát văn bản do Tổ công tác và các bộ, ngành thực hiện từ năm 2020 đến nay”.

Nồng ấm mối quan hệ Tư pháp Việt Nam - Lào

Chiều 19/12, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh trao 20 máy tính do Bộ Tư pháp Việt Nam tặng Bộ Tư pháp Lào
(PLVN) - Chuyến công tác nước ngoài đầu tiên ở cương vị Bộ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam của Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh đến Lào thật đặc biệt và cả nhiều cảm xúc. Hội nghị Tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam – Lào mở rộng lần thứ 6 diễn ra tại thủ đô Vientiane, Lào kỳ vọng sẽ tiếp tục là sợi dây kết nối bền chặt mối quan hệ hợp tác, gắn bó, phát triển về công tác tư pháp và pháp luật giữa hai Bộ Tư pháp Việt Nam- Lào.

Báo Pháp luật Việt Nam trao tặng 'Mái ấm Tư pháp' ở Hậu Giang

Báo Pháp luật Việt Nam trao tặng 'Mái ấm Tư pháp' ở Hậu Giang
(PLVN) -  Chiều 18/12, Báo Pháp luật Việt Nam phối hợp Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) và Trường Cao đẳng Luật Miền Nam trao tặng “Mái ấm Tư pháp” cho chị Nguyễn Thị Nhung (nhân viên Trường Cao đẳng Luật miền Nam) tại khu vực 6, phường IV, TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang.

Hội đàm giữa hai Bộ Tư pháp Việt Nam- Lào: Vun đắp, phát triển mối quan hệ truyền thống, gắn bó

Toàn cảnh Hội đàm
(PLVN) - Chiều 18/12, trong chương trình thăm luân phiên Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào và tham dự Hội nghị tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam – Lào lần thứ 6 mở rộng tại Lào, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh đã Hội đàm với Bộ trưởng Tư pháp Lào Phây-vy Sỉ-bua-lị-pha. Cùng tham dự có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lào Đc Kệt Sạ Ná-Phôm Mạ Chăn. Về phía Việt Nam có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc.

Khẩn trương rà soát pháp luật chịu tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy

Thứ trưởng Trần Tiến Dũng phát biểu tại cuộc họp.
(PLVN) - Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật, nghị quyết liên quan để thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường tháng 2/2025, sáng 18/12, Bộ Tư pháp tổ chức cuộc họp để triển khai ý kiến chỉ đạo trên. Thứ trưởng Trần Tiến Dũng chủ trì cuộc họp.

Đoàn Đại biểu Quốc hội Đồng Nai giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật trong công tác thi hành án dân sự

Đoàn Đại biểu Quốc hội Đồng Nai giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật trong công tác thi hành án dân sự
(PLVN) - Sáng 17/12, Đoàn giám sát của đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đồng Nai do ông Quản Minh Cường – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh về việc thực hiện chính sách pháp luật trong công tác THADS từ ngày 1/10/2020 đến ngày 30/9/2024.